Giải phẫu gan

2015-03-31 08:26 AM

Trước khi đổ vào tá tràng, ống mật chủ cùng với ống tuỵ chính tạo nên bóng gan tuỵ, có cơ vòng bóng gan tuỵ ngăn không cho trào ngựợc dịch tá tràng vào ống mật chủ

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Gan là cơ quan quan trọng không những cho hệ tiêu hóa mà còn có các chức năng quan trọng khác như chức năng khử độc, chuyển hóa glucide, protide, lipid v.v... Gan là tạng trong phúc mạc, nằm ở tầng trên mạc treo kết tràng ngang, ở ô dưới hoành phải nhưng lấn sang ô thượng vị và ô dưới hoành trái.

Hình thể ngoài

Gan có hình dạng như nửa quả dưa hấu, có hai mặt và một bờ

Mặt hoành

Lồi áp sát cơ hoành, có bốn phần:

 Gan (mặt hoành)

Hình. Gan (mặt hoành)

1. Dây chằng vành    2. Dây chằng liềm   3. Dây chằng tròn

Phần trên liên quan phổi và màng phổi phải, tim và màng ngoài tim, phổi và màng phổi trái.

Phần trước liên quan thành ngực trước.

Ở hai phần trên và trước, dây chằng liềm bám vào gan chia gan làm hai phần: bên phải thuộc thùy gan phải và bên trái thuộc thuỳ gan trái.

Phần phải liên quan thành ngực phải.

Phần sau có vùng trần, là nơi không có phúc mạc che phủ. Ở đây gan được treo vào cơ hoành bởi dây chằng hoành gan.

Mặt tạng

Phẳng, liên quan với các tạng khác như dạ dày, tá tràng ... Có ba rãnh tạo thành hình chữ H.

Rãnh bên phải có hai phần: trước là hố túi mật, sau là rãnh tĩnh mạch chủ dưới.

Rãnh bên trái gồm hai phần: trước là khe dây chằng tròn, sau là khe của dây chằng tĩnh mạch.

Rãnh nằm ngang là cửa gan chứa cuống gan và các nhánh của nó.

Rãnh chữ H chia mặt tạng thành 4 thuỳ là thùy trái, thùy phải, thùy vuông và thùy đuôi.

Bờ dưới

ngăn cách phần trước mặt hoành với mặt tạng. Có hai khuyết là khuyết túi mật và khuyết dây chằng tròn gan.

 Mặt tạng của gan

Hình. Mặt tạng của gan

1. Dây chằng tròn   2. Thùy vuông    3. Ấn kết tràng    4. Dây chằng tĩnh mạch   5. Tĩnh mạch chủ dưới   6. Túi mật

Các dây chằng và các phương tiện cố định gan

Tĩnh mạch chủ dưới

Dính vào gan và có các tĩnh mạch gan nối chủ mô gan với tĩnh mạch chủ dưới.

Dây chằng vành

Gồm hai nếp phúc phạc đi từ phúc mạc thành  đến gan. Ở giữa hai lá xa rời nhau giới hạn nên vùng trần. Hai bên hai lá tiến gần nhau tạo thành dây chằng tam giác phải và trái.

Dây chằng liềm

Nối mặt hoành của gan vào thành bụng trước và cơ hoành.

Mạc nối nhỏ

Nối gan với dạ dày và tá tràng, bờ tự do của mạc nối nhỏ chứa cuống gan.

Dây chằng tròn gan

Là di tích tĩnh mạch rốn thời kỳ phôi thai, nằm giữa hai lá của dây chằng liềm đi từ rốn đến gan.

Dây chằng tĩnh mạch

Là di tích của ống tĩnh mạch thời kỳ phôi thai, đi từ tĩnh mạch cửa trái đến tĩnh mạch  chủ dưới.

Mạch máu của gan

Khác những cơ quan khác, gan không những nhận máu từ động mạch là động mạch gan riêng mà còn nhận máu từ tĩnh mạch là tĩnh mạch cửa.

Ðộng mạch gan riêng

Động mạch gan chung là nhánh tận của động mạch thân tạng, sau khi cho nhánh động mạch vị tá tràng đổi tên thành động mạch gan riêng, chạy lên trên đến cửa gan chia thành hai ngành phải và trái để nuôi dưỡng gan.

