Các bệnh do lậu cầu khuẩn

2016-04-08 10:37 AM

Ở nam giới, lúc đầu có đái nóng, và dịch trắng hoặc ngà ở ngay đầu. Vài ba ngày sau, đái đau rõ dần và dịch tiết quy đầu vàng sẫm hơn đặc như kem, nhiều và có thể lẫn máu.

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Những điểm thiết yếu trong chẩn đoán

Chảy nhiều dịch mủ ở niệu đạo, nhất là ở nam giới, đái buốt, nhuộm tiêu bản có vi khuẩn lậu.

Viêm mào tinh, viêm tuyến tiền liệt, viêm quanh niệu đạo và viêm hậu môn ở nam giới.

Viêm xuất tiết mủ cổ tử cung ở phụ nữ (nhưng cũng có thể không thấy mủ), nuôi cấy dương tính; viêm âm đạo, viêm vòi trứng và có thể viêm hậu môn.

Sốt, nổi ban, viêm khớp, viêm gân-bao hoạt dịch trong thể lan toả.

Cấy hoặc nhuộm soi thấy vi khuẩn song cầu nội bào gram (-) từ các dịch tiết niệu đạo, cổ tử cung, họng và trực tràng.

Nhận định chung

Bệnh lậu là bệnh lây được thông báo nhiều nhất ở Hoa Kỳ, với tần số khoảng 2,5 triệu trường hợp mỗi năm. Bệnh gây ra do vi khuẩn Neisseria gonorrhoecae là một song cầu khuẩn Gra (-) thường tìm thấy trong tế bào bạch cầu đa nhân. Bệnh lây qua hoạt động tình dục và hay gặp nhất ở lứa tuổi từ 15 đến 29. Thời gian ủ bệnh từ 2 - 8 ngày.

Phân loại theo giải phẫu

Viêm niệu đạo, viêm cổ tử cung

Ở nam giới, lúc đầu có đái nóng, và dịch trắng hoặc ngà ở ngay đầu. Vài ba ngày sau, đái đau rõ dần và dịch tiết quy đầu vàng sẫm hơn đặc như kem, nhiều và có thể lẫn máu. Bệnh có thể lui dần, trở thành mạn tính, hoặc lan ra thành viêm tiền liệt tuyến, viêm mào tinh, viêm các tuyến quanh niệu đạo cấp tính, đau. Thể mạn tính biến thành viêm tuyến tiền liệt và chít hẹp niệu đạo. Ở người nam đồng tính luyến ái, hay gặp có viêm trực tràng. Cũng cần tìm các ổ nhiễm khuẩn tiên phát khác như ở họng. Rất hay gặp thể không có triệu chứng, cả ở nam lẫn nữ.

Bệnh lậu ở phụ nữ thường hay có triệu chứng giữa các kỳ kinh. Bệnh nhân có thể bị đái khó, đái buốt, đái rắt và có dịch tiết mủ ở niệu đạo. Viêm âm đạo, viêm cổ tử cung và viêm tuyến Bartolin là rất phổ biến. Bệnh có thể không biểu hiện triệu chứng và khi khám chỉ thấy hơi tăng dịch âm đạo và viêm nhẹ cổ tử cung, và đây chính là ổ chứa quan trọng. Bệnh có thể tiến triển thành viêm cấp tính tử cung, vòi trứng hoặc viêm mạn vòi trứng dẫn đến sẹo và tắc vòi dẫn đến vô sinh. Hay gặp viêm phần phụ do vi khuẩn yếm khí và chlamydia kèm theo lậu. Viêm trực tràng có thể do vi khuẩn lây lan từ đường sinh dục đến hoặc do giao hợp qua hậu môn.

Nhuộm phiến đàn chất tiết niệu đạo nam trong tuần đầu thường thấy có vi khụẩn lậu trong bạch cầu đa nhân. Xét nghiệm này ở phụ nữ hay âm tính hơn. Nuôi cấy là xét nghiệm cơ bản, nhất là khi nhuộm có âm tính, cần lấy các bệnh phẩm ở nhiều nơi, kể cả ở họng, cổ tử cung, trực tràng, dịch khớp. Khi không thể nuôi cấy ngay được, cần gửi bệnh phẩm trong môi trường vận chuyển như Thayer - Martin hay Transgrow.

Thể bệnh lan toả

Có thể gặp biến chứng lan toả vi khuẩn từ nơi khởi đầu theo dòng máu đến các cơ quan. Lậu cầu khuẩn huyết có thể gây sốt thất thường, biểu hiện thay đổi ở da từ dạng ban, sẩn đến mụn mủ hoặc xuất huyết, chủ yếu khu trú ở ngoại vi. Đôi khi có thể gặp viêm nội tâm mạc, viêm màng não do lậu. Viêm khớp và viêm gân-bao hoạt dịch có thể gặp, nhất là ở các khớp gối, cổ chân và cổ tay. Thường chỉ một hoặc đòi khi vài khớp bị khoảng non một nửa trường hợp viêm khớp lậu cầu có thể bị lậu cầu trong dịch khớp.

Viêm kết mạc

Đa số là do lậu cầu khuẩn trực tiếp vào mắt. Ở người lớn, thường là do tay bẩn sờ vào bộ phận sinh dục rồi đưa lên mắt. Viêm kết mạc có thể nhanh chóng trở thành viêm mắt toàn thể và hỏng mắt nhanh chóng nếu không điều trị kịp thời. Thường chỉ cần tiêm 1g ceftriaxon.

