Lesovir: thuốc điều trị nhiễm virus viêm gan C mạn tính

2020-12-30 09:58 PM

Lesovir được chỉ định điều trị cho những bệnh nhân nhiễm virus viêm gan C mạn tính genotype 1, 4, 5 hoặc 6. Liều khuyến cáo của Lesovir là 1 viên, uống 1 lần/ngày cùng hoặc không cùng với thức ăn.

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Nhà sản xuất

Stellapharm J.V.

Thành phần

Mỗi viên: Ledipasvir 90mg, sofosbuvir 400mg.

Mô tả

Viên nén hình capsule, bao phim màu nâu, hai mặt khum, vát cạnh, một mặt khắc “H” và một mặt khắc “L18”.

Dược lực học

Nhóm dược lý: Thuốc kháng virus tác động trực tiếp.

Mã ATC: J05AP51.

Lesovir là một dạng kết hợp liều cố định của ledipasvir và sofosbuvir, những thuốc kháng virus tác động trực tiếp chống lại virus viêm gan C (HCV).

Ledipasvir là một thuốc ức chế protein NS5A của HCV, cần thiết cho sự sao chép virus. Sự chọn lọc đề kháng trong các nghiên cứu nuôi cấy tế bào và các nghiên cứu đề kháng chéo cho thấy cơ chế hoạt động của ledipasvir nhắm vào NS5A.

Sofosbuvir là một thuốc ức chế RNA polymerase phụ thuộc NS5B RNA của HCV, cần thiết cho sự sao chép virus. Sofosbuvir là một tiền chất nucleotid trải qua quá trình chuyển hóa trong tế bào để hình thành một chất triphosphat tương tự uridin (GS-461203) có hoạt tính dược lý, có thể được tích hợp vào RNA của HCV nhờ NS5B polymerase và có tác dụng kết thúc chuỗi. Trong một thí nghiệm sinh hóa, GS-461203 ức chế hoạt động polymerase của tái tổ hợp NS5B từ HCV genotype 1b và 4a với giá trị IC50 tương ứng là 3,3 và 2,7 microM. GS-461203 không ức chế DNA và RNA polymerase của người, cũng không ức chế RNA polymerase của ty thể.

Tác động kháng virus: Sự hiện diện của 40% huyết thanh người không có ảnh hưởng đến hoạt tính kháng HCV của sofosbuvir nhưng làm giảm hoạt tính kháng virus HCV của ledipasvir gấp 12 lần đối với các replicon HCV genotype 1 a.

Sự đề kháng chéo: Ledipasvir có hoạt tính đầy đủ chống lại đột biến thay thế S282T trên NS5B do đề kháng sofosbuvir trong khi tất cả các đột biến thay thế trên NS5A do đề kháng ledipasvir lại nhạy cảm với sofosbuvir. Cả ledipasvir và sofosbuvir đều có hoạt tính đầy đủ chống lại các đột biến thay thế do đề kháng với các nhóm thuốc kháng virus tác động trực tiếp khác theo các cơ chế tác động khác nhau, như các chất ức chế không nucleosid NS5B và các chất ức chế NS3 protease. Các đột biến thay thế NS5A do đề kháng ledipasvir có thể làm giảm hoạt tính kháng virus của các chất ức chế NS5A khác.

Dược động học

Hấp thu

Các đặc tính dược động học của ledipasvir, sofosbuvir và chất chuyển hóa chính trong tuần hoàn GS-331007 đã được đánh giá trên những người lớn khỏe mạnh và những người viêm gan C mạn tính. Sau khi uống Lesovir, nồng độ đỉnh trung bình của ledipasvir đạt được 4-4,5 giờ sau liều. Sofosbuvir được hấp thu nhanh chóng và nồng độ đỉnh trung bình trong huyết tương đạt được ~ 0,8-1 giờ sau liều. Nồng độ đỉnh trung bình trong huyết tương của GS-331007 đạt được 3,5-4 giờ sau liều.

