- Trang chủ
- Sách y học
- Thực hành chẩn đoán và điều trị
- Viên uống tránh thai kết hợp
Viên uống tránh thai kết hợp
Viên uống tránh thai kết hợp được dùng theo chu kỳ kinh nguyệt, mỗi ngày 1 viên vào cùng một thời điểm, liên tục trong 21 ngày đầu và nghỉ thuốc 7 ngày cuối, sau đó bắt đầu ngay chu kỳ mới.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Viên uống tránh thai kết hợp là tên gọi của loại thuốc tránh thai sử dụng kết hợp 2 loại hormon là progestogen và estrogen.
Tác dụng tránh thai của viên uống tránh thai kết hợp là ngăn sự rụng trứng, làm cho chất nhầy cổ tử cung đặc lại khiến cho tinh trùng khó đi vào tử cung. Thuốc cũng làm cho nội mạc tử cung mỏng đi.
Chống chỉ định
Các trường hợp sau đây tuyệt đối không được sử dụng viên uống tránh thai kết hợp:
Bệnh huyết khối tĩnh mạch hoặc nghẽn mạch.
Bệnh tim (bất thường ở van tim hay thiếu máu cục bộ).
Cao huyết áp (>160/100 mmHg).
Tăng lipid huyết.
Đau đầu migraine hay đau đầu từng vùng.
Ung thư vú hoặc cổ tử cung.
Từ 4 tuần trước cho đến 2 tuần sau phẫu thuật lớn.
Và một số trường hợp hiếm gặp
Bệnh gan thể hoạt động.
Tăng hồng cầu
Thiếu máu hồng cầu liềm.
Rối loạn chuyển hóa porphyrin.
Chửa trứng trong thời gian gần đây.
Tăng prolactin huyết.
Biến chứng của bệnh tiểu đường.
Các trường hợp sau đây cần hết sức thận trọng
Tiền sử gia đình có người mắc bệnh động mạch.
Bệnh tiểu đường.
Huyết áp hơi cao hơn bình thường.
Nghiện thuốc lá nặng.
Cân nặng quá mức.
Giới hạn độ tuổi: Những phụ nữ nghiện thuốc lá nên ngừng dùng viên uống tránh thai kết hợp khi đến tuổi 35. Không có giới hạn độ tuổi đối với những phụ nữ khỏe mạnh và không hút thuốc.
Đau đầu migraine thể thông thường.
Cách dùng
Viên uống tránh thai kết hợp được dùng theo chu kỳ kinh nguyệt, mỗi ngày 1 viên vào cùng một thời điểm, liên tục trong 21 ngày đầu và nghỉ thuốc 7 ngày cuối, sau đó bắt đầu ngay chu kỳ mới. Tuy nhiên, để dễ sử dụng, nhà sản xuất thường kèm theo trong vỉ thuốc 7 viên thuốc khác màu không có hoạt tính (giả dược) hoặc chứa sắt (Fe) có tác dụng bổ máu. Như vậy, người sử dụng có thể dùng thuốc liên tục, tránh được tình trạng nhầm lẫn hay quên thuốc do có thời gian ngừng thuốc.
Nếu bắt đầu dùng thuốc từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt, có thể không cần thêm bất cứ biện pháp tránh thai nào khác.
Nếu bắt đầu từ ngày thứ 5 của chu kỳ kinh nguyệt, cần sử dụng thêm một biện pháp tránh thai khác trong vòng 7 ngày đầu tiên dùng thuốc.
Nếu lỡ quên một viên thuốc, uống ngay vào lúc vừa nhớ ra và uống viên kế tiếp vào thời điểm như bình thường. Nếu thời gian quên thuốc dưới 12 giờ, xem như không có ảnh hưởng gì. Nếu thời gian quên thuốc đã kéo dài hơn 12 giờ, cần phải áp dụng thêm một biện pháp tránh thai khác trong vòng 7 ngày sau đó.
Nếu lỡ quên từ 2 viên thuốc trở lên, uống ngay 2 viên vào lúc vừa nhớ ra. Nếu là loại thuốc chia nhiều pha khác nhau, khi quên nhiều viên thuốc thì uống một lúc 2 viên gần đây nhất, sau đó uống viên kế tiếp vào thời điểm như bình thường. Cần sử dụng thêm một biện pháp tránh thai khác trong vòng 7 ngày sau đó.