Tĩnh mạch cửa

Tĩnh mạch nhận hầu hết máu từ hệ tiêu hóa cũng như từ lách đến gan trước khi đổ vào hệ thống tuần hoàn chung. Tĩnh mạch cửa do tĩnh mạch lách họp với tĩnh mạch mạc treo tràng trên tạo thành, chạy lên cửa gan chia hai ngành phải và trái. Trên đường đi tĩnh mạch cửa nhận rất nhiều nhánh bên như tĩnh mạch túi mật, các tĩnh mạch rốn, tĩnh mạch vị trái, tĩnh mạch vị phải, tĩnh mạch trước môn vị và tĩnh mạch trực tràng trên... Ðến cửa gan, tĩnh mạch cửa chia ra hai ngành là ngành phải và ngành trái để chạy vào nửa gan phải và nửa gan trái.

Trong trường hợp tĩnh mạch cửa bị tắc gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như bụng báng, trướng tĩnh mạch thực quản, trĩ... Các biểu hiện trên là do máu từ tĩnh mạch cửa qua gan bị hạn chế nên đi qua các vòng nối giữa hệ cửa và hệ chủ:

Vòng nối thực quản do tĩnh mạch vị trái thuộc hệ cửa nối với tĩnh mạch thực quản là nhánh của tĩnh mạch đơn thuộc hệ chủ. Khi tăng áp lực tĩnh mạch cửa tạo nên hiện tượng trướng tĩnh mạch thực quản.

Vòng nối trực tràng do tĩnh mạch trực tràng trên là nhánh của tĩnh mạch mạc treo tràng dưới thuộc hệ cửa nối với nhánh trực tràng giữa, nhánh trực tràng dưới là nhánh của tĩnh mạch chậu trong thuộc hệ chủ. Khi tăng áp lực tĩnh mạch cửa tạo nên trĩ.

Vòng nối quanh rốn do tĩnh mạch dây chằng tròn thuộc hệ cửa nối với tĩnh mạch thượng vị trên, dưới và ngực trong thuộc hệ chủ.

Ðộng mạch gan riêng, tĩnh mạch cửa cùng ống mật chủ tạo nên cuống gan nằm giữa hai lá mạc nối nhỏ. Liên quan giữa ba thành phần này như sau: tĩnh mạch cửa nằm sau; động mạch gan riêng nằm phía trước bên trái; ống mật chủ nằm phía trước bên phải. Ba thành phần chạy chung với nhau và lần lượt phân chia thành các nhánh nhỏ dần và tận cùng ở  khoảng cửa.

Các tĩnh mạch gan

Gồm ba tĩnh mạch là tĩnh mạch gan phải, tĩnh mạch gan giữa và tĩnh mạch gan trái. Các tĩnh mạch này dẫn máu từ gan về tĩnh mạch chủ dưới.

Phân thùy gan theo đường mạch mật

Do yêu cầu phẫu thuật, các nhà giải phẫu đã nghiên cứu để phân chia gan thành các phần nhỏ hơn. Hiện tại có nhiều cách phân chia gan theo phân thuỳ, các tác giả đều dựa vào sự phân chia của đường mật trong gan để phân chia gan thành các phân thuỳ. Sau đây là cách phân chia gan theo Tôn Thất Tùng. Các thùy và phân thùy được xác định bằng các khe, trong đó chỉ có một khe độc nhất là khe liên phân thuỳ trái là có thật trên bề mặt của gan.

Khe giữa gan

Ở mặt hoành đi từ khuyết túi mật đến bờ trái tĩnh mạch chủ dưới.

Ở mặt tạng đi từ giữa hố túi mật đến bờ trái tĩnh mạch chủ dưới.

Khe giữa chia gan thành hai nửa là  gan phải và trái, trong khe giữa có tĩnh mạch gan giữa.

Khe liên phân thùy phải

Từ bờ phải tĩnh mạch chủ dưới song song bờ phải của gan, cách bờ này ba khoát ngón tay, khe chứa tĩnh mạch gan phải. Khe liên phân thuỳ phải chia gan phải thành hai phân thùy là phân thuỳ sau và phân thuỳ trước.

Khe liên phân thùy trái

Mặt hoành,  khe là đường bám dây chằng liềm.

Mặt tạng, khe tương ứng với rãnh dọc trái.

Khe liên phân thuỳ trái chứa tĩnh mạch gan trái, chia gan trái thành hai phân thùy là phân thuỳ giữa  và phân thuỳ bên.

Khe phụ giữa thùy phải

Thường không rõ ràng, chia phân thùy trước thành hạ phân thùy V và VIII, và phân thùy sau thành hạ phân thùy VI và VII.

