- Trang chủ
- Sách y học
- Thực hành chẩn đoán và điều trị
- Thực hành chẩn đoán và điều trị viêm màng não
Thực hành chẩn đoán và điều trị viêm màng não
Do tính chất nghiêm trọng của căn bệnh, tất cả các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ viêm màng não đều nên được điều trị trong bệnh viện để có đủ điều kiện theo dõi và xử trí kịp thời.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Viêm màng não (meningitis) có thể gây ra do màng não bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Viêm màng não do virus là bệnh thường gặp, khả năng lây nhiễm cao đến mức có thể bùng phát thành dịch, đặc biệt là trong những tháng mùa đông. Viêm màng não do vi khuẩn ít gặp hơn, nhưng lại nghiêm trọng hơn nhiều, có nguy cơ để lại di chứng tổn thương não.
Nguyên nhân
Bất cứ loại vi khuẩn hay virus nào khi tấn công vào màng não đều gây viêm màng não. Mặc dù vậy, hầu hết các trường hợp viêm màng não do vi khuẩn thường rơi vào một trong 3 nhóm sau đây: Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae và Neisseria meningitidis.
Viêm màng não do meningococcus là loại thường gặp nhất có thể lây truyền nhanh chóng thành dịch. Viêm màng não do vi khuẩn lao hiện nay rất hiếm gặp do bệnh lao đã được ngừa và trị hiệu quả.
Chẩn đoán
Dựa vào các triệu chứng như: ° Sốt cao. Đau đầu dữ dội.
Buồn nôn hoặc nôn.
Cứng gáy, cổ không cúi xuống được.
Viêm màng não do virus thường có triệu chứng trên nhưng xuất hiện nhẹ hơn, nên có vẻ tương tự như bệnh cúm. Ngược lại, viêm màng não do vi khuẩn có biểu hiện cấp tính, các triệu chứng xuất hiện nhanh và nghiêm trọng, bệnh nhân có thể nhanh chóng rơi vào trạng thái lơ mơ rồi hôn mê, trên da có thể nổi ban xuất huyết. Các đốm xuất huyết này khi dùng tay ấn vào vẫn không mất màu.
Điều trị
Điều trị tùy thuộc vào kết quả chẩn đoán.
Viêm màng não do virus thường không cần điều trị, bệnh thường khỏi nhanh và không để lại di chứng.
Viêm màng não do vi khuẩn được xem là một trường hợp cấp cứu nội khoa, cần được điều trị ngay bằng kháng sinh thích hợp.
Nếu điều trị kịp thời, bệnh nhân có nhiều khả năng hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, vẫn có một số ít trường hợp để lại di chứng tổn thương não.
Do tính chất nghiêm trọng của căn bệnh, tất cả các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ viêm màng não đều nên được điều trị trong bệnh viện để có đủ điều kiện theo dõi và xử trí kịp thời.
Chủng ngừa
Mặc dù là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhưng cho đến nay việc chủng ngừa viêm màng não vẫn chỉ mang lại những kết quả rất hạn chế. Nguyên nhân là vì có quá nhiều chủng vi khuẩn gây bệnh nên không thể có một loại thuốc chủng ngừa hiệu quả với tất cả. Mặt khác, thuốc cũng không có tác dụng bảo vệ lâu dài nên không phải là biện pháp khả thi cho tất cả mọi người.
Vì thế, các biện pháp phòng ngừa viêm màng não trong thời gian xảy ra dịch bệnh là vô cùng quan trọng. Cần tránh tiếp xúc với bệnh nhân. Có thể chỉ định kháng sinh dự phòng nếu xét thấy là cần thiết. Chẳng hạn như có thể dùng rifampicin (Rifadin, Rimactan... ) với liều 5mg cho mỗi kg thể trọng, 12 giờ một lần trong vòng 2 ngày, dùng cho những ai cần phải tiếp xúc, gần gũi với bệnh nhân.