Tổng quan nhiễm khuẩn hô hấp cấp ở trẻ em

2012-10-25 02:37 PM

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp phổ biến ở thành thị hơn là nông thôn, tỉ lệ mắc bệnh ở nước ta tăng lên vào tháng 4, 5 và tháng 9, 10. Nguyên nhân có thể do yếu tố ấm nóng, gió.

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Tầm quan trọng và định nghĩa nhiễm khuẩn hô hấp cấp

Tầm quan trọng của nhiễm khuẩn hô hấp cấp

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp là bệnh lý phổ biến ở trẻ em và gây tỉ lệ tử vong cao nhất so với các bệnh khác. Các thông báo chính tại hội nghị quốc tế về chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp cho biết hàng năm trên thế giới có khoảng 4,3 triệu trẻ em < 5 tuổi chết vì nhiễm khuẩn hô hấp cấp trong đó chủ yếu do viêm phổi. Mỗi năm một đứa trẻ bị 4-6 lần nhiễm khuẩn hô hấp cấp làm ảnh hưởng đến ngày công lao động của bố mẹ, là gánh nặng đối với xã hội. Do nhiễm khuẩn hô hấp cấp có tầm quan trọng như vậy nên Tổ chức y tế thế giới và Unicef đã đưa ra chương trình phòng chống bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp với mục tiêu cụ thể là làm giảm tỉ lệ tử vong do nhiễm khuẩn hô hấp cấp ở trẻ < 5 tuổi, cùng với mục tiêu lâu dài là làm giảm tỉ lệ mắc bệnh và giảm tỉ lệ kháng kháng sinh.

Định nghĩa

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp bao gồm các nhiễm trùng ở bất kỳ vị trí nào trên đường hô hấp, bao gồm mũi, tai, họng, thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản, phổi. Thời gian bị bệnh không  quá 30 ngày, ngoại trừ viêm tai giữa cấp là 14 ngày.

Dịch tễ và nguyên nhân

Hàng năm đa số trẻ em bị mắc 4-6 lần nhiễm khuẩn hô hấp cấp, chiếm một phần lớn bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế. Tại hội nghị Tham khảo Quốc tế về chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp lần thứ nhất tổ chức tại Washington năm 1991, cho biết hàng năm trên thế giới có khoảng 4,3 triệu trẻ em <5 tuổi đã chết vì nhiễm khuẩn hô hấp cấp trong đó chủ yếu do viêm phổi. Mười ngàn tử vong mỗi ngày chỉ do một nguyên nhân. Chưa có bệnh nào làm trẻ chết nhiều như vậy, trong đó đáng chú ý là 90% số tử vong này tập trung ở các nước đang phát triển. Đến tháng 7 năm 1997, hội nghị quốc tế của TCYTTG tại Canberra đã tổng kết là tử vong do nhiễm khuẩn hô hấp cấp dưới chiếm 19% tử vong ở trẻ em <5 tuổi. Sau đây là một vài con số thống kê:

Tình hình mắc bệnh – tử vong chung của nhiễm khuẩn hô hấp cấp

Tình hình mắc bệnh

Trong cộng đồng.

 

Tuổi của trẻ (năm tuổi)

Nơi

< 1

1 - 2

3 - 5

San Jose, Costa

Ibaden, Nigeria

Cruz, Guatemala

New Delhi, India

5.9

7.5

8.3

5.6

7.2

7.1

8.8

5.3

4.8

6.3

5.7

4.8

Tecumsed, USA Seattle, USA

6.1
4.5

5.7
5.0

4.7
4.8

Bảng: Số đợt nhiễm khuẩn hô hấp cấp hàng năm tại khu vực thành phố.

Nơi

% trẻ

Ethiopia

Baghdad, Iraq

Sao Paulo, Brazil

London, UK

Herston, Australia

25.5

39.3

41.8

35.5

34.0

Bảng: Số trẻ em bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp đến khám tại các phòng khám bệnh ngoại trú:

Trong bệnh viện:

Nơi

% trẻ vào viện

Dhaka, Bangladesh

Rangoon, Myanmar

Islamabad, Pakistan

Nadola, Zambia

Khoa Nhi, BV Huế

35.8

31.5

33.6

34.0

25.31

Bảng: Số trẻ em bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp đến điều trị  tại bệnh viện:

Tình hình tử vong

Trong hội nghị Washington, 1991, đã thông báo số liệu sau đây của Wafula, về tử vong hàng năm trong 1000 trẻ đẻ sống:

Nơi

Chiếm % tổng số tử vong

Abotabad, Pakixtan

35

Ấn độ

43

Indonexia

25

Bagamoyo , Tanzania

36

Bảng: Tình hình tử vong hàng năm trong 1000 trẻ đẻ sống.

