- Trang chủ
- Thuốc A - Z
- Thuốc gốc và biệt dược theo vần C
- Chlorpropamid
Chlorpropamid
Clorpropamid gây giảm đường huyết chủ yếu do kích thích tế bào beta tuyến tụy tiết insulin nội sinh. Giống như các sulfonylurê khác, clorpropamid chỉ có tác dụng khi tế bào beta còn một phần hoạt động.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Tên chung quốc tế: Chlorpropamide.
Loại thuốc: Thuốc chống đái tháo đường nhóm sulfonylurê.
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén 100 mg, 250 mg.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Clorpropamid gây giảm đường huyết chủ yếu do kích thích tế bào beta tuyến tụy tiết insulin nội sinh. Giống như các sulfonylurê khác, clorpropamid chỉ có tác dụng khi tế bào beta còn một phần hoạt động. Dùng dài ngày, các sulfonylurê còn có một số tác dụng khác ngoài tụy, góp phần làm giảm đường huyết, như tăng sử dụng glucose ở ngoại vi, ức chế tân tạo glucose ở gan và có thể cả tăng tính nhạy cảm và/hoặc số lượng thụ thể insulin ở ngoại vi.
Clorpropamid được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa. Trong vòng 1 giờ sau khi uống một liều đơn, thuốc được phát hiện trong huyết tương và đạt mức cao nhất trong vòng 2 - 4 giờ. Tác dụng hạ đường huyết của clorpropamid xuất hiện trong vòng 1 giờ, đạt cao nhất sau 3 - 6 giờ và còn tồn tại trong vòng 24 giờ sau. Trong số các thuốc sulfonylurê chống đái tháo đường hiện có, clorpropamid có thời gian tác dụng dài nhất. Sau khi uống dài ngày, thuốc không tích lũy trong huyết tương, vì tốc độ hấp thu và đào thải ổn định trong khoảng 5 - 7 ngày. Clorpropamid liên kết mạnh với protein huyết tương (83 - 95%). Thuốc chuyển hóa và thải trừ ra nước tiểu ở dạng không biến đổi và dạng hydroxyl hóa hoặc thủy phân. Trong vòng 96 giờ, 80 - 90% liều uống đơn thải trừ ra nước tiểu. Clorpropamid có nửa đời khoảng 36 giờ.
Chỉ định
Clorpropamid dùng điều trị bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin (typ 2) mà không kiểm soát được đường huyết đầy đủ bằng chế độ ăn.
Chống chỉ định
Ðái tháo đường phụ thuộc insulin (typ 1).
Ðái tháo đường nhiễm toan - ceton, tiền hôn mê đái tháo đường
Phẫu thuật lớn, nhiễm khuẩn nặng hoặc chấn thương nặng. Suy thận, suy gan, hoặc suy tuyến giáp nặng.
Có tiền sử dị ứng với sulfamid.
Thời kỳ mang thai hoặc cho con bú.
Thận trọng
Khi dùng các sulfonylurê, có thể xảy ra hạ glucose huyết. Ðể tránh những đợt hạ glucose huyết, cần thận trọng đối với người bị bệnh thận hoặc gan, vì cả hai bệnh này làm tăng nguy cơ hạ glucose huyết trầm trọng. Người cao tuổi, yếu ớt hoặc thiếu dinh dưỡng hoặc thiểu năng tuyến thượng thận hoặc tuyến yên thường rất nhạy cảm với giảm glucose huyết của các thuốc chống đái tháo đường và có thể khó nhận ra hạ glucose huyết ở người cao tuổi và ở người đang dùng các thuốc chẹn bêta adrenergic.
Vì nửa đời của clorpropamid dài, nên ở người hạ glucose huyết trong khi điều trị, phải theo dõi sát liều và cho ăn nhiều bữa ít nhất trong 3 đến 5 ngày. Có thể nằm viện và tiêm tĩnh mạch glucose.
