- Trang chủ
- Sách y học
- Bệnh học và điều trị đông y
- Y học cổ truyền chứng bất lực (đông y)
Y học cổ truyền chứng bất lực (đông y)
Ngoài vai trò của tủy sống đáp ứng lại kích thích cường dương bằng sờ mó còn có vai trò quan trọng của não bộ trong việc điều hòa các kích thích thông qua phản xạ tủy.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Định nghĩa
Bất lực là tình trạng không thể đạt được sự cường dương, sự xuất tinh hoặc cả hai. Một người đàn ông bị rối loạn chức năng tình dục thường than phiền về những tình trạng như mất ham muốn, không thể khởi phát hoặc duy trì sự cường dương, không thể xuất tinh hoặc xuất tinh sớm hoặc không thể đạt được khoái cảm.
Rối loạn chức năng tình dục có thể là thứ phát do bởi một bệnh hệ thống, do bởi sự lạm dụng các loại thuốc hoặc bị một bệnh ở hệ sinh dục, tiết niệu và nội tiết hoặc chỉ do bởi tâm lý.
Cơ chế của sự cường dương
Để có thể hiểu rõ hơn cơ chế cũng như phương pháp điều trị của bệnh bất lực, một loại bệnh khá phổ biến, chiếm 52% dân số nam tuổi từ 40 - 70 (Boston). Chúng ta nên có một cái nhìn toàn cảnh về cơ chế sinh lý và bệnh lý của bệnh bất lực.
Bình thường dương vật được phân bố bởi 3 loại sợi thần kinh sau đây:
Sợi cảm giác dẫn truyền cảm giác xuất phát từ dây thần kinh lưng (dorsal nerve) của dương vật, truyền luồng cảm giác từ da dương vật và quy đầu vào đến những hạch ở rễ lưng S2 - S4 qua dây thần kinh thẹn (pudendal nerve) trong đó những sợi có tận cùng trần (free ending nerves) truyền luồng cảm giác từ quy đầu. Trong khi đó, sợi vận động dẫn truyền xung động từ tủy sống và vỏ não … sẽ khởi phát từ S3 - S4 theo dây thần kinh thẹn đến nhóm cơ ụ hang và hành hang cùng với những sợi Ʃ hậu hạch để phân bổ đến phó tinh hoàn, thừng tinh, túi tinh, cơ vòng trong của bàng quang để điều hòa sự co thắt đồng bộ nhịp nhàng của các cấu trúc này trong lúc xuất tinh.
Sợi PƩ tiền hạch xuất phát từ S2 - S4 băng qua dây thần kinh chậu đi đến tùng chậu (pelvic plexus).
Sợi Ʃ xuất phát từ vùng xám inter medio - lateral của T11 - L2 đi dọc theo chuỗi hạch Ʃ cạnh cột sống đến tùng hạ vị trên, đến thần kinh hạ vị để đi vào tùng chậu.
Những sợi thần kinh thực vật sau khi phối hợp với nhau trong tùng chậu sẽ đi đến dương vật theo thần kinh cavernuous dọc theo mặt sau bên của tiền liệt tuyến trước khi xuyên qua cơ sàn chậu ngay bên ngoài niệu đạo, cách xa niệu đạo màng nó cho ra một vài sợi đi vào thể xốp của dương vật trong khi những sợi còn lại đi vào thể hang và dọc theo những nhánh cuối của động mạch thẹn và tĩnh mạch hang.
Ngoài vai trò của tủy sống đáp ứng lại kích thích cường dương bằng sờ mó còn có vai trò quan trọng của não bộ trong việc điều hòa các kích thích thông qua phản xạ tủy: các luồng kích thích do tưởng tượng, do nhìn, do ngửi, do nghe, do thấy thông qua vỏ não, đồi thị, rhiencephalic và limbic sẽ đi đến vùng medial preoptic anterior hypothalamus, vùng này sẽ tác động như một trung tâm điều phối mà kết quả cuối cùng sẽ gây nên cường dương, trong khi phức hợp hạnh nhân (amydaloid complex) của não lại có tác dụng ngược lại.
