Propafenon

2011-06-09 03:10 PM

Propafenon là một thuốc chống loạn nhịp nhóm 1C có tác dụng chẹn thụ thể beta và tác dụng yếu chẹn kênh calci, có tác dụng gây tê và tác dụng trực tiếp ổn định màng tế bào cơ tim.

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Tên quốc tế: Propafenone.

Loại thuốc: Thuốc chống loạn nhịp, thuốc chống loạn nhịp nhóm 1C.

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên bao phim 150 mg, 225 mg và 300 mg propafenon hydroclorid.

Tác dụng

Propafenon là một thuốc chống loạn nhịp nhóm 1C có tác dụng chẹn thụ thể beta và tác dụng yếu chẹn kênh calci, có tác dụng gây tê và tác dụng trực tiếp ổn định màng tế bào cơ tim. Thuốc chẹn dòng natri vào nhanh, qua những kênh nhanh, và điện thế hoạt động càng hình thành nhanh bao nhiêu, propafenon càng làm chậm tốc độ tăng của điện thế hoạt động bấy nhiêu. Propafenon kéo dài sự dẫn truyền và thời kỳ trơ ở tất cả các vùng của cơ tim, sự dẫn truyền A - H, A - V và H - V với tác dụng hơi rõ rệt hơn trên sự dẫn truyền trong thất; thuốc kéo dài thời kỳ trơ hữu hiệu, làm giảm tính tự động tự phát và biểu lộ một ít hoạt tính chẹn beta. Thuốc làm tăng khoảng P - R và thời gian kéo dài của phức hợp QRS.

Chỉ định

Propafenon được chỉ định để điều trị và dự phòng đối với loạn nhịp thất đe doạ sự sống, như nhịp nhanh thất ở những người bệnh không dung nạp hoặc không đáp ứng với những thuốc chống loạn nhịp khác. Không dùng propafenon đối với loạn nhịp tim ít nghiêm trọng hơn mặc dù đang gây triệu chứng.

Chống chỉ định

Suy tim không được điều trị.

Rối loạn nặng về dẫn truyền xung lực hoặc rối loạn về sự hình thành xung lực (blốc nhĩ - thất không điều trị, hội chứng suy xoang).

Sốc do tim (không do loạn nhịp gây nên).

Bệnh nhược cơ, bệnh phổi tắc nghẽn.

Có tiền sử dị ứng với propafenon.

Thận trọng

Người bệnh có suy chức năng thất trái, nhịp tim chậm.

Giảm huyết áp, mất cân bằng điện giải.

Suy giảm chức năng gan hoặc thận.

Thời kỳ mang thai

Không có những nghiên cứu đầy đủ và được kiểm tra chặt chẽ trên phụ nữ mang thai. Tuy vậy, chỉ nên dùng cho phụ nữ mang thai khi lợi ích có thể mang lại hơn hẳn nguy cơ đối với thai.

Thời kỳ cho con bú

Không biết rõ propafenon có bài tiết trong sữa người hay không, tuy vậy cũng nên cân nhắc để tạm ngừng cho con bú.

Tác dụng phụ

Thường gặp

Mệt mỏi, đau ngực (đau thắt ngực), chóng mặt, nhức đầu, chán ăn.

Rối loạn dẫn truyền xung lực, tác dụng gây loạn nhịp bao gồm nguy cơ loạn nhịp thất nặng, gây nên hoặc làm nặng thêm suy tim (tác dụng giảm lực co cơ).

Mắt mờ, bồn chồn.

Táo bón, ỉa chảy, buồn nôn, nôn, vị kim loại, khô miệng.

Ít gặp

Phản ứng phản vệ, mày đay.

Giảm bạch cầu.

Tăng các transaminase, phosphatase kiềm, ứ mật.

Hiếm gặp

Giảm tiểu cầu, tăng nguy cơ chảy máu, mất bạch cầu hạt.

Mất điều hòa, run, dị cảm, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, lú lẫn, co giật, ác mộng.

Ban đỏ, ngứa, rụng tóc.

Viêm màng phổi.

Triệu chứng ngoại tháp.

Giảm sinh tinh trùng, liệt dương.

Xử trí

Ðối với mỗi người bệnh điều trị bằng propafenon cần phải đánh giá về điện tâm đồ và về lâm sàng trước và trong khi điều trị để xác định xem đáp ứng của người bệnh với propafenon như thế nào để tiếp tục điều trị.

