- Trang chủ
- Sách y học
- Bài giảng giải phẫu bệnh
- Giải phẫu bệnh của tuyến vú
Giải phẫu bệnh của tuyến vú
Trong lúc có thai, thay đổi sớm nhất là tuyến vú cứng chắc thêm, nẩy nở các tĩnh mạch dưới da, kèm theo hiện tượng tăng sắc tố ở quầng vú và núm vú.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Tuyến vú ở phái nữ trưởng thành là một tuyến chế tiết đơn tế bào, gồm từ 15 đến 20 tiểu thùy không đều nhau.
Các tiểu thùy này độc lập và không nối thông với nhau. Mỗi tiểu thùy đổ vào núm vú qua một ống dẫn sữa và tạo nên một phần mô tuyến hình khối tháp. Các lỗ tiết sữa của mỗi tiểu thùy có thể thấy được rõ ở đầu núm vú.
Thông thường, có một phần mô tuyến vú kéo dài ra đến gần đường nách trước, có khi vào tận trong nách.
Các ống dẫn lớn ở đầu vú được lót bởi thượng mô lát tầng. Lớp thượng mô này nối tiếp với các tế bào hình trụ của các ống nhỏ hơn. Phần ngoại biên của các ống dẫn, lót bởi tế bào hình trụ thấp, thường có hai lớp, lẫn với các tế bào hình lập phương của tiểu thùy. Ngay trong màng đáy của các ống dẫn, có các tế bào sợi nhỏ chuyển dạng từ tế bào cơ-thượng mô.
Mô đệm nâng đỡ các tiểu thùy giống như mô liên kết trong tiểu thùy và nối liền với mô quanh các ống dẫn. Các mô này có thể được xem như là một phần của chủ mô, có dạng lưới thưa hoặc dạng nhầy, phân cách rõ với mô dày đặc giữa hai tiểu thùy và biến đổi theo từng thời kỳ hoạt động của vú.
Ngoại trừ lúc có thai và cho con bú, phần lớn cấu trúc của tuyến vú là mô sợi và mỡ.
Phôi thai học
Tuyến vú là một loại tuyến mồ hôi đã biến đổi, phát triển để phù hợp với các chức năng phức tạp ở phụ nữ trưởng thành. Ở đàn ông, tuyến vú chỉ là một bộ phận ít phát triển.
Tuyến vú xuất phát từ chỗ dày lên của thượng bì nguyên thủy ở mặt bụng cơ thể bào thai vào tuần lễ thứ sáu và làm thành đường sữa. Đường sữa phình ra ở hai bên đầu, giữa chỗ chi trên và chi dưới dính vào. Đường sữa nguyên thủy này teo dần dần. Vào tuần lễ thứ 9 của bào thai, vị trí vĩnh viễn của vú được xác lập nhờ chỗ dày lên của thượng bì (các mầm núm vú nguyên thủy). Vào khoảng tháng thứ sáu, có khoảng 15 đến 20 dây thượng bì cứng chắc từ lớp đáy của núm vú nguyên thủy chạy xuống dưới và cho ra các ống dẫn nguyên thủy. Lúc đầu đặc, sau đó có lòng ống và đến lúc sinh ra thì có những nhánh không hoàn toàn và có thể có 2 hoặc 3 lớp tế bào.
Tuyến vú ở trẻ sơ sinh
Lúc mới sinh, vú gồm các ống dẫn nở lớn, ít nhánh, chứa chất tiết màu hồng nhạt. Giới nam và nữ giống nhau. Ảnh hưởng của nội tiết tố của mẹ tạo nên sự tăng sản thượng mô nên ở phần lớn các ống dẫn xuất hiện các tế bào hình trụ với các mầm chế tiết. Vào thời kỳ này, mô quanh các ống dẫn chỉ là các mạch máu.
Khoảng hai tuần sau khi sanh, các tế bào trụ giảm bớt chiều cao, thoái hoá không bào rồi chết đi. Mô liên kết bên dưới phát triển và làm đầy các ống dẫn đã nở lớn. Sự phát triển và phân nhánh của các ống tuyến vú xảy ra rất chậm và trải dài cho đến tuổi dậy thì. Ở con trai, tuyến vú ngừng phát triển ở thời kỳ này.
Tuyến vú ở thiếu nữ
Cho tới khi bắt đầu có kinh nguyệt đã có sự phát triển tuyến vú dần dần cùng với sự nẩy nở toàn bộ của cơ thể. Thời kỳ này mất từ 3 đến 5 năm. Ở vú, có sự tăng sản của mô đệm, còn các ống dẫn tự dài ra và phân nhánh. Các nhánh tận, nơi có sự tăng sản mạnh nhất, nở rộng và tạo thành chùm, thành các túi của tiểu thùy tuyến vú.
Do sự tăng sản kể trên, tuyến vú phát triển mạnh về kích thước. Hoạt động của tế bào tuyến vú song song với nội mạc tử cung. Trong thời kỳ kinh nguyệt, có sự co rút của các ống dẫn, kèm với hiện tượng teo đét và tróc các tế bào thượng mô. Các tế bào còn lại tương đối nhỏ, hình trụ thấp và có nhân tăng sắc. Mô sợi quanh các ống dẫn tương đối dày.