Mặc dù hệ PƩ là yếu tố khởi phát của sự cường dương nhưng sự chuyển dạng của dương vật từ mềm sang thể cương cứng lại là hiện tượng của mạch máu. Trong tình trạng mềm (bình thường), các động mạch, tiểu động mạch và các khoảng xoang trong thể hang của dương vật đều co thắt lại dưới tác động của Ʃ trong khi những tiểu tĩnh mạch giữa xoang và densa tunica albuginea (xung quanh thể hang) lại mở ra tự do. Sự cương cứng chỉ có thể bắt đầu do sự dãn nở (sự thư giãn) các cơ trơn của các khoảng xoang, điều này sẽ đưa tới sự dãn nở của xoang và giảm kháng lực ngoại vi sẽ làm tăng nhanh luồng máu đi qua động mạch thể hang và động mach thẹn. Chính sự dãn nở của các hệ xoang sẽ chèn ép lên trên tiểu tĩnh mạch và diện tích mặt trong của densa tunica albuginea gây một tình trạng tắc nghẽn tĩnh mạch. Kết quả là sự tăng áp lực bên trong các hệ xoang sẽ gây nên sự cương cứng.
Sự cường dương xảy ra khi trương lực của các xoang do Ʃ gây ra bị đối kháng bởi PƩ (xuất phát từ S2 - S4) bởi vì chính nó đã kích thích tổng hợp và phóng thích ra nitric oxide từ nội bì các mạch máu - một chất dẫn truyền thần kinh non-adrenergic, non-cholinergic - đưa đến sự thư dãn các cơ trơn của hệ xoang. Ngoài ra người ta còn tìm thấy các neuropeptid như V.I.P hoặc calcitonin - gene - related peptid trong các mô xoang có khả năng gây căng phồng dương vật trong khi nor-epinephrine có tác dụng ngược lại.
Nếu PƩ có vai trò chủ yếu trong việc cường dương thì hệ Ʃ lại có vai trò trong sự xuất tinh và phóng tinh. Dưới sự điều hòa của hệ a - adrenergic, các phó tinh hoàn, thừng tinh, túi tinh đẩy tinh dịch đi vào niệu đạo vùng tiền liệt tuyến. Sự đóng đồng thời cổ bàng quang cùng với sự co thắt của các cơ ụ hang và hành hang sẽ phóng tinh ra ngoài. Nếu sự cường dương và phóng tinh là một hiện tượng thuộc về cơ chế sinh lý thì sự khoái cảm chỉ là một cảm giác tâm lý xảy ra trong giai đoạn co thắt nhịp nhàng của cơ đáy chậu. Nó được cảm nhận như là một cảm giác khoan khoái và có thể xảy ra ngay cả khi không có cường dương hoặc xuất tinh.
Cuối cùng là sự xìu của dương vật (sau khi xuất tinh) có lẽ là do hoạt tính trương lực của hệ mạch máu đã được khôi phục (do vai trò ưu thắng của hệ Ʃ trên hệ cơ trơn mạch máu) sẽ giảm dòng máu đến dương vật và gây nên sự làm rỗng các khoảng xoang.
Sinh lý bệnh học về bất lực
Theo y học hiện đại
Thông thường chứng bất lực (impotence) được phân loại sau đây:
Mất ham muốn:
Nguyên nhân có thể do thiếu hụt Androgen, do rối loạn tâm lý, do dùng hoặc lạm dụng thuốc gây nghiện. Sự thiếu hụt Androgen có thể đo lường được bằng lượng Testosterone và Gonadotropin / huyết tương trong khi tình trạng hypogonadism lại đưa đến sự không xuất tinh do giảm tiết tinh dịch từ túi tinh và tiền liệt tuyến.