Khi người bệnh đã ổn định theo một chế độ điều trị nào đó mà bị các stress như sốt, chấn thương, nhiễm khuẩn hoặc phẫu thuật, cần phải ngừng clorpropamid và nhất thời thay bằng insulin, vì trong những trường hợp này, các sulfonylurê thường không đủ hiệu lực để kiểm soát đái tháo đường. Phải theo dõi định kỳ glucose huyết và glucose niệu.
Thời kỳ mang thai
Không được dùng clorpropamid cho người mang thai. Clorpropamid gây dị dạng và chậm phát triển thai. Insulin được lựa chọn trong điều trị đái tháo đường khi mang thai.
Thời kỳ cho con bú
Clorpropamid bài tiết vào sữa. Không khuyến cáo dùng thuốc này trong thời kỳ cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Thường gặp, ADR >1/100
Toàn thân: Giữ nước.
Tiêu hóa: Nôn, buồn nôn, ỉa chảy, chán ăn.
Da: Ngoại ban, ngứa.
Chuyển hóa: Không dung nạp rượu.
Ít gặp, 1/1000 < ADR <1/100
Toàn thân: Buồn ngủ, co giật, yếu ớt, chuột rút, phù mặt, phù tay hoặc cổ chân, mất ý thức.
Tim mạch: Suy tim sung huyết (khó thở, thở nông) ở người có bệnh tim từ trước.
Da: Mày đay, hội chứng Lyell.
Gan: Ứ mật trong gan, vàng da (xảy ra khi bắt đầu liệu pháp và ở người cao tuổi).
Chuyển hóa: Hạ glucose máu.
Hiếm gặp, ADR < 1/1000
Máu: Mất bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, thiếu máu tan huyết, thiếu máu bất sản
Da: Nhạy cảm ánh sáng.
Gan: Enzym gan cao
Chuyển hóa: Phù nề kèm giảm natri huyết, có thể do tăng hoạt tính của hormon chống lợi tiểu.
Chú giải:
Các triệu chứng hạ glucose máu có thể biểu hiện rất khác nhau giữa người bệnh và biến đổi từ đổ mồ hôi, đánh trống ngực, kích động và run, suy giảm ý thức đến tình trạng hôn mê nặng. Tuy nhiên, cũng có thể xuất hiện bất tỉnh và hôn mê ngay mà không có các triệu chứng tiền triệu.
Liều lượng và cách dùng
Thường uống clorpropamid mỗi ngày một lần cùng bữa ăn sáng. Nếu kém dung nạp có thể chia làm 2 lần vào trước bữa ăn sáng và tối.
Liều người lớn: Thay đổi theo từng người tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh. Khởi đầu thường dùng
250 mg/ngày, sau đó cứ 3 - 5 ngày lại tăng hoặc giảm thêm 50 - 125 mg cho tới khi kiểm soát đái tháo đường có kết quả. Liều duy trì thường là 250 mg/ngày. Một số người bệnh đái tháo đường nhẹ đáp ứng tốt với liều 100 mg hoặc thấp hơn. Người bệnh nặng phải dùng liều 500 mg/ngày. Người nào không đáp ứng với liều 500 mg/ngày thường cũng không đáp ứng với liều cao hơn; không khuyến cáo dùng liều duy trì vượt quá 750 mg/ngày.
Với người cao tuổi, vì dễ nhạy cảm với tác dụng hạ đường huyết của clorpropamid, liều khởi đầu từ 100 đến 125 mg một lần trong ngày, sau đó cứ 3 - 5 ngày tăng thêm hoặc giảm 50 - 125 mg cho tới khi đạt kết quả.
Trong khi dùng thuốc, vẫn phải duy trì chế độ ăn kiêng của người bệnh đái tháo đường.
Tương tác thuốc
Các thuốc sau đây có thể tương tác với clorpropamid:
Rượu: phản ứng giống disulfiram (co cứng cơ bụng, buồn nôn, nôn, nhức đầu, đỏ bừng, hạ đường huyết) có thể xảy ra với mọi sulfonylurê; tăng nguy cơ hạ đường huyết.