Phải điều trị bệnh nhân có suy tim sung huyết cho tới bù hoàn toàn trước khi dùng propafenon, vì propafenon có cả tác dụng chẹn beta và tác dụng giảm lực co cơ tim (có liên quan với liều). Nếu suy tim sung huyết xấu đi, phải ngừng propafenon (trừ khi suy tim sung huyết là do loạn nhịp tim) và, nếu được chỉ định, sẽ bắt đầu lại với liều lượng thấp hơn và chỉ sau khi đã thực hiện được sự bù trừ đầy đủ.

Khi phát triển bloc nhĩ - thất độ hai hoặc độ ba, phải giảm liều hoặc ngừng propafenon.

Kinh nghiệm đối với người bệnh có hội chứng rối loạn nút xoang còn rất hạn chế và không nên điều trị những người bệnh này với propafenon.

Khi thấy có sốt và/hoặc giảm bạch cầu không rõ nguyên nhân, đặc biệt trong 3 tháng đầu điều trị, cần xem xét khả năng có mất bạch cầu hạt và/hoặc giảm bạch cầu hạt. Cần chỉ dẫn cho người bệnh phải nhanh chóng báo cáo về mọi dấu hiệu nhiễm khuẩn như sốt, viêm họng hoặc rét run.

Phải dùng propafenon thận trọng cho người bệnh suy chức năng gan. Rối loạn chức năng gan nặng làm tăng khả dụng sinh học của propafenon tới khoảng 70% so với mức 3 - 40% ở người bệnh có chức năng gan bình thường. Do đó, liều propafenon dùng cho người bệnh suy gan sẽ là khoảng 20 - 30% của liều dùng cho người bệnh có chức năng gan bình thường. Cần theo dõi cẩn thận những tác dụng dược lý quá mức.

Một tỷ lệ đáng kể những chất chuyển hóa của propafenon (18,5 - 38% liều sử dụng/48giờ) được bài tiết trong nước tiểu. Cần dùng thận trọng propafenon cho những người bệnh suy thận. Theo dõi cẩn thận những người bệnh này về những dấu hiệu quá liều.

Liều lượng cách dùng

Phải dò liều propafenon theo từng cá nhân trên cơ sở đáp ứng và sự dung nạp phụ thuộc vào kiểu chuyển hóa nhanh hay chậm của người bệnh. Nên bắt đầu điều trị với liều propafenon uống 150 mg, cứ 8 giờ một lần (450 mg/ngày). Có thể tăng liều ở những khoảng cách thời gian tối thiểu 3 đến 4 ngày, tới 225 mg, cứ 8 giờ một lần (675 mg/ngày), và nếu cần thiết, tới 300 mg, cứ 8 giờ một lần (900 mg/ngày). Liều uống duy trì là 150 - 200 mg, cứ 8 giờ một lần. Bắt đầu dùng propafenon phải được theo dõi nội trú tại bệnh viện. Người bệnh nặng dưới 70 kg cần phải giảm liều.

Chưa xác định được hiệu lực và an toàn của những liều lượng vượt quá 900 mg một ngày. ở những người bệnh phức hợp QRS giãn rộng hoặc bloc nhĩ - thất độ hai hoặc độ ba, phải xem xét việc giảm liều lượng.

Cũng như với những thuốc chống loạn nhịp khác, ở người cao tuổi hoặc ở người bệnh có thương tổn cơ tim rõ rệt từ trước, phải tăng liều propafenon từng bước chậm hơn trong thời kỳ đầu điều trị. Trong bệnh gan, nên giảm liều 50%. Trong suy thận, nên dùng liều propafenon khởi đầu thấp hơn.

Tương tác

Quinidin: Những liều nhỏ quinidin ức chế hoàn toàn quá trình chuyển hóa hydroxyl - hóa, làm cho tất cả người bệnh trở thành người chuyển hóa chậm. Cho đến nay, có rất ít thông tin trong việc sử dụng đồng thời propafenon và quinidin.

Thuốc tê: Sử dụng đồng thời thuốc tê (như trong khi đặt máy tạo nhịp tim, trong phẫu thuật, hoặc dùng cho răng) có thể làm tăng nguy cơ tác dụng không mong muốn của hệ thần kinh trung ương.

Digitalis: Propafenon có tác dụng làm tăng nồng độ digoxin huyết thanh khoảng từ 35% với liều propafenon 450 mg/ngày đến 85% với liều 900 mg/ngày mà không ảnh hưởng đến độ thanh thải digoxin ở thận. Cần phải định lượng nồng độ digoxin trong huyết tương ở người bệnh dùng đồng thời, và thông thường phải giảm liều digoxin khi bắt đầu dùng propafenon, đặc biệt khi dùng liều digoxin tương đối lớn hoặc khi nồng độ trong huyết tương tương đối cao.