Vài ngày sau kinh nguyệt, hiện tượng tăng sản trở nên rõ ràng. Có sự phát triển mạnh của các ống dẫn. Các ống này tăng kích thước và số lượng tế bào thượng mô. Còn mô đệm quanh ống dẫn bị phù với một ít tế bào nhuộm màu lợt. Một thời gian ngắn sau, dưới ảnh hưởng của nội tiết tố hoàng thể, tiếp tục thành lập cơ cấu tiểu thùy vĩnh viễn bằng các tế bào thượng mô. Sự thành lập các tiểu thùy này không giống nhau hoàn toàn.
Sự tăng sản quá độ của tế bào trụ trước khi có kinh được kết thúc bằng hoạt động "chế tiết non". Do đó, sẽ có cảm giác thay đổi nhẹ về thể tích tuyến vú, cảm giác này nặng và căng ở vú trước khi có kinh. Sự tăng sản của thượng mô và mô đệm, như vậy, ngược nhau. Trong lúc thượng mô tăng sản thì mô đệm quanh ống dẫn mềm hơn và giảm thiểu thể tích đáng kể nhất là khi có chế tiết. Ngược lại, khi thượng mô thoái triển thì mô liên kết tăng sản và thay thế vùng mà ống dẫn và các tiểu thùy chiếm lúc trước. Lúc này mô vú trở nên ít tế bào. Chu kỳ thay đổi này không thấy ở người bị tắt kinh và thiếu nội tiết tố sinh dục hoặc ở những bệnh nhân bị bệnh mạn tính như lao, tiểu đường.
Tuyến vú lúc có thai và cho con bú
Trong lúc có thai, thay đổi sớm nhất là tuyến vú cứng chắc thêm, nẩy nở các tĩnh mạch dưới da, kèm theo hiện tượng tăng sắc tố ở quầng vú và núm vú.
Trong 3 tháng đầu của thai kỳ có sự tăng sản tế bào thượng mô, thấy rõ nhất là ở nơi tận cùng của ống dẫn và tiểu thùy. Mô đệm quanh ống dẫn mềm và ít ăn màu hơn. Phần trung tâm nhất của tuyến vú, dưới núm vú phát triển thành túi ống dẫn kín giống như một bình chứa.
Khi thai tới đúng kỳ, các tế bào thượng mô chuyển dạng thành tế bào chứa mỡ (sữa non). Các tế bào này rơi vào ống sữa cho ra sự chế tiết sữa (non) đầu tiên.
Thời kỳ ngắn sau khi sanh con, lớp tế bào nền lót các tiểu thùy phát triển trở thành các tế bào thượng mô chế tiết với bào tương nhạt màu và có nhiều hạt.
Khi cho con bú, các tế bào cũng thay đổi do sự phát triển của các tiểu thùy, dưới ảnh hưởng của nội tiết tố hoàng thể, nội tiết tố sinh sữa của não thùy.
Khi đã dứt sữa, không cho con bú nữa, các tiểu thùy và ống dẫn thoái triển, teo đét lại trong lúc mô đệm liên kết cũng không phát triển làm cho vú xẹp và mềm. Trong thời kỳ này, sự thoái hoá không đồng đều, sự tồn tại của các ống dẫn còn nở lớn và sự thấm nhập limphô vào quanh các ống dẫn và tiểu thùy có thể tạo nên bệnh viêm tuyến vú mạn tính thể bọc. Ngoài ra, cũng có thể do ảnh hưởng của nội tiết tố hoàng thể mà người mẹ có thể dễ bị chứng đau vú và bệnh bọc của vú sau khi cho con bú.
Cũng do ảnh hưởng của thai kỳ và sự chế tiết sữa mà u sợi-tuyến của vú có thể lớn nhanh và các ung thư vú trở nên ác tính và có tiên lượng xấu hơn.
Tuyến vú ở người già
Sau mãn kinh, các tế bào chế tiết của tiểu thùy và các tế bào thượng mô ống dẫn teo đét dần từ ngoại biên đến núm vú. Sự teo đét này xảy ra thường không đều, kèm theo tình trạng dãn nở của các ống dẫn, lòng ống lót bởi các tế bào thượng mô nhỏ, tăng sắc. Mô đệm cũng mất bớt tế bào và trở nên dày. Bệnh dãn ống dẫn sữa là bệnh thường gặp ở tuyến vú người già.
Dị tật bẩm sinh tuyến vú
Tuyến vú và núm vú thừa
Do sự tồn tại của các chỗ dày thượng bì dọc theo đường sữa, có thể vừa có ở dưới tuyến vú bình thường xuống tới âm hộ, vừa có ở trên tuyến vú chỗ đường nách trước.
Thường có thể biết được dễ dàng. Hiếm khi lầm với các u dưới da. Các bệnh của tuyến vú bình thường cũng rất ít khi có ở các tuyến vú thừa. Đôi khi, do ảnh hưởng của chu kỳ kinh nguyệt, các tuyến vú thừa này có thể đau nhẹ và hơi lớn lên.