Khe phụ giữa thùy trái

Ở mặt hoành đi từ bờ trái của tĩnh mạch chủ dưới đến 1/3 sau và 2/3 trước bờ dưới của gan trái. Ở mặt tạng: đi từ đầu trái cửa gan đến nối 1/3 sau và 2/3 trước bờ dưới của gan trái. Khe này chia phân thùy bên thành hạ phân thùy II và III, còn hạ phân thùy I tương ứng với thùy đuôi.

Các hạ phân thùy của gan 

Hình. Các hạ phân thùy của gan

Ðường mật

Mật được thành lập trong gan, đổ vào các tiểu quản mật, sau đó về các ống mật gian tiểu thùy, từ đây lần lượt được vận chuyển đến các mạch mật lớn hơn để cuối cùng tập trung vào hai ống gan phải và gan trái, hai ống này họp nhau lại thành ống gan chung. Ống gan chung hợp với ống túi mật thành ống mật chủ. Người ta thường chia đường dẫn mật thành hai phần là đường dẫn mật ngoài gan và trong gan.

Ðường mật trong gan

Là các ống mật hạ phân thuỳ và phân thuỳ nằm trong nhu mô gan.

Ðường mật ngoài gan

Gồm đường mật chính và phụ.

Ðường mật chính: gồm ống gan và ống mật chủ nhật.

Ống gan gồm ống gan phải và ống gan trái họp thành ống gan chung.

Ống mật chủ do ống gan chung họp với ống túi mật tạo thành. Trước khi đổ vào tá tràng, ống mật chủ cùng với ống tuỵ chính tạo nên bóng gan tuỵ, có cơ vòng bóng gan tuỵ ngăn không cho trào ngựợc dịch tá tràng vào ống mật chủ và ống tuỵ chính.

Ðường mật phụ: gồm túi mật và ống túi mật.

Túi mật là nơi dự trữ mật, hình quả lê nằm ở mặt tạng của gan. Gồm có một đáy, một thân và một cổ nối với ống túi mật.

Ống túi mật nối giữa túi mật và ống mật chủ.

 Đường mật ngoài gan

Hình. Đường mật ngoài gan

1. Ống gan phải   2. Cổ túi mật   3. Thân túi mật   4. Đáy túi mật   5. Tá tráng   6. Nhú tá bé   7.8. Nhú tá lớn   9. Ống gan trái   10. Ống gan chung   11. Ống túi mật   12. Ống mật chủ   13. Tá tràng   14. Ống tụy chính   15. Bóng gan tụy

Bài viết cùng chuyên mục

Vòm họng: giải phẫu và chức năng

Vòm họng được bao quanh bởi nếp gấp vòi nhĩ họng và amidan, có thể bị viêm khi bị nhiễm trùng, nó chứa mô adeno, chống nhiễm trùng và mở các ống Eustachian

Hệ thống xương: giải phẫu và chức năng

Bộ xương của một người trưởng thành chứa 206 xương, bộ xương của trẻ em thực sự chứa nhiều xương vì một số trong số chúng, bao gồm cả xương sọ, chưa hợp nhất

Giải phẫu hỗng tràng và hồi tràng

Hỗng tràng và hồi tràng cuộn lại thành các cuộn hình chữ U gọi là quai ruột. Có từ 14 đến 16 quai. Các quai ruột đầu sắp xếp nằm ngang, các quai ruột cuối thẳng đứng.

Giải phẫu xương khớp chi trên

Xương vai là một xương dẹt hình tam giác, gồm hai mặt, nằm phía sau bên của phần trên lồng ngực, Xương có hai mặt, ba bờ và ba góc.

Giải phẫu đáy chậu và hoành chậu hông

Ở nữ giới tương tự như nam giới, tuy nhiên có âm đạo đi qua, tách cơ hành xốp và cơ này trở thành cơ khít âm đạo, đồng thời làm yếu đi khá nhiều cơ ngang sâu đáy chậu.

Giải phẫu thân não tiểu não

Phần não sau phát triển với thành lưng bị toác rộng hình trám được gọi là trám não, bao gồm hành não, cầu não và tiểu não vây quanh não thất IV. Mặt khác cầu não, hành não, trung não lại nằm trên một trục

Giải phẫu cơ thân mình

Thành bụng trước bên gồm ba cơ ở phía bên xếp thành ba lớp từ nông đến sâu: cơ chéo bụng ngoài, cơ chéo bụng trong.

