- Trang chủ
- Sách y học
- Thực hành chẩn đoán và điều trị
- Thực hành chẩn đoán và điều trị co giật ở trẻ em
Thực hành chẩn đoán và điều trị co giật ở trẻ em
Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để ngừng dùng thuốc chống co giật nếu trẻ không còn co giật trong vòng 2 – 3 năm.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Là tình trạng trẻ bị mất ý thức tạm thời, chân tay co giật không kiểm soát được, thường kéo dài trong vài phút nhưng cũng có thể lâu hơn. Co giật khá phổ biến ở trẻ em. Có những trường hợp co giật không có sốt và những trường hợp co giật xảy ra khi bị sốt cao. Thống kê cho biết là trong khoảng 20 trẻ em thì có 1 em đã từng bị co giật do sốt cao, thường gọi là làm kinh.
Co giật không do sốt
Với những trẻ em dưới 6 tháng tuổi, khi xảy ra co giật không do sốt đều cần phải đưa vào theo dõi và điều trị tại bệnh viện.
Trẻ lớn tuổi hơn bị co giật không do sốt thường liên quan đến các vấn đề thần kinh, cần chuyển đến chuyên khoa thần kinh để chẩn đoán.
Không nên để cho những trẻ em đã từng bị động kinh đi xe đạp. Có thể cho phép các em bơi lội, nhưng phải có sự theo dõi của người lớn.
Khoảng hơn 60% trường hợp co giật ở trẻ em có khuynh hướng tự thuyên giảm. Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để ngừng dùng thuốc chống co giật nếu trẻ không còn co giật trong vòng 2 – 3 năm.
Trong trường hợp xảy ra co giật, cần có các biện pháp xử trí tức thời như sau:
Đảm bảo giữ thông đường thở của trẻ.
Sử dụng diazepam tiêm tĩnh mạch chậm với liều 0,3mg cho mỗi kilogam trọng lượng cơ thể của trẻ, hoặc dùng qua đường trực tràng với liều 2,5mg cho trẻ dưới 1 tuổi, 5mg cho trẻ từ 1 – 3 tuổi, và 10mg cho trẻ lớn hơn 3 tuổi.
Chuyển ngay đến bệnh viện nếu cơn co giật vẫn tiếp tục.
Co giật do sốt
Co giật do sốt – hay thường gọi là làm kinh – là tình trạng khá phổ biến, với khoảng 5% trẻ em chịu ảnh hưởng của tình trạng này. Co giật do sốt có thể xảy ra ở trẻ từ 6 tháng cho đến 5 tuổi, nhưng thường gặp nhất là vào năm 2 tuổi.
Nguyên nhân sốt cao gây co giật ở trẻ là do cơ chế điều nhiệt của não chưa đủ trưởng thành, nên thân nhiệt có thể tăng quá nhanh khi trẻ bị các trường hợp nhiễm trùng. Thân nhiệt tăng nhanh đột ngột sẽ kích thích các tế bào não, làm phát ra các xung động đến các cơ và làm cơ co thắt lại. Cơn co giật do sốt không có tổn thương não đi kèm, cần chẩn đoán phân biệt với các trường hợp co giật do viêm não hoặc viêm màng não, khi hệ thần kinh trung ương bị tổn thương do nhiễm trùng.
Do cơ chế vừa giải thích trên, nên sốt cao gây co giật ở trẻ thường xuất phát từ một nguyên nhân nhiễm trùng, thường gặp nhất là nhiễm trùng đường hô hấp trên. Tuy nhiên, cũng cần chẩn đoán loại trừ ngay các trường hợp nhiễm trùng cấp tính.
Chẩn đoán loại trừ viêm màng não. Khám kỹ tai và họng, tìm các dấu hiệu nhiễm trùng. Khám ngực, khám bụng.
Có thể cần gửi mẫu nước tiểu để nuôi cấy.
Chuyển ngay đến bệnh viện trong các trường hợp:
Trẻ dưới 18 tháng tuổi.
Có dấu hiệu nghi ngờ viêm màng não.
Cơn co giật kéo dài hơn 10 phút.
Trẻ có dấu hiệu rất mệt.
Có những dấu hiệu thần kinh dai dẳng.
Trong một cơn sốt nhưng có đến 2 lần co giật hoặc nhiều hơn.
Có thể để trẻ nghỉ ngơi tại nhà nếu như cơn co giật kéo dài không quá 10 phút và sau đó trẻ hồi phục hoàn toàn.
Khoảng 30 – 40% trẻ em bị co giật do sốt có nguy cơ tái phát cơn co giật tiếp theo trong vòng 6 tháng sau đó. Có thể ngăn ngừa việc xảy ra cơn co giật bằng cách giữ cho thân nhiệt của trẻ không lên quá cao, cụ thể là:
Điều trị kịp thời các bệnh nhiễm trùng.
Ngay khi có dấu hiệu trẻ bắt đầu sốt, cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, dùng khăn thấm nước ấm lau mặt và lau khắp thân hình, dùng quạt để quạt mát, giúp trẻ thoát nhiệt nhanh. Đặt trẻ nằm trong phòng thoáng mát.
Cho trẻ uống paracetamol đúng liều quy định. Có thể dùng tiếp một liều thứ 2 sau 4 – 6 giờ nếu trẻ chưa hết sốt.