Đại cương giải phẫu bệnh bệnh xương

2012-11-26 10:49 AM

Xương xốp hay xương bè hoặc xương tủy giúp cho chức năng chuyển hóa chất khoáng. Xương xốp ở đầu xương còn có nhiệm vụ truyền lực đến vỏ thân xương.

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Bệnh của hệ xương tương đối hay gặp ở nước ta, nhất là viêm xương-tủy. Các u xương và bệnh rối loạn chuyển hóa hiếm gặp. Để hiểu rõ bệnh lý xương, cần có một số kiến thức cơ bản về quá trình hình thành, phát triển cũng như cấu trúc mô học của bộ xương.

Chức năng

Xương có 3 chức năng chính:

(1) Cơ học: xương là nơi bám của các cơ giúp cơ thể chuyển động.

(2) Bảo vệ: là bộ khung để bảo vệ não, tủy sống, cơ quan nội tạng và tủy xương.

(3) Chuyển hóa: xương là nơi dự trữ của một số ion đặc biệt là canxi và phốt pho.

Xương được chia làm 2 nhóm chính:

(1) Xương dẹt của nhóm xương trục cơ thể như xương sọ, mặt, vai, đòn, ức, sống, chậu.

(2) Xương ống của tứ chi.

Mô học

Về hình thái, xương gồm 2 loại:

(1) Xương vỏ (hay xương đặc) chiếm 80% khối luợng xương, tạo nên sự vững chắc của xương.

(2) Xương xốp hay xương bè hoặc xương tủy giúp cho chức năng chuyển hóa chất khoáng. Xương xốp ở đầu xương còn có nhiệm vụ truyền lực đến vỏ thân xương.

Xương có 3 loại tế bào:

(1) Nguyên bào xương: có nguồn gốc từ tế bào nguồn tạo xương, tổng hợp chất căn bản xương là chất sợi keo típ I còn gọi là chất dạng xương.

(2) Tế bào xương: là các nguyên bào xương đã “già”, bị bao quanh bởi chất căn bản do chúng tạo ra.

(3) Đại bào hủy xương: thuộc hệ thống thực bào, có từ 2-6 nhân, nằm trong ổ khuyết Howship do chúng hấp thụ xương. Đại bào hủy xương nhờ các men tiêu đạm và làm phân hủy các tinh thể hydroxyapatite.

Quá trình tạo xương gồm 2 giai đoạn:

(1) Nguyên bào xương tạo chất dạng xương, sinh tố C cần cho quá trình này.

(2) Chất dạng xương sau đó ngấm chất khoáng là các tinh thể hydroxyapatite Ca10(PO4)6(OH)2 và các hợp chất canxi [Ca (PO4)2 + CaCO3] tạo thành chất xương. Quá trình này cần đến sinh tố D, các glycoprotein, các hormon và yếu tố tăng trưởng và nhờ sự phân giải của proteoglycan có trong chất dạng xương...

Hình thành và phát triển bộ xương

Các mô của xương đều xuất nguồn từ tế bào trung mô, chúng biệt hóa để tạo nên mô xương, mô sụn, mô sợi, mạch máu và mô tủy...

Phôi có 3 lá, lá phôi giữa (LPG) được thành lập từ ngày thứ 15 từ một số tế bào của lá phôi ngoài và lá phôi trong họp nên. Các tế bào LPG tăng sản, di chuyển gọi là tế bào trung mô và tạo thành 3 phần:

(1) LPG trục: gồm nhiều đơn vị gọi là “đốt thân”, biệt hóa tạo nên 3 lớp: "đốt xương” bao quanh tủy sống và nguyên sống tạo thành đốt sống, "đốt cơ” tạo nên cơ vân (cơ liên sườn, cơ lưng, cơ bụng) và “đốt da” tạo thành mô liên kết của lớp bì da tương ứng.

(2) LPG ngoại biên: hình thành nên lá thành, lá tạng của màng tim, màng phổi, màng bụng. Lá thành của LPG ngoại biên có thể tạo nên xương, khớp và cơ của tứ chi. Lá tạng còn tạo nên cơ tim và cơ trơn của ống tiêu hóa.

