- Trang chủ
- Sách y học
- Thực hành chẩn đoán và điều trị
- Thực hành chẩn đoán và điều trị lạc nội mạc tử cung
Thực hành chẩn đoán và điều trị lạc nội mạc tử cung
Những mảnh nội mạc tử cung lạc chỗ vẫn đáp ứng với chu kỳ kinh nguyệt giống như nội mạc ở trong tử cung, nghĩa là vẫn chảy máu theo chu kỳ kinh nguyệt.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng những mảnh nội mạc tử cung xuất hiện ở những vị trí bất thường, chẳng hạn như trong khung chậu.
Lạc nội mạc tử cung thường gặp ở phụ nữ từ 25 – 40 tuổi, có thể gây ra vô sinh. Lạc nội mạc tử cung là nguyên nhân chủ yếu gây đau kinh thứ phát.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chắc chắn gây ra lạc nội mạc tử cung vẫn chưa được xác định. Trong diễn tiến thực tế, một số mảnh nội mạc tử cung tróc ra trong thời gian hành kinh trôi ngược vào vòi trứng và lọt vào khung chậu, sau đó dính chặt và phát triển tại đây.
Những mảnh nội mạc tử cung lạc chỗ vẫn đáp ứng với chu kỳ kinh nguyệt giống như nội mạc ở trong tử cung, nghĩa là vẫn chảy máu theo chu kỳ kinh nguyệt. Lượng máu này không thể thoát ra ngoài được nên tụ lại thành bọc máu lớn dần sau mỗi kỳ kinh, gây đau kinh.
Chẩn đoán
Lạc nội mạc tử cung thường gây chảy máu âm đạo bất thường và chảy máu nhiều trong giai đoạn hành kinh.
Đau bụng dưới kèm theo đau lưng. Đau thường gia tăng mức độ nhiều hơn về cuối kỳ kinh.
Đau khi giao hợp.
Có thể kèm theo một số các triệu chứng ở đường tiêu hóa như tiêu chảy hoặc táo bón, đau mỗi lần đại tiện...
Đôi khi có chảy máu trực tràng vào giai đoạn hành kinh.
Một số ít trường hợp lạc nội mạc tử cung không có triệu chứng.
Chẩn đoán xác định qua nội soi ổ bụng, thăm khám vùng khoang bụng bằng máy nội soi.
Điều trị
Dùng các chất ức chế prostaglandin synthetase, chẳng hạn như acid mefenamic 250mg – 500mg, mỗi ngày 3 lần, hoặc naproxen 250mg – 500mg mỗi ngày 2 lần khi có đau vùng chậu.
Có thể dùng viên tránh thai kết hợp loại có hàm lượng progesteron cao, chẳng hạn như Eugynon, khi có kèm theo nhu cầu tránh thai.
Progestogen, chẳng hạn như dydrogesterone hoặc medroxyprogesterone 30mg mỗi ngày.
Danazol 100 – 800mg mỗi ngày, tùy theo mức độ kiểm soát các triệu chứng. Tác dụng phụ chủ yếu là tạo nam tính.
Các triệu chứng trầm trọng cần chuyển chuyên khoa, có thể cần phải phẫu thuật loại bỏ bọc máu kết hợp với dùng thuốc. Trong một số trường hợp, khi bệnh nhân vào tuổi mãn kinh hoặc quyết định không có con nữa, có thể phẫu thuật cắt bỏ tử cung.