Ảnh hưởng của thức ăn

Liên quan đến tình trạng đói, dùng liều đơn Lesovir với một bữa ăn có chất béo vừa phải (~ 600 kCal, 25-30% chất béo) hoặc chất béo cao (~ 1000 kCal, 50% chất béo) làm tăng AUC0-∞ của sofosbuvir khoảng 2 lần, nhưng không ảnh hưởng đáng kể đến Cmax của sofosbuvir. Mức tiếp xúc của GS-331007 và ledipasvir thì không thay đổi. Mức đáp ứng trong thử nghiệm pha 3 tương tự ở các đối tượng nhiễm HCV dùng Lesovir cùng hoặc không cùng với thức ăn. Có thể uống Lesovir không phụ thuộc vào thức ăn.

Phân bố

Ledipasvir gắn kết với protein huyết tương người trên 99,8%. Sau khi dùng liều đơn 90 mg [14C]-ledipasvir cho người khỏe mạnh, tỷ lệ 14C-phóng xạ trong máu/huyết tương dao động từ 0,51-0,66. Sofosbuvir gắn kết với protein huyết tương người khoảng 61-65% và sự gắn kết không phụ thuộc vào nồng độ thuốc trong khoảng từ 1-20 microgram/mL. GS-331007 gắn kết rất ít với protein huyết tương người. Sau khi dùng liều đơn 400 mg [14C]-sofosbuvir cho người khỏe mạnh, tỷ lệ chất có hoạt tính phóng xạ 14C trong máu/huyết tương khoảng 0,7.

Chuyển hóa

In vitro, không thấy ledipasvir được chuyển hóa bởi CYP1A2, CYP2C8, CYP2C9, CYP2C19, CYP2D6 và CYP3A4 ở người. Đã thấy có bằng chứng của sự chuyển hóa oxy hóa chậm thông qua một cơ chế chưa xác định được. Sau khi dùng liều 90 mg [14C]-ledipasvir, thuốc mẹ chiếm phần lớn nồng độ thuốc toàn thân (trên 98%). Ledipasvir tồn tại trong phân chủ yếu dưới dạng không đổi.

Sofosbuvir được chuyển hóa nhiều ở gan tạo thành chất giống nucleosid triphosphat GS-461203 có hoạt tính dược lý. Con đường hoạt hóa chuyển hóa liên quan đến quá trình thủy phân liên tiếp gốc ester carboxyl được xúc tác bởi cathepsin A của người (CatA) hoặc carboxylesterase 1 (CES1) và sự phân tách phosphoramidat bởi protein 1 gắn kết nucleotid có 3 histidin (HINT1), tiếp theo là sự phosphoryl hóa bởi con đường sinh tổng hợp pyrimidin nucleotid. Sự khử phosphoryl dẫn đến hình thành chất chuyển hóa nucleosid GS-331007 mà không thể tái phosphoryl hóa hiệu quả và thiếu hoạt tính chống HCV in vitro. Sau khi dùng liều đơn 400 mg [14C]-sofosbuvir, GS-331007 chiếm khoảng hơn 90% tổng nồng độ toàn thân.

Thải trừ

Sau khi dùng liều đơn 90 mg [14C]-ledipasvir, tổng tỉ lệ thu hồi trung bình của [14C]-phóng xạ trong phân và nước tiểu khoảng 87%, với hầu hết liều phóng xạ thu hồi từ phân (khoảng 86%). Ledipasvir dạng không đổi được bài tiết trong phân chiếm trung bình 70% liều dùng và chất chuyển hóa oxy hóa M19 chiếm 2,2% liều dùng. Những dữ liệu này cho thấy bài tiết qua mật ở dạng ledipasvir không đổi là đường thải trừ chính và qua thận là đường thải trừ phụ (khoảng 1%). Thời gian bán thải trung bình của ledipasvir sau khi dùng Lesovir là 47 giờ.