Mô vú phụ
Phần kéo dài của mô vú vào vùng nách là một cấu trúc bình thường. Tuy nhiên, đôi khi phần này là nơi phát triển của các bệnh của vú. Các bệnh này có thể tạo thành những khối u ở vùng nách, ngoài vú, và do đó dễ gây nhầm lẫn với hạch limphô hoặc tưởng là di căn của ung thư vú.
Núm vú lộn ngược
Xảy ra trên nhiều phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ có vú to và thòng.
Nguyên nhân chưa rõ. Có thể có liên quan với sự khiếm khuyết trong sự dài ra của các ống dẫn và do sự tích tụ quá nhiều mô mỡ dưới da và do sự phát triển quá nhiều của mô tuyến vú ở vùng quầng vú.
Thông thường, tình trạng núm vú lộn ngược vào trong sẽ được điều chỉnh lúc có thai hoặc do động tác kéo núm vú ra. Tình trạng này có thể bị lầm lẫn với tình trạng tụt núm vú do ung thư hoặc do viêm tuyến vú.
Phì đại tuyến vú
Có thể có ở một hoặc cả hai vú và có thể xảy ra bất cứ lúc nào do rối loạn nội tiết tố.
Trước tuổi dậy thì, phì đại xảy ra ở hai vú là hậu quả của một số u có khả năng chế tiết estrogen. Đó là u tế bào hạt của buồng trứng, carcinom đệm nuôi của nhau thai, u của vỏ thượng thận, u não thùy.
Trong thời kỳ dậy thì, do ảnh hưởng của nội tiết tố estrogen, tuyến vú lớn nhanh với các tĩnh mạch nở lớn và núm vú kéo dài. Sự thay đổi mô học thấy rõ là sự tăng sản của mô sợi và sự cố gắng thành lập các tiểu thùy.
Nữ hóa tuyến vú
Còn gọi là bệnh nữ nhũ, là tình trạng tuyến vú của nam giới phát triển lớn, có khi đạt kích thước như ở nữ giới. Sự nẩy nở bất thường này có thể xảy ra ở bất cứ tuổi nào (nhưng thường nhất là trẻ em trai và lúc tuổi già) và có thể ở một hoặc cả hai vú.
Theo Karsner, nữ hoá tuyến vú là sự nẩy nở tuyến vú nam giới do sự tăng sản của mô liên kết (dày đặc trong mô đệm, và thưa hơn quanh các ống dẫn) và các ống dẫn. Các ống dẫn mọc thêm nhiều, dài thêm và thêm các nhánh nhưng không có thành lập tế bào chế tiết thực sự.
Quanh các ống dẫn và có khi trong mô đệm có thấm nhập limphô bào, tương bào, bạch cầu đơn nhân, bạch cầu đa nhân trung tính hoặc ái toan. Có thể có chất chế tiết từ ống dẫn. Chất này, không phải là sữa non hay sữa, có thể chảy ra tự nhiên hoặc do sờ nắn vào tuyến vú.
Cần phân biệt nữ hoá tuyến vú với một số trường hợp gọi là nữ hoá tuyến vú giả do đọng mỡ ở vùng vú, do viêm hoặc do u lành, do ung thư.
Nữ hoá tuyến vú thường gặp hơn so với ung thư vú ở nam giới. Không có mối liên hệ giữa hai loại bệnh này.
Nữ hoá tuyến vú có thể xảy ra do dùng nội tiết tố estrogen tổng hợp, do dùng liều cao thuốc an thần, ở bệnh nhân xơ gan (do gan mất khả năng chuyển hoá estrogen), ở bệnh nhân bị u có khả năng chế tiết estrogen (như carcinom đệm nuôi của tinh hoàn) u tế bào Leydig, u tế bào Sertoli, u tuyến não thùy, u vỏ thượng thận.
Bệnh của vú
Các bệnh của vú thường xảy ra ở nữ giới. Đề cập đến bệnh của tuyến vú tức là đề cập đến bệnh của tuyến vú ở nữ giới. Tuyến vú của nam giới là một cơ quan ít phát triển, tương đối không bị ảnh hưởng của nội tiết tố, và tương đối ít bị u.
Ở nữ giới, mô vú có cấu tạo phức tạp hơn, có kích thước lớn hơn nhiều, và chịu nhiều ảnh hưởng của nội tiết tố. Do đó, tuyến vú cũng là nơi có nhiều loại bệnh.
Theo các tác giả Âu Mỹ, tuyến vú là nơi có xuất độ cao nhất của ung thư ở phụ nữ và ung thư vú chiếm tỉ lệ 1/5 tất cả các ung thư của cả hai giới.
Theo ghi nhận ung thư quần thể tại TP. Hồ Chí Minh năm 1997 của Nguyễn Chấn Hùng và cộng sự, ung thư vú có xuất độ cao thứ hai, chỉ sau ung thư cổ tử cung ở phụ nữ Việt Nam.
