- Trang chủ
- Sách y học
- Bài giảng giải phẫu bệnh
- Giải phẫu bệnh tinh hoàn
Giải phẫu bệnh tinh hoàn
Tinh hoàn có các nang lao hoặc có phản ứng tế bào với thấm nhập bạch cầu đa nhân, tương bào, tế bào thượng mô tróc, tế bào đơn nhân, đại bào nhiều nhân và vi trùng lao.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Dị tật bẩm sinh
Tinh hoàn lạc chỗ
Tinh hoàn không ở trên dường di chuyển xuống bình thường của nó trong quá trình hình thành phôi. Tinh hoàn có thể ở vùng mu dương vật, đùi, cơ thẳng ngang, hội âm, bẹn.
Tinh hoàn ẩn
Tinh hoàn dừng lại trên đường di chuyển xuống bình thường, không xuống tới bìu tinh hoàn. Dị tật này thường gặp ở trẻ nhỏ vài tháng tuổi, và chiếm tỉ lệ 4% trẻ em dưới 15 tuổi.
Trước tuổi dậy thì, tinh hoàn ẩn giống như tinh hoàn bình thường. Sau dậy thì, tinh hoàn ẩn nhỏ hơn, giảm sinh tinh, màng đáy các ống sinh tinh dầy và thoái hoá trong, các nguyên tinh bào và tinh bào bị thoái hoá, lòng ống bị bít, các tế bào Leydig giảm hoặc tăng.
Viêm
Viêm cấp tính
Thường xảy ra sau viêm niệu đạo, viêm bàng quang, viêm túi tinh. Bệnh cũng có thể là biến chứng của bệnh quai bị, bệnh đậu mùa, sởi, bạch hầu, cúm, thương hàn, sốt xuất huyết, viêm phổi, sốt rét...Tác nhân gây viêm đến tinh hoàn bằng đường máu, đường limphô, hoặc qua ống dẫn tinh và mào tinh.
Đại thể:
Tinh hoàn sưng to, cứng chắc. Trong viêm do lậu cầu trùng thường có áp xe tinh hoàn.
Vi thể:
Tinh hoàn thấm nhập nhiều bạch cầu đa nhân trung tính, limphô bào, tương bào.
Viêm mạn tính
Do viêm cấp chuyển thành. Viêm có thể xảy ra ở một hoặc cả hai tinh hoàn, khu trú hoặc lan toả.
Tinh hoàn bị xơ hoá, ống sinh tinh teo đét, màng đáy dày.
Viêm do bệnh quai bị
Chiếm tỷ lệ 20-30% bệnh nhân quai bị, thường gặp ở người lớn, hiếm gặp ở trẻ em.
Tinh hoàn bị sưng to, trắng với những đốm xuất huyết.
Vi thể:
Tinh hoàn thấm nhập bạch cầu đa nhân trung tính, limphô bào, mô bào. Các mầm bào bị thoái hoá hoại tử và có thể bị mất sinh tinh. Khi viêm thành mạn tính, tinh hoàn teo nhỏ, các ống sinh tinh có màng đáy dầy và chỉ còn ít tế bào Sertoli.
Viêm lao
Thường ở một tinh hoàn, kèm theo lao niệu dục hoặc/và lao phổi. Ổ lao nguyên phát thường ở tuyến tiền liệt hoặc túi tinh.
Vi thể:
Tinh hoàn có các nang lao hoặc có phản ứng tế bào với thấm nhập bạch cầu đa nhân, tương bào, tế bào thượng mô tróc, tế bào đơn nhân, đại bào nhiều nhân và vi trùng lao.
Viêm giang mai
Có thể bẩm sinh hoặc mắc phải.
Tổn thương thường có ở cả 2 tinh hoàn. Có 2 dạng: viêm lan toả mô kẽ kèm xơ hoá, và gôm giang mai.
Đại thể:
Tinh hoàn lớn, nhẵn, có các gôm vàng hoặc trắng xám phồng lên trên diện cắt. Khi các gôm lan tới vỏ bao, tinh hoàn dính vào bìu. Nếu xơ hoá, tinh hoàn bị teo nhỏ và cứng.