Sau khi dùng liều đơn 400 mg [14C]-sofosbuvir, tổng tỉ lệ thu hồi trung bình của liều dùng trên 92%, bao gồm khoảng 80% trong nước tiểu, 14% trong phân và 2,5% trong khí thở ra. Phần lớn liều sofosbuvir được thu hồi trong nước tiểu là GS-331007 (78%), trong khi sofosbuvir được thu hồi là 3,5%. Những dữ liệu này cho thấy sự thanh thải qua thận là con đường thải trừ chủ yếu cho GS-331007. Thời gian bán thải trung bình của sofosbuvir và GS-331007 sau khi dùng Lesovir tương ứng là 0,5 và 27 giờ.

Chỉ định và công dụng

Lesovir được chỉ định điều trị cho những bệnh nhân nhiễm virus viêm gan C mạn tính genotype 1, 4, 5 hoặc 6.

Liều lượng và cách dùng

Đường dùng: Uống.

Liều khuyến cáo của Lesovir là 1 viên, uống 1 lần/ngày cùng hoặc không cùng với thức ăn.

Thời gian điều trị: Tỷ lệ tái phát bị ảnh hưởng bởi người bệnh và các yếu tố virus cơ bản và khác nhau giữa các khoảng thời gian điều trị cho một số phân nhóm. Thời gian điều trị Lesovir được khuyến cáo dựa trên dân số bệnh nhân. Đối với bệnh nhân đồng nhiễm HCV/HIV-1.

Sử dụng cho trẻ em: Tính an toàn và hiệu quả của Lesovir chưa được thiết lập.

Sử dụng cho người cao tuổi: Không cần điều chỉnh liều Lesovir.

Suy thận nặng và bệnh thận giai đoạn cuối: Không cần điều chỉnh liều cho bệnh nhân suy thận nặng (độ lọc cầu thận ước tính [eGFR] < 30mL/phút/1,73m2) hoặc bệnh thận giai đoạn cuối (ESRD) do nồng độ cao hơn (đến 20 lần) của chất chuyển hóa chính của sofosbuvir.

Suy gan: Không cần điều chỉnh liều Lesovir cho bệnh nhân bị suy gan nhẹ hoặc trung bình hoặc nặng (Child-Pugh nhóm A, B hoặc C). Tính an toàn và hiệu quả của Lesovir chưa được thiết lập ở những bệnh nhân bị xơ gan mất bù.

Cảnh báo

Lesovir không nên dùng đồng thời với các thuốc khác có chứa sofosbuvir.

Chậm nhịp tim nặng và blốc tim:

Các trường hợp chậm nhịp tim nặng và blốc tim đã được ghi nhận khi sử dụng đồng thời Lesovir và amiodaron kèm hoặc không kèm các thuốc làm chậm nhịp tim khác. Hiện vẫn chưa rõ cơ chế.

Việc sử dụng đồng thời amiodaron bị hạn chế qua quá trình phát triển lâm sàng của sofosbuvir kết hợp với các thuốc kháng virus tác động trực tiếp (DAA). Có các trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng, do đó amiodaron chỉ nên được sử dụng ở bệnh nhân đang dùng Lesovir khi không đáp ứng hoặc chống chỉ định với các điều trị chống loạn nhịp thay thế khác. Nếu cần sử dụng đồng thời amiodaron, khuyến cáo theo dõi bệnh nhân chặt chẽ khi bắt đầu dùng Lesovir. Những bệnh nhân được xác định có nguy cơ cao chậm nhịp tim cần được theo dõi liên tục trong 48 giờ trong điều kiện lâm sàng phù hợp.

Do thời gian bán thải của amiodaron dài nên vẫn theo dõi bệnh nhân khi đã ngưng sử dụng amiodaron trong vài tháng trước và khi bắt đầu sử dụng Lesovir.

Tất cả các bệnh nhân sử dụng phối hợp viên nén bao phim Lesovir với amiodaron kèm hoặc không kèm các thuốc làm chậm nhịp tim khác nên được cảnh báo về các triệu chứng chậm nhịp tim và blốc tim cũng như cần được tư vấn y khoa ngay nếu có các triệu chứng đó.

