Globulin miễn dịch kháng viêm gan B (HBIG)

2019-03-14 05:59 PM
Globulin miễn dịch kháng viêm gan B dùng để tạo miễn dịch thụ động, tạm thời chống nhiễm virus, nhằm điều trị dự phòng cho người tiếp xúc với virus hay các bệnh phẩm nhiễm virus

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Tên chung quốc tế: Immunoglobulin.

Loại thuốc: Globulin miễn dịch.

Dạng thuốc và hàm lượng

Dung dịch tiêm bắp, truyền tĩnh mạch: Lọ 0,5 ml; 1,0 ml; 5,0 ml, hàm lượng: Không ít hơn 100 đvqt/ml.

Các thành phần khác: Glycin 0,3 M là chất tạo ổn định cho chế phẩm và có thể chứa maltose.

Dược lý và cơ chế tác dụng

Globulin miễn dịch kháng viêm gan B (HBIG) là một dung dịch vô khuẩn, không có chí nhiệt tố, chứa 10 - 18% protein trong đó không dưới 80% là IgG monome (gamma globulin, IgG). Dung dịch được điều chế từ huyết tương của những người có hiệu giá kháng thể cao đối với kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B (kháng HBs) mà trong huyết tương của họ không có kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B (HBsAg).

Globulin miễn dịch kháng viêm gan B (HBIG) dùng để tạo miễn dịch thụ động tạm thời chống nhiễm virus viêm gan B nhằm điều trị dự phòng cho người tiếp xúc với virus viêm gan B hay với các bệnh phẩm (ví dụ như máu, huyết tương, huyết thanh) nhiễm virus viêm gan B. Kháng thể đặc hiệu chống kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B (kháng HBs) có trong Globulin miễn dịch kháng viêm gan B gắn kết với kháng nguyên bề mặt của virus để trung hòa virus viêm gan B, do đó các tính chất gây nhiễm và gây bệnh của virus bị ức chế.

Globulin miễn dịch kháng viêm gan B còn được dùng cho những người có HBsAg dương tính phải cấy ghép gan để bảo vệ gan mới không bị tái nhiễm HBV. Cơ chế Globulin miễn dịch kháng viêm gan B bảo vệ gan cấy ghép chống lại sự tái nhiễm virus chưa được xác định đầy đủ. Có thể Globulin miễn dịch kháng viêm gan B bảo vệ tế bào gan lành bằng cách ức chế thụ thể của HBV; hoặc bằng cách trung hòa HBV trong máu, thông qua hình thành các phức hợp miễn dịch; hoặc có thể phát động phản ứng gây độc tế bào gây ra bởi các tế bào trung gian phụ thuộc kháng thể, dẫn đến ly giải các tế bào đích. Đã có bằng chứng cho thấy Globulin miễn dịch kháng viêm gan B liên kết với tế bào gan và tương tác với HbsAg trong tế bào.

Một khi nhiễm virus viêm gan B bắt đầu rõ về lâm sàng và/hoặc thử nghiệm huyết thanh chứng tỏ có HBsAg, hình như Globulin miễn dịch kháng viêm gan B không thể trung hòa được virus, mặc dù Globulin miễn dịch kháng viêm gan B có thể làm thay đổi hoặc cải thiện tình trạng nhiễm virus.

Ở một số người bệnh, dùng Globulin miễn dịch kháng viêm gan B sau khi tiếp xúc với virus, có thể làm chậm phát triển nhiễm viêm gan B. Trong nhiều nghiên cứu, dự phòng bằng 1 liều Globulin miễn dịch kháng viêm gan B sau tiếp xúc bảo vệ chống nhiễm viêm gan B được khoảng 3 - 6 tháng sau khi tiêm. Ở thời điểm tiêm Globulin miễn dịch kháng viêm gan B, virus viêm gan B có thể đã có ở người bệnh hoặc do tiếp xúc lần hai sau vài tháng, bệnh có thể xuất hiện khi kháng thể kháng HBs thụ động do tiêm giảm.

Việc dùng đồng thời Globulin miễn dịch kháng viêm gan B với vắc xin viêm gan B ở các vị trí tiêm khác nhau sẽ không ức chế khả năng đáp ứng miễn dịch chủ động của vắc xin.