Vi thể:
Gôm giang mai gồm một vùng hoại tử trung tâm, chung quanh là mô sợi phù nề, thấm nhập limphô bào, tương bào, đôi khi có đại bào. Các ống sinh tinh có màng đáy dầy và giảm sinh tinh. Về sau, các ống sinh tinh bị xơ hoá chung quanh, bị teo đét, hoại tử tế bào.
U tinh hoàn
Ung thư tinh hoàn chiếm không tới 1% ung thư và khoảng 4% ung thư sinh dục nam. Xuất độ ác tính trên tinh hoàn lạc chỗ cao hơn 14 lần so với trên tinh hoàn bình thường (theo AFIP), 48 lần hơn bình thường (theo Gilbert và Hamilton).
Mặc dù hiếm gặp, ung thư tinh hoàn là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 4 trong các ung thư ở đàn ông trẻ.
93% ung thư tinh hoàn nguyên phát là u mầm bào với 5 dạng mô học: u tinh bào, carcinom phôi, carcinom phôi ở trẻ con, u quái và carcinom đệm nuôi.
6% u tinh hoàn là u mô đệm dục với các u Sertoli-Leydig, u hạt vỏ bào. Các tế bào của nhóm u này có thể tiết ra các nội tiết tố.
U xuất phát từ các ống, mô đệm sợi-mạch máu và từ vỏ bao chiếm khoảng 1% u tinh hoàn.
U mầm bào tinh hoàn
U mầm bào hiếm gặp ở Phi châu và Á châu. U thường gây đau nhức và phì đại tinh hoàn hoặc hiếm hơn, u gây nặng bụng hay đau vùng bẹn và vùng bìu.
U tinh bào
U tinh bào chiếm 35-71% u mầm bào. U thường gặp ở người lớn tuổi, từ 40-50 tuổi.
U tinh bào là u mầm bào có các tế bào lớn, đều nhau, bào tương sáng giống như mầm bào nguyên thủy và có mô đệm ngấm nhiều limphô bào. U ác tính thấp, nhạy với tia xạ.
Tinh hoàn to hơn bình thường và trong 10% các bệnh nhân khi đến khám lần đầu đã cho di căn.
Điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn kèm xạ trị và hoá trị. Tiên lượng khá tốt nếu u khu trú ở tinh hoàn.
Có 3 dạng u tinh bào:
U tinh bào điển hình:
U làm tinh hoàn lớn hơn bình thường, có khi lớn gấp 10 lần và không xâm nhập vỏ bao. Mặt cắt u phồng, trắng xám nhạt, đồng nhất, bóng, mềm hay chắc. U có thể có vùng xuất huyết, hoại tử nếu khối u lớn.
Vi thể:
U có một loại tế bào. Tế bào u lớn, đa diện hay tròn. Bào tương sáng hoặc có hạt, có giới hạn rõ. Nhân tròn, đậm màu, ở giữa tế bào, chiếm 1/3 đến 1/2 đường kính tế bào, có một hay hai hạt nhân rõ, ái kiềm. Các tế bào kích thước đều nhau, và có ít hình ảnh phân bào. Các tế bào hợp thành đám hay dãy. U có thể có đại bào.
Mô đệm có 2 đặc điểm là ngấm tế bào viêm và có phản ứng viêm hạt. Hầu hết các u tinh bào có nhiều limphô bào nhỏ, trưởng thành, nằm trong mô đệm. 50% các u tinh bào có phản ứng viêm hạt với nhiều đại bào ăn vật lạ, nguyên bào sợi và mô bào.
U tinh bào nghịch sản:
10% u tinh bào có các tế bào rất dị dạng, hình dạng và kích thước khác nhau, nhân tế bào to hơn trong dạng u tinh bào điển hình. U có rất nhiều hình ảnh phân bào, hơn 30 phân bào cho một quang trường lớn. U có dạng thùy, với một ít limphô bào trong mô đệm.
Tiên lượng xấu hơn trong dạng u điển hình, u tinh bào nghịch sản hay cho di căn và tỷ lệ sống còn sau 10 năm là 70% so với 93% trong u tinh bào điển hình.
Đại thể:
U giống như trong u điển hình.