Không cường dương:
Do giảm Testosterone rất ít gặp nhưng dễ chẩn đoán và điều trị, tuy nhiên sự giảm đến mức giới hạn của Testosterone lại không phải là nguyên nhân của sự không cường dương.
Do tăng Prolactine máu đưa đến ức chế sản xuất LHRH làm giảm Testosterone và Gonadotropine, nguyên nhân có thể là khối u ở tuyến yên hoặc do sử dụng các thuốc gây tăng sản xuất Prolactine như Oestrogen, lạm dụng Phenothiazine hay Reserpine (2% - 5% trường hợp không cường dương).
Do thuốc:
Các thuốc chống Androgen như H2 receptor antagonist có tác dụng làm tăng Prolactine cũng như Spironolacotne, Ketoconazone, trong khi Finasteride (5 a - reductase inhibitor) dùng để chữa chứng phì đại tiền liệt tuyến sẽ đồng thời làm giảm libido và rối loạn phóng tinh (10 - 12% trường hợp).
Các thuốc chống tăng huyết áp như Clonidine, Methyldopa, Quanadrel (qua tác dụng liệt Ʃ trung ương hoặc ngoại vi), β- blocker, Thiazide.
Các thuốc chống Cholinergic.
Các thuốc chống trầm cảm: loại IMAO và Tricyclic do qua tác dụng liệt Ʃ và chống cholinergic.
Các thuốc an thần, chống lo âu.
Rượu, Methadone, Heroin, thuốc lá.
Bệnh ở dương vật: Peyronie’s, Priapism, chấn thương.
Bệnh thần kinh:
Tổn thương thùy thái dương trước.
Bệnh tủy sống.
Rối loạn luồng thần kinh cảm giác: Tabès dorsalis, bệnh ở hạch và rễ sau dây thần kinh.
Giải phẫu toàn phần tiền liệt tuyến - cắt bỏ bàng quang - cắt bỏ đại tràng sigma.
Viêm đa dây thần kinh.
Bệnh mạch máu:
Hội chứng Lerich (Aortic Occlusion).
Tắc nghẽn hoặc hẹp động mạch thẹn và cavernous do xơ mỡ động mạch.
Tổn thương động mạch do chiếu tia xạ trị vùng chậu.
Rò rỉ tĩnh mạch (venous leak).
Bệnh của xoang hang.
Xuất tinh sớm:
Thường do lo âu, rối loạn cảm xúc … ít khi do thực thể.
Không xuất tinh:
Phóng tinh ngược: do giải phẫu cổ bàng quang hoặc do tiểu đường.
Thiếu hụt Androgen.
Do thuốc Guanethidine, Phenoxybenzamine, Phentolamine, Sertraline.
Không khoái cảm:
Thường do tâm lý nếu bệnh nhân vẫn có ham muốn và vẫn còn cường dương được.
Không xìu được (Priapism):
Thường phân biệt được với sự cường dương tự nhiên, đó là Priapism không hề có căng phồng quy đầu.
Nguyên nhân của Priapism có thể không biết nhưng cũng có thể phối hợp với bệnh hồng cầu liềm, bệnh bạch cầu mạn granulocyte, do tổn thương tủy sống hoặc do tiêm các thuốc dãn mạch vào dương vật.
Theo y học cổ truyền
Chứng bất lực thuộc phạm trù của chứng Di tinh, Tảo tiết và Liệt dương, Dương nuy mà cơ chế không nằm ngoài phạm vi của 2 chứng Thận âm hư và Thận dương hư.
Thận với chức năng tàng tinh (chủ yếu là tinh sinh dục), nếu do vì lo lắng căng thẳng hoặc tơ tưởng đến chuyện tình dục quá mức thì hậu quả sẽ là Mộng tinh, Tảo tiết mà bệnh cảnh lâm sàng thường biểu hiện ở các thể Tâm Thận bất giao hoặc Tướng hỏa vọng động.
