- Trang chủ
- Thuốc A - Z
- Thuốc gốc và biệt dược theo vần L
- Letrozol: Femara, Losiral, Meirara, thuốc chống ung thư
Letrozol: Femara, Losiral, Meirara, thuốc chống ung thư
Letrozol là dẫn chất benzyltriazol, là chất ức chế aromatase chọn lọc không steroid, Letrozol khác biệt với aminoglutethimid về cấu trúc nhưng cùng chung tác dụng dược lý và ức chế cạnh tranh aromatase.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Tên chung quốc tế: Letrozole.
Loại thuốc: Thuốc chống ung thư, thuốc ức chế aromatase.
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén bao phim 2,5 mg.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Letrozol là dẫn chất benzyltriazol, là chất ức chế aromatase chọn lọc không steroid. Letrozol khác biệt với aminoglutethimid về cấu trúc nhưng cùng chung tác dụng dược lý và ức chế cạnh tranh aromatase.
Mặc dù cùng có tác dụng ức chế chọn lọc aromatase nhưng letrozol có tác dụng chọn lọc và mạnh hơn khi tính theo mol.
Cơ chế tác dụng: Aromatase là enzym chuyển androgen thành estrogen, letrozol gắn vào nhân hem của tiểu đơn vị CYP450 của aromatase. Do đó aromatase bị ức chế và làm giảm nồng độ estrogen (estron, estradiol và estron sulfat) trong huyết tương.
Tác dụng chống ung thư: Ở phụ nữ sau mãn kinh bị ung thư vú điều trị bằng letrozol liều hàng ngày 0,1 - 5 mg cho thấy letrozol có tác dụng ức chế làm giảm nồng độ estradiol, estron, estron sulfat trong huyết tương khoảng 75 - 95% và đạt được khả năng ức chế tối đa trong vòng 2 - 3 ngày kể từ khi bắt đầu điều trị. Khả năng ức chế hormon phụ thuộc liều, với liều điều trị ≥ 0,5 mg/ngày nồng độ estrogen huyết tương bị giảm trong suốt quá trình điều trị; nồng độ estron, estron sulfat huyết tương có thể giảm thấp dưới mức có thể đo được.
Tác dụng hormon: Letrozol có tác dụng ức chế chọn lọc quá trình tổng hợp estrogen và không ảnh hưởng đến tổng hợp corticosteroid thượng thận, aldosteron hoặc hormon tuyến giáp. Ức chế tổng hợp estrogen không gây tích lũy các chất tiền thân của androgen.
Dược động học
Letrozol hấp thu nhanh và hoàn toàn qua đường uống. Điều trị với letrozol 2,5 mg/ngày, nồng độ huyết tương ở trạng thái cân bằng động học đạt được sau 2 - 6 tuần. Letrozol có dược động học không tuyến tính, với liều 2,5 mg/ngày uống lặp lại, nồng độ letrozol huyết tương ở trạng thái cân bằng động học cao gấp 1,5 - 2 lần so với nồng độ dự kiến khi uống liều đơn. Tuy nhiên, letrozol không bị tích lũy, nồng độ cân bằng (ổn định) letrozol huyết tương duy trì ổn định trong suốt quá trình điều trị hàng ngày. Thức ăn không ảnh hưởng đến hấp thu letrozol.
Letrozol có thể tích phân bố lớn khoảng 1,9 lít/kg. Letrozol gắn với protein huyết tương yếu. Chưa biết thuốc có vào sữa mẹ không.
Letrozol được chuyển hóa ở gan bởi cytochrom P450 3A4 và 2A6, tạo thành chất chuyển hóa carbinol không hoạt tính là 4,4’-methanolbisbenzonitril, sau đó chất chuyển hóa này được bài tiết qua thận.
Nửa đời thải trừ cuối cùng của letrozol là 2 ngày, 90% liều uống được thải trừ ra nước tiểu, trong đó 75% là dạng liên hợp glucuronid của chất chuyển hóa carbinol, 9% chất chuyển hóa khác và 6% ở dạng thuốc chưa chuyển hóa.
Không thấy sự khác biệt về dược động học của thuốc liên quan đến tuổi ở người lớn. Sự khác biệt dược động học giữa nam và nữ, cũng như giữa trẻ em và người lớn chưa được nghiên cứu.
