- Trang chủ
- Sách y học
- Thực hành chẩn đoán và điều trị
- Thực hành chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp
Thực hành chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp
Khi máu từ tim được bơm vào các động mạch tạo nên áp lực cao nhất, chỉ số đo được gọi là huyết áp tâm thu. Đây là con số lớn hơn được đặt trước dấu vạch.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Tăng huyết áp là tình trạng áp lực của dòng máu lên các thành động mạch tăng cao hơn mức bình thường. Bình thường, huyết áp vẫn có tăng cao hay giảm thấp đôi chút tùy theo tình trạng hoạt động của cơ thể. Chẳng hạn như, khi luyện tập thể thao, chạy bộ... huyết áp sẽ hơi cao hơn so với khi nghỉ ngơi, nằm ngủ... Tuy nhiên, thuật ngữ “tăng huyết áp” được dùng để chỉ một tình trạng không bình thường, nghĩa là sự gia tăng áp lực của máu lên thành động mạch đã đến một mức vượt cao hơn các thay đổi bình thường. Tăng huyết áp xảy ra cho bất kỳ ai, nhưng tỷ lệ người bị bệnh này ở nam giới thường cao hơn nữ giới, và xuất hiện ở tuổi trung niên cho đến tuổi già nhiều hơn ở những người còn trẻ. Rất nhiều người bị tăng huyết áp nhưng không biết, chỉ vì không có những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ, và do đó bệnh không được điều trị, âm thầm tiến triển cho đến khi thực sự có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Như đã nói, huyết áp của một người bình thường cũng luôn dao động. Khi chúng ta chạy bộ hay hoạt động mạnh, huyết áp tăng cao đôi chút. Khi chúng ta lo lắng, căng thẳng, huyết áp cũng tăng cao. Khi chúng ta hút thuốc lá, uống rượu... huyết áp cũng tăng. Ngược lại, khi chúng ta thư giãn, nghỉ ngơi, nằm ngủ... huyết áp hạ thấp hơn. Do sự dao động tự nhiên này, nên trước khi đo huyết áp cho một bệnh nhân vừa từ xa đến, bác sĩ thường đề nghị bệnh nhân ngồi hoặc nằm nghỉ khoảng 15 phút để huyết áp trở lại mức bình thường rồi mới đo.
Huyết áp được đo bằng 2 chỉ số khác nhau, với đơn vị là milimét thủy ngân, được viết tắt là mmHg, nhưng thông thường hơn chỉ thể hiện bằng 2 con số ngăn cách nhau bởi một dấu vạch, chẳng hạn như: 140/90.
Khi máu từ tim được bơm vào các động mạch tạo nên áp lực cao nhất, chỉ số đo được gọi là huyết áp tâm thu. Đây là con số lớn hơn được đặt trước dấu vạch.
Khi tim dừng nghỉ giữa 2 lần co bóp, áp lực máu xuống thấp nhất, chỉ số đo được gọi là huyết áp tâm trương. Đây là con số nhỏ hơn được đặt sau dấu vạch. Trong ví dụ vừa nêu trên, huyết áp tâm thu của bệnh nhân là 140 mmHg và huyết áp tâm trương là 90 mmHg.
Nguyên nhân
Khoảng 90% số bệnh nhân bị tăng huyết áp không rõ nguyên nhân, được gọi là cao huyết áp nguyên phát. Mặc dù không có nguyên nhân rõ ràng, nhưng tăng huyết áp rất thường có liên hệ với các yếu tố như béo phì, nghiện rượu, nếp sống ít hoạt động hoặc có nhiều lo âu căng thẳng... Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng có thể có liên quan, vì tăng huyết áp thường thấy xuất hiện trong các gia đình vốn đã từng có nhiều người mắc bệnh này.
Khoảng 10% bệnh nhân tăng huyết áp có thể xác định được nguyên nhân cụ thể, gọi là cao huyết áp thứ phát. Các nguyên nhân thường gặp là:
Hẹp động mạch chủ (bẩm sinh).
Tiền sản giật.
Bệnh thận.
Bệnh tuyến thượng thận.
Do một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc ngừa thai có estrogen được biết là làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp.
Bệnh tuyến giáp.
Bệnh tiểu đường.