Glucocorticoid, amphetamin, barbiturat, salbutamol, terbutalin, hydantoin, baclofen, bumetanid, thuốc chẹn calci, acetazolamid, clorthalidon, thuốc uống tránh thai, ACTH, dextrothyroxin, adrenalin, acid ethacrynic, furosemid, thuốc lợi tiểu thiazid, hormon tuyến giáp khi phối hợp với clorpropamid có thể làm tăng nồng độ glucose trong máu; có thể cần phải điều chỉnh liều lượng của một hoặc cả hai thuốc.
Allopurinol: Tăng nguy cơ hạ đường huyết do ức chế tiết clorpropamid ở ống thận; cần phải theo dõi chặt chẽ.
Steroid tăng dưỡng, androgen: Tăng nguy cơ hạ đường huyết, có thể phải điều chỉnh liều lượng thuốc đái tháo đường.
Thuốc chống đông máu, dẫn xuất coumarin và indandion: Khởi đầu có thể làm tăng nồng độ của cả thuốc chống đông máu và sulfonylurê trong huyết tương; tiếp tục điều trị, có thể xảy ra giảm nồng độ thuốc chống đông máu trong huyết tương và tăng chuyển hóa của sulfonylurê ở gan.
Các thuốc chống viêm không steroid, cloramphenicol, clofibrat, các chất ức chế monoaminoxydase, probenecid, salicylat, sulfonamid làm tăng nguy cơ hạ đường huyết do đẩy sulfonylurê ra khỏi liên kết với protein huyết thanh.
Các thuốc chẹn beta có thể làm che lấp một số triệu chứng của hạ đường huyết (đánh trống ngực, nhịp tim nhanh). Cần tăng cường theo dõi người bệnh.
Ketoconazol, miconazol: Làm giảm chuyển hóa của sulfunylurê, dẫn đến hạ đường huyết nặng.
Rifampicin: Chuyển hóa của sulfunylurê có thể tăng do kích thích các enzym ở microsom gan, có thể phải điều chỉnh liều clorpropamid trong và sau khi điều trị với rifampicin.
Ðộ ổn định và bảo quản
Bảo quản dưới 400C, tốt nhất là 15 - 30 độ C. Bảo quản trong bao gói kín.
Quá liều và xử trí
Triệu chứng quá liều
Hạ glucose huyết (bồn chồn, liên tục ớn lạnh, đổ mồ hôi, lú lẫn, giảm thân nhiệt, da tái nhợt, khó khăn trong tập trung suy nghĩ, buồn ngủ, đói cồn cào, liên tục nhức đầu, đau bụng, liên tục buồn nôn, tình trạng kích động, nhịp tim nhanh, cơn động kinh, run, đi không vững, mệt mỏi hoặc yếu ớt, thị giác thay đổi, liên tục nôn, hôn mê). Có thể kéo dài vài ngày vì thuốc thải trừ chậm.
Ðiều trị
Trường hợp nhẹ: Ðiều trị hạ đường huyết bằng cách ăn ngay một ít đường viên glucose, nước hoa quả, hay dùng nhất là uống một cốc nước pha thêm 2 - 3 thìa cà phê đường.
Khám y tế ngay. Ðiều chỉnh liều thuốc chống đái tháo đường. Nếu cần phải điều chỉnh lại khẩu phần ăn.
Trường hợp nặng: Nếu có triệu chứng hạ đường huyết nặng, phải cấp cứu ngay.
Nếu nghi ngờ hoặc chẩn đoán hôn mê hạ glucose máu, người bệnh cần được tiêm truyền nhanh dung dịch ưu trương glucose 50%, sau đó tiếp tục truyền dung dịch glucose 10% với tốc độ có thể duy trì glucose huyết ở mức độ trên 5,6 mmol/lít (1000 mg/lít). Cần theo dõi người bệnh sát sao, trong ít nhất 24 đến 48 giờ, vì hạ glucose máu có thể tái phát sau khi bề ngoài có vẻ bình phục về lâm sàng. Thời kỳ này có thể kéo dài từ 3 đến 5 ngày hoặc lâu hơn.