(3) LPG trung gian: tạo bộ phận tiết niệu, sinh dục.

Các xương được hình thành từ tuần lễ thứ tư và theo 2 cách:

(1) Sự tạo xương màng hoặc trực tiếp: hình thành một số xương dẹt gồm xương sọ-mặt, xương hàm và xương đòn. Các tế bào trung mô xếp từng lớp, biệt hóa trực tiếp thành nguyên bào xương tạo nên các bè xương nối tiếp nhau, xếp chồng lên nhau hình thành loại xương vỏ đặc với các ống Havers chứa mạch máu và rất ít tủy. Các đại bào hủy xương ở mặt trong giúp cho hộp sọ ngày càng rộng tạo điều kiện cho não bộ phát triển. Sự tạo xương trực tiếp ở màng xương giúp cho xương dày lên. Quá trình này chủ yếu xảy ra trong bào thai và những năm đầu của cuộc sống.

(2) Sự tạo xương nội sụn (hay gián tiếp qua trung gian mô sụn): hình thành nên các xương ống của tứ chi (xương dài) và các xương sống, xương bả vai, xương chậu, xương sườn.

Ở tuần lễ thứ tư của phôi, các “nụ chồi của chi” xuất hiện. Vào tuần thứ 8, các tế bào trung mô biệt hóa thành nguyên bào sụn sắp xếp thành mẫu hình xương tương lai. Ở đoạn giữa (phần thân xương), các nguyên bào sụn tăng trưởng, nhân đôi, tiết chất sụn, phì đại, ngấm canxi rồi thoái hóa và bị xâm nhập bởi mao mạch. Sau đó, các nguyên bào xương đến tiết ra chất dạng xương trên khung mô sụn đã thoái hóa. Đây là điểm tạo xương sơ cấp.

Các đại bào hủy xương hấp thụ xương từ bên trong giúp hình thành và làm rộng ống tủy tạo điều kiện cho tế bào tủy xương phát triển.

Màng xương bên ngoài giúp cho xương lớn thêm về chiều ngang (đường kính) theo kiểu tạo xương màng.

Ở trẻ sơ sinh:

Phần thân xương gồm tủy tạo máu ở trong ống tủy, vỏ xương đặc có lớp màng trong xương, bên ngoài phủ bởi màng xương dày.

Phần đầu xương gồm toàn mô sụn, về sau xuất hiện các nhân thứ cấp tạo xương xốp rất giàu nguyên bào xương và tủy. Phần sụn tiếp giáp với khớp trở thành sụn khớp gồm 3 lớp.

Phần đầu thân xương (hành xương) gồm đĩa sụn tiếp hợp phân cách đầu xương với thân xương. Sụn tiếp hợp giúp cho xương tăng trưởng về chiều dài, nhất là ở lứa tuổi dậy thì. Vùng đầu thân xương “gần gối-xa khuỷu” chịu trách nhiệm phát triển từ 75-80 % chiều dài của xương tương ứng. Do hoạt động sinh sản tế bào mạnh lại giàu mạch máu thông nối nhau, máu chảy chậm nên vùng đầu thân xương (đặc biệt ở gần gối-xa khuỷu) dễ bị rối loạn tăng trưởng, viêm nhiễm và phát sinh u.

Sự tạo xương nội sụn xảy ra một phần trong thai kỳ (tạo nên thân xương dài... ) và chủ yếu là sau khi sinh nhất là ở lứa tuổi dậy thì.