Chức năng gan ảnh hưởng đến nồng độ letrozol trong huyết thanh.
Những bệnh nhân xơ gan và suy gan nặng có AUC tăng gấp đôi và tốc độ thải trừ giảm 47%, do đó cần phải giảm liều letrozol.
Dược động học của letrozol không bị ảnh hưởng bởi chức năng thận; ở những bệnh nhân ung thư vú có rối loạn chức năng thận không cần hiệu chỉnh liều.
Chỉ định
Điều trị hỗ trợ ung thư vú giai đoạn sớm có thụ thể hormon dương tính ở phụ nữ mãn kinh.
Kéo dài điều trị hỗ trợ ung thư vú giai đoạn sớm ở phụ nữ mãn kinh đã điều trị chuẩn bằng tamoxifen 5 năm.
Điều trị hàng đầu ung thư vú phụ thuộc hormon giai đoạn muộn ở phụ nữ mãn kinh.
Điều trị ung thư vú giai đoạn muộn ở phụ nữ mãn kinh (mãn kinh tự nhiên hay nhân tạo), sau khi bệnh tái phát hoặc tiến triển ở người trước đây đã được điều trị bằng các thuốc kháng estrogen.
Hiệu quả của letrozol chưa được chứng minh đối với ung thư vú có thụ thể hormon âm tính.
Chống chỉ định
Mẫn cảm với letrozol hoặc bất kì thành phần nào của thuốc, phụ nữ chưa mãn kinh, phụ nữ đang có thai hoặc chuẩn bị có thai.
Thận trọng
Letrozol là hóa chất độc do đó cần thận trọng trong bảo quản, vận chuyển và tiêu hủy. Cần sử dụng thận trọng và hiệu chỉnh liều ở những bệnh nhân suy gan.
Khi điều trị bằng letrozol, bệnh nhân có thể chóng mặt, mệt mỏi, ngủ gà; do đó không được làm những việc cần tập trung cao như vận hành máy móc hoặc lái xe.
Cần thận trọng đối với phụ nữ chưa rõ ràng tình trạng mãn kinh.
Phải định lượng LH, FSH và/hoặc estradiol trong huyết thanh trước khi bắt đầu điều trị.
Bệnh nhân điều trị bằng letrozol có nhiều nguy cơ bị loãng xương.
Trước khi bắt đầu điều trị, nhất là người có tiền sử loãng xương hoặc gãy xương, phải đo mật độ xương và hàng năm phải kiểm tra. Nếu có dấu hiệu loãng xương, phải điều trị: Vận động, calci, vitamin D.
Tính an toàn và hiện lực của letrozol ở trẻ em chưa được nghiên cứu.
Thời kỳ mang thai
Letrozol có thể gây độc với thai nhi. Hiện tại letrozol chỉ sử dụng cho phụ nữ sau mãn kinh. Trong tình trạng đe dọa tính mạng hoặc bệnh rất nặng mà không thể điều trị bằng thuốc khác an toàn hơn mới chỉ định letrozol ở phụ nữ mang thai. Khi điều trị, cần cảnh báo cho bệnh nhân về nguy cơ độc với thai nhi hoặc sảy thai.
Thời kỳ cho con bú
Cho đến nay chưa có thông tin về việc letrozol có qua sữa mẹ hay không, vì vậy cần thận trọng khi sử dụng letrozol ở phụ nữ cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Thường gặp, ADR >1/100
Hệ tim mạch: Phù (7 - 18%), đau ngực (3 - 8%), tăng huyết áp (5 - 8%), tắc mạch ngoại biên (2%), rối loạn vận mạch (bốc hỏa) (5 - 50%).
Thần kinh trung ương: Đau đầu (4 - 20%), chóng mặt (2 - 14%), mệt mỏi (6 - 13%), mất ngủ (6 - 7%), ngủ gà (2 - 3%), trầm cảm (5%), mất thăng bằng (5%).
Nội tiết và chuyển hóa: Tăng cholesterol máu (3 - 52%), đau vùng vú (7%), tăng calci máu (5%).