Nên chọn khởi đầu với loại thuốc nhẹ nhất không gây rong huyết. Hàm lượng estrogen (ethinyles-tradiol) không được vượt quá 20 – 35μg. Khi lượng progestogen trong thuốc quá thấp sẽ gây rong huyết. Tốt nhất là chọn một loại thuốc có hàm lượng thấp nhất nhưng đủ để không gây rong huyết.
Những phụ nữ có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tĩnh mạch (bao gồm những phụ nữ có chỉ số trọng lượng cơ thể > 30, có dấu hiệu giãn tĩnh mạch, có các bệnh gây bất động cơ thể, có tiền sử gia đình có người bị huyết khối tĩnh mạch sâu) không nên dùng các thuốc progestogen thế hệ thứ ba (desogestrel hoặc gestodene) như Femodene, Marvelon, Mercilon, Minulet, Triadene và Tri-Minulet vì các thuốc này làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu.
Những phụ nữ dưới 30 tuổi không có các yếu tố nguy cơ về bệnh động mạch nên dùng các loại thuốc có levonorgestrel hay norethisterone, chẳng hạn như Microgynon 30, Loestrin 20 hoặc 30, hay Ovran 30. Nếu có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh động mạch hoặc cảm thấy khó chịu với các thuốc này, có thể chọn dùng các thuốc chứa progestogen thế hệ thứ ba.
Đa số phụ nữ dễ thích hợp với các loại thuốc một pha hơn là loại thuốc ba pha vào giai đoạn đầu.
Nếu sử dụng một trong các thuốc kháng sinh phổ rộng, như ampicillin, tetracyclin, griseofulvin... sẽ làm thay đổi môi trường vi khuẩn trong ruột và làm giảm hấp thụ estrogen. Vì thế, cần áp dụng thêm một biện pháp tránh thai khác trong thời gian dùng kháng sinh và 7 ngày sau khi ngừng thuốc. Tuy nhiên, nếu điều trị dài hạn bằng kháng sinh, không cần các biện pháp tránh thai khác, vì vi khuẩn đường ruột sẽ phát triển tính kháng thuốc.
Một số rối loạn tiêu hóa như nôn, tiêu chảy trầm trọng có thể làm giảm hấp thụ hormon. Vì thế, cần phải dùng thêm một biện pháp tránh thai khác trong những giai đoạn này và sau đó 7 ngày.
Các tác nhân gây cảm ứng men gan như phenytoin, carbamazepin, griseofulvin và phenobarbiton làm gia tăng chuyển hóa, do đó loại cả estrogen và progestogen ra khỏi mật. Nếu phải dùng một trong các thuốc trên, cần khởi đầu với liều cao estrogen > 50μg và giảm thời gian nghỉ thuốc cuối chu kỳ xuống còn 4 ngày. Nếu vẫn xảy ra rong huyết, thử dùng mỗi ngày 2 viên chứa 30μg estrogen.
Khi muốn đổi từ một loại thuốc này sang dùng một loại thuốc khác, nếu loại thuốc mới có cùng hàm lượng estrogen hoặc cao hơn loại thuốc cũ, chỉ bắt đầu uống lại sau 7 ngày ngừng thuốc. Ngược lại, nếu loại thuốc mới có hàm lượng estrogen thấp hơn loại thuốc cũ, có thể bắt đầu ngay.
Nếu muốn làm chậm lại kỳ kinh nguyệt, chẳng hạn vào những ngày đi nghỉ, có thể bắt đầu đợt thuốc mới ngay, bỏ qua giai đoạn ngừng thuốc. Với các loại thuốc chia nhiều pha – trừ Synphase – uống cả những viên thuốc phụ thêm của pha cuối cùng trong vỉ thuốc mới. Như vậy sẽ làm chậm lại kỳ kinh một số ngày tương đương với số viên thuốc uống thêm trong pha cuối cùng của vỉ thuốc.