Thông tin qui chế
Thuốc độc bảng B.
Thành phẩm giảm độc: Thuốc viên có hàm lượng tối đa 100 mg.
Bài viết cùng chuyên mục
Carbamazepine: thuốc chống co giật và chống động kinh
Carbamazepine được sử dụng để ngăn ngừa và kiểm soát các cơn co giật. Thuốc này được biết đến như một loại thuốc chống co giật hoặc chống động kinh. Nó cũng được sử dụng để giảm một số loại đau dây thần kinh.
Cefapirin
Cefapirin (natri) là cephalosporin thế hệ thứ nhất. Thuốc có tác dụng rất giống cefalotin. Giống như benzylpenicilin, thuốc ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Thuốc có tác dụng lên nhiều cầu khuẩn Gram dương.
Cefaclor
Cefaclor là một kháng sinh cephalosporin uống, bán tổng hợp, thế hệ 2, có tác dụng diệt vi khuẩn đang phát triển và phân chia bằng cách ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn.
Contractubex
Chống viêm có hiệu lực và các hoạt động trên mô liên kết của Heparin hơn đáng kể hơn so với tác dụng chống huyết khối của nó trong việc điều trị sẹo.
Cefazolin Meiji
Nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm: Nhiễm trùng đường hô hấp, đường tiết niệu-sinh dục, da và mô mềm, đường mật, xương và khớp, nhiễm trùng máu và viêm nội tâm mạc.
Calcium Sandoz Injectable
Calcium Sandoz Injectable! Khi dùng liệu pháp canxi liều cao cần phải kiểm tra chặt chẽ canxi huyết và canxi niệu, nhất là ở trẻ em và bệnh nhân đang sử dụng vitamin D.
Clopidogrel: thuốc ức chế kết tập tiểu cầu
Clopidogrel là một chất ức chế thụ thể adenosin diphosphat, chất chuyển hóa có hoạt tính của clopidogrel gắn chọn lọc và không cạnh tranh với ái lực thấp vào vị trí P2Y12 của thụ thể ADP trên bề mặt tiểu cầu
Ca C 1000 Sandoz Orange
Thiếu calci hoặc vitamin C do kém dinh dưỡng hoặc tăng nhu cầu calci và vitamin C (thời kỳ có thai và nuôi con bú, thời kỳ phát triển nhanh (thiếu niên, thanh niên), tuổi già, trong các bệnh nhiễm trùng và thời kỳ dưỡng bệnh). Hỗ trợ điều trị cảm lạnh và cúm.
Colchicine Houde
Colchicine làm giảm sự tập trung bạch cầu, ức chế hiện tượng thực bào các vi tinh thể urate và do đó kìm hãm sự sản xuất acide lactique bằng cách duy trì pH tại chỗ bình thường.
Cedipect F: thuốc điều trị ho nghẹt mũi dị ứng
Cedipect F điều trị ho, nghẹt mũi, sổ mũi do cảm lạnh, cảm cúm, sốt, dị ứng hoặc bệnh đường hô hấp (như viêm xoang, viêm phế quản).
Cyclopentolate: thuốc giãn đồng tử và thư giãn cơ mắt
Cyclopentolate được sử dụng trước khi khám mắt. Nó thuộc về một nhóm thuốc được gọi là thuốc kháng cholinergic. Cyclopentolate hoạt động bằng cách tạm thời làm giãn đồng tử mắt và thư giãn các cơ của mắt.
Clarinase Repetab
Clarinase Repetab! Loratadine là một kháng histamine ba vòng mạnh có tác dụng kéo dài với tác động đối kháng chọn lọc trên thụ thể H1 ngoại vi.