Chẩn đoán phân biệt

Viêm niệu đạo, viêm cổ tử cung, viêm âm đạo cần được phân biệt với các bệnh do các vi khuẩn khác truyền qua đường tình dục như: Chlamydia trachomatis, Gardnerella vaginalis, trichomonas, candida... Viêm phần phụ, viêm khớp, viêm hậu môn, biểu hiện khác ở da cũng vậy. Thường là có nhiều loại vi khuẩn gây bệnh cùng một lúc. Bệnh Reiter (viêm niệu đạo, viêm kết mạc và viêm khớp) có thể giống bệnh lậu hoặc cũng xảy ra với bệnh lậu.

Phòng bệnh

Phòng bệnh gồm các biện pháp giáo dục, cơ học và dùng thuốc, chẩn đoán và điều trị sớm. Việc dùng bao cao su đúng cách có thể làm giảm mắc bệnh. Uống các thuốc: có tác dụng với vi khuẩn lậu trong 24 giờ đẩu sau tiếp xúc có thể làm bệnh không phát triển.

Điều trị

Cần phải điều trị ngay trước khi chưa biết vi khuẩn. Lựa chọn thuốc điều trị phải dựa vào tỷ lệ vi khuẩn kháng penicillin. Số liệu gần đây người ta thấy đa số vi khuẩn lậu cầu có kháng penicillin và tetracyclin, nên penicillin không còn là thuốc đầu tay nữa. Cả bạn tình cũng phải điều trị.

Lậu chưa biến chứng

Trong viêm niệu đạo, viêm cổ tử cung thì thuốc đầu tay là ceftriaxon, 125 mg tiêm bắp. Cũng có thể uống cefixim 400mg hoặc ciprofloxacin 500 mg một liều duy nhất. Dùng spectinomycin 1g tiêm bắp 1 lần duy nhất nếu có dị ứng với penicillin. Amoxicilin nay không dùng nữa do vi khuẩn kháng thuốc. Điều trị ở phụ nữ cũng giống như ở nam giới, nhưng ceftriaxon không nhậy bằng ở nam. Lậu họng cũng điều trị tốt bằng ceftriaxon hoặc cotrimoxazol 9 viên mỗi ngày, dùng trong 5 ngày. Vì hay có đồng nhiễm chlamydia, nên thường phải điều trị đồng thời hoặc tiếp sau bằng erythromycin 500mg, ngày uống 4 lần, dùng trong 7 ngày. Azithromycin 1g uống một liều đồng thời cũng có hiệu quả tốt và đang rất được ưà chuộng khi điều trị ở những người mà độ tuân thủ kém.

Điều trị các trường họp khác

Viêm vòi trứng, viêm tuyến tiền liệt, vãng khuẩn huyết, viêm khớp và các biến chứng khác do vi khuẩn thường nhậy cảm với penicillin. Ở người lớn, thường được điều trị bằng 10 triệu đơn vị penicillin, tiêm tĩnh mạch trong 5 ngày hoặc ceftriaxon 2g, tiêm 1 lần trong 5 ngày. Viêm nội tâm mạc điều trị bằng ceftriaxon 1g, ngày 2 lần, trong thời gian ít nhất là 3 tuần. Viêm niệu đạo, viêm cổ tử cung sau lậu thựờng là do chlamydia, nên cần điều trị bằng erythromycin, doxycylin hay azithromycin. Cũng nên làm thêm xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán giang mai.

Viêm tiểu khung cần điều trị bằng cefoxitin 2g, tiêm tĩnh mạch ngày 4 lần hoặc cefotetan 2g tiêm tĩnh mạch ngày 2 lần. Clindamycin, 900mg ngày, uống 3 lần cùng với gentamicin 2mg/kg liều tấn công và 1,5 mg/kg ngày 3 lần sẽ cho kết quả tốt. Cefoxitin 2g tiêm bắp và 1g probenecid uống 1 lần, sau đó 14 ngày dùng doxycyclin liều 100mg ngày 2 lần có tác dụng trong điều trị ngoại trú. Cần điều trị chlamydia đồng thời bằng các thuốc đã nêu trên.

Các danh mục

Chẩn đoán và điều trị y học tuổi già

Tiếp cận bệnh nhân dự phòng và các triệu chứng chung

Chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư

Chẩn đoán và điều trị bệnh da và phần phụ

Chẩn đoán và điều trị bệnh mắt

Chẩn đoán và điều trị bệnh tai mũi họng

Chẩn đoán và điều trị bệnh hô hấp

Chẩn đoán và điều trị bệnh tim

Chẩn đoán và điều trị bệnh mạch máu và bạch huyết

Chẩn đoán và điều trị bệnh máu

Chẩn đoán và điều trị bệnh đường tiêu hóa

Chẩn đoán và điều trị bệnh tuyến vú

Chẩn đoán và điều trị bệnh phụ khoa

Chẩn đoán và điều trị sản khoa

Chẩn đoán và điều trị bệnh cơ xương khớp

Chẩn đoán và điều trị bệnh rối loạn miễn dịch và dị ứng

Đánh giá trước phẫu thuật

Chăm sóc giai đoạn cuối đời

Chẩn đoán và điều trị bệnh gan mật và tụy

Chẩn đoán và điều trị rối loạn nước điện giải

Chẩn đoán và điều trị bệnh nhân bị bệnh thận

Chẩn đoán và điều trị bệnh hệ niệu học

Chẩn đoán và điều trị bệnh hệ thần kinh

Chẩn đoán và điều trị bệnh rối loạn tâm thần

Chẩn đoán và điều trị bệnh nội tiết

Chẩn đoán và điều trị rối loạn dinh dưỡng

Chẩn đoán và điều trị bệnh truyền nhiễm

Chẩn đoán và điều trị bệnh do ký sinh đơn bào và giun sán

Chẩn đoán và điều trị các bệnh nhiễm trùng do nấm