Nếu muốn ngừng thuốc để có thai, tốt nhất là nên chuyển sang dùng một biện pháp tránh thai khác trong vòng 3 tháng (không uống thuốc) và cho tới khi có ít nhất là một chu kỳ kinh nguyệt tự nhiên qua đi rồi mới có thai.
Ưu - nhược điểm
Viên uống tránh thai kết hợp có ưu điểm lớn là hiệu quả tương đối cao và dễ sử dụng. Tỷ lệ thất bại trên lý thuyết là khoảng 0,1 – 3%, mặc dù có thể hơi cao hơn trên thực tế.
Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc
Thuốc có thể gây chảy máu âm đạo bất thường khi bắt đầu sử dụng. Tuy nhiên, vấn đề thường chỉ xảy ra trong khoảng 2 – 3 tháng đầu tiên mà thôi.
Có thể có cảm giác buồn nôn, nhạy cảm đau ở vú, tăng cân bất thường, căng thẳng tiền kinh nguyệt, phù toàn thân do giữ nước, trầm cảm, khí hư thứ phát do trầy xước cổ tử cung, đau đầu, giảm ham muốn tình dục, nám da...
Ngoài ra, cần lưu ý một số nguy cơ khi đang dùng viên uống tránh thai kết hợp, chẳng hạn như:
Hút thuốc lá: Nếu hút mỗi ngày trên 15 điếu thuốc khi đang dùng thuốc, có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ở hệ tuần hoàn lên gấp 3 lần.
Nguy cơ mắc bệnh động mạch nói chung gia tăng gấp 3 lần. Tuy nhiên, thống kê cho thấy không có sự gia tăng đáng kể nguy cơ nhồi máu cơ tim ở người sử dụng thuốc, trừ khi có nghiện thuốc lá.
Cao huyết áp phát triển ở khoảng 5% số người dùng thuốc sau 5 năm.
Nguy cơ tử vong do nghẽn mạch khi dùng thuốc progestogen thế hệ thứ ba là khoảng 5 phần triệu. Tuy nhiên, để bù lại thì các loại thuốc này giúp giảm thấp nguy cơ xuất hiện những cơn đau tim hoặc nhồi máu cơ tim.
Có sự tăng nhẹ nguy cơ ung thư vú trong thời gian sử dụng viên uống tránh thai kết hợp và sau khi ngừng thuốc 10 năm. Nguy cơ tương đối thấp này có vẻ như không liên quan đến thời gian sử dụng thuốc. Một ưu điểm lớn hơn là việc dùng thuốc sẽ bảo vệ chống lại ung thư buồng trứng và ung thư nội mạc tử cung.
Một số vấn đề khi dùng thuốc
Chảy máu âm đạo kéo dài: Chảy máu âm đạo bất thường xảy ra trong khoảng 2 – 3 tháng đầu tiên sử dụng thuốc là bình thường. Nhưng nếu kéo dài hơn, cần phải có sự lưu ý:
Kiểm tra để phát hiện tổn thương ở cổ tử cung.
Kiểm tra tương tác thuốc, có thể lượng hormon thực sự được hấp thụ là quá thấp.
Đổi sang dùng một loại thuốc có hàm lượng progestogen cao hơn, hoặc chuyển sang dùng một loại thuốc ba pha.
Nếu vẫn không có hiệu quả, đổi sang dùng một loại thuốc khác có cả hàm lượng progestogen và estrogen đều cao hơn.
Không xuất hiện chảy máu âm đạo vào cuối chu kỳ dùng thuốc. Đây cũng là giai đoạn hành kinh bình thường. Khi dùng thuốc có progesteron, việc ngừng thuốc có tác dụng tạo ra hiện tượng chảy máu âm đạo sau đó, tương tự như khi hành kinh, được gọi là hiện tượng “chảy máu thu hồi”. Điều này được thấy rõ ở những phụ nữ mãn kinh khi dùng liệu pháp thay thế hormon (HRT). Trường hợp hoàn toàn không chảy máu âm đạo vào thời gian ngừng thuốc thực ra cũng không có hại, nhưng có thể điều chỉnh bằng việc đổi sang một loại thuốc khác có hàm lượng progesteron thấp hơn. Cần kiểm tra kỹ xem có phải là đã có thai hay không.
