- Trang chủ
- Sách y học
- Thực hành chẩn đoán và điều trị
- Thực hành chẩn đoán và điều trị đau thắt ngực
Thực hành chẩn đoán và điều trị đau thắt ngực
Xác định tính chất cơn đau. Đặc trưng của cơn đau thắt ngực là: đau từ giữa ngực, cảm giác như bị đè nặng, lan rộng lên hàm, ra sau lưng và ra cánh tay (thường là tay trái).
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Đau thắt ngực là một dạng đau ngực xảy ra do thiếu máu cục bộ cơ tim. Máu cung cấp oxy cho cơ tim, thiếu máu dẫn đến thiếu oxy. Vì thế, đau thắt ngực thường xảy ra vào những lúc nhu cầu oxy tăng cao, chẳng hạn như khi làm việc nặng hoặc cố gắng quá sức.
Nguyên nhân
Các bệnh mạch vành như: hẹp động mạch vành do xơ vữa, co thắt mạch vành...
Hẹp van động mạch chủ.
Rối loạn nhịp tim.
Thiếu máu nghiêm trọng.
Cường tuyến giáp.
Chẩn đoán
Không thể chẩn đoán xác định qua thăm khám thực thể, nhưng cần chú ý các yếu tố sau:
Xác định tính chất cơn đau. Đặc trưng của cơn đau thắt ngực là: đau từ giữa ngực, cảm giác như bị đè nặng, lan rộng lên hàm, ra sau lưng và ra cánh tay (thường là tay trái).
Xác định sự gia tăng của cơn đau. Đặc trưng của cơn đau thắt ngực là gia tăng khi bệnh nhân gắng sức nhiều hơn, chẳng hạn như leo dốc, đi ngược gió, chịu đựng thời tiết lạnh, làm việc hay luyện tập ngay sau bữa ăn no...
Xác định sự thuyên giảm của cơn đau. Đặc trưng của cơn đau thắt ngực là thuyên giảm khi bệnh nhân nghỉ ngơi hoặc được cho dùng nitrat.
Các yếu tố sau đây làm gia tăng nguy cơ bị cơn đau thắt ngực:
Nam giới trên 50 tuổi.
Nghiện thuốc lá.
Có tiền sử mắc các bệnh mạch vành, tiểu đường, cao huyết áp.
Tăng lipid máu.
Có người thân trong gia đình mắc các bệnh tim mạch (yếu tố di truyền).
Tìm các dấu hiệu của suy tim (như sưng mắt cá chân, khó thở, tăng áp lực tĩnh mạch cảnh) hoặc rung nhĩ.
Xét nghiệm công thức máu toàn bộ để loại trừ khả năng thiếu máu nghiêm trọng.
Điện tâm đồ ghi nhận đường biểu diễn cơ bản để tham khảo trong các chẩn đoán tiếp theo. Điện tâm đồ nên thực hiện cả vào lúc nghỉ ngơi và ngay sau khi bệnh nhân gắng sức. Điện tâm đồ lúc nghỉ tuy không cho thấy dấu hiệu của đau thắt ngực nhưng có thể cho thấy những thương tổn của tim trước đó.
Chụp X quang lồng ngực không có giá trị chẩn đoán, trừ khi có nghi ngờ suy tim.
Điều trị
Nếu các cơn đau xuất hiện một cách ổn định sau mỗi lần bệnh nhân phải gắng sức và mất đi khi nghỉ ngơi, đồng thời không có những diễn tiến khác hơn:
Điều trị chủ yếu là dùng thuốc nhóm nitrat. Có thể bắt đầu với dạng viên ngậm GTN (glycerin trinitrat), 1 đến 2 viên vào mỗi cơn đau. Cảnh báo bệnh nhân về tác dụng phụ của thuốc gây đau đầu.
Chuyển sang dạng thuốc uống nếu bệnh nhân cần dùng thuốc mỗi ngày, chẳng hạn như isosorbid dinitrat 10 – 20mg, mỗi ngày 3 lần.
Có thể dùng thêm các thuốc chẹn beta như atenolol 50 – 100mg, mỗi ngày một lần, nếu không có dấu hiệu suy tim.
Nên cho bệnh nhân dùng kèm thuốc giảm đau aspirin với liều 75mg mỗi ngày, trừ khi đang dùng các thuốc chống đông máu hoặc bị dị ứng với aspirin.
Theo dõi trong vòng một tuần để đánh giá hiệu quả điều trị. Nếu bệnh nhân vẫn cần phải tiếp tục điều trị, hoặc có chống chỉ định với các thuốc trên, có thể chuyển sang dùng nhóm thuốc chẹn dòng calci vào tế bào (calcium-channel blocker), chẳng hạn như nifedipin 10mg, mỗi ngày 3 lần, hoặc amlodipin 5 - 10mg, mỗi ngày 1 lần.
Hướng dẫn bệnh nhân về một nếp sống lành mạnh, loại trừ các nguy cơ có thể làm bệnh trầm trọng hơn, và phải báo ngay cho bác sĩ biết nếu cơn đau thắt ngực có dấu hiệu diễn tiến gia tăng.
Nếu các cơn đau có diễn tiến ngày càng tồi tệ hơn, xảy ra với tần suất thay đổi không ổn định, không phụ thuộc hoàn toàn vào sự gắng sức của bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân có thể có cơn đau cả vào những lúc nghỉ ngơi và về đêm, cần xem xét chuyển ngay đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch, hoặc đề nghị bệnh nhân vào bệnh viện để được theo dõi và điều trị.