Hệ tiêu hóa: Nôn (9 - 17%), táo bón (2 - 11%), tăng cân (2 - 11%), sút cân (7%), ỉa chảy (5 - 8%), buồn nôn (3 - 7%), chán ăn (3 - 4%), đau bụng (5%).
Gan: Tăng transaminase, γ-glutamyltransferase tới 5 lần giới hạn trên, bilirubin > 1,5 lần giới hạn trên (3%), đặc biệt hay xảy ra ở những bệnh nhân có ung thư di căn gan.
Thần kinh cơ - xương: Yếu cơ (4 - 34%), đau xương (22%), đau khớp (8 - 22%), viêm khớp (7 - 21%), đau lưng (5 - 18%), đau mỏi chân tay (10%), giảm tỷ trọng xương/loãng xương (2 - 7%).
Hệ hô hấp: Khó thở (6 - 18%), ho (5 - 13%), tràn dịch màng phổi (< 5%), đau ngực (6%).
Hệ tiết niệu: Nhiễm trùng tiết niệu (6%), chảy máu âm đạo (5%), khô âm đạo (5%), ngứa âm đạo (4%).
Huyết học: Giảm số lượng bạch cầu lympho thoáng qua ở khoảng một nửa số bệnh nhân, giảm tiểu cầu, có thể giảm các dòng tế bào máu.
Da: Ngứa, mẩn đỏ (5%), rụng tóc, vã mồ hôi (24%), ra mồ hôi ban đêm (14%).
Các ADR khác (< 2%)
Phản vệ, co thắt mạch vành, phù mạch, nhồi máu động mạch, tăng bilirubin máu, mắt nhìn mờ, thiếu máu cơ tim, suy tim, đục thủy tinh thể, khô da, loạn sản nội mạc tử cung, khô mắt, giảm cảm giác, chảy máu não.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Các ADR thường nhẹ và dung nạp được, đa số do hậu quả của thiếu estrogen như bốc hỏa, rụng tóc. Cần chú ý loãng xương.
Loãng xương: Do letrozol làm giảm nồng độ estrogen trong máu vì vậy sẽ làm giảm mật độ muối khoáng trong xương. Trước điều trị và định kỳ hàng năm trong quá trình điều trị bằng letrozol cần phải kiểm tra mật độ xương vùng xương chậu và cột sống. Nếu phụ nữ sau mãn kinh điều trị bằng letrozol có loãng xương có thể điều trị bằng uống biphosphonat. Phụ nữ điều trị bằng letrozol phải được khuyến cáo thay đổi lối sống: Bổ sung calci và vitamin D trong chế độ ăn, vận động, bỏ thuốc lá, hạn chế uống đồ uống có cồn.
Khi bị tăng cholesterol máu có thể điều trị thuốc giảm lipid máu.
Liều lượng và cách dùng
Liều uống ở phụ nữ người lớn: 2,5 mg/ngày, uống một lần trong ngày. Thời gian điều trị tối ưu chưa rõ. Ngừng điều trị khi không đáp ứng hoặc bệnh tiến triển nặng lên.
Do sự hấp thu thuốc không bị ảnh hưởng bởi thức ăn, nên có thể uống thuốc trước trong hoặc sau bữa ăn. Để dự phòng biến chứng loãng xương ở bệnh nhân điều trị bằng letrozol, cần bổ sung vitamin D và calci hàng ngày.
Bệnh nhân suy gan nhẹ hoặc trung bình không cần hiệu chỉnh liều, nhưng bệnh nhân xơ gan hoặc suy gan nặng cần giảm 50% liều, thường dùng liều 2,5 mg/ngày dùng cách nhật.
Không cần hiệu chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận có Clcr ≥ 10 ml/phút.
Tương tác thuốc
Tamoxifen điều trị đồng thời với letrozol làm giảm nồng độ letrozol trong máu 38%. Nhưng kinh nghiệm lâm sàng chỉ ra rằng nếu dùng letrozol ngay sau tamoxifen thì tác dụng điều trị của letrozol không bị ảnh hưởng. Không dùng đồng thời letrozol với các thuốc điều hòa chọn lọc thụ thể estrogen khác như raloxifen vì làm giảm nồng độ letrozol trong huyết tương. Nếu cần chống loãng xương, nên dùng biphosphonat uống hơn dùng raloxifen.