U tinh bào sinh tinh:
9% u tinh bào là dạng sinh tinh. U thường gặp ở nam trên 40 tuổi. U tiến triển chậm hơn và có tiên lượng tốt hơn các dạng khác.
Đại thể:
U màu vàng, mềm, nhầy và lớn. U có vùng xốp hay bọng và ít hoại tử xuất huyết.
Vi thể:
U có 3 loại tế bào. Chiếm đa số là tế bào kích thước trung bình, bào tương nhiều, ưa eosin và nhân tròn. Lẫn trong biển tế bào này là các tế bào tương tự như tinh bào bậc ll và các đại bào đơn nhân.
Tế bào nhỏ có nhân tròn, ái kiềm, trong, ở giữa tế bào, bào tương ưa eosin ít, bờ rõ. Đại bào có nhân tròn hay bầu dục, nhiều bào tương ưa eosin và không có chứa glycogen. U có ít hay nhiều phân bào. Mô đệm rất ít, không ngấm limphô bào và không có phản ứng viêm hạt. U xếp thành dải, có các vùng to, nhỏ, tích tụ dịch ưa eosin và mảnh vụn tế bào. Trong các u mầm bào, u tinh bào có tiên lượng tốt hơn cả (91% còn sống sau 10 năm).
Carcinom phôi
Carcinom phôi chiếm khoảng 20% và đứng hàng thứ 3 trong các ung thư mầm bào. U thường gặp ở lứa tuổi 30, làm tinh hoàn sưng to từ từ, không đau nhức. 1/3 bệnh nhân khi đi khám đã có di căn của u. Carcinom phôi là một u mầm bào với các tế bào có dạng tế bào thượng mô nghịch sản và phôi thai, có cấu trúc dạng nang, ống, nhú, đặc hay lưới.
Carcinom phôi có 3 dạng:
Carcinom phôi dạng trưởng thành, gặp ở người lớn, có một trong những cấu trúc nêu trên. U ác tính cao, ít nhạy với tia xạ.
Carcinom phôi dạng đa phôi, với các đĩa phôi kèm với carcinom phôi dạng trưởng thành và u quái.
Carcinom phôi ở trẻ em, thường gặp ở trẻ nhỏ, có độ ác tính thấp.
Điều trị u bằng cắt bỏ tinh hoàn, nạo hạch sau phúc mạc hoặc xạ trị hoặc hoá trị.
Đại thể:
U thường có kích thước nhỏ nhất trong các loại u mầm bào, thường làm biến dạng tinh hoàn do xâm nhập vỏ bao. Mặt cắt u không đồng dạng, trắng xám, lợn cợn hoặc trơn láng, phồng với nhiều vùng xuất huyết hoại tử.
Vi thể:
Tế bào u tương tự như tế bào thượng mô phôi thai và ác tính. Kích thước và hình dạng tế bào rất thay đổi. Tế bào lớn, bờ không rõ, bào tương có không bào, nhân bầu dục hoặc tròn, không đều, màng nhân thô, có một hay nhiều hạt nhân. Tế bào u xếp thành dạng dải, hoặc nang hoặc ống tuyến hoặc nhú và có nhiều phân bào. Mô đệm ít hoặc giàu tế bào với nhiều vùng xuất huyết hoại tử.
U thường cho di căn bằng đường limphô vào các mạch limphô cạnh động mạch chủ và hạch bẹn, di căn gan, phổi, xương...
Một số carcinom phôi có các cấu trúc tương tự như đĩa phôi ở bào thai 1 hay 2 tuần lễ.
Carcinom đệm nuôi
U rất hiếm gặp, chỉ chiếm 0,3% các u tinh hoàn. Bệnh nhân thường ở lứa tuổi 20-30. Tinh hoàn lớn ít, ít đau và các triệu chứng thường do di căn gây ra.
Đại thể:
Tinh hoàn nhỏ, có hay không có khối u. U có dạng một khối xuất huyết với một ít mô trắng xám ở rìa ổ xuất huyết...
Vi thể:
U gồm các đám tế bào nuôi và hợp bào nuôi. Hợp bào nuôi là các tế bào lớn, nhiều nhân, nhân dị dạng, đậm màu, bào tương ưa eosin và thường có không bào. Tế bào nuôi đều nhau, bào tương sáng với một nhân bọng, kích thước vừa phải.
