- Trang chủ
- Sách y học
- Bệnh học và điều trị đông y
- Kinh nguyệt nhiều: điều trị theo y học cổ truyền
Kinh nguyệt nhiều: điều trị theo y học cổ truyền
Thận cũng ảnh hưởng rất lớn về nguyệt kinh. Thật vậy, Tâm chủ huyết, Tỳ thống huyết, Can tàng huyết. Mạch Can liên lạc với âm khí, quản lý phần bụng dưới.
Lâm sàng kinh nguyệt nhiều
Khi hành kinh, lượng huyết tăng lên nhiều hơn bình thường nhưng chu kỳ kinh nguyệt không thay đổi, hoặc số ngày kinh đến kéo dài làm lượng kinh tăng lên.
Bệnh danh: Nguyệt kinh quá đa, Rong kinh (hành kinh kéo dài trên 7 ngày).
Cường kinh (lượng huyết quá nhiều).
Nguyên nhân: Mạch Xung, Nhâm thất thủ, huyết hải không cố nhiếp được nên huyết kinh chảy nhiều. Các thể lâm sàng bao gồm:
Thể Huyết nhiệt
Kinh lượng nhiều, sắc màu hồng thẫm, đặc, mùi tanh hoặc có huyết cục tím.
Sắc mặt đỏ hồng, mắt có tia hồng, môi hồng khô, miệng đắng khô có nhựa, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, ngực bụng đầy tức, khó chịu, bứt rứt, cáu gắt, ngủ không yên, táo bón, tiểu vàng đục, có hoàng bạch đới.
Mạch hoạt sác.
Thể Khí hư
Khí hư không nhiếp huyết mà sinh kinh nguyệt nhiều, lượng kinh nhiều, sắc nhạt.
Sắc mặt trắng bóng hoặc vàng úa, lưỡi hồng, rêu mỏng láng, uể oải, hồi hộp, sợ sệt, đoản hơi. Mạch hư yếu.
Thể Đàm trở
Đàm nhiều, chiếm mất vị trí huyết hải vì thế mà huyết xuống nhiều.
Triệu chứng:
Lượng kinh nhiều, sắc nhạt, hơi dẻo dính.
Cơ thể mập, bứt rứt trong ngực, bụng đầy trướng, ăn ít, đàm nhiều, đới hạ, miệng lạt.
Mạch huyền hoạt.
Điều trị kinh nguyệt nhiều bằng thuốc
Phép chung: Ích khí, thanh nhiệt, cố xung, nhiếp huyết.
Thể Huyết nhiệt
Phép trị: Lương huyết, bổ huyết.
Bài thuốc sử dụng:
Bài Tam bổ hoàng (trích Nữ khoa chuẩn thằng) gồm Hoàng liên (sao) 12g, Hoàng cầm (sao) 12g, Hoàng bá (sao) 12g, Sơn chi 8g. Tán bột, trộn mật làm hoàn. Cũng bài thuốc công thức như trên còn có tên là Hoàng liên giải độc thang, có tác dụng Tả hỏa giải độc, dùng cho trường hợp hỏa nhiệt quá độ làm thần minh bách loạn, ngoài ra còn dùng để chữa mụn nhọt, riêng bài Tam bổ hoàng cả 3 vị thuốc Hoàng liên, Hoàng cầm, Hoàng bá đều sao lên có tác dụng trừ bệnh tích nhiệt ở Tam tiêu, thanh tả nhiệt ở ngũ tạng.
Thể Khí hư
Phép trị: Bổ khí, nhiếp huyết.
Bài thuốc sử dụng:
Bài Cử nguyên tiễn (trích Cảnh Nhạc Toàn Thư) gồm Nhân sâm 16g, Ngải diệp 8g, Hoàng kỳ 16g, Ô tặc cốt 6g, Chích thảo 8g, A giao 6g, Thăng ma 12g, Bạch truật 12g.
Phân tích bài thuốc:
Vị thuốc |
Tác dụng Y học cổ truyền |
Vai trò |
Nhân sâm |
Bổ nguyên khí, sinh tân dịch |
Quân |
Ngải diệp |
Điều hòa khí huyết, ôn kinh, chỉ huyết |
Thần |
Hoàng kỳ |
Bổ khí, cố biểu, tiêu độc |
Quân |
Ô tặc cốt |
Ôn kinh, chỉ huyết |
Tá |
A giao |
Tư âm bổ huyết, chỉ huyết |
Quân |
Thăng ma |
Thanh nhiệt giải độc, thăng đề |
Tá |
Bạch truật |
Kiện vị, hòa trung, táo thấp |
Tá |
Chích thảo |
Ôn trung, hòa vị |
Sứ |
Điều trị bằng châm cứu
Điều khí huyết
Chủ huyệt trên mạch Nhâm và 3 kinh âm ở chân: Can, Tỳ, Thận.
Huyệt đặc hiệu
Khí hải, Tam âm giao: Quân bình khí huyết.
Thiên xu, Quy lai: Cho kỳ kinh sớm.
Thái xung, Thái khê: Cho kỳ kinh muộn.
Thận du, Tỳ du, Túc tam lý: Cho kỳ kinh loạn.