Chẩn đoán
Tăng huyết áp được chẩn đoán xác định căn cứ vào trị số đo huyết áp. Tuy nhiên, do sự dao động huyết áp tự nhiên như đã nói, nên việc chẩn đoán xác định phải dựa vào trị số của 3 lần đo liên tiếp trong 3 ngày, vào 3 thời điểm khác nhau trong ngày. Nếu các lần đo này cho kết quả như nhau hoặc chênh lệch không đáng kể, mới có thể kết luận việc bệnh nhân có bị cao huyết áp hay không. Mặt khác, ngay cả khi đã có kết luận và tiến hành điều trị thì việc theo dõi thường xuyên huyết áp của bệnh nhân vẫn là một yêu cầu bắt buộc.
Tuy nhiên, nếu lần đo đầu tiên cho kết quả huyết áp rất cao kèm theo một trong những biến chứng của tăng huyết áp, chẳng hạn như bệnh võng mạc tăng huyết áp, thì có thể xem xét ngay việc tiến hành điều trị.
Tăng huyết áp thường không có các triệu chứng rõ rệt, chỉ trừ khi huyết áp đã lên quá cao mới có các dấu hiệu như đau đầu, thở gấp, choáng váng và rối loạn thị giác. Vì thế, việc chẩn đoán tăng huyết áp chủ yếu dựa vào sự phát hiện và theo dõi qua nhiều lần đo huyết áp định kỳ. Những người có nhiều nguy cơ cao huyết áp như người già, người bị bệnh thận, người nghiện rượu, người béo phì... cần phải được định kỳ kiểm tra huyết áp để kịp thời phát hiện và điều trị. Những người bình thường cũng nên kiểm tra huyết áp hằng năm để đảm bảo là huyết áp vẫn bình thường.
Việc xác định tăng huyết áp không hoàn toàn giống nhau ở mỗi người. Chẳng hạn như ở người già huyết áp có khuynh hướng hơi cao so với người trẻ, ở người có thể hình cao lớn huyết áp cũng hơi cao so với những người thấp bé... Và nếu như một người đang sống trong tình trạng căng thẳng, lo lắng thì chỉ số tăng huyết áp cũng chưa thể kết luận là có bệnh. Các chỉ số gợi ý sau đây chỉ mang tính tham khảo, cần xem xét thêm các mối liên hệ khác với cao huyết áp như đã trình bày ở trên.
Trị số huyết áp của một người trưởng thành đang trong tình trạng khỏe mạnh bình thường là dao động trên dưới khoảng 110/75. Nếu kết quả 3 lần đo liên tiếp trong 3 ngày và vào 3 thời điểm khác nhau cho các trị số cao hơn mức bình thường nhưng:
Thấp hơn 150/90: Chưa cần điều trị, nhưng nên có sự theo dõi, kiểm tra định kỳ.
Cao hơn 160/100: Đề nghị bệnh nhân đến kiểm tra huyết áp 3 lần trong vòng 2 tuần tiếp theo.
Trong khoảng từ 150/90 đến 160/100: Đề nghị bệnh nhân đến kiểm tra huyết áp 3 lần trong vòng 3 đến 6 tháng tiếp theo.
Sau đó, nếu những kết quả từ sau lần đo thứ tư cho các trị số:
Thấp hơn 150/90: Không cần điều trị, nhưng khuyên bệnh nhân nên định kỳ kiểm tra huyết áp.
Huyết áp tâm trương (chỉ số thấp hơn) thường xuyên giữ ở mức 90 đến 99, cần tiến hành điều trị nếu có kèm theo một trong các nguy cơ cao về bệnh tim mạch như:
Lớn tuổi: từ 60 tuổi trở lên.
Nghiện thuốc.
Nghiện rượu.
Cao cholesterol.
Có tiền sử gia đình về tăng huyết áp.
Bị bệnh tiểu đường.
Nếu không có bất kỳ nguy cơ nào trong các nguy cơ kể trên, có thể chưa cần điều trị nhưng phải tiếp tục theo dõi huyết áp và hướng dẫn cho bệnh nhân các biện pháp hạ huyết áp không dùng thuốc. Việc theo dõi trong vòng 6 tháng sau đó nếu cho thấy huyết áp tâm trương lên cao hơn mức trên thì phải tiến hành điều trị bằng thuốc.
Huyết áp tâm trương thường xuyên giữ ở mức 100 đến 110, cần tiến hành điều trị nếu có kèm theo một trong các bệnh sau đây:
Phì đại tâm thất trái được xác định qua hình ảnh chụp X quang ngực (CXR) hay điện tâm đồ (ECG).
Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua.
Đã từng xảy ra các cơn đột quỵ, đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim.
Suy thận (tăng creatinin, protein niệu, huyết niệu).
Bệnh mạch ngoại vi.
Bệnh võng mạc do tăng huyết áp.
Nếu không có bất kỳ triệu chứng bệnh nào trong các bệnh kể trên, có thể chưa cần điều trị nhưng phải tiếp tục theo dõi huyết áp hàng tuần, và sau đó là hàng tháng để kịp thời phát hiện các thay đổi. Nếu sau đó huyết áp có giảm dưới mức 160/100, có thể xác định là cao huyết áp nhẹ và chỉ cần tiếp tục theo dõi cũng như hướng dẫn cho bệnh nhân các biện pháp hạ huyết áp không dùng thuốc. Nếu huyết áp tâm trương tiếp tục ở mức cao hơn 100, nên tiến hành việc điều trị bằng thuốc.
Nếu huyết áp thường xuyên ở mức cao hơn 160/110, cần tiến hành điều trị bằng thuốc.
Nếu huyết áp tâm trương lớn hơn 120 và tiếp tục tăng sau mỗi lần đo huyết áp, có khả năng là tăng huyết áp ác tính, cần chuyển đến bác sĩ chuyên khoa hoặc đề nghị bệnh nhân vào điều trị trong bệnh viện.
Điều trị
Các biện pháp làm hạ huyết áp không dùng thuốc nên được hướng dẫn cho tất cả các bệnh nhân có tăng huyết áp hoặc hơi cao, do có ưu điểm là không có những phản ứng phụ như khi dùng thuốc. Các biện pháp này gồm có:
Giảm tiêu thụ năng lượng (calo) trong bữa ăn hằng ngày, cân đối dinh dưỡng hợp lý để giảm cân nhằm đạt được một trọng lượng cơ thể vừa phải, lý tưởng.
Không uống hoặc hạn chế tối đa việc uống rượu.
Giảm lượng muối ăn trong mỗi bữa ăn, cố gắng ăn nhạt hơn mức bình thường trước đây.
Năng luyện tập cơ thể, tập thể dục, chơi thể thao vừa sức, có thể áp dụng các phương pháp rèn luyện vận động cơ thể thường xuyên như chạy bộ, đi xe đạp...
Bỏ thuốc lá.
Giảm lượng chất béo trong bữa ăn, nhất là các chất béo bão hòa (saturated fat) và cholesterol.
Điều trị bằng thuốc nên tiến hành theo phương thức bậc thang, có nghĩa là từ nhẹ đến nặng. Có thể bắt đầu với một loại thuốc thuộc nhóm thiazid (như hydroclorothiazid, bendrofluazid) với tác dụng chính là lợi tiểu, qua đó làm hạ huyết áp. Chống chỉ định của nhóm thiazid là các trường hợp tiểu đường, bệnh gout.
Nếu nhóm thiazid bị chống chỉ định hoặc không có hiệu quả làm hạ huyết áp, có thể dùng một trong các thuốc thuộc nhóm chẹn giao cảm beta (như atenolol, nadolol...). Chống chỉ định của nhóm thuốc chẹn giao cảm beta (beta blocker) là các trường hợp tiểu đường, suy tim, hen (suyễn), bệnh mạch ngoại vi. Trong trường hợp không có chống chỉ định nhưng thuốc tỏ ra không có hiệu quả kiểm soát huyết áp, có thể cho dùng kết hợp hai loại thuốc vừa kể sẽ giúp gia tăng hiệu quả làm giảm huyết áp.
Nếu cả 2 nhóm thuốc trên đều bị chống chỉ định hoặc tỏ ra không có hiệu quả, có thể cho dùng một trong các loại thuốc thuộc nhóm chẹn dòng calci vào tế bào (calcium-channel blocker) như nifedipin, verapamil... hoặc dùng một thuốc thuộc nhóm ức chế hệ renin-angiotensin (ACE inhabitor) như captopril.
Trong trường hợp không có chống chỉ định nhưng việc dùng riêng rẽ các loại thuốc không mang lại hiệu quả kiểm soát huyết áp, có thể cân nhắc việc dùng phối hợp cả 3 hoặc 4 nhóm thuốc trên với liều thích hợp. Mục đích của việc điều trị là phải hạ được huyết áp xuống ở mức dưới 150/90.
