- Trang chủ
- Sách y học
- Triệu chứng học nội khoa
- Tổn thương phản xạ hướng tâm đồng tử (RAPD) (Đồng tử Marcus Gunn)
Tổn thương phản xạ hướng tâm đồng tử (RAPD) (Đồng tử Marcus Gunn)
Tổn thương phản xạ hướng tâm đồng tử gây ra bởi tín hiệu vào tới nhân Edinger-Westphal không đối xứng do cấu trúc dải thị hướng tâm. Các rối loạn có tính đối xứng không gây ra phản xạ hướng tâm đồng tử.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Mô tả
Sự giãn nghịch thường của cả hai đồng tử xảy ra khi nguồn sáng di chuyển từ mắt thường sang mắt bệnh (mắt có tổn thương phản xạ hướng tâm đồng tử) trong khi làm nghiệm pháp xoay nguồn sáng. Tổn thương phản xạ đồng tử hướng tâm là một rối loạn dải thị hướng tâm của con đường đáp ứng ánh sáng đồng tử (ví dụ. thần kinh thị giác, võng mạc).
Nguyên nhân
Phổ biến
Viêm thần kinh thị (ví dụ. bệnh đa xơ cứng).
Thiếu máu đầu thần kinh thị (AION).
Ít phổ biến
Xuất huyết dịch kính.
Bong võng mạc.
U nguyên bào võng mạc.
Tổn thương khối (ví dụ. khối u, abscess).
Hình. Mô tả tổn thương phản xạ đồng tử hướng tâm bên phải với nghiệm pháp xoay nguồn sáng. A, Chiếu đèn vào mắt phải; đồng tử co nhỏ kém và có phản ứng đồng cảm; B, đồng tử co tốt và có phản ứng đồng cảm khi chiếu đèn vào mắt trái; C, chuyển nguồn sáng từ trái sang phải làm hai nhãn cầu lại giãn ra.
Hình. Đáp ứng đồng tử liên quan tới RAPD.
CG = Hạch mi; EW = Nhân Edinger-Westphal; LGN = Nhân thể gối ngoài; PTN = Nhân trước mái; RN = Nhân đỏ; SC = Củ trung não trên.
Cơ chế
Tổn thương phản xạ hướng tâm đồng tử gây ra bởi tín hiệu vào tới nhân Edinger-Westphal không đối xứng do cấu trúc dải thị hướng tâm (ví dụ. thần kinh thị giác, võng mạc). Các rối loạn có tính đối xứng (bệnh lý thần kinh thị giác đối xứng hai bên) không gây ra phản xạ hướng tâm đồng tử. Nghiệm pháp xoay nguồn sáng chỉ có thể xác định sự khác nhau của hai dải hướng tâm. Cơ chế của RAPD gồm:
Các rối loạn thần kinh thị giác.
Các rối loạn võng mạc (hiếm gặp).
Các rối loạn thần kinh thị giác
Các rối loạn không đối xứng của thần kinh thị là nguyên nhân hay gặp nhất cuả phản xạ hướng tâm đồng tử. Bệnh nhân có thể có các bằng chứng về lâm sàng liên quan tới rối loạn chức năng thần kinh thị giác (ví dụ. phù gai thị, giảm thị lực, mất thị trường, mù màu). Các nguyên nhân gồm viêm thần kinh thị giác, thiếu máu ở đầu thần kinh thị (AION) và các khối u của thần kinh thị giác (ví dụ. u thần kinh đệm thị giác). Tăng áp lực nội sọ vô căn và các nguyên nhân khác của tăng áp lực nội sọ có thể gây ra RAPD nếu rối loạn chức năng thần kinh thị không đối xứng.
Các rối loạn võng mạc (hiếm gặp)
Bệnh lý võng mạc một bên nặng ít khi là nguyên nhân của tổn thương phản xạ đồng tử hướng tâm. Điển hình, mức độ giãn đồng tử nghịch thường thường kém hơn là rối loạn chức năng thần kinh thị. Các nguyên nhân gồm bệnh thoái hóa điểm vàng do lão hóa, bệnh lý võng mạc do đái tháo đường, bệnh võng mạc do tăng huyết áp và tắc nghẽn động mạch võng mạc trung tâm.
Ý nghĩa
Độ nhạy của RAPD trong việc xác định bệnh lý thần kinh thị một bên là 92 –98%.