Nhìn chung, tại các nước đang phát triển, nhiễm khuẩn hô hấp cấp là nguyên nhân mắc bệnh hàng đầu  ở trẻ em <5 tuổi, là nguyên nhân đến khám bệnh cũng như vào điều trị hàng đầu tại các tuyến y tế và cũng là nguyên nhân tử vong làm trẻ chết nhiều nhất. Thật  vậy, nguyên nhân ước tính của 12,8 triệu tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, 1990 : nhiễm khuẩn hô hấp cấp 33,4 % (4,3 triệu), tiêu chảy 24,8 % ( 3,2 triệu ), nguyên nhân khác 41,8% (5,4 triệu). Theo số liệu của TCYTTG năm 2000 thì các nguyên nhân chính gây tử vong cho trẻ em <5 tuổi trên toàn cầu là: do suy dinh dưỡng 54%, do tử vong chu sinh 22%, do viêm phổi: 20%, do tiêu chảy 12%, do sốt rét 8 %, do sởi 5%, do HIV/ AIDS 4% và do các nguyên nhân khác 29%.

Tình hình ở Việt nam

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp phổ biến ở thành thị hơn là nông thôn, tỉ lệ mắc bệnh ở nước ta tăng lên vào tháng 4, 5 và tháng 9, 10 ( Viên Lao và Bệnh Phổi 1984).Nguyên nhân có thể do yếu tố ấm nóng, gió mùa Việt Nam.

Trung bình 1 xã 8000 dân có 1000 trẻ dưới 5 tuổi, hàng năm sẽ có khoảng 1600 - 1800 lượt mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp, trong đó khoảng 400 - 450 lượt là viêm phổi và khoảng 40 - 50 lượt viêm phổi nặng.

Bệnh viện St. Paul (Hà Nội) từ 1987 - 1989 : số trẻ đến khám do bệnh hô hấp là 37.416, do bệnh tiêu hóa 8.481. Số vào điều trị do bệnh hô hấp là 6.115, do bệnh tiêu hóa 2.287. Số tử vong do bệnh hô hấp là 530, do bệnh tiêu hoá là 52. Tỉ lệ tử vong trong điều trị do bệnh hô hấp là 8,6%, do bệnh tiêu hoá là 2,5%.

T.P. Hồ Chí Minh (1991) : số trẻ đến khám do bệnh hô hấp là 138.020, do bệnh tiêu chảy 31.092. Số vào viện do bệnh hô hấp là 24.258, do bệnh tiêu chảy 12.182.

Tỷ lệ mới mắc và gánh nặng của nhiễm khuẩn hô hấp cấp đối với xã hội

Ở thành phố: 5 - 6 đợt nhiễm khuẩn hô hấp cấp /trẻ/năm. Ở nông thôn : 3 - 5 đợt (Việt Nam : 1,6 đợt).

Tỷ lệ mới mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp giống nhau ở các nước đã và đang phát triển.

Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp hiện nay phổ biến vì: Bệnh cấp ở trẻ em, số lượng đến khám bệnh đông, số lượng điều trị tại bệnh viện đông.

Như vậy nhiễm khuẩn hô hấp cấp là gánh nặng cho xã hội vì:

Tỉ lệ mắc bệnh và tử vong cao. + Chi phí tốn kém cho điều trị.

Ảnh hưởng ngày công lao động của bố mẹ.

Tình hình viêm phổi

Trên thế giới

Nơi

Tỷ lệ mới mắc viêm phổi hàng năm/100 trẻ

Chapel Hill, USA

Seattle, USA

3.6

3.0

Bangkok, Thailand

Gadchirol, India

Basse, Gambia

Maragua, Kenya

7.0

13.0

17.0

18.0

Bảng: Số đợt viêm phổi hàng năm ở trẻ dưới 5 tuổi.