U không nhạy với xạ trị, nhạy với hoá trị. Tiên lượng xấu, bệnh nhân chết trong vòng một năm.
U quái
U quái chiếm 4-9% u tinh hoàn.
U xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp trong 30 năm đầu. U làm tinh hoàn phì đại, có kèm hay không kèm đau nhức.
U quái là một loại u phức tạp với các thành phần của 2 hoặc 3 lá phôi và có khuynh hướng sắp xếp thành tạng.
Đại thể:
Tinh hoàn thường lớn hơn bình thường và biến dạng, xẻ đôi có nhiều bọc chứa dịch trong hoặc dịch nhầy, có nơi có sụn hay xương. U màu trắng xám, hiếm xuất huyết hoại tử.
Vi thể:
U gồm nhiều loại mô trưởng thành và phôi thai từ 3 lá phôi. Hay gặp nhất là các bọc thượng bì chứa chất keratohyaline, mô sụn, mô cơ trơn, tuyến nhầy, mô hô hấp, mô tiêu hoá và mô thần kinh.
U được chia thành u quái trưởng thành và không trưởng thành. U với đĩa phôi được xếp loại riêng.
Thường u gồm cả các mô trưởng thành lẫn không trưởng thành.
U quái ở trẻ con thường là dạng không trưởng thành và có khuynh hướng xếp thành tạng.
Điều trị bằng cắt bỏ tinh hoàn, và nạo hạch ở người lớn, có hoặc không có xạ trị.
U ác tính thấp, tỷ lệ chết sau 5 năm là 29%.
Một dạng rất hiếm gặp của u quái là u bọc dạng bì: U chứa tóc, mô tuyến bã, răng, sụn, xương. Vách bọc được lót bởi một lớp thượng mô lát tầng sừng hoá và có các phần phụ của da. U bọc dạng bì lành tính và không cho di căn.
U phối hợp nhiều loại u
40% u tinh hoàn có phối hợp nhiều loại u.
Thường gặp nhất là u quái với carcinom phôi, chiếm 24% u tinh hoàn, kế đến là u quái, carcinom phôi và u tinh bào (6,4%), carcinom phôi và u tinh bào (5%), u quái và u tinh bào (2%), u quái, carcinom phôi và carcinom đệm nuôi (1%).
U quái phối hợp với carcinom phôi: thường gặp ở lứa tuổi 30. Lúc được phát hiện, loại u này thường có kích thước lớn nhất so với các loại u mầm bào khác. Mặt cắt u có những vùng bọc và vùng đặc, đôi khi có xuất huyết hoại tử.
Vi thể
U có hình ảnh của cả 2 thành phần trên. U di căn theo đường limphô và đường máu. U quái phối hợp với carcinom phôi có tỷ lệ chết sau 5 năm là 50%.
Di căn của u mầm bào
Trên các số liệu tử thiết, u tinh bào di căn rộng rãi theo đường limphô. carcinom đệm nuôi di căn chủ yếu theo đường máu, carcinom phôi và u quái di căn theo cả đường limphô lẫn đường máu.
Ổ di căn thường có cấu trúc tương tự như u nguyên phát.
Các hạch bị di căn thường là hạch chậu, hạch cạnh động mạch chủ, hạch trung thất và hạch thượng đòn.
Di căn xảy ra theo đường máu đến các tạng như phổi, gan và thận.
Xét nghiệm sinh hoá
Máu và nước tiểu của bệnh nhân bị u quái có HCG và có thể có lượng FSH cao. Do đó, nên đo lượng HCG ở mọi bệnh nhân nghi bị u tinh hoàn. Nếu trước và sau mổ, bệnh nhân có HCG dương tính, tiên lượng xấu vì có thể còn các ổ di căn.
U mô đệm dục
Các u tế bào Leydig, u tế bào Sertoli, u hạt bào, u vỏ bào có chung một nguồn gốc từ mô đệm tuyến sinh dục nguyên thủy.
U có dạng biệt hoá rõ hoặc có dạng phối hợp 2 hay nhiều loại hoặc có dạng biệt hoá kém với các tế bào hình thoi tương tự như vỏ bào.