Hệ thống hô hấp: giải phẫu và chức năng

Ngoài việc phân phối không khí và trao đổi khí, hệ thống hô hấp sẽ lọc, làm ấm và làm ẩm không khí hít thở, hệ hô hấp cũng đóng một vai trò trong lời nói

Giải phẫu thận

Nhu mô thận gồm có hai phần là tuỷ thận được cấu tạo bởi nhiều khối hình nón gọi là tháp thận, đáy tháp quay về phía bao thận

Giải phẫu cơ chi dưới

Ðùi được giới hạn phía trên bởi nếp lằn bẹn ở trước và lớp lằn mông ở sau, Phía dưới bởi một đường ngang phía trên nền xương bánh chè 3  khoát ngón tay.

Giải phẫu dạ dày

Phần dạ dày dưới đáy vị, có giới hạn dưới là mặt phẳng xiên đi qua khuyết góc, Phần thân vị chứa các tuyến tiết ra Axít clorohydric HCl và Pepsinogene.

Hệ thống tuần hoàn: giải phẫu và chức năng

Hệ thống tuần hoàn hoạt động nhờ áp lực liên tục từ tim và van, áp lực này đảm bảo rằng các tĩnh mạch mang máu đến tim và các động mạch vận chuyển nó ra

Giải phẫu cột sống

Nhìn trước sau cột sống trông thẳng đứng, nhưng nhìn nghiêng, cột sống có 4 đoạn cong lồi lõm xen kẽ nhau. đoạn cổ và đoạn thắt lưng cong lồi ra trước

Giải phẫu xương lồng ngực

Đầu trước của thân xương sườn nối với các sụn sườn ngoại trừ xương sườn 11 và 12 tự do nên hai xương sườn này được gọi là xương sườn cụt.

Giải phẫu hệ thần kinh tự chủ

Hệ thần kinh tự chủ được chia làm hai phần là phần giao cảm và phần đối giao cảm, hoạt động theo nguyên tắc đối nghịch nhau, Hệ thần kinh tự chủ có cấu tạo.

Giải phẫu thực quản

Về phương diện giải phẫu học, thực quản được chia làm 3 đoạn: đoạn cổ dài khoảng 3cm; đoạn ngực dài khoảng 20 cm và đoạn bụng dài khoảng 2 cm.

Giải phẫu mạch máu chi trên

Vòng nối quanh ngực do động mạch ngực ngoài và động mạch cùng vai ngực nối với động mạch ngực trong và động mạch gian sườn trên của động mạch dưới đòn.

Hệ sinh sản nữ: giải phẫu và chức năng

Phụ nữ được sinh ra với một số lượng lớn tế bào trứng, mãi đến sau khi bắt đầu dậy thì, những tế bào này đã đủ trưởng thành để duy trì sự sống

Giải phẫu tủy gai

Càng về sau, do tốc độ phát triển của cột sống nhanh hơn so với tuỷ gai, do đó tuỷ gai tận cùng ở vị trí bờ dưới đốt sống thắt lưng 1 hoặc bờ trên đốt sống thắt lưng 2

Giải phẫu mũi

Niêm mạc có nhiều mạch máu, tuyến niêm mạc và tổ chức bạch huyết có chức năng sưởi ấm, làm ẩm không khí, lọc bớt bụi và sát trùng không khí trước khi vào phổi

Giải phẫu lách

Trong các bờ của lách, có bờ trước hay còn gọi là bờ trên có nhiều khía và sờ được khi lách lớn, nhờ vậy mà chúng ta có thể phân biệt lách với các tạng khác khi khám lách.

Giải phẫu tá tràng và tụy

Tá tràng đưọc cấu tạo gồm 5 lớp như các phần khác của ruột non là lớp niêm mạc tiết ra nhiều men tiêu hóa để tiêu hóa thức ăn, đặc biệt ở thành trong của phần xuống

Giải phẫu xương khớp chi dưới

Mỗi ngón chân có ba xương: xương đốt ngón gần, đốt ngón giữa và đốt ngón xa. Ngoại trừ ngón I chỉ có hai xương là xương đốt ngón gần và đốt ngón xa

Não: giải phẫu và chức năng

Bộ não là một trong những bộ phận cơ thể quan trọng nhất, vì vậy điều quan trọng là phải biết cách nhận biết các dấu hiệu có thể có vấn đề

Giải phẫu đại cương hệ tiêu hóa

Lớp niêm mạc là lớp biểu mô, tuỳ theo chức năng mà có loại biểu mô khác nhau, Ví dụ ở thực quản nơi dễ bị nhiệt độ gây tổn thương hay hậu môn nơi dễ bị kích thích