- Trang chủ
- Sách y học
- Thực hành chẩn đoán và điều trị
- Thực hành chăm sóc hăm tã trẻ em
Thực hành chăm sóc hăm tã trẻ em
Giữ tã khô bằng cách thay tã cho trẻ thường xuyên và ngay sau khi trẻ làm ướt tã, tránh không để da trẻ phải tiếp xúc quá lâu với nước tiểu.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Là tình trạng vùng da nơi quấn tã lót của trẻ bị đau rát, xuất hiện nhiều đốm nhỏ màu đỏ, đôi khi có thể phát triển thành những vùng phồng giộp và rỉ nước do nhiễm trùng hay nhiễm nấm.
Nguyên nhân thường là do da non của trẻ bị kích thích bởi tã ướt nước tiểu, hoặc để quá lâu không thay. Hầu hết trẻ em đều có thể bị hăm tã, nhưng những trường hợp bệnh hay khi bị tiêu chảy thường làm cho trẻ dễ bị hăm tã hơn. Ngoài ra, một số trẻ em có vẻ như dễ bị hăm tã hơn những trẻ em khác. Nhiễm nấm Candida thường là vấn đề rất dễ kèm theo với hăm tã.
Giữ tã khô bằng cách thay tã cho trẻ thường xuyên và ngay sau khi trẻ làm ướt tã, tránh không để da trẻ phải tiếp xúc quá lâu với nước tiểu.
Thỉnh thoảng nên có những quãng thời gian thích hợp không dùng tã để bề mặt da ở vùng quấn tã được thông thoáng.
Mỗi lần thay tã đều phải rửa sạch và lau khô vùng quấn tã trước khi quấn tã mới vào.
Nếu có dấu hiệu nhiễm nấm, có thể dùng kem chống nấm. Bôi đều kem lên da mỗi lần thay tã.
Viêm da do nấm Candida thường có biểu hiện ban đỏ trên da với các vùng tổn thương chung quanh và thường ảnh hưởng đến những chỗ có nếp gấp da, trong khi viêm da do amoniac trong nước tiểu thường không ảnh hưởng đến những nếp gấp da. Có thể dùng một loại kem imidazol hay kem nystatin kết hợp với một loại kem có steroid, chẳng hạn như Timodin để bôi lên tổn thương.