Một số tác dụng phụ sau đây của thuốc có thể là do lượng estrogen quá cao và có thể giảm nhẹ bằng cách chuyển sang một loại thuốc khác có thành phần chính là progestogen, chẳng hạn như Loestrin 30, Microgynon 30 hay Eugynon 30:
Buồn nôn.
Chóng mặt
Căng thẳng tiền kinh nguyệt.
Tăng cân theo chu kỳ.
Phù nề do giữ nước trong cơ thể.
Khí hư.
Một số tác dụng phụ sau đây của thuốc có thể là do lượng progestogen quá cao và có thể giảm nhẹ bằng cách chuyển sang một loại thuốc khác có thành phần chính là estrogen, chẳng hạn như Brevinor, Mercilon, Trinordiol, Logynon, Marvelon hay Dianette:
Khô âm đạo.
Tăng cân đều đặn.
Trầm cảm.
Mất ham muốn tình dục.
Mệt mỏi.
Nhạy cảm đau ở vú.
Mụn trứng cá.
Rậm lông.
Bài viết cùng chuyên mục
Thực hành chẩn đoán và điều trị viêm gan A
Khi HAV theo thức ăn hoặc nước uống xâm nhập vào cơ thể, chúng tập trung ở các tế bào gan và sinh trưởng cực nhanh.
Thực hành chẩn đoán và điều trị táo bón
Các trường hợp táo bón kéo dài, trở thành mạn tính thường là do một nguyên nhân tiềm ẩn nào đó hoặc do các thói quen sinh hoạt, ăn uống không thích hợp của bệnh nhân gây ra.
Thực hành chẩn đoán và điều trị bệnh sởi
Trẻ em dưới 8 tháng tuổi rất hiếm khi mắc bệnh sởi, nhờ có kháng thể nhận được từ sữa mẹ. Vì thế, nuôi con bằng sữa mẹ cũng là một cách bảo vệ trẻ chống lại bệnh này.
Thực hành chẩn đoán và điều trị liệt dương
Tình trạng liệt dương thỉnh thoảng xảy ra ở một người đàn ông khỏe mạnh bình thường có thể là dấu hiệu của sự làm việc quá sức, thiếu nghỉ ngơi hoặc suy nhược cơ thể.
Thực hành chẩn đoán và điều trị viêm phổi
Với các bệnh nhân có sức khỏe bình thường và không có các biến chứng phức tạp có thể điều trị bắt đầu với viên amoxycillin 500mg, mỗi ngày uống 3 lần.
Thực hành chẩn đoán và điều trị herpes giác mạc
Bệnh rất thường gặp, nguyên nhân thông thường nhất có thể là do các vết trầy xước ở giác mạc, nhưng virus herpes cũng có thể tấn công gây bệnh ở mắt bình thường.
Thực hành chẩn đoán và điều trị dị vật vào mắt
Dị vật vào mắt là trường hợp rất thường gặp, có thể từ rất nhẹ như những trường hợp do gió thổi bụi vào mắt, cho đến những trường hợp nặng như dị vật cắm sâu vào nhãn cầu.
Tránh thai đối với phụ nữ sắp mãn kinh
Sau khi ngừng thuốc, nếu xác định chắc chắn kinh nguyệt đã chấm dứt, thì việc sử dụng các biện pháp tránh thai chỉ cần tiếp tục trong vòng một năm nữa.
Thực hành chẩn đoán và điều trị trầm cảm sau sinh
Các yếu tố tình cảm, tâm lý đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm sự trầm cảm. Người bệnh cần được gần gũi, chia sẻ tình cảm, có cơ hội để bộc lộ những suy nghĩ, tâm sự riêng tư.
Thực hành chẩn đoán và điều trị đánh trống ngực
Nếu đánh trống ngực lặp lại nhiều lần, có thể đề nghị làm điện tâm đồ theo dõi liên tục 24 giờ để phát hiện các bệnh tim liên quan (loạn nhịp, lạc nhịp, rung nhĩ...).