U tế bào Leydig
U gồm các tế bào Leydig, với các triệu chứng nội tiết như dậy thì sớm ở trẻ em, nữ hoá hoặc không có triệu chứng gì ở người lớn.
U chiếm 3% u tinh hoàn. U làm tinh hoàn lớn lên hoặc có một u trong tinh hoàn. Bé trai có bộ phận sinh dục ngoài phát triển lớn hơn bình thường, dương vật to, có lông trên vùng xương mu, giọng trầm và mọc râu, mọc tóc. Hệ xương và cơ phát triển sớm, trứng cá xuất hiện ở mặt. Bé quan tâm nhiều đến nữ giới. Nếu không điều trị ngay, bé lùn do đầu sụn mất sớm.
Ở người lớn, thường bị bệnh nữ nhũ, do u Leydig sản xuất ra androstenedion. Chất này bị phân hoá ra estrogen và kích thích mô vú.
Đại thể:
5-9% u ở 2 tinh hoàn. U có thể kèm biến dạng tinh hoàn, hoặc có dạng nốt. U thường mềm, có vỏ bao, mặt cắt vàng hay nâu và phồng. U có thể có vùng thoái hoá hyalin hay hoá vôi, nhưng ít gây hoại tử xuất huyết.
Vi thể:
U gồm các tế bào đa diện, giới hạn không rõ, bào tương ưa eosin hoặc có không bào, nhân tròn, bọng, đều nhau. Đôi khi có các tế bào lớn 2 nhân hay nhiều nhân đều nhau.
Tế bào u sắp xếp thành dạng dải, hay cụm tế bào. Mô đệm ít, có thể thoái hoá hyalin hoặc hoá vôi. Có thể có các tinh thể Reinke dạng xì gà trong bào tương tế bào Leydig. Tinh thể Reinke ít thấy khi nhuộm H.E nhưng thấy được trong 40% u khi nhuộm Masson trichrome hay PTAH.
U còn có loại tế bào lớn, có không bào lớn hay nhỏ và chứa lipid. Một số u khác có tế bào nhỏ, chất nhiễm sắc kết cục, đậm màu, một số khác có tế bào hình thoi với bào tương ưa eosin.
10% u ác tính với nhiều hình ảnh phân bào, u xâm nhập ra vỏ bao và các phần phụ thuộc và u xâm nhập vào mạch máu.
Tiêu chuẩn chính xác nhất để chẩn đoán u ác tính là chứng minh u đã cho di căn.
U mô đệm dục nguyên thủy
U chiếm 29% u tinh hoàn. Bệnh nhân thường trẻ, 1/5 u gặp trong 10 năm đầu, 1/3 u gặp ở 29-39 tuổi và 1/5 ở 40-60 tuổi.
U gồm tế bào Sertoli đơn thuần, tế bào hạt đơn thuần nguyên bào sợi đơn thuần hoặc có 2-3 loại phối hợp, có hoặc không có các ổ tế bào Leydig.
U làm phì đại tinh hoàn, 1/3 bệnh nhân có tuyến vú nữ hoá.
Đại thể:
U thường ở một tinh hoàn, chắc, có thùy, có vỏ bao, màu trắng xám hay vàng. U hiếm có xuất huyết hay hoại tử.
Vi thể:
Các u Sertoli biệt hoá rõ dễ nhận ra. Tế bào thượng mô đa giác hay trụ cao. Nhân tròn, lớn, bọng. Bào tương ít hoặc nhiều với các không bào lớn, sáng, đôi khi chứa lipid. U rất hiếm hình ảnh phân bào hay các đại bào.
Các tế bào Sertoli thường sắp xếp thành dạng ống tương tự như ống sinh tinh. Đôi khi các tế bào nhỏ hơn, hình khối vuông sắp xếp dạng nang như bọc nang trứng.
Trong 1/3 các khối u, có tế bào có nhiều bào tương ưa eosin, giống như tế bào hoàng thể và sắp xếp thành dạng ống.
Giữa các ống tuyến là các dải tế bào hình thoi, bào tương ưa eosin. Thỉnh thoảng có hình ảnh phân bào hoặc có đại bào.
U lớn chậm, 10-15% u ác tính.