Dược động học

Globulin miễn dịch kháng viêm gan B được hấp thu chậm sau khi tiêm bắp. Sau khi tiêm, kháng thể (kháng HBs) đạt nồng độ đỉnh trong vòng 3 - 7 ngày và tồn tại trong khoảng 2 - 6 tháng. Thể tích phân bố 7 - 15 lít.

Mặc dù chưa có thông tin cụ thể, Globulin miễn dịch kháng viêm gan B có thể qua nhau thai, vì các globulin miễn dịch khác qua được hàng rào nhau thai. Hầu như tất cả các globulin miễn dịch qua nhau thai vào 4 tuần cuối thai kỳ.

Thông tin về phân bố của Globulin miễn dịch kháng viêm gan B vào sữa còn chưa có. Globulin miễn dịch kháng viêm gan B có thể vào sữa, vì các globulin miễn dịch (chẳng hạn như IgA, IgM, IgG) đều có trong sữa non.

Thời gian bán hủy của kháng thể (kháng HBs) trong khoảng 17,5 - 25 ngày; điều này phù hợp với thời gian bán hủy của globulin miễn dịch là 21 ngày. Độ thanh thải 0,21 - 0,35 lít/ngày.

Chỉ định

Globulin miễn dịch kháng viêm gan B được dùng để tạo miễn dịch thụ động chống nhiễm virus viêm gan B trong:

Điều trị dự phòng cho người tiếp xúc với virus này hoặc có tiếp xúc với các bệnh phẩm (máu, huyết tương, huyết thanh) dương tính với HBsAg.

Phòng tránh nhiễm HBV cho trẻ sơ sinh có mẹ dương tính với HBsAg.

Phòng tránh tái nhiễm HBV cho người ghép gan dương tính với HBsAg.

Chống chỉ định

Globulin miễn dịch kháng viêm gan B không được chỉ định để điều trị viêm gan B cấp tính và không có hiệu quả trong điều trị viêm gan B mạn tính thể đang tiến triển hoặc viêm gan B thể tối cấp. Globulin miễn dịch kháng viêm gan B chống chỉ định cho những người quá mẫn với thuốc này hay với bất kỳ một thành phần nào có trong dạng bào chế hoặc có tiền sử sốc phản vệ hoặc phản ứng toàn thân nghiêm trọng khi sử dụng globulin miễn dịch.

Thận trọng

Cần thận trọng khi dùng Globulin miễn dịch kháng viêm gan B cho những người có tiền sử dị ứng toàn thân đối với globulin miễn dịch. Các nhà sản xuất thông báo rằng các phản ứng dị ứng toàn thân có thể xảy ra sau khi vô ý tiêm

Globulin miễn dịch kháng viêm gan B vào tĩnh mạch, vì các phản ứng như vậy đã xảy ra sau khi tiêm globulin miễn dịch vào tĩnh mạch. Mặc dầu các phản ứng dị ứng toàn thân đối với các chế phẩm có chứa globulin miễn dịch thường hiếm gặp, nhưng vẫn cần có sẵn epinephrin (adrenalin) để xử trí khi sốc phản vệ xảy ra. Nếu có hiện tượng tụt huyết áp hoặc tăng huyết áp, cần hoãn ngay việc sử dụng Globulin miễn dịch kháng viêm gan B, và có các biện pháp xử lý kịp thời.

Cần thận trọng khi dùng Globulin miễn dịch kháng viêm gan B cho người thiếu hụt IgA đặc hiệu, vì những người này có thể có các kháng thể kháng IgA trong huyết thanh và sốc phản vệ có thể xảy ra sau khi dùng các chế phẩm có nguồn gốc từ máu có IgA. Cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ nếu sử dụng Globulin miễn dịch kháng viêm gan B.

Cần thận trọng đối với người giảm tiểu cầu hoặc rối loạn cầm máu, vì chảy máu có thể xảy ra sau khi tiêm bắp Globulin miễn dịch kháng viêm gan B (có thể vì bị tổn thương do tiêm). Chỉ nên sử dụng khi lợi ích vượt trên nguy cơ.