Điều trị cho bệnh nhân trước đó đã dùng thuốc kháng virus tác động trực tiếp HCV: Đối với những bệnh nhân đã thất bại với liệu pháp ledipasvir/sofosbuvir thấy có sự chọn lọc các đột biến đề kháng NS5A làm giảm đáng kể độ nhạy cảm với ledipasvir trong hầu hết các trường hợp. Dữ liệu hạn chế cho thấy những đột biến NS5A như vậy không xuất hiện lại khi theo dõi lâu dài. Các dữ liệu hiện tại không chứng minh được hiệu quả tái điều trị ở nhóm bệnh nhân đã thất bại với liệu pháp ledipasvir/sofosbuvir dùng phác đồ tiếp theo có chứa chất ức chế NS5A. Tương tự, dữ liệu hiện tại cũng không là bằng chứng chứng minh hiệu quả của chất ức chế protease NS3/4A ở nhóm bệnh nhân đã thất bại với phác đồ trước đó có bao gồm chất ức chế này. Những bệnh nhân này có thể phải sử dụng nhóm thuốc khác để điều trị nhiễm HCV. Do đó, nên cân nhắc đến việc điều trị lâu dài hơn cho những bệnh nhân không chắc chắn sẽ tái điều trị sau đó.

Suy thận: Không cần điều chỉnh liều Lesovir đối với bệnh nhân suy thận nhẹ hoặc trung bình. Tính an toàn của Lesovir chưa được đánh giá trên những bệnh nhân suy thận nặng (tốc độ lọc cầu thận ước tính eGFR < 30mL/phút/1,73m2) hoặc bệnh thận giai đoạn cuối đòi hỏi phải chạy thận nhân tạo. Khi phối hợp Lesovir với ribavirin, tham khảo tờ Tóm tắt đặc tính sản phẩm của ribavirin đối với những bệnh nhân có độ thanh thải creatinin (CrCl) < 50mL/phút.

Những bệnh nhân xơ gan mất bù và/hoặc chờ ghép gan hoặc sau ghép gan: Chưa nghiên cứu hiệu quả của ledipasvir/sofosbuvir trên bệnh nhân nhiễm HCV genotype 5 và 6 bị xơ gan mất bù và/hoặc chờ ghép gan hoặc sau ghép gan. Nên hướng dẫn điều trị với Lesovir dựa trên đánh giá lợi ích và nguy cơ ở từng bệnh nhân.

Sử dụng với thuốc cảm ứng vừa P-glycoprotein: Thuốc cảm ứng vừa P-glycoprotein (Pgp) trong ruột (như oxcarbamazepin) có thể làm giảm đáng kể nồng độ ledipasvir và sofosbuvir trong huyết tương, điều này có thể dẫn tới giảm hiệu quả điều trị của viên nén bao phim Lesovir. Những thuốc này không nên dùng cùng với Lesovir.

Sử dụng với một số phác đồ điều trị kháng HIV: Lesovir đã được chứng minh là tăng mức tiếp xúc với tenofovir, đặc biệt khi dùng chung với phác đồ điều trị HIV chứa tenofovir disoproxil fumarat và thuốc tăng cường dược động học (ritonavir hoặc cobicistat). Tính an toàn của tenofovir isoproxil fumarat trong phối hợp với Lesovir và thuốc tăng cường dược động học đã không được thiết lập. Nguy cơ tiềm ẩn và lợi ích liên quan đến việc sử dụng chung Lesovir với thuốc kết hợp liều cố định có chứa elvitegravir/cobicistat/emtricitabin/tenofovir disoproxil fumarat hoặc tenofovir disoproxilfumarat phối hợp với một chất ức chế HIV protease tăng cường (ví dụ atazanavir hoặc darunavir) nên được xem xét, đặc biệt ở bệnh nhân tăng nguy cơ rối loạn chức năng thận. Bệnh nhân dùng đồng thời Lesovir với elvitegravir/cobicistat/emtricitabin/tenofovir disoproxil fumarat hoặc với tenofovir disoproxil fumarat và một chất ức chế HIV protease tăng cường nên được theo dõi phản ứng phụ liên quan đến tenofovir. Tham khảo Tóm tắt đặc tính sản phẩm của tenofovir disoproxil fumarat, emtricitabin fumarat/tenofovir disoproxil, hoặc elvitegravir/cobicistat/emtricitabin/tenofovir disoproxil fumarat đối với các khuyến cáo về theo dõi thận.