Các estrogen làm giảm tác dụng dược lý của các thuốc ức chế aromatase, do đó tránh phối hợp letrozol với estrogen.
Letrozol chuyển hóa qua các isoenzym 3A4 và 2A6 của CYP450.
Do đó, khi phối hợp với các thuốc gây cảm ứng hoặc ức chế các isoenzym này sẽ làm thay đổi chuyển hóa của letrozol. Tuy nhiên, cimetidin và diazepam không ảnh hưởng đến chuyển hóa letrozol.
Mặt khác, letrozol ức chế mạnh CYP2A6 và ức chế yếu hơn CYP2C19. Do đó, dùng đồng thời letrozol có thể làm giảm chuyển hóa và làm tăng nồng độ trong huyết tương của các thuốc cũng chuyển hóa do các enzym này. Tuy nhiên, letrozol không ảnh hưởng đến chuyển hóa của warfarin và diazepam.
Độ ổn định và bảo quản
Bảo quản ở nhiệt độ phòng 25 độ C, khoảng 15 - 30 độ C.
Quá liều và xử trí
Cho đến nay thông tin về quá liều ở người rất hạn chế. Điều trị triệu chứng và chăm sóc hỗ trợ, theo dõi các dấu hiệu sống là chủ yếu nếu có quá liều xảy ra. Có thể gây nôn nếu phát hiện sớm bệnh nhân mới uống thuốc quá liều.
Tên thương mại
Femara; Losiral; Meirara.
Bài viết cùng chuyên mục
Levofloxacin: Dianflox, Dovocin, Draopha fort, thuốc kháng sinh nhóm quinolon
Levofloxacin là một kháng sinh tổng hợp có phổ rộng thuộc nhóm quinolon dẫn chất fluoroquinolon, cũng như các fluoroquinolon khác, levofloxacin có tác dụng diệt khuẩn do ức chế enzym topoisomerase II.
Linaclotide
Linaclotide là một loại thuốc theo toa được sử dụng để điều trị hội chứng ruột kích thích và táo bón vô căn mãn tính.
Lactobacillus acidophilus: Abiiogran, Antibio Granules, vi khuẩn sinh acid lactic
Lactobacillus acidophilus là một trực khuẩn vẫn thường cư trú ở đường tiêu hoá, có khả năng sinh ra acid lactic, do đó tạo ra một môi trường không thuận lợi cho sự phát triển của các vi khuẩn.
Lipvar 20: thuốc điều trị cholesterol máu cao
Lipvar là thuốc điều trị giảm cholesterol máu. Thuốc được điều chế dưới dạng viên nén màu trắng hoặc trắng ngà, hình bầu dục, hai mặt trơn, cạnh và thành viên lành lặn. Lipvar được sản xuất và đăng ký bởi Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang.
Lipigold
Cung cấp năng lượng (không do protein) (có thể tới 60% nhu cầu hàng ngày) cho bệnh nhân nuôi ăn đường tĩnh mạch kéo dài trên 5 ngày để ngăn ngừa thiếu hụt các acid béo thiết yếu.
Lipitor
Lipitor (Atorvastatin calcium), thuốc hạ lipid máu tổng hợp, là chất ức chế men khử 3-hydroxy3-methylglutaryl-coenzyme A (HMG-CoA reductase).
Lovastatin
Lovastatin nên được sử dụng cùng với việc điều chỉnh chế độ ăn uống như một phần của kế hoạch điều trị để giảm mức cholesterol khi đáp ứng với chế độ ăn kiêng và các biện pháp phi dược lý khác không đủ để giảm nguy cơ tim mạch.
Lumigan 0.01%: thuốc làm giảm sự tăng áp suất nội nhãn
Lumigan (Bimatoprost) là một chất tổng hợp tương tự prostaglandin về cấu trúc - có tác dụng làm hạ nhãn áp. Chất này giống một cách chọn lọc tác dụng của chất tự nhiên là prostamid.