Ngược lại, nếu do vì cảm nhiễm thấp nhiệt tà qua đường sinh dục tiết niệu, thì triệu chứng biểu hiện sẽ là tinh tự xuất sau khi đi tiểu hoặc là Thấp trọc.
Và bệnh kéo dài lâu ngày sẽ đưa đến Thận khí bất cố với triệu chứng hoạt tinh: tinh tự xuất khi liên tưởng đến chuyện tình dục hoặc khi gắng sức đưa đến chứng Dương nuy, Liệt dương mà bệnh cảnh lâm sàng thường biểu hiện ở dưới thể Tâm Tỳ lưỡng hư hoặc Mệnh môn hỏa suy.
Phương pháp chẩn đoán
Theo y học hiện đại
Trong phần bệnh sử:
Trước một bệnh nhân than phiền về chứng bất lực nên hỏi bệnh nhân than phiền về chứng bất lực nào, về tiền sử của bệnh đái tháo đường, các bệnh lý về thần kinh ngoại vi hoặc các rối loạn chức năng bàng quang, về chứng khập khiễng cách hồi, thời gian cường dương ban đêm (nocturnal penile - time) (trung bình kéo dài 100 phút/đêm, thường xảy ra trong thời kỳ REM của giấc ngủ).
Về phần khám thực thể:
Nên khám dương vật tìm các mảng hóa xơ ở mặt lưng dương vật (thường gặp trong bệnh Peyronie).
Nên khám tinh hoàn và hệ thống lông, vú: nếu tinh hoàn < 3,5 cm nên nghĩ tới hypogonadism, nếu thấy vú to hoặc rụng lông nên chú ý tới tình trạng tăng Prolactine.
Khám hệ động mạch bằng cách tìm tiếng thổi ở động mạch bụng, sờ động mạch dương vật, đo huyết áp tâm thu động mạch dương vật.
Có thể kết hợp Doppler với siêu âm có độ phân giải cao sau khi tiêm Alprostadil vào dương vật để đánh giá lưu lượng máu qua động mạch thể hang.
Nên tìm tinh trùng trong nước tiểu sau giao hợp nếu nghi ngờ có hiện tượng phóng tinh ngược.
Nếu bệnh nhân than phiền về chứng di tinh, hoạt tinh, nên khám kỹ tinh hoàn, phó tinh hoàn và thừng tinh để tìm khối u do lao, lậu đồng thời lấy chất tiết từ niệu đạo (sau khi xoa bóp tiền liệt tuyến hoặc thụt Nitrat bạc) để cấy tìm vi trùng lao, lậu.
Về hệ thần kinh nên khám tìm cảm giác dương vật, đánh giá trương lực cơ vòng, khám phản xạ hành hang bằng cách bóp mạnh quy đầu và nhận xét sự co thắt cơ vòng hậu môn, khám lực cơ ở ngọn chi, phản xạ gân xương 2 chân, đo cảm giác rung, cảm giác vị trí, sờ mó, đau và có thể làm điện cơ đồ phản xạ hành hang.
Và sau cùng là đo nồng độ Testosterone, LHRH, Prolactine, nếu nghi ngờ có thiểu năng tinh hoàn hoặc tăng Prolactine máu.
Theo y học cổ truyền
Chứng di tinh tảo tiết thường có những thể lâm sàng sau đây:
Tướng hỏa vọng động:
Với biểu hiện ngủ ít, hồi hộp, đầu choáng váng, dương vật hay cương, hay mộng tinh hoặc tảo tiết, miệng khô lưỡi đỏ, đau eo lưng, mạch huyền sác.
Tâm Thận bất giao:
Đầu váng, hồi hộp, tinh thần bải hoải, mộng tinh hoặc tảo tiết, hay quên, cảm giác bốc hỏa ở mặt, họng khô cổ ráo, lạnh 2 chân, tiểu đỏ ngắn, mạch tế sác.