Centaury: thuốc điều hòa trạng thái cơ thể
Centaury đề xuất sử dụng bao gồm chán ăn, sốt, cao huyết áp, sỏi thận, tiểu đường, khó tiêu, ợ chua, giun, rắn cắn, vàng da, tàn nhang và đốm. Chưa có đủ thông tin đáng tin cậy để xác định hiệu quả của centaury.
Castor Oil: thuốc nhuận tràng
Castor Oil có thể được sử dụng như một loại thuốc nhuận tràng kích thích. Castor Oil làm mềm tự nhiên có thể được sử dụng để khắc phục da khô, như một loại dầu mát xa và có thể có lợi cho tóc như một phương pháp điều trị.
Celecoxib: Agcel, Agilecox, Aldoric, Aldoric fort, Armecocib, Artose, Asectores, thuốc ức chế chọn lọc COX 2
Celecoxib là một thuốc chống viêm không steroid, ức chế chọn lọc cyclooxygenase, có các tác dụng chống viêm, giảm đau, hạ sốt
Clomiphene: thuốc điều trị suy rụng trứng
Clomiphene là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị suy rụng trứng. Clomiphene có sẵn dưới các tên thương hiệu khác như Clomid, Serophene.
Cloderm: thuốc kháng viêm chống ngứa và co mạch
Cloderm có tác dụng kháng viêm, chống ngứa và co mạch. Khi dùng tại chỗ, đặc biệt là dưới lớp băng ép hoặc khi bôi lên vết thương hở, thuốc có thể hấp thu lượng đủ để gây tác động toàn thân.
Chloramphenicol
Cloramphenicol là kháng sinh, ban đầu được phân lập từ Streptomyces venezuelae, nay được sản xuất bằng phương pháp tổng hợp. Cloramphenicol thường có tác dụng kìm khuẩn, nhưng có thể diệt khuẩn ở nồng độ cao hoặc đối với những vi khuẩn nhạy cảm cao.
Cataflam
Trong cơn migrain, Cataflam đã chứng minh làm giảm nhức đầu và cải thiện các triệu chứng buồn nôn, nôn đi kèm.
Cipostril: thuốc điều trị vảy nến mảng mức độ nhẹ đến vừa
Cipostril (Calcipotriol) là một dẫn chất tổng hợp của vitamin D3, có tác dụng điều trị vẩy nến. Calcipotriol, chất này tạo ra sự biệt hóa tế bào và ức chế sự tăng sinh của tế bào sừng.
Carbidopa: thuốc điều trị bệnh Parkinson
Carbidopa là một loại thuốc theo toa được sử dụng để điều trị bệnh Parkinson, bệnh parkinson sau não và bệnh parkinson có triệu chứng. Carbidopa có sẵn dưới các tên thương hiệu khác như Lodosyn.
Capsaicin: thuốc giảm đau dùng ngoài
Tác dụng giảm đau của capsaicin là do thuốc làm cạn kiệt chất P của các sợi thần kinh cảm giác typ C tại chỗ và mất tính nhạy cảm của các thụ thể vaniloid.
Clobetasol: thuốc điều trị chứng viêm và ngứa da
Clobetasol là một loại steroid bôi ngoài da theo đơn được sử dụng để điều trị chứng viêm và ngứa do một số tình trạng da như phản ứng dị ứng, bệnh chàm và bệnh vẩy nến gây ra. Clobetasol là một corticosteroid rất mạnh.
Carvedilol
Carvedilol là một hỗn hợp racemic có tác dụng chẹn không chọn lọc thụ thể beta - adrenergic nhưng có tác dụng chẹn chọn lọc alpha1 - adrenergic.
Cardimax
Trimetazidine được chỉ định trong điều trị bệnh tim do thiếu máu cục bộ, cơn đau thắt ngực, di chứng nhồi máu, điều trị dài hạn cơn đau thắt ngực.