- Trang chủ
- Sách y học
- Sách điện tâm đồ
- Sóng P bình thường và bệnh lý trên điện tâm đồ
Sóng P bình thường và bệnh lý trên điện tâm đồ
Thời gian tức là bề rộng của P thường cũng tiêu biểu ở D2, P tiêu biểu có bề rộng trung bình là 0,08s, tối đa 0,11s, tối thiểu 0,05s.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Sóng P bình thường
Bình thường, sóng P ở:
D1, D2, aVF, V3, V4, V5, V6: bao giờ cũng dương.
D3, aVL, V1, V2: đa số là dương nhưng cũng có thể âm nhẹ hay hai pha, P âm ở D3 nếu có kèm QRS3 và T3 âm hay biên độ thấp thì là do tư thế tim nằm: nếu cho bệnh nhân hít vào sâu, P, QRS và T sẽ có xu hướng biến thành dương. Còn P âm ở aVL nhiều khi lại là do tư thế tim đứng.
aVR bao giờ cũng âm.
Dù âm, dương hay hai pha, P cũng có thể có móc nhẹ hay chẻ đôi nhẹ.
Biên độ sóng P thường tiêu biểu ở D2 (nghĩa là sóng P2 thường lớn nhất).
Sóng P tiêu biểu thường trung bình là 1,2mm, tối đa 2mm, tối thiểu là 0,5mm.
Ở trẻ em, biên độ P hơi cao hơn người lớn.
Ở các chuyển đạo thực quản và trong buồng nhĩ, sóng P cao gấp 10 lần P2 và có hình dạng giống như một phức bộ QRS.
Thời gian tức là bề rộng của P thường cũng tiêu biểu (lớn nhất) ở D2. P tiêu biểu có bề rộng trung bình là 0,08s, tối đa 0,11s, tối thiểu 0,05s. Ở trẻ em, thời gian P thường ngắn hơn ở người lớn.
Sóng P bệnh lý
Âm, dẹt < 0,5mm và hẹp < 0,05s, hai pha (ở các chuyển đạo đáng lý nó phải dương), chẻ đôi hay có móc sâu, méo mó, trát đậm hay dày cộm → ta phải nghĩ đến một tổn thương cục bộ ở nhĩ hay dày giãn nhĩ, hoặc một rối loạn nhịp tim (nhịp nút, rung nhĩ…).
P âm ở D1, aVL, V5, V6 : Là dấu hiệu đặc trưng của chứng ngược vị tạng tim.
P thay đổi hình dạng trên cùng một chuyển đạo: Nghĩ đến chủ nhịp lưu động hay ngoại tâm thu nhĩ.
P cao > 2,5mm và nhọn: Nghĩ đến dày nhĩ phải rồi đến dày nhĩ trái, bệnh tim có tím (thiếu oxy nặng). Khi tim bị kích động hay nhịp nhanh, P cũng có thể cao nhưng thường không quá 2,5mm.
P rộng (> 0,12s): Là dấu hiệu chủ yếu của dày nhĩ trái.
Khi P biến mất (P đồng điện): Khi P đồng điện ở tất cả các chuyển đạo thì phải áp dụng các biện pháp tìm P (xem mục rối loạn nhịp tim), nhất là ở các chuyển đạo thường có P rõ nhất như: D2, V1, X1, V3R, S5, Vœ, chuyển đạo trong buồng tim…, và nếu cần thì cho làm nghiệm pháp gắng sức, tiêm atropin, ấn xoang cảnh để thấy rõ P hơn. Việc xác định bản điện tâm đồ đó có P hay thật sự không có P có một tầm quan trọng rất lớn, nhất là trong việc chẩn đoán các rối loạn nhịp tim.