Như vậy, quá trình tạo xương rất động, không tách rời với quá trình hủy xương và gồm nhiều loại tế bào tham gia. Các xương được hình thành gọi là quá trình “tạo mẫu xương” (modeling). Hoạt động này tiếp diễn liên tục trong suốt cuộc đời người và gắn liền với quá trình “tái tạo mẫu xương” (remodeling), theo đó các nguyên bào xương được thu hút tới các ổ khuyết tạo ra bởi các đại bào hủy xương rồi tiết ra chất dạng xương phục hồi lại nguyên trạng bề mặt của xương. Xương, vì vậy, luôn luôn được “đổi mới”! Ở trẻ em, quá trình tạo xương trội hơn giúp cho cơ thể phát triển. Đến tuổi trưởng thành, xương không lớn thêm do sự quân bình giữa 2 quá trình tạo và hủy xương. Về già, xương bị loãng, dòn, dễ gãy do quá trình tạo xương giảm nhiều hơn. Khi bị suy yếu hoặc tăng mạnh 1 trong 2 quá trình này (do bệnh di truyền, thiếu en-zim, rối loạn nội tiết tố... ) thì sự phát triển của xương bị lệch lạc với những biểu hiện bệnh lý đa dạng.

Mô tủy xương cũng thay đổi, có chức năng tạo máu khi ở thời kỳ phôi thai và trẻ nhỏ; ở tuổi trưởng thành chỉ có xương xốp còn tạo máu, tủy xương dài bị thoái hóa mỡ; về già tủy xương bị xơ hóa.

Bài viết cùng chuyên mục

Giải phẫu bệnh bệnh của tế bào nuôi

Về hoá mô miễn dịch, các tế bào nuôi không tiết ra nội tiết tố, các nội tiết tố như HCG và HPL

Giải phẫu bệnh u ác tính cổ tử cung

Tăng sản thượng mô với tế bào tương đối non, mất cực tính. Các tế bào dạng đáy hay dạng cận đáy chiếm từ 1/3 đến hầu hết bề dày lớp thượng mô.

Giải phẫu bệnh tinh hoàn

Tinh hoàn có các nang lao hoặc có phản ứng tế bào với thấm nhập bạch cầu đa nhân, tương bào, tế bào thượng mô tróc, tế bào đơn nhân, đại bào nhiều nhân và vi trùng lao.

Giải phẫu bệnh ruột non

Lớp thượng mô lót bởi các hốc khác với lớp thượng mô của nhung mao. Có 4 loại tế bào thượng mô của hốc: tế bào Paneth, tế bào không biệt hoá, tế bào đài và tế bào nội tiết.

Giải phẫu bệnh bệnh hốc miệng

Tác nhân gây bệnh được truyền từ người này sang người khác, thường do hôn nhau. Hơn ba phần tư dân số bị nhiễm, trong khoảng nữa cuộc đời.

Giải phẫu bệnh tuyến tiền liệt

Tổn thương viêm cấp có thể chỉ là các ổ áp xe nhỏ, nhiều chỗ, có thể là vùng hoại tử do khu trú, hoặc là tình trạng hoá mủ, sung huyết

Giải phẫu bệnh bệnh hệ thần kinh

Hệ thần kinh và những thành phần phụ của hệ thần kinh gồm nhiều loại tế bào hoặc mô cơ bản. Mặc dù những biến đổi bệnh lý của hệ thần kinh không khác biệt với nhiều vùng trong cơ thể.

Giải phẫu bệnh bệnh tim và mạch máu

Bình thường, vào tuần thứ 4 của bào thai, 2 ống phôi tim mạch hòa nhập vào thành một với 4 buồng: xoang tĩnh mạch, tâm nhĩ, tâm thất và bầu thất.

Giải phẫu bệnh viêm đại tràng

Như đã đề cập trong phần bệnh Crohn của bài trước, bệnh viêm loét đại tràng vô căn có một số đặc điểm chung với bệnh Crohn

Giải phẫu bệnh của gan

Các enzym SGOT (serum glutamic oxaloacetic transferase) và SGPT (serum glutamic pyruvic transferase) do gan tổng hợp

Giải phẫu bệnh một số tổn thương đại tràng

Đại tràng có nhiều túi thừa, đặc biệt ở phần đại tràng sigma và trực tràng. Càng lớn tuổi, xuất độ bệnh càng cao và hiếm gặp ở người dưới 30 tuổi. Bệnh do lớp niêm mạc và lớp dưới niêm mạc ruột lồi ra ngoài qua những điểm yếu của lớp cơ.