Trong trường hợp quyết định tiêm bắp, sử dụng kim tiêm cỡ 23 và ấn chặt vào vị trí tiêm trong 2 phút hoặc lâu hơn. Với những bệnh nhân đang điều trị chống bệnh hemophili, liều tiêm bắp phải tiêm trong thời gian ngắn ngay sau liều theo phác đồ điều trị bệnh hemophili.

Globulin miễn dịch kháng viêm gan B được sản xuất từ huyết tương người, và có thể là phương tiện tiềm ẩn cho việc lây truyền virus ở người. Mặc dù, trong quá trình sản xuất, Globulin miễn dịch kháng viêm gan B đã trải qua các quá trình làm bất hoạt virus nhưng vẫn không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ lây truyền virus.

Bất cứ sự lây nhiễm nào được cho là lây truyền do Globulin miễn dịch kháng viêm gan B cần phải được báo cáo ngay cho nhà sản xuất. Các nghiên cứu về dịch tễ và xét nghiệm cho tới nay chưa có thông báo nào về lây truyền bệnh do dùng Globulin miễn dịch kháng viêm gan B.

Những người bị ức chế miễn dịch do bệnh tật hoặc do liệu pháp điều trị được khuyến cáo sử dụng Globulin miễn dịch kháng viêm gan B như người bình thường, ví dụ như ở những người nhiễm HIV.

Globulin miễn dịch kháng viêm gan B truyền tĩnh mạch có thể có một số tác dụng không mong muốn liên quan đến tốc độ truyền. Không nên vượt quá tốc độ truyền được khuyến cáo là 2 ml/phút. Bệnh nhân nên được theo dõi trong và sau khi truyền.

Thời kỳ mang thai

Vì nguy cơ tiềm ẩn do tiếp xúc với viêm gan B, nên không có chống chỉ định dùng Globulin miễn dịch kháng viêm gan B khi mang thai nếu thật sự cần thiết. Các nghiên cứu về sinh sản ở động vật chưa được tiến hành với Globulin miễn dịch kháng viêm gan B và chưa rõ Globulin miễn dịch kháng viêm gan B có thể gây độc cho bào thai khi tiêm thuốc cho phụ nữ đang mang thai hay không. Kinh nghiệm lâm sàng khi dùng các chế phẩm chứa globulin miễn dịch khác không thấy có các tác dụng phụ đối với bào thai do các globulin miễn dịch. Cho tới nay, chưa có nghiên cứu nào cho thấy có các tác dụng phụ xảy ra ở bào thai khi dùng Globulin miễn dịch kháng viêm gan B.

Thời kỳ cho con bú

Không có thông tin về sự phân bố Globulin miễn dịch kháng viêm gan B vào sữa mẹ và cũng chưa rõ liệu truyền Globulin miễn dịch kháng viêm gan B sang trẻ đang bú mẹ có gây rủi ro hay không.

Nên thận trọng khi dùng Globulin miễn dịch kháng viêm gan B cho người đang cho con bú.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Sau khi tiêm bắp globulin miễn dịch viêm gan B, ADR ít gặp, nhẹ và thoáng qua.

Tác dụng tại chỗ: Đau, sờ đau, nề và nổi ban đỏ tại nơi tiêm.

Tác dụng toàn thân: Mày đay, ngứa, phù mạch, buồn nôn, nôn, triệu chứng cảm cúm, ngất xỉu, sốt, đau khớp và mình mẩy, chóng mặt, chuột rút ở chân, khó chịu và mệt mỏi. Nồng độ alkaline phosphatase, AST (GPT), creatinin trong huyết thanh tăng cao, bầm tím, cứng khớp, giảm bạch cầu cũng được báo cáo.

Mẫn cảm với globulin miễn dịch đôi khi xảy ra ở những người đã tiêm bắp với liều cao hay tiêm nhiều lần. Sau khi tiêm globulin miễn dịch sốc phản vệ cũng đã từng xảy ra nhưng hiếm. Mối liên hệ nhân quả trực tiếp giữa các phản ứng này với Globulin miễn dịch kháng viêm gan B chưa được xác định.