Ở nước Việt nam

Viêm phổi chiếm khoảng 33% trong tổng số tử vong ở trẻ nhỏ do mọi nguyên nhân.

Khoảng 2,8/1000 số trẻ chết là do viêm phổi.

Với 7 triệu trẻ dưới 5 tuổi trong cả nước, ước tính số chết do viêm phổi không dưới 20.000/năm.

Yếu tố nguy cơ chính gây viêm phổi và tử vong của nhiễm khuẩn hô hấp cấp

Trẻ nhỏ < 2 tháng.

Sinh non yếu. Không được bú mẹ. Thiếu vitamin A. Suy miễn dịch.

Thời tiết: nhiễm lạnh, yếu tố ấm nóng, gió mùa Việt Nam. Ở đông đúc, nhà ở chật chội, thiếu vệ sinh.

Phơi nhiễm người mang mầm bệnh.

Tiếp xúc không khí ô nhiễm: khói thuốc, khói bếp, bụi, lông súc vật.

Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn hô hấp cấp và viêm phổi ở trẻ em

Virus là nguyên nhân chính gây nhiễm khuẩn hô hấp cấp ở trẻ em các nước phát triển và đang phát triển.

Ở các nước đã phát triển, nguyên nhân phổ biến gây viêm phổi là virus, trong đó virus hợp bào hô hấp ( RSV) là phổ biến.

Ở các nước đang phát triển, vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến gây viêm phổi, chiếm hàng đầu là Phế cầu, H. Influenza.

Tỷ lệ tìm được vi khuẩn qua 13 công trình nghiên cứu ở trẻ em bị viêm phổi trước đó chưa dùng kháng sinh là 55%.

Nội dung chương trình nhiễm khuẩn hô hấp cấp tại Việt Nam

Để phòng và giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn hô hấp cấp, cần thực hiện 4 nội dung:

Nâng cao chất lượng của y tế cơ sở trong chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn hô hấp cấp (chủ yếu là viêm phổi).

Làm tăng số trẻ được thăm khám.

Nâng cao khả năng của cán bộ trong chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn hô hấp cấp.

Cung cấp đủ thuốc điều trị nhiễm khuẩn hô hấp cấp.

Cung cấp đủ phương tiện cần thiết để chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Giáo dục bà mẹ các kiến thức cơ bản về phòng bệnh, phát hiện và xử trí nhiễm khuẩn hô hấp cấp

Kiến thức về chăm sóc con khỏe.

Biết lúc nào cần đem con đến cơ sở y tế.

Biết lợi ích của việc tiêm phòng.

Biết lợi ích của sữa mẹ.

Biết tác hại của khói, bụi.

Tổ chức tốt việc tiêm phòng 6 bệnh cho trẻ em (xem bài tiêm chủng mở rộng)

Nâng cao dinh dưỡng, tránh các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp cấp

Đánh giá, phân loại và xử trí nhiễm khuẩn hô hấp cấp

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp có thể có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau bao gồm : Ho, khó thở, đau họng,  chảy  mũi  nước,  đau  tai,  chảy  mủ  tai  và  sốt.  Sốt  là  triệu  chứng  phổ  biến  trong nhiễm khuẩn hô hấp cấp. May mắn là đa số các trẻ em bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp nhẹ như cảm lạnh, hoặc viêm phế quản. Những trẻ như vậy không bị ốm nặng và có thể được gia đình chữa ở nhà mà không cần dùng kháng sinh. Tuy vậy một ít trẻ bị viêm phổi nếu không được dùng kháng sinh sẽ có thể chết vì thiếu oxy hoặc do nhiễm khuẩn huyết. Khoảng 1/4 trẻ <5 tuổi chết ở các nước đang phát triển là do viêm phổi .

Như vậy điều trị trẻ bị viêm phổi sẽ có thể làm giảm rất nhiều số tử vong ở trẻ em. Để được như vậy người cán bộ y tế phải có khả năng thực hiện một nhiệm vụ khó khăn là xác định được một số ít trẻ bị ốm rất nặng trong số trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp mà hầu hết là nhẹ.

Đánh giá

Đánh giá là tìm các thông tin về bệnh của đứa trẻ bằng cách hỏi người mẹû, nhìn và nghe.

Hỏi

Trẻ bao nhiêu tuổi ?

Trẻ có ho không ? Ho từ bao lâu rồi ?