Sử dụng với thuốc ức chế HMG-CoA reductase: Sử dụng đồng thời Lesovir và thuốc ức chế HMG-CoA reductase (statin) có thể làm tăng đáng kể nồng độ của statin, dẫn đến tăng nguy cơ bệnh cơ và tiêu cơ vân.

Nhiễm đồng thời HCV/HBV (virus viêm gan B): Các trường hợp tái nhiễm viêm gan B, một vài trường hợp trong số đó đã bị tử vong, đã được báo cáo trong hoặc sau khi điều trị với thuốc kháng virus tác động trực tiếp. Kiểm tra HBV trên tất cả bệnh nhân trước khi bắt đầu điều trị. Bệnh nhân nhiễm đồng thời HCV/HBV có nguy cơ tái nhiễm HBV, do đó cần được theo dõi và điều trị theo các hướng dẫn lâm sàng hiện hành.

Trẻ em: Lesovir không khuyến cáo sử dụng cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi do tính an toàn và hiệu quả chưa được nghiên cứu trên nhóm bệnh nhân này.

Lesovir có chứa tá dược lactose. Không nên dùng thuốc này cho bệnh nhân có các vấn đề về di truyền hiếm gặp không dung nạp galactose, thiếu hụt enzym lactase toàn phần hay kém hấp thu glucose-galactose.

Ảnh hưởng trên khả năng lái xe, vận hành máy móc: Chưa có dữ liệu.

Quá liều

Chưa có phương pháp giải độc đặc hiệu cho Quá liều Lesovir. Nếu xảy ra tình trạng Quá liều, bệnh nhân phải được theo dõi những triệu chứng độc tính của thuốc. Biện pháp xử trí Quá liều Lesovir bao gồm điều trị nâng đỡ chung như theo dõi các dấu hiệu sinh tồn cũng như tình trạng lâm sàng của bệnh nhân. Thẩm tách máu không thải trừ được ledipasvir do gắn kết cao với protein huyết tương nhưng có thể thải trừ được 53% chất chuyển hóa chính của sofosbuvir trong tuần hoàn, GS-331007.

Chống chỉ định

Quá mẫn với ledipasvir, sofosbuvir hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Nếu dùng Lesovir với ribavirin, các chống chỉ định đối với ribavirin cũng được áp dụng cho phác đồ phối hợp này.

Rosuvastatin: Kết hợp Lesovir với rosuvastatin có thể làm tăng đáng kể nồng độ rosuvastatin dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh về cơ, như chứng tiêu cơ vân. Không được kết hợp.

Sử dụng các thuốc cảm ứng mạnh P-gp: Sử dụng đồng thời với các thuốc cảm ứng mạnh P-gp trong ruột (như rifamycin, rifabutin, St. John's wort, carbamazepin, phenobarbital và phenytoin) có thể làm giảm đáng kể nồng độ ledipasvir và sofosbuvir trong huyết tương và có thể mất hiệu quả điều trị của Lesovir.

Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú

Phụ nữ có thai

Chưa có đủ dữ liệu nghiên cứu về sử dụng Lesovir cho phụ nữ mang thai. Các nghiên cứu về sinh sản trên động vật cho thấy không có bằng chứng về các hậu quả tiến triển bất lợi khi uống ledipasvir hay sofosbuvir. Cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của việc dùng Lesovir khi kê đơn cho phụ nữ mang thai.

Không dùng kết hợp Lesovir với ribavirin cho phụ nữ mang thai và bạn tình nam của bệnh nhân nữ đang mang thai.