ADR thường gặp nhất khi truyền tĩnh mạch Globulin miễn dịch kháng viêm gan B là ớn lạnh, sốt, đau đầu, nôn, buồn nôn, phản ứng dị ứng, đau thắt lưng. Một nghiên cứu lâm sàng đánh giá ảnh hưởng do truyền tĩnh mạch Globulin miễn dịch kháng viêm gan B để phòng tránh tái nhiễm viêm gan B ở các bệnh nhân ghép gan, phân tích chỉ ra rằng chỉ có hai phản ứng run và tụt huyết áp là do truyền tĩnh mạch Globulin miễn dịch kháng viêm gan B.

Liều lượng và cách dùng

Cách dùng

Globulin miễn dịch kháng viêm gan B dùng tiêm bắp, không được truyền tĩnh mạch để phòng ngừa nhiễm HBV thời kỳ chu sinh và dự phòng nhiễm HBV sau phơi nhiễm; hoặc truyền tĩnh mạch Globulin miễn dịch kháng viêm gan B để phòng tránh tái nhiễm HBV ở những người ghép gan.

Tiêm bắp:

Đối với người lớn và trẻ em, tốt hơn cả là tiêm Globulin miễn dịch kháng viêm gan B vào vùng cơ delta hoặc tiêm vào mặt trước - bên của đùi. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, tiêm Globulin miễn dịch kháng viêm gan B vào mặt trước - bên của đùi; có thể lựa chọn cơ delta nếu khối lượng cơ phù hợp. Với người lớn và trẻ em từ 3 tuổi trở lên, cơ delta là lựa chọn ưu tiên. Tránh tổn thương dây thần kinh, không nên tiêm bắp tại vùng cơ mông, trừ trường hợp tiêm một thể tích lớn Globulin miễn dịch kháng viêm gan B được chỉ định ở người lớn.

Trong trường hợp đó, phải chia liều lớn thành nhiều liều tiêm nhỏ, chỉ tiêm phần trên, phía ngoài, tránh phần trung tâm của cơ mông.

Để phòng sự lan truyền virus viêm gan B và/hoặc các tác nhân gây nhiễm khác, từ người này sang người khác phải dùng một bơm tiêm và kim tiêm riêng cho từng người.

Để tránh khả năng trung hòa, không được trộn Globulin miễn dịch kháng viêm gan B và vắc xin virus viêm gan B vào cùng một bơm tiêm và không được tiêm vào cùng một vị trí.

Truyền tĩnh mạch:

Không được lắc, tránh tạo bọt, sử dụng dây và bơm truyền riêng.

Tốc độ truyền 2 ml/phút. Nếu bệnh nhân khó chịu hoặc có các phản ứng không mong muốn, giảm tốc độ truyền xuống 1 ml/phút hoặc thấp hơn.

Liều dùng

Dự phòng sau tiếp xúc:

Sự tiếp xúc với viêm gan B hoặc với các dịch cơ thể có thể dương tính với kháng nguyên HBsAg, cần được đánh giá theo từng người, tùy thuộc tình trạng huyết thanh HBsAg của nguồn lây và tình trạng tiêm chủng vắc xin chống viêm gan B của người đã tiếp xúc.

Với người lớn, mỗi liều Globulin miễn dịch kháng viêm gan B thường khoảng 3 - 5 ml.

Nguồn tiếp xúc biết chắc chắn dương tính đối với HBsAg

Nếu người tiếp xúc chưa được tiêm phòng vắc xin chống viêm gan B thì liều Globulin miễn dịch kháng viêm gan B thường dùng cho người lớn là 0,06 ml/kg (khoảng 3 - 5 ml), tiêm đồng thời với một liều vắc xin viêm gan B đơn giá nhưng ở một vị trí khác và sau đó hoàn tất lịch tiêm chủng vắc xin tạo miễn dịch cơ bản; một cách khác, liều vắc xin đầu tiên có thể tiêm trong vòng 7 ngày sau khi tiếp xúc. Globulin miễn dịch kháng viêm gan B phải tiêm càng sớm càng tốt sau khi tiếp xúc, tốt nhất là trong vòng 24 giờ. Người không chọn cách tiêm phòng bằng vắc xin, phải tiêm Globulin miễn dịch kháng viêm gan B liều thông thường càng sớm càng tốt, trong vòng 24 giờ sau khi tiếp xúc; liều Globulin miễn dịch kháng viêm gan B thứ 2 được tiêm sau đó 1 tháng.