Thực hành chăm sóc trẻ khóc nhiều và thất thường
Bế trẻ lên vai và đi lại trong nhà một lúc có thể làm cho trẻ bớt khóc. Xoa bàn tay trên lưng hoặc trên bụng đôi khi cũng có thể tạm thời làm cho trẻ nín khóc.
Thực hành chẩn đoán và điều trị lạc nội mạc tử cung
Những mảnh nội mạc tử cung lạc chỗ vẫn đáp ứng với chu kỳ kinh nguyệt giống như nội mạc ở trong tử cung, nghĩa là vẫn chảy máu theo chu kỳ kinh nguyệt.
Thực hành chẩn đoán và điều trị tinh hồng nhiệt
Bệnh tinh hồng nhiệt là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em, còn được gọi là bệnh ban đỏ. Bệnh thường gặp nhất ở độ tuổi từ 2 – 10 tuổi. Đặc trưng của bệnh là những vùng đỏ trên da.
Thực hành chẩn đoán và điều trị tai biến mạch não
Nghẽn mạch, hay thuyên tắc mạch, là tình trạng tắc nghẽn do một khối (thường là cục máu đông) trong động mạch não.
Thực hành chăm sóc các vấn đề hô hấp trẻ em
Viêm tiểu phế quản thường gây ho kích thích, làm trẻ thở nhanh, khó bú, nhất là khi có kèm theo sổ mũi. Thăm khám nghe thấy tiếng khò khè, nhất là khi thở ra.
Thực hành chẩn đoán và điều trị glucose niệu khi mang thai
Nếu kết quả đo lúc đói > 5,8 mmol/L, hoặc kết quả đo sau đó 2 giờ > 7,8 mmol/L cho thấy hiện tượng tiểu đường thai nghén. Cần đề nghị chuyển bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa.
Thực hành chẩn đoán và điều trị ra máu sau khi sinh
Nếu ra máu nhiều, nhất là có các cục máu đông, hoặc kèm theo sốt cao, cần chuyển bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa. Có thể cần siêu âm để quyết định việc nạo tử cung.
Thực hành chẩn đoán và điều trị xuất huyết dưới kết mạc
Xuất huyết dưới kết mạc là trường hợp rất thường gặp, không có nguyên nhân rõ rệt. Bệnh làm cho mắt đỏ nhưng hoàn toàn không đau, không có dử mắt (ghèn), không gây tổn thương mắt.
Thực hành chẩn đoán và điều trị đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể thường xuất hiện ở cả hai mắt nhưng không đều nhau, thường là một mắt tiến triển nặng hơn cần xử trí trước.
Thực hành chẩn đoán và điều trị cường giáp
Nếu mức T4 tự do là bình thường, có thể cần tiếp tục đo mức T4 (triiodothyronine) tự do để chẩn đoán chứng nhiễm độc T4.
Thực hành chẩn đoán và điều trị điếc
Nguyên nhân tự nhiên thường gặp là sự thoái hóa theo tuổi già của ốc tai và mê đạo, được xem như sự giảm thính lực tự nhiên do tuổi già.
Thực hành chẩn đoán và điều trị hen phế quản (suyễn)
Khi có cơn khó thở lặp lại trên hai lần kèm theo dấu hiệu thở khò khè hoặc ho khan và bệnh nhân đáp ứng tốt với các tác nhân làm giãn phế quản, có thể nghĩ đến hen phế quản.
Thực hành chẩn đoán và điều trị zona
Ban zona thường tự khỏi sau vài tuần, không có biến chứng gì. Khoảng 50% số người bị bệnh zona sau tuổi 60 có thể bị đau và dễ kích thích ở vùng da bị bệnh, kéo dài đến 6 tháng.
Thực hành chẩn đoán và điều trị ho ra máu
Chẩn đoán phân biệt các nguồn chảy máu khác nhau, chẳng hạn như họng có thể chảy máu nếu khám thấy amiđan bị viêm. Kiểm tra lồng ngực để phát hiện viêm phổi hay viêm phế quản.
Thực hành chẩn đoán và điều trị sỏi tiết niệu
Sỏi thường xuất hiện trong những trường hợp có dấu hiệu mất nước nhẹ, có lẽ do độ đậm đặc của nước tiểu gia tăng.