Ngoài ra, tuyến vú còn có những u lành và những tổn thương dạng u, với xuất độ cao hơn so với ung thư.
Hai bệnh quan trọng nhất của tuyến vú là thay đổi sợi-bọc và ung thư vú. Bởi vì cả hai đều biểu hiện dưới dạng cục hoặc chỗ cứng trong vú.
Các câu hỏi sau đây phải luôn luôn được đặt ra trước một tổn thương trong vú:
Tính chất lành hoặc ác của tổn thương?
Có thể chẩn đoán nhầm lẫn giữa một bệnh lành tính với ung thư vú ?
Tổn thương lành tính nào có thể thoái hoá thành ung thư ?
Viêm tuyến vú
Ít xảy ra và chỉ gồm một vài loại bệnh cấp tính và mạn tính.
Quan trọng nhất là viêm vú cấp tính không đặc hiệu xảy ra trong thời kỳ chế tiết sữa. Có thể đưa đến áp xe vú.
Ngoài ra, còn có một số bệnh khác hiếm hơn như: viêm lao, (thường là biến chứng của lao hạch trung thất), viêm giang mai dưới dạng mụn nhiễm ở núm vú hay quầng vú hay ở da vú, dãn ống dẫn sữa hay viêm vú tương bào (một loại bệnh chưa biết nguyên nhân).
Viêm tuyến vú cấp tính và áp xe vú
Thường xảy ra trong vài tuần lễ đầu ở người cho con bú. Tác nhân gây viêm thường là tụ cầu khuẩn vàng xâm nhập qua các vết nứt của núm vú, vào mô vú qua các ống dẫn sữa.
Thường chỉ bị một bên vú. Tụ cầu khuẩn vàng có khuynh hướng tạo thành một hoặc nhiều ổ áp xe. Liên cầu khuẩn thường lan tràn cả mô vú.
Tuyến vú sưng, đỏ, nóng, cứng chắc và căng đau. Bằng cách nung mủ, viêm trở nên mềm và gom về một chỗ tạo thành ổ áp xe. Tổn thương vi thể không đặc hiệu gồm có sự thấm nhập bạch cầu đa nhân kèm những vùng hoại tử. Tu bổ bằng mô sợi có thể xuất hiện sau đó. Tình trạng viêm có thể tồn tại, chuyển thành viêm bán cấp hay viêm tuyến vú hậu sản bán cấp.
Viêm tuyến vú có thể làm co kéo núm vú, co kéo da, làm hạch nách sưng to gây nhầm lẫn với ung thư vú nhất là ung thư vú dạng viêm.
Viêm tuyến vú tương bào
Còn gọi là dãn ống dẫn sữa hay viêm tuyến vú dạng bã khô.
Hiếm gặp, xuất hiện sau nhiều thai kỳ ở người đàn bà khoảng 40 đến 50 tuổi. Tiền căn có thời kỳ hậu sản khó khăn (núm vú lộn ngược, nứt núm vú, chết trẻ sơ sinh) trong 50% các trường hợp.
Bắt đầu bệnh này là sự ứ đọng và đậm đặc chất chế tiết. Bản chất của bệnh là phản ứng của cơ thể đối với vật lạ.
Tuyến vú bị sưng, nhiều nhất là dưới quầng vú, làm méo mó núm vú kèm đau căng ít và có thể có tiết dịch đục từ núm vú. Các ống dẫn có thể sờ thấy dày và hạch limphô vùng nách nở lớn. Tổn thương có mặt cắt phẳng, lốm đốm xám lẫn các ống dẫn méo mó, tiết dịch khi ấn vào và có nhiều vùng nhỏ bị hoại tử (với chất giống như bã khô).
Dưới kính hiển vi, tổn thương giống như trong bệnh lao. Các tế bào dạng thượng mô và đại bào xếp giống như trong nang lao. Tuy nhiên còn có hình ảnh các ống dãn nở, các ống chứa đầy chất tiết và bạch cầu, thấm nhập tế bào viêm nhất là tương bào quanh các ống dẫn. Mô sợi tu bổ làm nơi bị viêm cứng thêm và làm co rút núm vú.
Bệnh này có thể gây chẩn đoán nhầm với ung thư vú.
Viêm tuyến vú mạn tính
Ngoại trừ loại viêm tuyến vú hậu sản (đã đề cập), viêm tuyến vú mạn tính thường là loại viêm hạt và là biểu hiện của một trong các loại viêm toàn thân như viêm lao, viêm giang mai, viêm do nấm Blastomycète, Actinomycètes.
Cũng có thể có viêm tuyến vú mạn tính với các đại bào ăn dị vật trong trường hợp chích các chất lạ vào vú vì mục đích thẩm mỹ, như chất silicone hoặc parafin.
Trong mô vú có hoá sợi, thực bào, thấm nhập tế bào viêm mạn tính dưới dạng mô hạt viêm phản ứng với vật lạ.
Hoại tử mỡ
Một loại "u" vú đặc biệt, ít thấy, ở một vú có kích thước lớn và dài, sau một chấn thương tại vú.
