- Trang chủ
- Sách y học
- Triệu chứng học nội khoa
- Ngón tay và ngón chân dùi trống: dấu hiệu triệu chứng và nguyên nhân
Ngón tay và ngón chân dùi trống: dấu hiệu triệu chứng và nguyên nhân
Ngón tay chân dùi trống có nhiều chẩn đoán phân biệt. Đa số có ở hai bên. Ngón tay chân dùi trống một bên thì rất hiếm và được gặp ở bệnh nhân liệt nửa người, dò động-tĩnh mạch do lọc thận và dị dạng động-tĩnh mạch động mạch trụ.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Mô tả
Sự phồng lên đặc trưng của đầu ngón tay và giường móng, thường được mô tả trong các giai đoạn:
Mềm giường móng, gây cảm giác xốp khi ấn lên móng.
Mất góc bình thường <165° giữa giường móng và nếp móng.
Móng mọc lồi.
Dày phần đầu ngón tay.
Nếp sọc và độ bóng của da và móng.
Hình. Ngón tay và ngón chân dùi trống
Nguyên nhân
Ngón tay (chân) dùi trống có nhiều chẩn đoán phân biệt. Đa số ngón tay (chân) dùi trống có ở hai bên. Ngón tay (chân) dùi trống một bên thì rất hiếm và được gặp ở bệnh nhân liệt nửa người, dò động-tĩnh mạch do lọc thận và dị dạng động-tĩnh mạch động mạch trụ.
Nguyên nhân thường gặp nhất là do phổi và ung thư.
Những nguyên nhân của ngón tay (chân) dùi trống:
Ung thư
Carcinôm phế quản.
Ung thư hạch lympho.
U màng phổi.
Phổi
Xơ hóa nang.
Bệnh phổi a-mi-ăng.
Xơ hóa phổi.
Sarcoidosis.
Bệnh xương khớp phì đại do phổi (HPOA).
Tim
Bệnh tim có tím.
Viêm nội tâm mạc.
Tiêu hóa
Bệnh ruột viêm.
Bệnh gan.
Bệnh tiêu chảy mỡ.
Nhiễm trùng
Lao.
Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.
HIV.
Nội tiết
Bệnh tuyến giáp.
Cơ chế
Nhiều giả thiết đã được đưa ra để cố gắng giải thích ngón tay (chân) dùi trống; tuy nhiên, cơ chế cho từng nguyên nhân vẫn chưa rõ ràng. Giải thích được chấp nhận nhiều nhất hiện nay liên quan đến tiểu cầu và yếu tố tăng trưởng từ tiểu cầu (PDGF). Luôn nhớ rằng, thuyết này không giải thích được ngón tay (chân) dùi trống một bên và rõ ràng không áp dụng cho tất cả các tình huống có ngón tay (chân) dùi trống.
Giả thuyết rằng, ở những người khỏe mạnh, mẫu tiểu cầu vỡ thành nhiều mảnh ở phổi và những mảnh này trở thành tiểu cầu. Nếu sự vỡ mảnh này không xảy ra, toàn bộ mẫu tiểu cầu, có thể bám chặt vào những mạch máu nhỏ ở đầu chi. Một khi bị kẹt, chúng giải phóng PDGFs, nó kết tập nhiều tế bào và thúc đẩy sự tăng sinh của tế bào cơ và nguyên bào sợi. Sự tăng sinh tế bào này gây ra biểu hiện đặc trưng của ngón tay (chân) dùi trống.
Bởi vậy, bất cứ bệnh nào ảnh hưởng đến tuần hoàn phổi bình thường (ví dụ shunt tim hoặc bệnh phổi) đều có thể cho phép toàn bộ mẫu tiểu cầu đi vào tuần hoàn ngoại biên mà không bị vỡ mảnh.
Trong bệnh đường ruột, người ta chỉ ra rằng bệnh đa hồng cầu và dị dạng động-tĩnh mạch của phổi gặp ở vài trường hợp góp phần vào quá trình này. Thêm vào đó, yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF) đã được cô lập ở vài bệnh nhân bị ung thư phổi và HPOA và có thể góp phần vào tăng sản đầu ngón.
Hình. Cơ chế gợi ý ngón tay (chân) dùi trống
Ý nghĩa
Ngón tay (chân) dùi trống hầu như luôn luôn là bệnh lý và nên được khảo sát, tuy nhiên không có nó cũng không loại trừ được bệnh nền.