- Trang chủ
- Sách y học
- Thực hành chẩn đoán và điều trị
- Thực hành chẩn đoán và điều trị bệnh ở cổ tử cung
Thực hành chẩn đoán và điều trị bệnh ở cổ tử cung
Nếu có kèm theo các triệu chứng như đau vùng chậu, giao hợp đau, có chất tiết ra từ âm đạo, lấy dụng cụ tránh thai đặt trong tử cung ra.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Cổ tử cung là bộ phận nhạy cảm với rất nhiều bệnh lý phổ biến ở phụ nữ. Việc theo dõi, kiểm tra sàng lọc thường xuyên bộ phận này có thể giúp phát hiện kịp thời nhiều bệnh ác tính, giúp cho việc điều trị dễ dàng và có hiệu quả hơn so với những trường hợp phát hiện trễ.
Người phụ nữ cũng cần được hướng dẫn về những kiến thức cơ bản để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, chẳng hạn như
Bỏ thuốc lá giúp hạ thấp nguy cơ bị ung thư cổ tử cung.
Gia tăng số người quan hệ tình dục sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Giao hợp với những người có mụn cóc sinh dục làm tăng nguy cơ, trừ khi có sử dụng bao cao su.
Phương pháp ngừa thai bằng màng ngăn âm đạo có thể góp phần bảo vệ cổ tử cung.
Một số nguyên tắc sau đây có thể giúp phân loại các đối tượng sàng lọc để theo dõi, kiểm tra bệnh ở cổ tử cung
Tất cả phụ nữ trong độ tuổi từ 20 – 64, đã từng có quan hệ tình dục, đều phải được kiểm tra sàng lọc ít nhất 5 năm một lần.
Việc kiểm tra sàng lọc không cần thiết đối với những phụ nữ chưa từng có sinh hoạt tình dục.
Những phụ nữ từ 65 tuổi trở lên có kết quả xét nghiệm kính phết âm tính không cần thiết phải tiếp tục theo dõi kiểm tra. Những phụ nữ từ 65 tuổi trở lên chưa bao giờ làm xét nghiệm kính phết nên được khuyến khích thực hiện xét nghiệm này.
Các chỉ dẫn theo dõi sau đó hoặc chuyển chuyên khoa để soi âm đạo tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm kính phết.
Các trường hợp sau đây cần được chỉ định thực hiện xét nghiệm kính phết cổ tử cung:
Chảy máu âm đạo ngoài thời kỳ hành kinh.
Chảy máu âm đạo sau khi giao hợp.
Quan sát cổ tử cung thấy có những dấu hiệu đáng nghi ngờ.
Các trường hợp nhiễm trùng
Nhiễm Trichomonas: điều trị bằng kháng sinh dạng viên uống. Cần điều trị cả cho người có quan hệ tình dục với bệnh nhân.
Nhiễm nấm Candida: điều trị khi xuất hiện các triệu chứng.
Nhiễm Actinomyces israelii hoặc các chủng Actinomyces khác: thường là khi có dùng dụng cụ tránh thai đặt trong tử cung.
Nếu không thấy xuất hiện triệu chứng gì, lấy dụng cụ tránh thai đặt trong tử cung ra, gỡ bỏ phần chỉ cột và gửi đi nuôi cấy để xác định. Thay thế ngay bằng một dụng cụ mới thường sẽ làm mất đi sự hiện diện của Actinomyces. Lặp lại xét nghiệm kính phết sau 6 tháng, rồi sau đó là hằng năm.
Nếu có kèm theo các triệu chứng như đau vùng chậu, giao hợp đau, có chất tiết ra từ âm đạo, lấy dụng cụ tránh thai đặt trong tử cung ra, gỡ bỏ phần chỉ cột và gửi đi nuôi cấy và ngoáy bệnh phẩm cổ tử cung. Nếu xác định có Actinomyces, điều trị bằng penicillin liều cao 2 – 3g mỗi ngày, liên tục trong vòng 3 tháng. Thay thế bằng một biện pháp tránh thai khác.
Nhiễm Herpes simplex: nếu không có triệu chứng gì thì không cần điều trị.
Những thay đổi do viêm: không cần thiết phải điều trị, nhưng nếu cần có thể thực hiện ngoáy bệnh phẩm vùng sâu âm đạo và tìm Chlamydia.