Gần 50% số bệnh nhân này có tiền căn chấn thương mạnh nơi vú. Như vậy, hoại tử mỡ có thể thấy chung với áp xe vú, với ung thư vú, với tình trạng thiếu máu cục bộ vì đè ép, và có thể với một tuyến vú đã chịu một phẫu thuật sinh thiết.
Lúc đầu tổn thương là những khối cứng dính vào nhau nhưng đồng nhất và có giới hạn rõ ràng. Khi hoại tử tiến triển, tổn thương có thể có màu vàng nhạt, cam, nâu hoặc nâu đỏ tùy theo có xuất huyết hay không.
Về sau, tổn thương có thể có bọc, có lắng đọng canxi, có thành lập sẹo dính mô chung quanh và dính da làm co kéo da. Lúc ấy có thể bị nhầm lẫn với ung thư trên lâm sàng.
Tổn thương vi thể là viêm mô mỡ cấp tính kèm hoại tử mỡ với những ổ hoại tử của tế bào mỡ được bao bọc bởi đại thực bào ăn mỡ và rất nhiều bạch cầu đa nhân. Sau vài ngày có tăng sản sợi, tăng sản mạch máu và thấm nhập limphô bào, mô bào chung quanh. Dần dần các tế bào mỡ hoại tử biến mất, còn lại các đại thực bào bọt ăn mỡ, những tinh thể cholesterol.
Cuối cùng là đại bào ăn dị vật, muối canxi, sắc tố của máu cùng với mô sẹo hay hoá bọc (vách bọc là mô collagen).
Bọc sữa
Là tình trạng dãn nở thành bọc của một ống dẫn trong thời kỳ chế tiết sữa.
Nguyên do:
Tắc ống dẫn vì viêm, vì thay đổi sợi-bọc hoặc vì u.
Thường chỉ có một ống bị tắc nên có một bọc, nhưng cũng có khi có nhiều bọc.
Lúc đầu, bọc xuất hiện dưới dạng cục hơi đau, chứa đầy dịch sữa, với vách mỏng. Dần dần, triệu chứng đau biến mất, bọc trở nên cứng hơn, dịch trong bọc đặc hơn. Bội nhiễm có thể xảy ra và gây ra viêm cấp tính hoặc áp xe. Đôi khi, ngay cả không có bội nhiễm, bọc có thể bể ra và tạo nên hình ảnh giống như trong bệnh dãn ống dẫn sữa.
Bệnh do mất quân bình nội tiết tố
Thay đổi sợi-bọc của vú
Cũng thường được gọi là thay đổi xơ-nang của vú.
Tổn thương thường thấy nhất ở vú phụ nữ.
Do những rối loạn trong sự thoái triển và tăng sản của chủ mô và mô đệm của vú theo chu kỳ. Các biến đổi chính xảy ra ở nơi tiểu thùy vú lúc dậy thì. Vì vậy, thay đổi này không có ở người đã mãn kinh và nam giới.
Thay đổi này không phải là viêm hay u. Sự thay đổi về giải phẫu học của mô vú trong thay đổi này là do sự mất quân bình nội tiết tố của buồng trứng (ví dụ như tăng nội tiết tố estrogen tuyệt đối trong một số loại u của buồng trứng hoặc dư estrogen tương đối khi có sự giảm progesterone thấy ở người không có rụng trứng) tác dụng trên tuyến vú trong thời gian dài. Trong vài trường hợp ghi nhận được, mức pregnanediol thấp hơn bình thường.
Thay đổi này thường thấy nhiều nhất trong khoảng 10 năm chót của đời sống sinh dục. Nhưng dù phát triển ở thời kỳ này, thay đổi này có thể không gây triệu chứng rõ ràng và thường được chẩn đoán sau khi đã mãn kinh.
Không có ý kiến thống nhất về xuất độ của bệnh. Franz và cộng sự khảo sát tử thiết trên các phụ nữ Hoa Kỳ không có tiền căn bệnh vú thì thấy có 20% có thay đổi sợi-bọc của vú. Còn Haagensen thì ước tính có 10% phụ nữ Hoa Kỳ bị thay đổi sợi-bọc của vú.
Theo một công trình nghiên cứu tại bộ môn Giải phẫu bệnh - Đại Học Y Dược TP Hồ chí Minh (1989) thì thay đổi sợi-bọc chiếm 14,9% các bệnh lành tính của vú được mổ, chỉ sau u sợi-tuyến.
Tên gọi của bệnh lý này vẫn chưa được thống nhất và rất phức tạp, bởi vì những hình ảnh giải phẫu bệnh của tổn thương rất thay đổi và tương đối đa dạng.
Phải mất một thời gian dài từ Brodie (1946) và Reclus (1983) tới bây giờ để có được một quan niệm mới là chỉ có một bệnh dưới nhiều dạng tổn thương khác nhau.
Đã có nhiều tên như viêm vú dạng bọc mạn tính, bệnh u nang, nghịch sản, tăng sản bọc... Nhưng hiện nay, tên được dùng nhiều nhất là: Thay đổi sợi-bọc của vú.