Đối với trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi : hỏi trẻ có uống nước được không ?

Đối với trẻ < 2tháng tuổi : hỏi trẻ có bú kém không ?

Trẻ có sốt không ? Sốt từ bao giờ ?

Trẻ có co giật không ?

Nhìn, nghe

Đếm số lần thở trong một phút.

Tìm dấu rút lõm lồng ngực.

Tìm và nghe tiếng thở rít.

Tìm và nghe tiếng thở sò sè,có bị tái phát không?(Đã bị nhiều lần trước đây không?)

Nhìn xem trẻ ngủ không bình thường không ? Có li bì khó đánh thức không ?

Sờ xem trẻ có sốt nóng hay thân nhiệt thấp không ? ( đo nhiệt độ ).

Trẻ có suy dinh dưỡng nặng không ?

Điều quan trọng là phải giữ đứa trẻ thật yên tĩnh, vì khi đứa trẻ khóc hoặc giãy dụa có thể xuất hiện những dấu hiệu dễ lẫn với các dấu hiệu của bệnh . Trước khi bắt đầu khám cần yêu cầu bà mẹ:

Không đánh thức trẻ dậy nếu trẻ đang ngủ .

Không cởi quần áo hoặc làm trẻ sợ hãi.

Một số khái niệm

Thế nào là không uống được? Không uống được là trẻ không uống được tí nào hoặc nôn liên tiếp không giữ lại được tí thức ăn nào trong dạ dày .

Thế nào là bú kém ? Bú kém là trẻ bú ít đi chỉ bằng một nửa lượng sữa thường ngày. Bà mẹ có thể đánh giá thay đổi lượng sữa bú dựa vào thời gian trẻ bú.

Đặc biệt quan trọng là phải đếm tần số thở khi trẻ nằm yên và phải đếm trong 60 giây. Khi đếm có thể nhìn vào bụng hay ngực trẻ. Nếu không nhìn rõ, yêu cầu bà mẹ vén áo trẻ lên. Nếu đứa trẻ bắt đầu kêu khóc hoặc giãy dụa, để bà mẹ dỗ trẻ yên tĩnh lại trước khi đếm. Trẻ thở nhanh khi :

Tuổi

Tần số thở

< 2 tháng

2 tháng - 12 tháng

12 tháng- 5 tuổi

≥60lần / phút.

≥50 lần / phút

≥40 lần / phút.

Dấu rút lõm lồng ngực

Dấu rút lõm lồng ngực là dấu thấy được ở thì hít vào, là phần dưới lồng ngực lõm vào khi hít vào. Dấu rút lõm lồng ngực xảy ra khi phải gắng sức để hít vào.Cần đặc biệt chú ý khi tìm dấu rút lõm ở trẻ nhỏ <2 tháng tuổi . Bình thường ở trẻ này cũng có dấu rút lõm lồng ngực nhẹ vì xương thành ngực mềm, mỏng. Do đó ở lứa tuổi này gọi là có dấu rút lõm khi dấu này sâu và dễ thấy . Dấu rút lõm lồng ngực chỉ có ý nghĩa khi nhìn thấy liên tục và rõ ràng, nếu chỉ thấy lúc trẻ đang khóc hoặc đang bú thì không phải có dấu rút lõm.

Tiếng thở rít

Tiếng thở rít là một tiếng thở thô ráp tạo ra khi trẻ hít vào. Muốn nghe rõ tiếng này phải để sát tai vào miệng của bệnh nhân . Thở rít xảy ra khi có hẹp thanh quản, khí quản hoặc nắp thanh quản làm cản trở không khí vào phổi. Thông thường một trẻ không ốm nặng sẽ chỉ thở rít khi kêu khóc hoặc giãy dụa,cho nên phải nghe tiếng thở rít khi trẻ nằm yên.

Tiếng khò khè

Tiếng sò sè là một tiếng êm dịu như tiếng nhạc nghe được ở thì thở ra .Muốn nghe rõ tiếng này cũng phải để sát tai vào miệng bệnh nhân. Thở sò sè xảy ra khi hẹp đường dẫn khí ở phổi, thì thở ra sẽ kéo dài hơn bình thường và đòi hỏi trẻ phải cố gắng thở. Một trẻ được gọi là “ thở sò sè tái diễn “ phải có hơn một đợt bị sò sè trong vòng 12 tháng.