U nguyên bào dục
U phối hợp tế bào mầm bất thường, tế bào hạt với tế bào Sertoli. U có thể có thêm tế bào Leydig, vỏ bào hay tế bào dạng hoàng thể.
U thường gặp ở trên tuyến sinh dục bất thường và ở người có các cơ quan sinh dục ngoài bất thường.
U ở cả 2 tinh hoàn trong 1/3 các trường hợp.
Đại thể:
U có kích thước thay đổi, từ nhỏ đến 8 cm đường kính, có các ổ hoá vôi.
Vi thể:
U gồm các cụm mầm bào xen lẫn với các tế bào Sertoli và hạt bào. Mầm bào tương tự như trong u tinh bào và có nhiều phân bào. Các tế bào Sertoli-hạt bào thường có 3 dạng sắp xếp:
Bao quanh các mầm bào, tương tự như nang noãn.
Bao quanh các khoảng trống, tương tự như thể Call-Exner.
Ở bờ ngoài các đám hay các dải mầm bào.
U thường có nhiều vùng hoá hyalin và hoá vôi. Hoá vôi thường bắt đầu ở những khoảng tương tự như thể Call-Exner và có dạng các thể vôi tròn hay dạng thể cát.
Rải rác trong u có các tế bào Leydig và các ổ u tinh bào.
Thành phần mầm bào trong u có thể ác tính và cho di căn.
Bài viết cùng chuyên mục
Giải phẫu bệnh u lành cổ tử cung
Các khe tuyến tăng sản nhiều, sâu và đều, có nơi dãn nở thành nang, mô đệm tăng sản dạng pôlíp.
Giải phẫu bệnh u hỗn hợp trung bì tử cung
U Muller hỗn hợp là loại sarcom tử cung thường gặp nhất dù chỉ chiếm 1,5% u ác tử cung và là u có độ ác tính cao
Giải phẫu bệnh bệnh thực quản
Thực quản có lớp niêm mạc là thượng mô lát tầng không sừng hoá, đoạn gần tâm vị có tuyến giống tuyến tâm vị. Lớp cơ thực quản có 2 loại: cơ vân ở 1/3 trên và cơ trơn 2/3 dưới.
Giải phẫu bệnh một số tổn thương đại tràng
Đại tràng có nhiều túi thừa, đặc biệt ở phần đại tràng sigma và trực tràng. Càng lớn tuổi, xuất độ bệnh càng cao và hiếm gặp ở người dưới 30 tuổi. Bệnh do lớp niêm mạc và lớp dưới niêm mạc ruột lồi ra ngoài qua những điểm yếu của lớp cơ.
Giải phẫu bệnh ung thư di căn đến não
Ung thư di căn não chiếm khoảng một phần tư đến một nửa khối u nội sọ, ở những bệnh nhân nhập viện. Các vị trí hay cho di căn nhất là phổi, vú, da (melanôm), thận, và đường tiêu hóa, chiếm khoảng 80% của tất cả các di căn.
Giải phẫu bệnh ung thư gan
Ngày nay người ta thấy có sự liên quan rõ ràng giữa ung thư này với bệnh xơ gan, với sự nhiễm virus viêm gan siêu vi B.
Giải phẫu bệnh của tuyến vú
Trong lúc có thai, thay đổi sớm nhất là tuyến vú cứng chắc thêm, nẩy nở các tĩnh mạch dưới da, kèm theo hiện tượng tăng sắc tố ở quầng vú và núm vú.
Giải phẫu bệnh viêm giang mai
Xoắn khuẩn chưa hề được nuôi cấy trong môi trường nhân tạo và rất yếu, dễ bị hủy hoại do hóa chất, hoặc do sức nóng, khô hanh, nhưng chịu được lạnh.
Giải phẫu bệnh khối u
U là khối mô tân tạo. Các thuật ngữ lành tính và ác tính tương quan với quá trình tân sinh. U lành tính phát triển khu trú, tại chỗ; u ác tính xâm nhập mô, và có thể di căn đến cơ quan xa.
Giải phẫu bệnh nội mạc tử cung và thuốc
Xuất huyết bất thường, và có tác dụng cộng hưởng với progesterone, giúp hạ liều progestin trong viên thuốc ngừa thai.