Nếu người tiếp xúc trước đây đã hoàn thành tiêm phòng miễn dịch cơ bản với vắc xin viêm gan B và đã có bằng chứng là có đáp ứng đầy đủ hoặc không đầy đủ (nồng độ kháng thể kháng HBs không dưới 10 mili đvqt/ml) thì không cần phải dự phòng. Ngoài ra cũng không cần phải dự phòng nếu nguồn tiếp xúc trước đây đã mắc viêm gan B. Các cán bộ y tế thường xuyên tiếp xúc với các bệnh phẩm cơ thể nhiễm HBsAg được khuyến cáo tiêm vắc xin viêm gan B. Cần kiểm tra huyết thanh 1 - 2 tháng sau khi hoàn thành 3 liều vắc xin để kiểm tra đáp ứng. Nếu có kháng thể không đầy đủ ở một người tiếp xúc mà trước đã hoàn thành việc tiêm phòng miễn dịch cơ bản nhưng không rõ đáp ứng miễn dịch ra sao, thì phải tiêm ngay một liều thông thường Globulin miễn dịch kháng viêm gan B cùng với liều vắc xin đầu tiên tại một vị trí khác. Ở người tiếp xúc có kháng thể không đầy đủ mà trước đây không đáp ứng với vắc xin thì phải dùng ngay một liều thông thường Globulin miễn dịch kháng viêm gan B cùng với một liều vắc xin củng cố chống viêm gan B tại một vị trí khác. Một cách tiêm phòng khác, có thể tiêm 2 liều Globulin miễn dịch kháng viêm gan B (mỗi liều 0,06 ml/kg), một liều tiêm ngay và một liều tiêm sau đó một tháng. Phác đồ này hay được dùng cho những người đã thất bại với 2 lần tiêm phòng không đầy đủ 3 mũi hoặc từ chối tiêm vắc xin.

Dự phòng viêm gan B sau phơi nhiễm (máu, dụng cụ, quan hệ tình dục...).

Dự phòng viêm gan B thời kỳ chu sinh:

Trẻ sơ sinh có mẹ HBsAg dương tính: Tiêm bắp Globulin miễn dịch kháng viêm gan B 0,5 ml càng sớm càng tốt, trong vòng 12 giờ sau khi sinh; đồng thời tiêm vắc xin viêm gan B đơn giá trong vòng 12 giờ sau khi sinh (dùng bơm tiêm khác và vị trí tiêm khác). Nếu liều đầu vắc xin tiêm muộn sau 3 tháng hoặc hơn, nên tiêm bắp liều thứ hai Globulin miễn dịch kháng viêm gan B 0,5 ml vào tháng thứ 6. Tất cả các trẻ sơ sinh có mẹ HBsAg dương tính phải thử huyết thanh HBsAg và kháng thể kháng HBs lúc 9 - 18 tuổi.

Trẻ sơ sinh có mẹ chưa rõ tình trạng HBsAg: Tiêm vắc xin viêm gan B đơn giá ngay trong vòng 12 giờ sau khi sinh. Phải làm xét nghiệm ngay HBsAg cho mẹ càng sớm càng tốt. Nếu HbsAg dương tính, tiêm Globulin miễn dịch kháng viêm gan B 0,5 ml tiêm bắp cho các trẻ sơ sinh đủ tháng hoặc thiếu tháng cân nặng trên 2 kg. Nếu HBsAg dương tính hoặc chưa có kết quả, tiêm Globulin miễn dịch kháng viêm gan B 0,5 ml tiêm bắp trong vòng 12 giờ sau khi sinh cho các trẻ thiếu tháng cân nặng dưới 2 kg.

Dự phòng tái phát viêm gan B ở người ghép gan: HepaGam B tiêm tĩnh mạch.

