Giải phẫu mũi

2015-03-31 07:10 AM

Niêm mạc có nhiều mạch máu, tuyến niêm mạc và tổ chức bạch huyết có chức năng sưởi ấm, làm ẩm không khí, lọc bớt bụi và sát trùng không khí trước khi vào phổi

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Mũi là phần đầu của hệ hô hấp, có nhiệm vụ chủ yếu là dẫn khí, làm sạch và sưởi ấm không khí trước khi vào phổi, đồng thời là cơ quan khứu giác. Mũi gồm có 3 phần: mũi ngoài, mũi trong hay ổ mũi, các xoang cạnh mũi.

Mũi ngoài

Mũi ngoài lồi lên ở giữa mặt, có dạng  hình tháp 3 mặt mà mặt nhỏ nhất là 2 lỗ mũi trước, 2 mặt bên nằm ở 2 bên.

Phía trên là gốc mũi, ở giữa 2 mắt, một gờ dọc tiếp tục từ gốc mũi xuống dưới là sống mũi và tận cùng là đỉnh mũi.

Sau sống mũi là vách mũi, hai bên là 2 cánh mũi.

Giữa vách mũi và cánh mũi là 2 lỗ mũi trước. Giữa cánh mũi và má là rãnh mũi má.

Mũi ngoài được cấu tạo bởi một khung xương sụn, cơ và da, bên trong được lót bởi niêm mạc.

 Khung xương sụn của mũi ngoài

Hình. Khung xương sụn của mũi ngoài

1. Xương mũi.     2. Các sụn mũi

Mũi trong hay ổ mũi

Gồm 2 ổ mũi, nằm ngay dưới nền sọ và trên khẩu cái cứng, hai ổ cách nhau bởi vách mũi, thông với bên ngoài qua lỗ mũi trước và thông với hầu ở sau qua lỗ mũi sau. Mỗi ổ mũi có 4 thành: trong, ngoài, trên và dưới. Có nhiều xoang nằm trong các xương lân cận, đổ vào ổ mũi.

Tiền đình mũi

Là phần đầu tiên của ổ mũi, hơi phình ra, tương ứng với phần sụn cánh mũi lớn. Phần lớn tiền đình mũi được lót bởi da có nhiều lông và tuyến nhầy để cản bụi.

Lỗ mũi sau

Là nơi thông thương giữa ổ mũi với tỵ hầu. Gồm 2 lỗ, cách nhau bởi vách mũi.

Thành mũi trong

Thành mũi trong hay vách mũi có có hai phần:

Phần sụn: ở trước, gồm trụ trong sụn cánh mũi lớn (tạo nên phần màng di động phía dưới của vách mũi) và sụn vách mũi, sụn lá mía mũi.

Phần xương: ở sau, do mảnh thẳng đứng của xương sàng và xương lá mía tạo nên.

Thành trong của mũi 

Hình. Thành trong của mũi

1. Xoang bướm   2. Xương lá mía   3. Lỗ mũi sau   4. Mảnh thẳng đứng xương sàng   5. Sụn vách mũi  6. Khẩu cái cứng

Trần ổ mũi

Trần của ổ mũi do một phần của các xương: mũi, trán, sàng và thân xương bướm tạo nên.

Nền ổ mũi

Nền ổ mũi là khẩu cái cứng, ngăn cách giữa ổ mũi và ổ miệng.

Thành mũi ngoài

Tạo nên bởi xương hàm trên, xương mũi, xương lệ, mảnh thẳng xương khẩu cái, mê đạo sàng và mỏm chân bướm.

Có 3-4 mảnh xương cuốn cong, nhô vào ổ mũi gọi là các xoăn mũi: xoăn mũi dưới, xoăn mũi giữa, xoăn mũi trên và đôi khi có thêm xoăn mũi trên cùng. Các xương xoăn mũi tạo với thành ngoài ổ mũi các ngách mũi tương ứng.