Giải phẫu bệnh nội mạc tử cung và vòng tránh thai
Vòng có chất đồng ít gây ra viêm hơn. Bạch cầu thường chỉ tập trung trong lòng các ống tuyến, có xuất tiết ở bề mặt nội mạc tử cung còn mô đệm nội mạc bình thường.
Giải phẫu bệnh bệnh hệ thần kinh
Hệ thần kinh và những thành phần phụ của hệ thần kinh gồm nhiều loại tế bào hoặc mô cơ bản. Mặc dù những biến đổi bệnh lý của hệ thần kinh không khác biệt với nhiều vùng trong cơ thể.
Phân tích biểu đồ trong suy tim cấp và mạn còn bù
Trong suốt những giây đầu tiên sau cơn đau tim, đường cong cung lượng tim giảm xuống tới đường thấp nhất. Trong những giây này, đường cong máu tĩnh mạch trở về vẫn không thay đổi do tuần hoàn ngoại vi vẫn hoạt động bình thường.
Giải phẫu bệnh u phúc mạc
Đó là những khối dạng bọc, to hoặc nhỏ, ở mạc treo ruột hoặc dính vào phúc mạc dọc theo thành bụng. Có thể chẩn đoán nhầm với các u khác trong bụng.
Giải phẫu bệnh khớp xương
Thường do sự lan rộng của lao xương. Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em, hay gặp nhất ở khớp háng. Màng khớp rất dày với mô hạt viêm lao. Mặt khớp bị ăn mòn.
Giải phẫu bệnh dị tật bẩm sinh dạ dày
Yếu hoặc thiếu hoàn toàn hay thiếu một phần cơ hoành, thường là bên trái, có thể gây ra thoát vị các bộ phận trong bụng vào lồng ngực. Dị tật này khác với thoát vị hoành (đã đề cập trong bài bệnh của thực quản).
Giải phẫu bệnh viêm dạ dày
Trong thể bệnh nhẹ, thượng mô bề mặt còn nguyên và lớp dưới có thấm nhập rải rác bạch cầu đa nhân.
Nội dung nghiên cứu và nhiệm vụ giải phẫu bệnh
Tham gia vào các nghiên cứu với lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng khác. Kết hợp, đối chiếu kết quả để đưa ra kết luận cuối cùng.
Giải phẫu bệnh viêm phong (cùi, hủi)
Việc gây bệnh phong thực nghiệm ở súc vật cũng được chú ý. Năm 1960 Shepard đã tiêm truyền gây bệnh trên gan bàn chân chuột T 900R
Giải phẫu bệnh bệnh buồng trứng
Bệnh lý viêm rất hiếm gặp. U có thể sinh ra từ những mô phức tạp của buồng trứng trưởng thành hay của vết tích mô phôi của buồng trứng.
Giải phẫu bệnh u lành phần mềm
Hình ảnh vi thể đặc hiệu là có rất nhiều thực bào với không bào lớn chứa các chất dạng mỡ, ngoài ra còn có các tế bào hình thoi tạo sợi và đôi khi có đại bào đa nhân.
Giải phẫu bệnh tuyến giáp
U giả, được hình thành do sự tồn tại của mô ống giáp-lưỡi, tiến triển rất chậm, 1/3 trường hợp có từ lúc mới sinh, 2/3 trường hợp chỉ xuất hiện khi bệnh nhân lớn.
Tổn thương cơ bản của tế bào và mô
Các enzym này trong máu có thể đo lường và sử dụng trên lâm sàng để phát hiện bệnh và theo dõi điều trị, ví dụ trong nhồi máu cơ tim.
Giải phẫu bệnh ruột non
Lớp thượng mô lót bởi các hốc khác với lớp thượng mô của nhung mao. Có 4 loại tế bào thượng mô của hốc: tế bào Paneth, tế bào không biệt hoá, tế bào đài và tế bào nội tiết.
Giải phẫu bệnh ung thư
Các ung thư thường gặp ở nam giới là ung thư của tuyến tiền liệt, phổi, và đại tràng. Ở nữ giới, các ung thư thường gặp là cổ tử cung, vú, phổi, và đại tràng.