Theo Robbins, thay đổi sợi-bọc của vú gồm 3 thể bệnh:
Hoá sợi của vú
Cũng gọi là bệnh đau vú.
Với đặc điểm: tăng sản mô đệm sợi kèm theo tăng sản thượng mô, thường không có tổn thương dạng bọc loại lớn.
Thường xảy ra ở phụ nữ 30 đến 35 tuổi và thường có ở một bên nhưng đôi khi có ở hai vú, có thể đau nhẹ trước mỗi kỳ kinh.
Tổn thương thường ở 1/4 trên ngoài của vú dưới dạng một khối có giới hạn không rõ, chắc như cao su, đường kính từ 2 đến 10 cm, nhưng không dính da và mô sâu. Khi cắt đôi, tổn thương dày đặc, dai, đồng nhất, màu trắng ngà, lấm tấm vàng. Thường không có bọc, nhưng nếu có thì là bọc rất nhỏ.
Cấu trúc vi thể khác nhau tùy thuộc mức độ tăng sản của mô sợi. Thường thường mô đệm có nhiều collagen lấn vào các ống, thay cho mô sợi non quanh ống và quanh tiểu thùy. Đôi khi các ống và tiểu thùy bị ép dẹp hoặc bị teo lại. Thỉnh thoảng có thể có nang nhỏ do ống dẫn bị dãn. Nhưng nói chung, tổn thương chủ yếu là hoá sợi.
Bệnh bọc
Còn có tên là bệnh Bloodgood, bệnh Schimmel-Busch, bệnh bọc Reclus, bệnh bọc lành Brodie.
Thường xảy ra ở phụ nữ gần hoặc ở tuổi mãn kinh (giữa 45 đến 55 tuổi).
Do sự tăng sản bất thường của thượng mô ống dẫn cùng với sự dãn nở của các ống dẫn theo mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Tình trạng tăng sản này không quân bình với sự thoái triển, sự tróc tế bào và với sự co rút các ống.
Như vậy, sự dãn nở thành bọc là do những rối loạn theo chu kỳ chứ không phải do tắc nghẽn các ống dẫn.
Hiếm khi có tổn thương đơn độc, thường nhiều ổ và hai bên vú (khác với tổn thương hoá sợi kể trên) dưới dạng những vùng có mật độ chắc giới hạn không rõ. Các bọc này khi còn nhỏ tạo cảm giác lổn nhổn, khi lớn hơn tạo cảm giác có bờ rõ ràng. Đôi khi nhiều bọc hợp lại tạo nên một khối lớn nhiều thùy. Khi cắt ra, các bọc thay đổi nhiều về kích thước từ rất nhỏ đến lớn, thông thường lên tới 4 đến 5 cm đường kính. Khi còn nguyên, các bọc thường có màu nâu đến xanh dương do chứa chất dịch nửa trong nửa đục. Vỏ bọc thường mỏng, trắng, láng, tuy cũng có khi dày và hoá canxi.
Cấu trúc vi thể là các ống dãn nở thành bọc. Ở các bọc lớn, thượng mô bị dẹt lại hoặc biến mất để lại một vỏ sợi collagen. Ở các bọc nhỏ, thượng mô lót có dạng lập phương hay hình trụ và có những nơi có nhiều lớp. Đôi khi có chỗ tăng sản dạng nhú. Màng đáy hầu như còn nguyên.
Một số hiếm trường hợp, bọc được lót bởi các tế bào to, đa diện với bào tương có hạt, ái toan với nhân tròn nhỏ nhiều chất nhiễm sắc. Đó là thượng mô đỉnh tiết, loại thượng mô hiếm thấy ở các vú bình thường.
Tăng sản thượng mô lành tính hay tăng sản tuyến
Thường xảy ra ở phụ nữ trên 35 đến 45 tuổi là tuổi ở giữa độ tuổi của bệnh hoá sợi và bệnh bọc của vú. Do tăng sản của thượng mô chiếm ưu thế, nhưng có thể có kèm theo hoá sợi và tạo bọc.
Tổn thương có mật độ chắc gần giống ung thư hoặc là một vùng cứng giới hạn không rõ ràng. Khi cắt ra, mô màu trắng xám, chắc như sụn. Có thể có bọc lớn hoặc nhỏ. Phân biệt với ung thư vú nhờ có đặc điểm là không có những nốt trắng vàng như phấn hoặc vùng hoại tử.
Cấu trúc vi thể có 4 đặc điểm:
(1) Tăng sản thượng mô ống dẫn,
(2) tạo nhú trong ống,
(3) tăng sản nhân đôi các tuyến,
(4) tăng sản mô đệm làm chèn ép thượng mô. Khi mô đệm sợi tăng sản mạnh làm chèn ép thượng mô (cũng tăng sản) có thể tạo một hình ảnh giống ung thư dạng xơ chai. Đó là dạng tăng sản ống xơ hoá. Phân biệt với ung thư có khi rất khó. Chỉ khi có bọc và có các thành phần đỉnh tiết hay khi cấu trúc tuyến đều đặn rõ ràng mới dễ chẩn đoán phân biệt. Sự giống nhau về cấu trúc này khiến người ta tin rằng loại bệnh tăng sản tuyến này có xuất độ trở thành ung thư cao hơn bình thường.