Thuốc đối kháng - beta: Dùng đồng thời propafenon và propranolol làm tăng đáng kể nồng độ propranolol huyết tương và nửa đời thải trừ mà không làm thay đổi nồng độ propafenon trong huyết tương. Cũng có những nhận xét tương tự đối với metoprolol. Sự tăng nồng độ metoprolol trong huyết tương có thể thắng được tính chọn lọc tương đối với tim của thuốc này. Mặc dù thuốc chẹn beta có phạm vi điều trị rộng, có thể cần phải giảm liều khi dùng đồng thời với propafenon.

Warfarin: Khi dùng propafenon đồng thời với warfarin, nồng độ warfarin trong huyết tương ở tình trạng ổn định tăng 39% với sự tăng tương ứng về thời gian prothrombin khoảng 25%. Do đó cần theo dõi thường kỳ thời gian prothrombin và điều chỉnh liều lượng warfarin nếu cần.

Cimetidin: Sử dụng đồng thời propafenon và cimetidin làm tăng nồng độ propafenon trong huyết tương ở tình trạng ổn định 20% mà không thấy có thay đổi về thông số điện tâm đồ vượt quá những thông số khi dùng propafenon một mình.

Thuốc khác: Có ít kinh nghiệm về sự phối hợp của propafenon với những thuốc đối kháng calci và thuốc lợi tiểu, trong đó không thấy có biểu hiện về những tác dụng không mong muốn có ý nghĩa lâm sàng.

Bảo quản

Bảo quản viên nén propafenon ở nhiệt độ 15 – 30 độ C. Ðựng trong lọ kín, tránh ánh sáng.

Quá liều và xử trí

Những triệu chứng quá liều, thường nặng nhất trong vòng 3 giờ sau khi uống, có thể gồm hạ huyết áp, ngủ gà, nhịp tim chậm, rối loạn dẫn truyền trong nhĩ và thất, hiếm gặp co giật và loạn nhịp thất mức độ cao.

Sự khử rung cũng như việc tiêm truyền dopamin và isoproterenol có hiệu quả kiểm soát nhịp và huyết áp. Làm giảm co giật bằng tiêm tĩnh mạch diazepam. Có thể cần áp dụng những biện pháp hồi sức chung như hỗ trợ hô hấp bằng máy và xoa bóp tim bên ngoài.

Quy chế

Thuốc độc bảng B.

Bài viết cùng chuyên mục

Procain hydrochlorid: Chlorhydrate De Procaine Lavoisier, Novocain, thuốc gây tê

Procain đã được dùng gây tê bằng đường tiêm, phong bế dây thần kinh ngoại biên và cũng được dùng làm dung dịch để làm ngừng tim tạm thời trong phẫu thuật tim

Polygelin

Polygelin là một chất trùng hợp có khối lượng phân tử trung bình 30.000 được tạo thành do liên kết chéo các polypeptid lấy từ gelatin đã biến chất với di - isocyanat để tạo thành các cầu urê.

Pulmicort Respules: thuốc điều trị hen và viêm thanh khí phế quản cấp

Thuốc điều trị hen phế quản, viêm thanh khí quản quản cấp ở nhũ nhi và trẻ em, có thể được sử dụng khi cần thiết phải thay hoặc giảm liều steroid

Pivalone (Pivalone neomycine)

Tixocortol pivalate là một corticoide không gây tác dụng toàn thân. Tác dụng của nó tương tự với các corticoide thông dụng khác, nhưng không gây tác dụng ở xa nơi sử dụng.

Quetiapin Stada: thuốc điều trị bệnh rối loạn tâm thần

Quetiapin fumarat là một thuốc trị chứng loạn tâm thần không điển hình thuộc nhóm dibenzothiazepin. Thuốc có ái lực với thụ thể serotonin (5-HT2), histamin (H1) và α1-, α2-adrenergic cũng như với các thụ thể D1-, D2-dopamin.

Penicilamin

Penicilamin dùng đường uống là một tác nhân giải độc trong điều trị bệnh Wilson, cystin niệu và nhiễm độc kim loại nặng. Nó còn được dùng điều trị viêm khớp dạng thấp, nhưng là thứ yếu.

