- Trang chủ
- Sách y học
- Sách điện tâm đồ
- Khoảng PQ bình thường và bệnh lý trên điện tâm đồ
Khoảng PQ bình thường và bệnh lý trên điện tâm đồ
Ở trẻ em, PQ hơi ngắn hơn, thí dụ ở trẻ 7 tuổi, PQ tối đa là 0,18s, tối thiểu là 0,10s, nhưng tần số tim càng nhanh thì PQ càng bị rút ngắn.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Cách đo
Khoảng PQ là đại diện cho thời gian truyền đạt nhĩ – thất. Nó là khoảng cách đo từ khởi điểm của P tới khởi điểm của Q (hay tới khởi điểm của R nếu không có Q).
Thường người ta lấy PQ tiêu biểu ở D2. Nhưng nếu đem so với các chuyển đạo khác mà thấy ở D2 thời gian P quá ngắn (làm PQ2 ngắn đi một cách giả tạo) hay thời gian Q hay QRS quá ngắn (làm cho PQ2 dài ra một cách giả tạo) thì ta phải chọn PQ tiêu biểu ở chuyển đạo khác.
Nếu không có máy nhiều dòng (bút) ghi được đồng thời nhiều chuyển đạo để chọn thì ta nên chọn PQ tiêu biểu ở chuyển đạo nào có cả P và Q rộng nhất, hay nếu không có Q thì có QRS rộng nhất.
Khoảng PQ bình thường
Ở người Việt nam, PQ bình thường trung bình là 0,15s, tối đa là 0,20s, tối thiểu là 0,11s.
Ở trẻ em, PQ hơi ngắn hơn. Thí dụ ở trẻ 7 tuổi, PQ tối đa là 0,18s, tối thiểu là 0,10s. Nhưng tần số tim càng nhanh thì PQ càng bị rút ngắn.
Khoảng PQ bệnh lý
PQ dài ra
Khi PQ dài ra vượt quá con số tối đa bình thường thì là bệnh lý chắc chắn và đó là blốc nhĩ – thất cấp 1. Thí dụ ở người lớn với tần số tim 68/ph mà PQ là 0,22s hoặc với tần số 100/ph mà PQ là 0,20s.
Trong các trường hợp trên, khi ta chiếu các hoành độ 68 và 100 lên cho gặp các tung độ 22 và 20 trong hình trên, ta sẽ được 2 điểm nằm ở khu vực mé trên đường cong 1 là khu vực nói lên tình trạng PQ dài ra.
PQ bị “đứt”
Nghĩa là P và QRS không còn liên lạc với nhau thì tùy theo hình thái và mức độ, có thể là phân ly nhĩ – thất, blốc nhĩ – thất cấp 2 hay cấp 3, nhịp nhanh thất, ngoại tâm thu.
PQ ngắn hơn bình thường (< 0,12s)
Có thể là nhịp nút trên, nhịp nhĩ, nhịp nhanh kịch phát trên thất, ngoại tâm thu nhĩ, hay hội chứng Wolf – Parkinson – White.