Mối liên hệ giữa thay đổi sợi-bọc với ung thư vú
Thay đổi sợi-bọc của vú rất quan trọng về mặt lâm sàng vì 2 lý do sau đây:
Tạo nên một khối trong vú khó phân biệt với carcinom.
Có thể là nơi phát triển của carcinom.
Bất kỳ một chỗ cứng nào trong vú cũng phải được nghi ngờ là ung thư. Cách duy nhất để chẩn đoán phân biệt là sinh thiết để khảo sát mô bệnh học
Tuy nhiên, những đặc điểm đại thể-lâm sàng sau đây giúp chúng ta hướng về thay đổi sợi-bọc của vú:
Tổn thương có hai bên vú và có nhiều cục.
Tổn thương lớn lên và đau nhức khi có kinh.
Tuổi của bệnh nhân trẻ.
Thay đổi sợi-bọc thường thoái triển hoặc biến mất lúc có thai.
Về mối liên hệ giữa thay đổi sợi-bọc và ung thư vú, có hai ý kiến trái ngược nhau:
(1) Thay đổi sợi-bọc là nơi phát triển của carcinom,
(2) không có mối liên hệ nào giữa thay đổi sợi-bọc với carcinom.
Đã có những bằng chứng cho thấy là ung thư vú xảy ra thường hơn trên những bệnh nhân bị thay đổi sợi-bọc.
Warren, theo dõi 1200 trường hợp trong 5 năm, đã nhận định rằng tỉ lệ bị ung thư vú ở người bị thay đổi sợi-bọc không kể tuổi cao gấp 4 đến 5 lần người bình thường.
Một báo cáo khác cho biết có 10 đến 12% vú bị thay đổi sợi-bọc có ung thư. Mặt khác, 60 đến 90% trường hợp ung thư vú có kèm theo thay đổi sợi-bọc.
Nhận định được nhiều tác giả đồng ý là: ung thư vú dễ phát triển từ thay đổi sợi-bọc của vú trong những trường hợp có tăng sản thượng mô ống, có tạo nhú, có tăng sản tuyến. Còn bệnh hoá sợi và bệnh bọc đơn thuần mà không kèm tăng sản thượng mô thì có vai trò rất nhỏ trong nguồn gốc của ung thư.
Foote và Stewart cho rằng họ đã thấy ung thư vú phát triển từ u nhú của ống dẫn sữa, từ các bọc, từ các thượng mô đỉnh tiết và từ tăng sản tuyến, nghĩa là từ tất cả các dạng của thay đổi sợi-bọc.
Cũng nên nhớ rằng, mặc dù tổn thương dưới kính hiển vi là lành tính, những vùng khác của vú vẫn có thể xấu. Thay đổi sợi-bọc, với những thể có tăng sản thượng mô có thể là nơi xuất phát của ung thư.
Wellings, 1980, đã nhận định rằng mối liên hệ nhân quả giữa thay đổi sợi-bọc và ung thư thì tỉ lệ thuận với độ tăng sản và độ không điển hình của thượng mô trong thay đổi sợi-bọc.
Trong một khảo sát trên 301 bệnh nhân được chẩn đoán bằng sinh thiết là có tăng sản không điển hình của thượng mô ống tuyến vú và không được mổ cắt vú, Ashikar và cộng sự (1974) nhận thấy có 10% trường hợp bị ung thư vú sau 55 tháng. Haagensen (1981) cũng nhận thấy có sự gia tăng nguy cơ bị ung thư ở những bệnh nhân có u bọc to.
Bài viết cùng chuyên mục
Giải phẫu bệnh tổn thương huyết khối
Khi có tổn thương nội mạc, tiểu cầu có điều kiện tiếp cận với chất nền ngoài tế bào (ECM) ở vách mạch
Giải phẫu bệnh u lành phần mềm
Hình ảnh vi thể đặc hiệu là có rất nhiều thực bào với không bào lớn chứa các chất dạng mỡ, ngoài ra còn có các tế bào hình thoi tạo sợi và đôi khi có đại bào đa nhân.
Giải phẫu bệnh khớp xương
Thường do sự lan rộng của lao xương. Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em, hay gặp nhất ở khớp háng. Màng khớp rất dày với mô hạt viêm lao. Mặt khớp bị ăn mòn.
Sarcom cơ trơn tử cung
Hầu hết sarcom cơ trơn nằm trong lớp cơ, dưới dạng một khối đơn độc, đường kính trung bình là 9cm, bờ không rõ rệt, mềm hay chắc.
Giải phẫu bệnh u đại tràng
Bệnh có ở mọi tuổi, nhưng thường được chẩn đoán ở bệnh nhân 60 đến 70 tuổi, nhân lúc bệnh nhân được khám bằng soi đại tràng sigma
Giải phẫu bệnh phần mềm
Việc chẩn đoán các u hiếm cần rất thận trọng và được hội chẩn liên khoa giải phẫu bệnh-lâm sàng-hình ảnh học y khoa.