Propantheline

Propantheline là thuốc kê đơn dùng để ngăn ngừa co thắt và điều trị các triệu chứng loét dạ dày tá tràng.

Paclitaxel

Paclitaxel làm tăng quá trình trùng hợp các dime tubulin tạo thành các vi quản và làm ổn định các vi quản do ức chế quá trình giải trùng hợp.

Progesterone đặt âm đạo

Progesterone đặt âm đạo là một loại thuốc kê đơn dùng để khôi phục lại chu kỳ kinh nguyệt bình thường đã dừng lại trong vài tháng (vô kinh).

Piracetam

Piracetam tác dụng trực tiếp đến não để làm tăng hoạt động của vùng đoan não (vùng não tham gia vào cơ chế nhận thức, học tập, trí nhớ, sự tỉnh táo và ý thức).

Procainamid hydrochlorid

Procainamid (PA) có tác dụng điện sinh lý giống quinidin, thuộc nhóm thuốc chống loạn nhịp IA. PA làm giảm tính hưng phấn, giảm tốc độ dẫn truyền tự động ở tâm nhĩ, qua nút nhĩ - thất và ở tâm thất.

Paroxetin: Bluetine, Parokey, Pavas, Paxine, Pharmapar, Wicky, Xalexa, thuốc chống trầm cảm

Paroxetin, dẫn xuất của phenylpiperidin, là một thuốc chống trầm cảm thuộc nhóm thuốc ức chế chọn lọc tái hấp thu serotonin tại synap trước của các tế bào thần kinh serotoninergic

Panadol viên sủi

Phản ứng phụ, rất hiếm, giảm tiểu cầu, phản ứng quá mẫn, ban đỏ, phù mạch, hội chứng Stevens Johnson, co thắt phế quản ở bệnh nhân mẫn cảm với aspirin.

Pediasure

Bột PediaSure khi pha với nước, cung cấp nguồn dinh dưỡng đầy đủ và cân đối cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi. Có thể dùng PediaSure như nguồn dinh dưỡng thay thế bữa ăn.

Proguanil

Proguanil là một dẫn chất biguanid, có hiệu quả cao chống lại thể tiền hồng cầu của Plasmodium falciparum, nên thích hợp cho phòng bệnh.

Panangin

Trong khi điều trị bằng glycoside tim, Panangin bù lại sự suy giảm hàm lượng K+ và Mg2+ của cơ cột sống, cơ tim, huyết tương, hồng cầu gây ra do thuốc.

Prasugrel

Prasugrel là thuốc kháng tiểu cầu có tác dụng ngăn chặn các tiểu cầu trong máu kết tụ và hình thành cục máu đông,  sử dụng để ngăn ngừa cục máu đông ở những người mắc hội chứng mạch vành cấp.

Piperacillin

Piperacilin là một ureido penicilin phổ rộng, có tác dụng diệt khuẩn đối với các vi khuẩn ưa khí và kỵ khí Gram dương và Gram âm bằng cách ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn.

Primperan

Trường hợp dùng bằng đường uống, metoclopramide được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Sinh khả dụng của thuốc vào khoảng 50% đối với dạng viên.

Pantoloc

Nói chung, không nên dùng Pantoloc cho các trường hợp có tiền sử nhạy cảm với một trong các thành phần của Pantoloc hoặc với thuốc dùng phối hợp cùng Pantoloc.

Phenylephrine Nasal

Phenylephrine Nasal là sản phẩm không kê đơn (OTC) dùng để điều trị nghẹt mũi. Tên biệt dược: NeoSynephrine Nasal và Neo-Synephrine Cold & Sinus Mild Spray.

Paclitaxel liên kết protein

Paclitaxel liên kết protein được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tụy, ung thư vú và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ di căn hoặc tiến triển cục bộ (NSCLC).

Pentaglobin: phối hợp điều trị nhiễm trùng nặng

Nhiễm trùng nặng phối hợp kháng sinh như nhiễm trùng huyết, shock nhiễm trùng, viêm phúc mạc, viêm phổi, nhiễm trùng sơ sinh, mổ tim có nguy cơ cao.

Propylhexedrine

Nhóm thuốc: Thuốc thông mũi. Propylhexedrine là thuốc không kê đơn (OTC) được sử dụng để điều trị nghẹt mũi.

Papaverine

Tác dụng điều trị chủ yếu của papaverin là chống co thắt cơ trơn. Papaverin cũng gây giãn cơ trơn phế quản, đường tiêu hóa, niệu quản, và đường mật.