- Trang chủ
- Sách y học
- Bài giảng sinh lý bệnh
- Cử động vận nhãn: thần kinh chi phối cử động của mắt
Cử động vận nhãn: thần kinh chi phối cử động của mắt
Các cử động của mắt được phụ trách bởi ba nhóm cơ: cơ thẳng ngoài và cơ thẳng trong, cơ thẳng trên và cơ thẳng dưới, và cơ chéo trên và cơ chéo dưới.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Để sử dụng đầy đủ các khả năng nhìn của mắt, người ta nhận thấy sự quan trọng không kém của việc phân tích các tín hiệu hình ảnh từ mắt bằng hệ thống điều khiển ở não để vận động mắt về phía đối tượng đích.
Hình. Hình ảnh phía trước của mắt phải cho thấy các cơ ngoại nhãn và nội nhãn của chúng. N., thần kinh.
Chi phối cử động của mắt
Các cử động của mắt được phụ trách bởi ba nhóm cơ: (1) cơ thẳng ngoài và cơ thẳng trong, (2) cơ thẳng trên và cơ thẳng dưới, và (3) cơ chéo trên và cơ chéo dưới. Co cơ thẳng ngoài và cơ thẳng trong để vận động mắt từ một bên sang bên kia. Co cơ thẳng trên và thẳng dưới để vận động mắt hướng lên hoặc xuống. Các cơ chéo có chức năng chủ yếu xoay nhãn cầu giúp giữ thị trường ở vị trí thẳng đứng.
Các đường thần kinh điều hòa vận nhãn
Các nhân dây thần kinh vẫn nhãn III, IV và VI ở thân não và sự tiếp nối của chúng với các dây thần kinh ở ngoại vi đến chi phối cho các cơ vận nhãn. Hình vẽ cũng mô tả tương quan giữa các nhân trên thông qua một dải thần kinh gọi là bó dọc giữa. Mỗi ba nhóm cơ ở mỗi mắt được phân bố thần kinh để tương hỗ phù hợp, trong khi cơ này giãn thì cơ kia co (và ngược lại).
Hình. Các con đường thần kinh để kiểm soát chuyển động liên hợp của mắt. N., thần kinh.
Sự điều hòa vỏ não của bộ máy vận nhãn, chỉ ra sự lan truyền tín hiệu từ vỏ não thị giác ở thùy chẩm qua các dải mái chẩm và ụ chẩm đến các vùng trước mái và ụ trên ở thân não. Từ cả hai vùng trước mái và ụ trên, các tín hiệu kiểm soát vận nhãn đi đến nhân ở thân não của các dây thần kinh vận nhãn. Các tín hiệu mạnh cũng được truyền đến từ các trung tâm điều hòa thăng bằng của cơ thể ở thân não đến hệ thống vận nhãn (từ nhân tiền đình thông qua bó dọc giữa).