Tình trạng tiêm phòng và kháng thể ở người phơi nhiễm quả xét nghiệm

Nguồn lây HbsAg dương tính

Nguồn lây HbsAg âm tính

 

Nguồn lây không rõ hoặc chưa có kết quả xét nghiệm

Chưa tiêm phòng

Tiêm bắp một liều HBIG duy nhất 0,06 ml/kg (trong vòng 24 giờ) và liều đầu tiên vắc xin viêm gan B (trong vòng 24 giờ)

Liều đầu tiên vắc xin viêm gan B

Liều đầu tiên vắc xin viêm gan B

Đã tiêm phòng

Đáp ứng tốt (nồng độ kháng thể kháng HBs ≥ 10 đvqt/lít)

Không cần điều trị

Không cần điều trị

Không cần điều trị

Không đáp ứng

Tiêm bắp một liều duy nhất HBIG (0,06 ml/kg) và liều đầu tiên vắc xin viêm gan B lần 2 hoặc 2 liều HBIG (liều đầu tiên càng sớm càng tốt, liều 2 tiêm một tháng sau)

Không cần điều trị

Nguồn lây có nguy cơ cao, điều

Chưa biết đáp ứng kháng thể

Làm test tìm kháng thể kháng HBs

1, Nếu đáp ứng không đủ (nồng độ kháng thể kháng HBs <10 đvqt/lít), tiêm một liều duy nhất HBIG và một liều tăng cường vắc xin viêm gan B

2. Nếu đáp ứng đủ, không điều trị.

Không cần điều trị

Làm test tìm kháng thể kháng HBs

1. Nếu đáp ứng không đủ (nồng độ kháng thể kháng HBs <10 đvqt/lít), tiêm một liều tăng cường vắc xin viêm gan B và kiểm tra lại hiệu giá kháng thể trong 1-2 tháng.

2. Nếu đáp ứng đủ, không điều trị

Liều ban đầu 20 000 đvqt cho đồng thời với phẫu thuật ghép gan (pha không gan); tuần 1, liều hậu phẫu từ ngày 1 đến ngày 7, mỗi ngày một lần: 20 000 đvqt tiêm tĩnh mạch; tuần 2 đến tuần 12, liều sau phẫu thuật: 20 000 đvqt tiêm tĩnh mạch 2 tuần/lần, bắt đầu vào ngày 14; tháng thứ 4 trở đi: 20 000 đvqt tiêm tĩnh mạch mỗi tháng một lần; mục đích dùng liều để đạt nồng độ huyết thanh kháng thể kháng HBs > 500 đvqt/lít. Nếu nồng độ kháng thể kháng HBs không đạt được 500 đvqt/lít trong tuần đầu ghép gan liều phải tăng thêm nửa liều (10 000 đvqt) tiêm tĩnh mạch cách 6h/lần cho tới khi đạt nồng độ kháng HBs đích.

Tương tác thuốc

Với vắc xin viêm gan B

Khi dùng liều Globulin miễn dịch kháng viêm gan B đồng thời với vắc xin viêm gan B nhưng tiêm tại các vị trí khác nhau, sẽ không ức chế đáp ứng miễn dịch chủ động do vắc xin tạo ra.

Với các vắc xin khác

Vì các kháng thể chứa trong chế phẩm Globulin miễn dịch kháng viêm gan B có thể cản trở đáp ứng miễn dịch với các vắc xin virus sống (như vắc xin virus sởi sống, vắc xin virus quai bị sống, vắc xin virus rubella sống, vắc xin thủy đậu sống, vắc xin rotavirus sống), việc dùng các vắc xin này nói chung phải hoãn lại tới 3 tháng sau khi tiêm Globulin miễn dịch kháng viêm gan B.

Với những người dùng Globulin miễn dịch kháng viêm gan B trong vòng 3 tháng sau khi sử dụng các vắc xin trên, nên nhắc lại liều vắc xin sau 3 tháng từ khi sử dụng Globulin miễn dịch kháng viêm gan B trừ khi các xét nghiệm huyết thanh cho thấy có đáp ứng sinh kháng thể đầy đủ.

Do các chế phẩm globulin miễn dịch không biểu hiện khả năng ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch đối với vắc xin sốt vàng, hoặc vắc xin thương hàn uống (Ty21a), vắc xin bại liệt uống, nên các vắc xin này có thể dùng đồng thời hoặc trước hay sau khi dùng Globulin miễn dịch kháng viêm gan B.

