- Trang chủ
- Sách y học
- Thực hành chẩn đoán và điều trị
- Thực hành chẩn đoán và điều trị vảy nến
Thực hành chẩn đoán và điều trị vảy nến
Bệnh thường xuất hiện ở những người trong cùng một gia đình. Thống kê cho biết nếu cha hoặc mẹ đã bị bệnh vảy nến thì con cái có khoảng 25% nguy cơ sẽ mắc căn bệnh này.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Vảy nến là một loại bệnh ngoài da rất thường gặp, tuy không nghiêm trọng lắm nhưng đặc biệt rất khó chữa dứt, thậm chí thường kéo dài suốt đời. Bệnh gây khó chịu do những vùng da bệnh lan rộng làm cho ngoại hình của bệnh nhân trở nên khó coi, ảnh hưởng đến việc giao tiếp xã hội vì tạo ra tâm lý e ngại trong giao tiếp. Bệnh thường xuất hiện ở độ tuổi từ 10 – 30 tuổi. Tuy nhiên, đôi khi cũng gặp ở trẻ em và người già. Vảy nến có khuynh hướng tái phát thành từng đợt với mức độ khác nhau. Một số yếu tố được xem là những điều kiện kích thích gây ra đợt tái phát như sự căng thẳng tâm lý, các tổn thương da, dị ứng với thức ăn hay hóa chất, suy nhược thần kinh...
Nguyên nhân
Nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh vảy nến là do sự sinh sản rất nhanh một cách bất thường của các tế bào da, có thể nhanh gấp 5 – 10 lần tốc độ sản sinh bình thường. Do sự sinh sản rất nhanh này, các tế bào da ở bề mặt trên cùng liên tục bị các lớp tế bào bên dưới dồn đẩy lên, trong khi chúng chưa có đủ thời gian để trưởng thành hoàn toàn. Do đó, các tế bào bề mặt da luôn khô và tróc ra khỏi mặt da sớm hơn bình thường, tạo thành những mảng da dày bao phủ bởi lớp lớp tế bào da chết.
Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra sự tăng sinh bất thường của tế bào da vẫn chưa được hiểu rõ. Người ta chỉ biết là bệnh có liên quan đến một số yếu tố như:
Di truyền: Bệnh thường xuất hiện ở những người trong cùng một gia đình. Thống kê cho biết nếu cha hoặc mẹ đã bị bệnh vảy nến thì con cái có khoảng 25% nguy cơ sẽ mắc căn bệnh này.
Chủng tộc: Bệnh xuất hiện với tần suất khác nhau ở các dân tộc khác nhau. Chẳng hạn như tỷ lệ mắc bệnh được biết là khoảng 2% ở dân châu Âu và Bắc Mỹ, khoảng 1,5% ở dân Anh, khoảng 4% ở dân Đức. Bệnh rất hiếm gặp ở người da đen và hoàn toàn không có ở người da đỏ, người Esquimo...
Vitamin A: Một số nghiên cứu cho thấy tất cả những bệnh nhân mắc bệnh vảy nến đều có hàm lượng vitamin A trong máu rất thấp. Vì thế, người ta cũng nghi ngờ là có mối tương quan giữa sự thiếu hụt loại vitamin này với bệnh vảy nến.
Chẩn đoán
Cần chẩn đoán phân biệt các loại vảy nến khác nhau như:
Vảy nến mảng: Là loại vảy nến thường gặp nhất, với đặc trưng là các mảng vảy nến xuất hiện ở trên thân hình và các chi, đặc biệt là ở các khuỷu, đầu gối và da đầu. Bệnh cũng tác động đến các móng tay, móng chân, làm cho móng bị rỗ, dày lên hay bong tróc ra khỏi phao móng.
Vảy nến giọt: Chỉ thường gặp ở trẻ em, với các mảng vảy hình tròn rất nhỏ nhưng phát triển rất nhanh trên một vùng da rộng lớn, thường là sau khi bị viêm họng (nhiễm liên cầu khuẩn).
Vảy nến mụn mủ: Loại này đặc trưng với các mụn nhỏ trên da, có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên cơ thể hoặc khu trú ở một vùng riêng biệt.
Điều trị
Điều trị chủ yếu là kiểm soát các triệu chứng, hay sự phát triển của các mảng vảy cũng như sự khó chịu của bệnh nhân.
Đồng thời phải ngăn ngừa các yếu tố có thể thúc đẩy sự tiến triển của bệnh như tâm lý căng thẳng, các tổn thương da hoặc nhiễm trùng...
Làm ẩm những vùng da quá khô và làm mềm chỗ da bong vảy bằng cách sử dụng thuốc làm mềm da bôi tại chỗ, dạng thuốc mỡ hoặc dạng kem. Dạng thuốc mỡ thường có hiệu quả hơn, nhưng vì có chất nhờn nên ít được ưa chuộng.
Một số trường hợp có đáp ứng tốt khi có sự tiếp xúc vừa phải với ánh nắng hoặc tia cực tím.
Nếu phải điều trị bằng thuốc, chọn dùng các loại sau:
Thuốc Alphosyl dạng kem (chứa nhựa than đá và allantoin) có thể được dùng mỗi ngày từ 2 – 4 lần. Sau khi bôi thuốc, chà xát nhẹ trên vùng da bị vảy nến. Thận trọng không để thuốc dính vào mắt.
Thuốc dithranol nên khởi đầu với liều thấp (0,1%) và tăng dần cho đến khi đạt hiệu quả (không quá 2%). Bôi thuốc lên da hằng ngày và để yên trong khoảng 30 phút rồi rửa sạch.
Thuốc Calcipotriol (Dovonex), là một dẫn xuất của vitamin D. Đây là loại thuốc mới đã tỏ ra có hiệu quả. Dùng bôi lên vùng da bị bệnh mỗi ngày 2 lần.
Các loại kem có chứa corticosteroid có thể được dùng nhưng với sự hạn chế tối đa. Thường chỉ định thích hợp trong các trường hợp vảy nến mảng kéo dài nhưng có số vùng da bị vảy nến không nhiều. Sử dụng liều vừa phải. Chú ý đến nguy cơ làm mỏng da nếu dùng thuốc quá nhiều.