Ngủ li bì khó đánh thức

Đứa trẻ gọi là ngủ li bì khó đánh thức là đứa trẻ có thể ngủ lại ngay khi bà mẹ lay dậy hoặc vỗ tay mạnh hoặc thay quần áo tả lót cho trẻ.

Sốt hoặc hạ thân nhiệt

Gọi là sốt khi nhiệt độ ≥ 38 độ C (nhiệt độ hậu môn), hạ thân nhiệt khi nhiệt độ <35,50C, lúc đó sờ hố nách và bắp chân lạnh.

Suy dinh dưỡng nặng

SDD teo đét nặng( marasmus): Mỡ và cơ bị teo nặng đến nỗi đứa trẻ chỉ còn da bọc xương.

Kwashiorkor : phù toàn thân , tóc mảnh và thưa.

Phân loại nhiễm khuẩn hô hấp cấp theo TCYTTG 

Có 2 cách phân loại:

Phân loại theo giải phẫu

NKHH trên

Bao gồm những bệnh lý viêm nhiễm ở trên nắp thanh quản:

Viêm mũi họng cấp.

Viêm họng cấp và viêm họng- amygdales cấp.

Viêm xoang cấp.

Viêm tai giữa cấp.

Viêm tai xương chủm.

NKHH dưới

Viêm thanh quản.

Viêm nắp thanh quản.

Viêm thanh khí phế quản cấp.

Viêm phế quản cấp.

Viêm phổi.

Viêm tiểu phế quản cấp.

Phân loại theo mức độ nặng nhẹ

Trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi

Bệnh rất nặng: Không uống được. Co giật. Ngủ li bì khó đánh thức. Thở rít khi nằm yên. Suy dinh dưỡng nặng.

Viêm phổi: Thở nhanh, co kéo cơ hô hấp.

Khám lại sau 2 ngày dùng kháng sinh

Trẻ < 2 tháng tuổi

Bệnh rất trầm trọng: Bú kém, co giật. ngủ li bì khó đánh thức.

Viêm phổi nặng: Rút lõm lồng ngực nặng hoặc thở nhanh.

Chú ý: Đối với trẻ nhỏ< 2 tháng tuổi cũng như trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi , chỉ cần có một trong các dấu hiệu nguy cơ thì được xếp ngay là bệnh rất nặng.

Hướng dẫn điều trị

Việc điều trị bao gồm :

Dùng kháng sinh

Tiêu chuẩn để chọn kháng sinh:

Có hiệu quả.

Rẻ tiền.

Dễ uống.

Dễ thực hiện.

Ít gây tai biến.

Nhạy cảm tại địa phương đối với phế cầu và H.Influezae.

Trước đây TCYTTG khuyến cáo 4 loại kháng sinh sau đây được dùng để điều trị viêm phổi ở trẻ em từ 2 tháng đến 5 tuổi (kháng sinh bước một):

Cotrimoxazole (uống 2 lần mỗi ngày).

Amoxicilline (uống 3 lần mỗi ngày).

Ampicilline(uống 4 lần mỗi ngày).

Procaine Penicilline ( tiêm bắp 1 lần mỗi ngày).

Năm 2000 TCYTTG chỉ khuyến cáo dùng Cotrimoxazole và Amoxiclline để điều trị viêm phổi và viêm tai cấp, còn viêm phổi nặng, bệnh rất nặng và viêm tai xương chủm thì tiêm Chloramphenicol một liều trước khi chuyển viện.

Liều lượng:

Chloramphenicol: 40mg/kg/lần × 2 lần/ ngày × 5 ngày TB (nếu không có điều kiện chuyển viện đối với trẻ từ 2 tháng – 5 tuổi).

Chỉ cho kháng sinh uống ở nhà khi không thể gửi đi bệnh viện được.

Nếu trẻ dưới 1 tháng tuổi, hãy cho ½ viên trẻ em hoặc cho 1,25ml sirops 2 lần mỗi ngày, tránh dùng Cotrimoxazole ở trẻ nhỏ < 1 tháng tuổi bị đẻ non hoặc vàng da .

Không dùng Amoxicilline nếu đứa trẻ có tiền sử bị rối loạn nhịp thở hoặc hiện tượng phản vệ (phản ứng dị ứng) sau khi dùng Penicilline.