Niêm mạc mũi

Lót mặt trong ổ mũi, liên tục với niêm mạc các xoang, niêm mạc hầu...

Niêm mạc mũi được chia thành 2 vùng:

Vùng khứu giác, gần trần ổ mũi, niêm mạc có nhiều đầu mút thần kinh khứu giác.

Vùng hô hấp: là phần lớn phía dưới ổ mũi. Niêm mạc có nhiều mạch máu, tuyến niêm mạc và tổ chức bạch huyết có chức năng sưởi ấm, làm ẩm không khí, lọc bớt bụi và sát trùng không khí trước khi vào phổi.

Thành ngoài ổ mũi 

Hình. Thành ngoài ổ mũi

1. Xoang trán    2. Ngách mũi giữa   3. Ngách mũi dưới

Các xoang cạnh mũi

Gồm có 4 đôi là: xoang hàm trên, xoang trán, xoang sàng và xoang bướm. Bình thường chúng đều rỗng, thoáng và khô ráo, chứa không khí có nhiệm vụ cộng hưởng âm thanh, làm ẩm niêm mạc mũi, sưởi ấm không khí và làm nhẹ khối xương đầu mặt.

 Các xoang cạnh mũi

Hình. Các xoang cạnh mũi

1. Xoang trán   2. Mê đạo sàng  3. Xoang bướm   4. Các xoang sàng   5. Xoang hàm trên

Xoang hàm trên: là xoang lớn nhất, nằm trong xương hàm trên, hai bên ổ mũi. Ðổ vào ổ mũi ở ngách mũi giữa.

Xoang trán: hai xoang phải và trái cách nhau bởi vách xương trán và thường không cân xứng nhau, đổ vào ngách mũi giữa qua ống mũi trán.

Xoang sàng: nằm trong mê đạo sàng. Gồm 3 - 18 xoang nhỏ, chia thành 3 nhóm:

Nhóm trước và giữa thường được gọi chung xoang sàng trước đổ vao ngách mũi giữa.

Nhóm sau được gọi là xoang sàng sau đổ vào ngách mũi trên.

Xoang bướm: nằm trong thân xương bướm. Ðổ vào ngách mũi trên hoặc ngách mũi trên cùng.

Các danh mục

Sổ tay cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý

Triệu chứng học nội khoa

Triệu chứng học ngoại khoa

Bệnh học nội khoa

Bài giảng bệnh học nội khoa

Bệnh học ngoại khoa

Bệnh học nhi khoa

Bài giảng sản phụ khoa

Bài giảng truyền nhiễm

Bệnh học và điều trị đông y

Bài giảng tai mũi họng

Bài giảng răng hàm mặt

Bài giảng nhãn khoa

Bài giảng da liễu

Thực hành chẩn đoán và điều trị

Bệnh học nội thần kinh

Bệnh học lao

Đại cương về bệnh ung thư

Nội khoa miễn dịch dị ứng

Sách châm cứu học

Bài giảng sinh lý bệnh

Bài giảng miễn dịch

Bài giảng giải phẫu bệnh

Gây mê hồi sức

Sinh lý y học

Phôi thai học

Bài giảng dược lý lâm sàng

Chẩn đoán hình ảnh

Y pháp trong y học

Sách điện tâm đồ

Các bài thuốc đông y hiệu nghiệm

Sách siêu âm tim

Xét nghiệm sinh hóa trong lâm sàng

Tâm lý học và lâm sàng

Thực hành tim mạch

Cẩm nang điều trị

Thực hành chẩn đoán điện tâm đồ bệnh lý

Điều dưỡng học nội khoa

Phương pháp viết báo trong nghiên cứu y học

Hồi sức cấp cứu toàn tập

Điều dưỡng truyền nhiễm

Kỹ thuật điều dưỡng cơ bản

Giải phẫu cơ thể người

Bài giảng huyết học và truyền máu

Những kỹ năng lâm sàng

Bài giảng vi sinh y học

Bệnh nội khoa: hướng dẫn điều trị