Phụ nữ cho con bú

Chưa xác định được Lesovir và các chất chuyển hóa của nó có trong sữa mẹ hay không. Khi dùng thuốc cho chuột cống đang cho con bú, ledipasvir đã được phát hiện trong huyết tương của chuột con bú mẹ, có thể do ledipasvir hiện diện trong sữa mà không gây tác dụng rõ ràng trên chuột con đang bú mẹ. Chất chuyển hóa chính của sofosbuvir (GS-331007) là chất đầu tiên được tìm thấy trong sữa chuột không ảnh hưởng đến chuột con đang bú mẹ. Cần xem xét lợi ích về sức khỏe và sự phát triển của việc bú sữa mẹ cùng với nhu cầu lâm sàng của người mẹ đối với Lesovir và bất kỳ tác dụng không mong muốn tiềm ẩn nào đến trẻ bú mẹ hoặc căn cứ vào tình trạng người mẹ.

Nếu dùng Lesovir với ribavirin, các thông tin về ribavirin đối với phụ nữ cho con bú cũng được áp dụng cho phác đồ phối hợp này.

Tương tác

Ledipasvir và sofosbuvir là chất nền của chất vận chuyển thuốc P-gp và protein chống ung thư vú (BCRP) trong khi GS-331007 thì không. Các thuốc cảm ứng P-gp (như rifampicin, St. John's wort) có thể làm giảm nồng độ ledipasvir và sofosbuvir trong huyết tương dẫn đến làm giảm hiệu quả điều trị, vì thế không sử dụng đồng thời những thuốc này với Lesovir. Khi phối hợp Lesovir với các chất ức chế P-gp và/hoặc BCRP có thể làm tăng nồng độ ledipasvir và sofosbuvir mà không làm tăng nồng độ GS-331007 trong huyết tương, do đó có thể kết hợp Lesovir cùng với các chất ức chế P-gp và/hoặc BCRP. Ledipasvir và sofosbuvir không phải là chất nền của những chất vận chuyển thuốc vào gan OCT1, OATP1B1, hay OATP1B3. GS-331007 không phải là chất nền của những chất vận chuyển ở thận, bao gồm chất vận chuyển anion hữu cơ OAT1 hay OAT3 hoặc chất vận chuyển cation hữu cơ OCT2.

Ledipasvir là chất ức chế chất vận chuyển thuốc P-gp và protein chống ung thư vú (BCRP), có thể làm tăng khả năng hấp thu tại ruột của các chất nền cho các chất vận chuyển này khi dùng đồng thời. Khi nồng độ vượt mức lâm sàng thì ledipasvir trở thành chất ức chế các chất vận chuyển thuốc OATP1B1, OATP1B3, và BSEP. Ledipasvir không ức chế các chất vận chuyển MRP2, MRP4, OCT2, OAT1, OAT3, MATE1 và OCT1. Khả năng tương tác với các thuốc khác của ledipasvir chủ yếu tập trung vào sự ức chế Pgp và BCRP ở ruột. Trong hệ tuần hoàn, ledipasvir không ức chế chất vận chuyển mà có ảnh hưởng đến lâm sàng do thuốc gắn kết với protein cao.

Tương kỵ

Do không có các nghiên cứu về tính tương kỵ của thuốc, không trộn lẫn thuốc này với các thuốc khác.

Tác dụng ngoại ý

Rất thường gặp (ADR ≥ 1/10), thường gặp (1/100 ≤ ADR < 1/10), ít gặp (1/1.000 ≤ ADR < 1/100), hiếm gặp (1/10.000 ≤ ADR < 1/1.000) và rất hiếm gặp (ADR < 1/10.000).

Hệ thần kinh: Rất thường gặp: Đau đầu.

Da và mô dưới da: Thường gặp: Phát ban.

Toàn thân: Rất thường gặp: Mệt mỏi.

Bảo quản

Bảo quản trong bao bì kín, tránh ánh sáng và tránh ẩm. Nhiệt độ không quá 30°C.