Với các xét nghiệm

Globulin miễn dịch kháng viêm gan B có thể ảnh hưởng đến một số xét nghiệm như xét nghiệm xác định kháng thể kháng HBs. Với trẻ sơ sinh sử dụng đồng thời Globulin miễn dịch kháng viêm gan B và vắc xin viêm gan B, phải đợi đến khi trẻ 9 tháng tuổi mới làm xét nghiệm xác định kháng thể kháng HBs để xác định đáp ứng sinh kháng thể sau khi dùng vắc xin, tránh phát hiện nhầm các kháng thể do sử dụng Globulin miễn dịch kháng viêm gan B. HepaGam B có chứa maltose có thể ảnh hưởng đến xét nghiệm glucose huyết dựa trên enzym glucose dehydrogenase pyroloquinequinon (GDH-PQQ), làm sai lệch kết quả glucose huyết. Những xét nghiệm đặc hiệu với glucose như xét nghiệm GDH-NAD, glucose oxidase, glucose hexokinase, không bị ảnh hưởng bởi maltose nên được áp dụng cho các bệnh nhân sử dụng HepaGam B.

Quá liều và xử trí

Nhà sản xuất thông báo theo kinh nghiệm lâm sàng quá liều với các chế phẩm globulin miễn dịch khác tiêm bắp chỉ có phản ứng đau, cứng ở vị trí tiêm.

Độ ổn định và bảo quản

Globulin miễn dịch kháng viêm gan B cần được lưu giữ trong điều kiện lạnh 2 - 8 độ C; tránh để đông băng.

Bài viết cùng chuyên mục

Glyceryl trinitrat

Thuốc tác động chủ yếu trên hệ tĩnh mạch, với liều cao làm giãn các động mạch và tiểu động mạch. Giãn hệ tĩnh mạch làm cho ứ đọng máu ở ngoại vi và trong các phủ tạng, giảm lượng máu về tim.

Glisan 30 MR/Gluzitop MR 60: thuốc điều trị đái tháo đường type 2

Khởi đầu 30 mg/ngày. Chỉnh liều phụ thuộc đáp ứng đường huyết, khoảng 2 tuần-1 tháng/lần, mỗi lần tăng 30 mg, tối đa 120 mg/ngày. Có thể phối hợp metformin, ức chế alpha-glucosidase hoặc insulin.

Garlic (tỏi): thuốc ngăn ngừa bệnh tật

Garlic được sử dụng cho bệnh động mạch vành, ung thư, tuần hoàn, nhiễm Helicobacter pylori, lipid cao trong máu, tăng huyết áp, thuốc kích thích miễn dịch.

Galcanezumab: thuốc điều trị đau nửa đầu

Galcanezumab là một loại thuốc theo toa được sử dụng để điều trị dự phòng chứng đau nửa đầu và điều trị chứng đau đầu từng cơn ở người lớn, tên thương hiệu khác như Emgality, Galcanezumab-gnlm.

Goclio: thuốc điều trị bệnh gout

Goclio được chỉ định ở bệnh nhân tăng acid uric huyết mạn tính trong các tình trạng đã xảy ra sự lắng đọng urat (bao gồm tiền sử hoặc hiện tại bị sạn urat và/hoặc viêm khớp trong bệnh gout).

Germanium: thuốc điều trị ung thư

Gecmani được đề xuất sử dụng bao gồm cho bệnh ung thư. Hiệu quả của Germanium chưa được chứng minh, nó có thể có hại.

Glucagon

Glucagon là hormon polypeptid có tác dụng thúc đẩy phân giải glycogen và tân tạo glucose ở gan, do đó làm tăng nồng độ glucose huyết.

Glupin CR: thuốc điều trị đái tháo đường týp 2

Glupin CR điều trị đái tháo đường týp 2 ở mức nhẹ, vừa mà điều trị chưa khỏi bằng kiểm soát chế độ ăn và tập thể dục 2-3 tháng. Tế bào beta tuyến tụy của những người bệnh đái tháo đường này cần phải có chức năng bài tiết insulin nhất định.

Glucose 30% (Dextrose): thuốc điều trị hạ đường huyết

Glucose 30% (Dextrose) điều trị hạ glucose huyết do suy dinh dưỡng, do ngộ độc rượu, do tăng chuyển hóa khi bị stress hay chấn thương. Làm test dung nạp glucose (uống).