Giải phẫu bệnh bệnh tim và mạch máu
Bình thường, vào tuần thứ 4 của bào thai, 2 ống phôi tim mạch hòa nhập vào thành một với 4 buồng: xoang tĩnh mạch, tâm nhĩ, tâm thất và bầu thất.
Giải phẫu bệnh u lành tuyến vú
Các đám tuyến tròn hoặc bầu dục, được lót bởi một hay nhiều lớp tế bào hình trụ hoặc đa diện. Màng đáy còn nguyên và rõ
Giải phẫu bệnh bệnh buồng trứng
Bệnh lý viêm rất hiếm gặp. U có thể sinh ra từ những mô phức tạp của buồng trứng trưởng thành hay của vết tích mô phôi của buồng trứng.
Giải phẫu bệnh tổn thương giả u cổ tử cung
Tổn thương thường gặp ở phụ nữ dùng viên thuốc ngừa thai, hay ở phụ nữ có thai hay sau sanh.
Giải phẫu bệnh dị tật bẩm sinh tử cung
Nếu teo đét ở một ống Mller, sẽ chỉ có loa vòi và một khối cơ ở thành chậu bên, hoặc có dạng tử cung hai sừng một cổ với một sừng thô sơ.
Giải phẫu bệnh viêm dạ dày
Trong thể bệnh nhẹ, thượng mô bề mặt còn nguyên và lớp dưới có thấm nhập rải rác bạch cầu đa nhân.
Giải phẫu bệnh của gan
Các enzym SGOT (serum glutamic oxaloacetic transferase) và SGPT (serum glutamic pyruvic transferase) do gan tổng hợp
Giải phẫu bệnh tổn thương dạng u phần mềm
Bệnh sợi phát triển trong cơ ức đòn chũm của trẻ sơ sinh và trẻ lớn, lúc đầu là một khối nhỏ nếu không được cắt bỏ về sau sẽ gây chứng vẹo cổ.
Giải phẫu bệnh ung thư
Các ung thư thường gặp ở nam giới là ung thư của tuyến tiền liệt, phổi, và đại tràng. Ở nữ giới, các ung thư thường gặp là cổ tử cung, vú, phổi, và đại tràng.
Giải phẫu bệnh ung thư buồng trứng do di căn
U có thể có các bọc lót bởi tế bào chế tiết nhầy, có chứa mô hoại tử và chất nhầy nhiều hơn carcinom tuyến bọc dịch nhầy của buồng trứng.
Giải phẫu bệnh bệnh của miệng và xương hàm
Một loại không thường gặp là u nguyên bào cơ có hạt ở lưỡi, có hình thái giống u cùng tên ở nơi khác, gồm những tế bào to với bào tương có hạt.
Giải phẫu bệnh viêm xương
Bệnh viêm mủ xương-tủy có thể chia làm 3 giai đoạn diễn tiến liên tục và chuyển đổi từ từ không có ranh giới rõ rệt: cấp, bán cấp và mạn tính.
Giải phẫu bệnh tinh hoàn
Tinh hoàn có các nang lao hoặc có phản ứng tế bào với thấm nhập bạch cầu đa nhân, tương bào, tế bào thượng mô tróc, tế bào đơn nhân, đại bào nhiều nhân và vi trùng lao.
Giải phẫu bệnh một số tổn thương đại tràng
Đại tràng có nhiều túi thừa, đặc biệt ở phần đại tràng sigma và trực tràng. Càng lớn tuổi, xuất độ bệnh càng cao và hiếm gặp ở người dưới 30 tuổi. Bệnh do lớp niêm mạc và lớp dưới niêm mạc ruột lồi ra ngoài qua những điểm yếu của lớp cơ.
Đại cương giải phẫu bệnh bệnh xương
Xương xốp hay xương bè hoặc xương tủy giúp cho chức năng chuyển hóa chất khoáng. Xương xốp ở đầu xương còn có nhiệm vụ truyền lực đến vỏ thân xương.
Giải phẫu bệnh đông máu nội mạch lan tỏa
Nhiễm khuẩn gây tổn thương lan tỏa nội mạc mạchh máu (do virút, vi khuẩn Gram âm, Rickettsia, Aspergillosis, Histoplasmosis, ký sinh trùng sốt rét v.v....).
Giải phẫu bệnh u mầm bào buồng trứng
U mầm bào là nhóm u buồng trứng lớn thứ hai sau u thượng mô thông thường, với xuất độ là 20% u buồng trứng. Tỷ lệ này là tỷ lệ bên Âu Châu và Châu Mỹ, còn bên Á Châu và Phi Châu, nơi xuất độ u thượng mô thấp hơn.
Giải phẫu bệnh u mô đệm nội mạc tử cung
Đôi khi u hoá bọc, nhưng ít hoại tử xuất huyết. U thường nằm trong lớp cơ hay dưới thanh mạc nhưng không xâm nhập.
Giải phẫu bệnh u lành cổ tử cung
Các khe tuyến tăng sản nhiều, sâu và đều, có nơi dãn nở thành nang, mô đệm tăng sản dạng pôlíp.