Trình bày và đóng gói

Viên nén bao phim: hộp 4 vỉ x 7 viên, hộp 1 chai 28 viên.

Bài viết cùng chuyên mục

Đau thắt ngực: các bước đánh giá thêm nếu nghi ngờ

Mức độ đau thắt ngực không dựa trên mức đau mà dựa trên tần số triệu chứng, giới hạn khả năng gắng sức hoạt động chức năng. Bởi vì những thông tin này sẽ hướng dẫn điều trị và theo dõi đáp ứng, đánh giá triệu chứng chính xác.

Điện tâm đồ trong bóc tách động mạch chủ

Điện tâm đồ có thể bình thường hoặc có những bất thường không đặc hiệu. nếu bóc tách đến lỗ động mạch vành có thể có thay đổi điện tâm đồ như nhồi máu cơ tim có ST chênh lên.

Đau bìu: phân tích triệu chứng

Hầu hết các nguyên nhân phổ biến của đau bìu là do các tình trạng lành tính như viêm mào tinh hoàn, giãn tĩnh mạch thừng tinh, tràn dịch tinh mạc, tinh trùng, viêm nút quanh động mạch và u nang mào tinh hoàn hoặc tinh hoàn.

Hạch to khu trú: phân tích triệu chứng

Hạch cổ 2 bên thường do viêm họng, ở cổ phía sau cơ ức đòn chũm là một phát hiện đáng ngại hơn và cần được đánh giá thêm. Sờ hạch thượng đòn bên trái dẫn lưu các vùng trong ổ bụng và bên phải dẫn lưu phổi, trung thất và thực quản.

Đánh trống ngực: đánh giá dựa trên loại rối loạn nhịp tim

Đánh giá tần suất và cường độ của các triệu chứng và ảnh hưởng lên nghề nghiệp và lối sống. Xác minh hiệu quả và tác dụng phụ của những đợt điều trị trước.

Đau bụng kinh: phân tích triệu chứng

Đau bụng kinh có thể được định nghĩa là cơn đau quặn thắt tái phát trong hoặc ngay trước khi hành kinh. Đây là triệu chứng phụ khoa phổ biến nhất được ghi nhận bởi phụ nữ.

Phân tích triệu chứng đau đầu để chẩn đoán và điều trị

Đau đầu thường được phân loại thành các loại nguyên phát và thứ phát với hệ thống phân loại quốc tế về rối loạn đau đầu, phiên bản thứ hai.

Di chuyển khó khăn: các nguyên nhân gây té ngã

Các vấn đề di chuyển có thể tự thúc đẩy như là tình trạng giảm hoạt động dẫn đến mất chức năng và độ chắc của khối cơ. Cách tiếp cận có hệ thống một cách toàn diện là điều cần thiết.

Đau màng phổi: phân tích triệu chứng

Màng phổi thành là nguồn gốc chính của cơn đau do hô hấp, bề mặt trên của cơ hoành và ranh giới bên của trung thất, nó được chi phối bởi các dây thần kinh liên sườn.

Bệnh học chứng khó tiêu

Điêu trị chứng khó tiêu hướng về nguyên nhân cơ bản, ở những bệnh nhân khó tiêu không do loét, cần xem xét:

Mê sảng ở người cao tuổi

Mặc dù các bệnh nhân lớn tuổi bị kích động sâu sắc thường nói đến cái tâm khi xem xét tình trạng mê sảng, nhiều cơn mê sảng tinh tế hơn.

Chứng khát nước: phân tích triệu chứng

Chứng khát nhiều là một triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân đái tháo đường (DM) và nổi bật ở bệnh nhân đái tháo nhạt (DI). Chứng khát nhiều có tỷ lệ hiện mắc là 3-39% ở những bệnh nhân tâm thần nội trú mãn tính.