Phôi thai mô học và sinh lý học tử cung

Sau rụng trứng, các tuyến có hoạt động chế tiết ở đầu giai đoạn này, các tế bào tuyến có nhiều không bào chứa glycogen, và đội nhân hơi cao.

Giải phẫu bệnh ung thư di căn đến não

Ung thư di căn não chiếm khoảng một phần tư đến một nửa khối u nội sọ, ở những bệnh nhân nhập viện. Các vị trí hay cho di căn nhất là phổi, vú, da (melanôm), thận, và đường tiêu hóa, chiếm khoảng 80% của tất cả các di căn.

Giải phẫu bệnh viêm dạ dày

Trong thể bệnh nhẹ, thượng mô bề mặt còn nguyên và lớp dưới có thấm nhập rải rác bạch cầu đa nhân.

Giải phẫu bệnh tuyến giáp

U giả, được hình thành do sự tồn tại của mô ống giáp-lưỡi, tiến triển rất chậm, 1/3 trường hợp có từ lúc mới sinh, 2/3 trường hợp chỉ xuất hiện khi bệnh nhân lớn.

Nội dung nghiên cứu và nhiệm vụ giải phẫu bệnh

Tham gia vào các nghiên cứu với lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng khác. Kết hợp, đối chiếu kết quả để đưa ra kết luận cuối cùng.

Giải phẫu bệnh Carcinom nội mạc tử cung

Carcinom nội mạc tử cung có xuất độ cao nhất trong các ung thư đường sinh dục nữ ở Mỹ, với 39.000 trường hợp mới hàng năm (1984). Xuất độ carcinom nội mạc cao ở Canada và Âu Châu, thấp ở Á Châu, Phi Châu và Nam Mỹ.

Lịch sử giải phẫu bệnh

Sau Hippcrate có Galen, Galen là một thầy thuốc và nhà triết học nổi tiếng người La Mã gốc Hy Lạp, và có lẽ là nhà nghiên cứu y học tài ba nhất của thời La Mã.

Giải phẫu bệnh nội mạc tử cung và chuyển sản

Tăng sản dạng nang: Đây là dạng phổ biến nhất. Các tuyến dãn nở, kích thước thay đổi, được lót bởi một lớp thượng mô trụ cao, rải rác có hình ảnh phân bào. Thượng mô có thể xếp thành nhiều tầng.

Giải phẫu bệnh viêm xương

Bệnh viêm mủ xương-tủy có thể chia làm 3 giai đoạn diễn tiến liên tục và chuyển đổi từ từ không có ranh giới rõ rệt: cấp, bán cấp và mạn tính.

Giải phẫu bệnh u lành tính dạ dày

Dù chỉ có xuất độ 0,5% các trường hợp tử thiết, pôlíp cũng là loại u lành thường thấy nhất của dạ dày. Có 2 loại: pôlíp tăng sản và u tuyến dạng pôlíp.

Giải phẫu bệnh viêm não màng não

Ở trẻ em, Haemophilus influenzae là vi khuẩn thường gặp nhất gây viêm màng não; sự phát triển của vắc xin, làm giảm tỷ lệ viêm màng não rất nhiều.

Giải phẫu bệnh u cơ trơn tử cung

Thường tử cung có nhiều u, hình cầu và chắc, lồi ra khỏi mô cơ lân cận. Mặt cắt trắng hoặc vàng, có dạng cuộn. U có thể có nhiều vị trí: dưới nội mạc, trong cơ và dưới thanh mạc.

Giải phẫu bệnh nội mạc tử cung và thuốc

Xuất huyết bất thường, và có tác dụng cộng hưởng với progesterone, giúp hạ liều progestin trong viên thuốc ngừa thai.

Giải phẫu bệnh tụy tạng

Tụy của người trưởng thành dài khoảng 15 cm, nặng 60-100g, gồm đầu tụy, thân tụy và đuôi tụy. Ở đầu tụy có ống Wirsung dẫn dịch ngoại tiết vào tá tràng.