Guanfacine: thuốc điều trị tăng động giảm chú ý

Guanfacine điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý, như một phần của kế hoạch điều trị tổng thể bao gồm các biện pháp tâm lý, giáo dục và xã hội.

Gentamicin Topical: thuốc bôi chống nhiễm trùng

Gentamicin Topical được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gram âm. Gentamicin Topical có sẵn dưới các tên thương hiệu khác.

Gepirone: thuốc điều trị trầm cảm

Gepirone đang chờ FDA chấp thuận để điều trị chứng rối loạn trầm cảm nặng. Gepirone có sẵn dưới các tên thương hiệu khác như Travivo.

Glimepiride: thuốc điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2

Glimepiride được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu cao ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Nó cũng có thể được sử dụng với các loại thuốc tiểu đường khác.

Galactogil Lactation: giúp hỗ trợ tăng tiết sữa ở phụ nữ cho con bú

Galactogil Lactation là cốm lợi sữa được chiết xuất từ các thành phần thiên nhiên như mạch nha, tiểu hồi và hạt hồi giúp tăng cường tiết sữa cho mẹ đang cho con bú.

Ginkgo Biloba: thuốc điều trị thiếu máu não

Ginkgo biloba điều trị chứng say độ cao, thiểu năng mạch máu não, rối loạn nhận thức, sa sút trí tuệ, chóng mặt, chứng tăng nhãn áp không liên tục, thoái hóa điểm vàng, mất trí nhớ, hội chứng tiền kinh nguyệt.

Glucolyte 2

Điều trị duy trì trong giai đoạn tiền phẫu & hậu phẫu, trong bệnh tiêu chảy. Cung cấp và điều trị dự phòng các trường hợp thiếu K, Mg, Phospho & Zn. Dùng đồng thời với các dung dịch protein trong nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.

Gavix: thuốc điều trị và dự phòng bệnh mạch vành

Làm giảm hay dự phòng các biến cố do xơ vữa động mạch (nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não) ở bệnh nhân có tiền sử xơ vữa động mạch biểu hiện bởi nhồi máu cơ tim.

Galderma

Do có thể xảy ra sự gắn kết tương tranh trên tiểu đơn vị ribosom 50S, không nên dùng đồng thời các chế phẩm bôi da có chứa erythromycin và clindamycin.

Glimepirid: thuốc chống đái tháo đường, dẫn chất sulfonylure

Tác dụng chủ yếu của glimepirid là kích thích tế bào beta tuyến tụy giải phóng insulin, vì vậy thuốc chỉ có tác dụng khi tụy còn hoạt động, còn khả năng giải phóng insulin

Geldene

Geldene! Piroxicam là thuốc kháng viêm không stéroide thuộc họ oxicam. Dùng xoa bóp ngoài da, piroxicam có tác dụng kháng viêm và giảm đau.

Gonadotropins

Gonadotropin (hoặc gonadotrophin) là những hormon điều hòa tuyến sinh dục do thùy trước tuyến yên tiết

Gastropulgite

Với khả năng đệm trung hòa, Gastropulgite có tác dụng kháng acide không hồi ứng. Nhờ khả năng bao phủ đồng đều, Gastropulgite tạo một màng bảo vệ và dễ liền sẹo trên niêm mạc thực quản và dạ dày.

Grapefruit: thuốc điều trị bệnh tim mạch

Grapefruit được sử dụng trong điều trị để giảm sự lắng đọng của mảng bám trên thành động mạch, hen suyễn, eczema, ung thư, như bổ sung chất xơ, giảm hồng cầu, cholesterol cao, bổ sung kali, bệnh vẩy nến.

Guarana: thuốc giảm cân

Guarana để giảm cân, tăng cường hiệu suất thể thao, giảm mệt mỏi về tinh thần và thể chất, hạ huyết áp, hội chứng mệt mỏi mãn tính, chất kích thích, lợi tiểu và chất làm se, và để ngăn ngừa bệnh sốt rét và bệnh kiết lỵ.

Garcinia: thuốc giảm cân

Các nghiên cứu trong ống nghiệm và động vật cho kết quả dương tính với garcinia như một chất hỗ trợ giảm cân, nhưng các thử nghiệm trên người cho kết quả âm tính và không cho thấy bằng chứng về hiệu quả.