Viêm da dị ứng (Eczema)

Sần sùi, mảng màu đỏ thường là không dày và phân định ranh giới riêng biệt của bệnh vẩy nến ảnh hưởng đến khuôn mặt, cổ và thân trên

Khối u bìu: phân tích triệu chứng

Trong quá trình đánh giá bất kỳ khối u bìu nào, mục tiêu chính là xác định xem có chỉ định chuyển tuyến ngay lập tức hay không.

Tiêu chảy: đánh giá độ nặng và phân tích nguyên nhân

Giảm thể tích máu có thể dẫn đến tổn thương thận cấp trước thận, đặc biệt là nếu như kết hợp thêm thuốc hạ huyết áp hoặc các thuốc độc cho thận như lợi tiểu, ức chế men chuyển, NSAIDS.

Tăng huyết áp: phân tích triệu chứng

Không xác định được nguyên nhân được cho là mắc tăng huyết áp nguyên phát, có một cơ quan hoặc khiếm khuyết gen cho là tăng huyết áp thứ phát.

Suy giáp: phân tích triệu chứng

Nguyên nhân phổ biến nhất của suy giáp nguyên phát là viêm tuyến giáp tự miễn, hoặc bệnh Hashimoto, là kết quả của sự phá hủy dần dần tuyến giáp bởi các tế bào T.

Khó thở cấp ở những bệnh nhân bị COPD: những đánh giá bổ sung

Nếu như khò khè là chủ yếu và không có đặc điểm của nhiễm trùng, chẩn đoán có khả năng là đợt cấp COPD không do nhiễm trùng. Tìm kiếm yếu tố khởi phát, ví dụ chẹn beta, không dung nạp với khí dung/bầu hít, yếu tố khởi phát từ môi trường.

Thăm khám lâm sàng vùng bìu: những điểm cần chú ý

Ở những bệnh nhân có khối sưng viêm/đau hoặc đau vùng bìu cấp tính thì hay kiểm tra phản xạ da bìu, bình thường tinh hoàn bên phía đó sẽ được cơ bìu nâng lên.

Rối loạn sắc tố: phân tích triệu chứng

Với một số rối loạn sắc tố, nguyên nhân có thể dễ dàng được xác định là do di truyền, do ánh nắng mặt trời, do thuốc, nhiễm trùng hoặc viêm. Trong một số trường hợp, nguyên nhân ít rõ ràng hơn.

Rối loạn thăng bằng: các nguyên nhân cảm giác mất thăng bằng

Sự cân bằng đòi hỏi tín hiệu vào từ nhiều bộ phận cảm thụ cảm giác (thị giác, tiền đình, xúc giác, cảm giác bản thể). Giảm chức năng nhi ều hơn một trong các bộ phận này, dù rất nhỏ cũng có thể gây mất thăng bằng.

Chảy máu sau mãn kinh: phân tích triệu chứng

Chảy máu âm đạo bất thường là một vấn đề ngoại trú phổ biến, xảy ra ở 10% phụ nữ trên 55 tuổi và chiếm 70% số lần khám phụ khoa trong những năm tiền mãn kinh và sau mãn kinh.

Đau ngực cấp: đặc điểm đau ngực do tim và các nguyên nhân khác

Mục đích chủ yếu là để nhận diện hội chứng vành cấp và những nguyên nhân đe dọa mạng sống khác như bóc tách động mạch chủ và thuyên tắc phổi. Phân tích ECG, xquang ngực và marker sinh học như troponin, D-dimer đóng vai trò quan trọng.

Chóng mặt choáng váng: phân tích đặc điểm khởi phát

Bệnh nhân choáng váng liên tục qua vài tuần hoặc choáng váng không cải thiện nếu đang tiếp tục điều trị thì không chắc bệnh nhân có chóng mặt thật sự. Do đó cần hướng đến bác sỹ tai mũi họng để đánh giá thêm.

Tăng Creatinin: phân tích triệu chứng

Creatinine tăng cao là do suy thận và có thể được chia thành ba nhóm, trước thận, bệnh thận nội tại và sau thận. Chúng cũng có thể được chia thành các nguyên nhân cấp tính (vài ngày đến vài tuần) và mãn tính.