Thường xuyên kiểm tra huyết áp để đảm bảo nắm được hiệu quả của việc dùng thuốc. Cũng có thể áp dụng phác đồ kết hợp như sau: Nếu dùng nhóm thuốc thứ nhất không có hiệu quả, cho kết hợp nhóm thuốc thứ hai. Nếu vẫn không đạt hiệu quả, cho tăng gấp đôi liều nhóm thuốc thứ hai. Nếu vẫn chưa đạt hiệu quả, kết hợp thêm nhóm thuốc thứ ba và thứ tư. Cân nhắc khả năng chuyển bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa hoặc đề nghị điều trị tại bệnh viện.
Một số trường hợp sau đây cũng cần cân nhắc việc đề nghị bệnh nhân điều trị tại bệnh viện hoặc chuyển đến bác sĩ chuyên khoa:
Bệnh nhân tăng huyết áp ở độ tuổi rất trẻ, dưới 35 tuổi, kèm theo một hay nhiều nguy cơ về các bệnh tim mạch.
Huyết áp tăng cao đột ngột.
Cao huyết áp thứ phát (tăng creatinin, protein niệu...).
Không kiểm soát được huyết áp, huyết áp tiếp tục tăng cao ngay trong thời gian đang dùng thuốc điều trị.
Việc điều trị bằng thuốc nên chấm dứt khi xác định huyết áp đã được duy trì ổn định ở mức thấp hơn 150/90 và không có bất cứ triệu chứng nào của các bệnh liên quan. Nên giảm liều dần dần trước khi dứt hẳn.
Bệnh nhân cần được theo dõi huyết áp thường xuyên sau điều trị để đảm bảo phát hiện kịp thời các dấu hiệu tái phát.
Bài viết cùng chuyên mục
Thực hành chẩn đoán và điều trị liệt dương
Tình trạng liệt dương thỉnh thoảng xảy ra ở một người đàn ông khỏe mạnh bình thường có thể là dấu hiệu của sự làm việc quá sức, thiếu nghỉ ngơi hoặc suy nhược cơ thể.
Thực hành chẩn đoán và điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt
Có thể dùng progesteron và progestogen khi nghi ngờ thiếu một phần progesteron trong giai đoạn hoàng thể của chu kỳ. Do đó, việc điều trị chỉ áp dụng trong giai đoạn hoàng thể.
Thực hành chẩn đoán và điều trị viêm gan C
Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 7 – 8 tuần sau khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Sau đó, khoảng 30% số người bị nhiễm HCV có thể cảm thấy hơi khó chịu như bị cảm cúm nhẹ.
Tránh thai bằng thuốc diệt tinh trùng
Cách dùng phổ biến hơn của thuốc diệt tinh trùng là kết hợp với nhiều biện pháp tránh thai khác, vì nó giúp tăng thêm hiệu quả tránh thai của biện pháp đã chọn.
Thực hành chẩn đoán và điều trị ho ra máu
Chẩn đoán phân biệt các nguồn chảy máu khác nhau, chẳng hạn như họng có thể chảy máu nếu khám thấy amiđan bị viêm. Kiểm tra lồng ngực để phát hiện viêm phổi hay viêm phế quản.
Thực hành chẩn đoán và điều trị đau vùng chậu
Sử dụng doxycyclin 100mg mỗi ngày 2 lần, liên tục trong 2 tuần, cùng với metronidazol 400mg mỗi ngày 2 lần, liên tục trong 5 ngày.
Thực hành chẩn đoán và điều trị HIV, AIDS
Tiếp theo là giai đoạn toàn phát của bệnh AIDS, với đặc trưng là nguy cơ nhiễm trùng tăng cao bất thường do số lượng tế bào CD4 trong máu tiếp tục giảm thấp.
Thực hành chẩn đoán và điều trị chất tiết từ tai
Viêm tai giữa được điều trị bằng thuốc kháng sinh dạng uống, liên tục trong khoảng 7 đến 10 ngày, kèm theo với thuốc giảm đau như paracetamol.
Thực hành chẩn đoán và điều trị đau ngực
Nếu bệnh nhân có tiền sử các bệnh nhồi máu cơ tim, phình mạch tách, thuyên tắc mạch phổi, hoặc có thể trạng rất yếu, cần chuyển ngay đến bệnh viện.
