- Trang chủ
- Sách y học
- Sinh lý y học
- Phân loại cơ trơn
Phân loại cơ trơn
Cơ trơn ở mỗi cơ quan có các đặc điểm khác nhau: (1) kích thước (2) sự sắp xếp trong các bó (3) đáp ứng với các kích thích khác nhau (4) đặc điểm phân bố thần kinh (5) chức năng.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
So với cơ vân, cơ trơn bé hơn rất nhiều với đường kính 1-5 micrometer, dài chỉ 20-500 micrometer. Ngược lại, cơ vân có đường kính lớn gấp 30 lần, chiều dài gấp hàng trăm lần sợi cơ trơn. Nhìn chung, cơ chế co cơ của 2 loại như nhau, là do lực liên kết giữa sợi myosin và sợi actin. Tuy nhiên, sự sắp xếp cơ học bên trong mới tạo ra sự khác biệt.
Cơ trơn ở mỗi cơ quan có các đặc điểm khác nhau: (1) kích thước (2) sự sắp xếp trong các bó (3) đáp ứng với các kích thích khác nhau (4) đặc điểm phân bố thần kinh (5) chức năng. Tuy nhiên, để đơn gian, cơ trơn được chia làm 2 loại: Cơ trơn nhiều đơn vị và cơ trơn một đơn vị
Hình. Cơ trơn nhiều đơn vị (A) và một đơn vị (B).
Cơ trơn nhiều đơn vị
Cơ trơn nhiều đơn vị gồm nhiều sợi cơ trơn riêng rẽ, mỗi sợ hoạt động hoàn toàn độc lập, được điều khiển bởi tận cùng thần kinh riêng như cơ vân. Mặt ngoài của sợi cơ, giống như cơ vân, được phủ một lớp mỏng là hỗn hợp của collagen và glycoprotein, có tác dụng tách rời các sợi cơ.
Đặc điểm của sợi cơ trơn nhiều đơn vị là mỗi sợi cơ hoạt động độc lập với nhau, do các sợi thần kinh riêng rẽ chi phối. Ví dụ: cơ mi mắt, cơ co đồng tử, cơ dựng lông.
Cơ trơn một đơn vị
Có nghĩa là toàn bộ hàng trăm đến hàng triệu sợi cơ cùng co đồng thời một lúc. Các sợi cơ thường tập trung lại thành từng lớp hoặc bó, màng của chúng dính nhau ở nhiều điểm, do đó lực sinh ra trong một sợi cơ có thể truyền sang sợi bên cạnh. Các màng sợi cơ còn nối với nhau bởi các cầu nối qua đó các ion truyền tự do qua các sợi cơ làm cho các sợi cơ cùng co đồng thời. Loại cơ trơn này được gọi là cơ trơn hợp bào, thường gặp ở các tạng rỗng như ruột, ống mật, niệu quản, tử cung, mạch máu, do đó cũng được gọi là cơ trơn tạng.