Trẻ nhỏ <2 tháng: có thể tử vong nhanh do nhiễm trùng. Do nguyên nhân gây nhiễm trùng ở trẻ nhỏ có nhiều loại nên đòi hỏi kháng sinh khác với trẻ lớn. Viêm phổi ở trẻ nhỏ có lâm sàng giống như nhiễm trùng huyết, hoặc VMNM và các loại bệnh này có thể phối hợp nhau. Các triệu chứng lâm sàng có thể nhẹ nhàng nhưng bệnh lại thường tiến triển rất nhanh. Do đó:

Kháng sinh: Benzylpenicillin và Gentamycin hoặc Gentamycin và Ampicillin được dùng ít nhất 5 ngày trong trường hợp viêm phổi nặng và bệnh rất nặng khi không thể chuyển viện.

Nếu trẻ được chuyển viện gấp thì tiêm bắp 1 liều Penicillin hoặc Ampicillin cùng Gentamycin.

Liều lượng:

Gentamycin: 7,5mg/kg TB một lần/ ngày.

Benzylpenicillin: 200.000UI/ kg/ ngày TB hoặc TM chia 4 lần (50.000UI/kg/liều).

Ampicillin: 200mg/ kg/ ngày TB hoặc TM chia 4 lần ( 50mg/kg/ liều).

Hướng dẫn bà mẹ chăm sóc trẻ tại nhà

Đối với trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi:

Nuôi dưỡng: Tiếp tục cho ăn khi trẻ ốm; bồi dưỡng thêm sau khi khỏi; làm sạch,  thông mũi để trẻ dễ bú.

Tăng cường cho uống: Cho trẻ uống thêm, tăng cường cho bú.

Cần đặc biệt chú ý:

nếu trẻ được chẩn đoán không phải bị viêm phổi, cần theo dõi và đưa tới trạm y tế khi thấy một trong các triệu chứng sau:

Thở khó hơn.

Thở nhanh hơn.

Không uống được.

Mệt nặng hơn.

Đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi : Xem bảng phân loại và xử trí bệnh ở trẻ < 2 tháng.

Điều trị sốt.

Điều trị khò khè

Đối với trẻ bị lần đầu:

Nếu có khó thở nặng: Dùng thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh và chuyển đi bệnh viện).

Nếu không có khó thở: Uống Salbutamol, các thuốc giãn phế quản khác.

Xử trí một trẻ có vấn đề ở tai.

Xử trí trẻ bị đau họng.

Các danh mục

Sổ tay cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý

Triệu chứng học nội khoa

Triệu chứng học ngoại khoa

Bệnh học nội khoa

Bài giảng bệnh học nội khoa

Bệnh học ngoại khoa

Bệnh học nhi khoa

Bài giảng sản phụ khoa

Bài giảng truyền nhiễm

Bệnh học và điều trị đông y

Bài giảng tai mũi họng

Bài giảng răng hàm mặt

Bài giảng nhãn khoa

Bài giảng da liễu

Thực hành chẩn đoán và điều trị

Bệnh học nội thần kinh

Bệnh học lao

Đại cương về bệnh ung thư

Nội khoa miễn dịch dị ứng

Sách châm cứu học

Bài giảng sinh lý bệnh

Bài giảng miễn dịch

Bài giảng giải phẫu bệnh

Gây mê hồi sức

Sinh lý y học

Phôi thai học

Bài giảng dược lý lâm sàng

Chẩn đoán hình ảnh

Y pháp trong y học

Sách điện tâm đồ

Các bài thuốc đông y hiệu nghiệm

Sách siêu âm tim

Xét nghiệm sinh hóa trong lâm sàng

Tâm lý học và lâm sàng

Thực hành tim mạch

Cẩm nang điều trị

Thực hành chẩn đoán điện tâm đồ bệnh lý

Điều dưỡng học nội khoa

Phương pháp viết báo trong nghiên cứu y học

Hồi sức cấp cứu toàn tập

Điều dưỡng truyền nhiễm

Kỹ thuật điều dưỡng cơ bản

Giải phẫu cơ thể người

Bài giảng huyết học và truyền máu

Những kỹ năng lâm sàng

Bài giảng vi sinh y học

Bệnh nội khoa: hướng dẫn điều trị