Thực hành chẩn đoán và điều trị hiện tượng ruồi bay
Hiện tượng ruồi bay (floaters, muscae volitantes) là một thuật ngữ y học được dùng để chỉ trường hợp mà người bệnh nhìn thấy trước mắt có một hay nhiều đốm đen nhỏ, giống như ruồi bay.
Thực hành chẩn đoán và điều trị tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn
Cơ chế lây bệnh vẫn chưa được rõ lắm, nhưng vi khuẩn có thể lan truyền dễ dàng qua tiếp xúc trực tiếp như hôn môi, hoặc qua nước bọt của bệnh nhân.
Thực hành chẩn đoán và điều trị chàm
Chàm (eczema) là tình trạng viêm da, thường gây ngứa, đôi khi làm da bong vảy, bọng nước. Có nhiều loại viêm da khác nhau như viêm da tiết bã nhờn, viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng.
Thực hành chẩn đoán và điều trị Parkinson
Bệnh Parkinson tiến triển chậm. Các triệu chứng ban đầu mờ nhạt, ít được chú ý, thường chỉ run nhẹ ở một bàn tay, cánh tay hay một bên chân.
Thực hành chẩn đoán và điều trị Rubella
Bệnh rubella, hay rubeon, trước đây thường được xem như một dạng sởi nên vẫn gọi là bệnh sởi Đức (German measles), là một bệnh truyền nhiễm nhẹ, có thể gây ra những vùng ban đỏ và làm sưng phồng các hạch bạch huyết.
Thực hành chẩn đoán và điều trị protein niệu khi mang thai
Protein niệu trong thời kỳ thai nghén được xác định khi > 300mg/L. Chuyển chuyên khoa nếu chẩn đoán cho kết quả xác định.
Thực hành chẩn đoán và điều trị xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch là tình trạng thành động mạch không còn duy trì được sự trơn láng và có nhiều mảng bựa hay “vữa” đóng vào khiến cho lòng động mạch bị hẹp lại, do đó lượng máu lưu thông trở nên khó khăn.
Thuốc tránh thai dạng tiêm và cấy dưới da
Loại thuốc thường dùng là Dépo-Provéra, mỗi lần tiêm một mũi 3 ml (có chứa 150mg médroxyprogestérone acetate, tiêm bắp thịt sâu, không được tiêm tĩnh mạch), 3 tháng tiêm một lần.
Chảy nước mắt bất thường
Trường hợp thứ hai do tắc nghẽn kênh dẫn lưu nước mắt. Những nguyên nhân có thể là: nhiễm trùngđường hô hấp trên, mí mắt quặm.
Thực hành chẩn đoán và điều trị tiểu đường
Chẩn đoán xác định tiểu đường khi nồng độ đường trong máu lúc đói > 6,7mmol/L, hoặc khi nồng độ đường trong máu vào thời điểm ngẫu nhiên > 10mmol/L.
Tránh thai bằng tính vòng kinh
Sau khi trứng rụng, thân nhiệt người phụ nữ tăng cao hơn bình thường khoảng 0,3 – 0,50C và duy trì sự gia tăng này cho đến khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt kế tiếp.
Thực hành chẩn đoán và điều trị viêm phổi
Với các bệnh nhân có sức khỏe bình thường và không có các biến chứng phức tạp có thể điều trị bắt đầu với viên amoxycillin 500mg, mỗi ngày uống 3 lần.
Thực hành chẩn đoán và điều trị đau họng
Dựa vào thời gian của các triệu chứng. Hầu hết các trường hợp đau họng do nhiễm cấp tính liên cầu khuẩn và virus đều sẽ giảm trong vòng 5 đến 7 ngày.
Thực hành chẩn đoán và điều trị mắt đau không đỏ
Do bị viễn thị (longsightedness). Do bị chứng đau nửa đầu (migraine). Do bị viêm xoang (sinusitis). Do bị đau đầu vì căng thẳng.
Thực hành chẩn đoán và điều trị thủy đậu
Virus gây bệnh lây truyền qua môi trường không khí, do người bệnh đưa vào khi ho, hắt hơi... Tiếp xúc trực tiếp như cầm nắm các vật dụng có virus bám vào cũng có thể bị lây bệnh.
Thực hành chẩn đoán và điều trị đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể thường xuất hiện ở cả hai mắt nhưng không đều nhau, thường là một mắt tiến triển nặng hơn cần xử trí trước.