Lifezar
Khởi đầu 50 mg ngày 1 lần. Bệnh nhân có nguy cơ mất nước nội mạch, bao gồm có sử dụng thuốc lợi tiểu hoặc bị suy gan: Điều chỉnh liều đến 25 mg ngày 1 lần. Duy trì: 25 - 100 mg ngày 1 lần hay chia 2 lần/ngày.
Lyoxatin
Bệnh nhân suy thận vừa, có tiền sử dị ứng platinium, bị loạn cảm giác vùng hầu họng trong lúc hay trong vòng 2 giờ sau tiêm truyền (lần tiêm truyền kế tiếp nên được cho trên 6 giờ).
Levalbuterol: thuốc chống co thắt phế quản
Levalbuterol là một loại thuốc theo toa được sử dụng để ngăn ngừa hoặc điều trị các triệu chứng của bệnh hen suyễn (co thắt phế quản).
Levocetirizine: thuốc kháng histamine thế hệ thứ hai
Levocetirizine là thuốc kháng histamine không kê đơn được sử dụng để làm giảm các triệu chứng dị ứng như chảy nước mắt, chảy nước mũi, ngứa mắt/mũi, hắt hơi, nổi mề đay và ngứa.
Livact
Cải thiện tình trạng giảm albumin máu ở bệnh nhân có giảm albumin máu (mặc dù lượng hấp thụ từ chế độ ăn đầy đủ), có tổng lượng hấp thụ calo và protein từ chế độ ăn bị hạn chế.
Lipovenoes
Đáp ứng nhu cầu đồng thời về năng lượng và acid béo cần thiết trong nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.
Lamotrigine: thuốc chống co giật
Lamotrigine được sử dụng để ngăn ngừa hoặc kiểm soát cơn động kinh, thuốc cũng có thể được sử dụng để giúp ngăn ngừa sự thay đổi tâm trạng quá mức của chứng rối loạn lưỡng cực.
Lisinopril/Hydrochlorothiazide
Lisinopril/Hydrochlorothiazide là một loại thuốc kết hợp dùng để điều trị tăng huyết áp (huyết áp cao). Hạ huyết áp có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim.
Liothyronin
Liothyronin là T3 (triiodothyronin) có hoạt tính, gắn trực tiếp với thụ thể thyroxin trong tế bào và tác động đến nhân tế bào. Liothyronin có cùng tác dụng dược lý như thyroxin natri và các chế phẩm từ tuyến giáp.
L-methylfolate: thuốc bổ sung
L-methylfolate là một dạng vitamin B được sử dụng cho người lớn để điều trị trầm cảm, thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ và suy thận và gan.
Lenalidomide: thuốc điều trị ung thư
Lenalidomide được sử dụng để điều trị các triệu chứng của hội chứng loạn sản tủy, đa u tủy, u lympho tế bào vỏ, u lympho nang và u lympho vùng biên.
Lipicard
Fenofibrate, được chỉ định điều trị tăng lipid huyết loại IIa, IIb, III, IV và V khi liệu pháp ăn kiêng không hiệu quả.
Lantus
Trong các nghiên cứu dược lý học lâm sàng, insulin glargine và insulin người tiêm tĩnh mạch được chứng minh là có hoạt lực tương đương khi dùng liều như nhau.
Lomustin: thuốc chống ung thư, tác nhân alkyl hóa
Lomustin là dẫn xuất nitrosoure, được coi là thuốc alkyl hóa dùng để chữa ung thư, Lomustin rất tan trong lipid, dễ hấp thu qua đường uống và chuyển hóa thành các chất có hoạt tính
Lorazepam
Lorazepam là một benzodiazepin, dùng để điều trị các tình trạng lo âu, mất ngủ, co giật hoặc trong các phác đồ kiểm soát triệu chứng buồn nôn hay nôn do thuốc chống ung thư.
Loratadin
Loratadin có tác dụng làm nhẹ bớt triệu chứng của viêm mũi và viêm kết mạc dị ứng do giải phóng histamin. Loratadin còn có tác dụng chống ngứa và nổi mày đay liên quan đến histamin.
Lamivudin
Lamivudin là 1 thuốc tổng hợp kháng retrovirus, thuộc nhóm dideoxynucleosid ức chế enzym phiên mã ngược của virus. Lamivudin có hoạt tính kìm virus HIV typ 1 và 2.