Thận khí bất cố (Thận khí bất túc):
Thường đau lưng, ngủ ít, chóng mặt, ù tai, tinh tự xuất ra khi nghĩ đến chuyện tình dục hoặc khi gắng sức, hoặc tinh loãng, tinh ít, sợ lạnh, tay chân lạnh, sắc mặt trắng, tự hãn, tiểu trong dài, mạch trầm nhược.
Thấp trọc:
Khát nước, miệng đắng, rêu lưỡi vàng nhày, nước tiểu đỏ, tinh chảy ra sau khi tiểu hoặc mỗi sáng thấy có chất nước đục ở đầu dương vật (triệu chứng này rất rõ khi ăn những thức ăn cay nóng hoặc uống nhiều rượu, cà phê hoặc thức khuya).
Chứng dương nuy hoặc liệt dương thường được biểu hiện dưới 2 thể lâm sàng sau đây:
Tâm tỳ lưỡng hư:
Hay sợ sệt, đa nghi, thường xuyên hồi hộp, mất ngủ hoặc mộng mị, hay quên. Người mệt mỏi, sắc mặt vàng tái, ăn kém bụng đầy, tiêu lỏng, lưỡi nhợt bệu, mạch tế nhược.
Mệnh môn hỏa suy (Thận khí bất túc):
Đau lưng, ngủ ít, chóng mặt, ù tai, sợ lạnh, tay chân lạnh, sắc mặt trắng, tự hãn, tiểu trong dài, mạch trầm nhược.
Điều trị
Theo y học hiện đại
Điều trị chứng bất lực theo YHHĐ thường tập trung vào 2 hướng sau:
Mất ham muốn.
Hoặc/và rối loạn cường dương.
Và thường được chia thành những phương pháp sau đây:
Tâm lý liệu pháp.
Thuốc qua đường uống, tiêm vào thể hang, thấm qua niệu đạo, qua da.
Giải phẫu.
Cơ học liệu pháp.
Thuốc uống - Thuốc tiêm bắp:
Testosterone: Thuốc chỉ có tác dụng gây ham muốn và chỉ có hiệu quả trên bệnh nhân hypogonadism, liều sử dụng 25 mg/1 lần tiêm bắp. Nếu dùng lâu nên theo dõi kích thước tiền liệt tuyến, chức năng gan và Lipid máu.
Bromocrytine: Chỉ có hiệu quả trên chứng bất lực do hyperprolactinemia, liều tối đa mỗi ngày là 5 - 7,5 mg. Riêng đối với những bệnh nhân hyperprolactinemia do u tuyến yên (1 - 2%) nên giải phẫu.
Yohimbine: Là Indole Alkaloid, có tác dụng đối kháng 2- adrenergic receptor. Thuốc có hiệu quả trên chứng bất lực do tâm lý hoặc do nguồn gốc động mạch ở giai đoạn sớm, liều sử dụng 5 mg, ngày uống 3 lần. Thuốc có hiệu quả từ 33 - 62% trường hợp. Vài tác dụng phụ của thuốc thường là chóng mặt, hồi hộp, căng thẳng, mất ngủ, buồn nôn, nhức đầu, co cơ.
Trazodone: Là một loại thuốc chống trầm cảm có tác dụng hỗ trợ Serotonine ở trung ương và liệt giao cảm ngoại vi. Liều thường dùng 50 mg, ngày dùng 1 - 3 lần, thuốc có tác dụng cải thiện sự cường dương. Tác dụng phụ của thuốc thường là buồn ngủ, tăng huyết áp, hạ huyết áp tư thế, buồn nôn, cường dương kéo dài, thuốc có tác dụng trên 60% trường hợp.
Apomorphine: Là một opiate alcaloid, có tác dụng hỗ trợ Dopamine, tác dụng tốt nhất trên chứng bất lực do tâm lý hoặc liệt dương do cơ học ở mức độ nhẹ, liều dùng 0,25 - 1 mg qua đường ngậm hoặc tiêm dưới da, hiệu quả từ 60 - 80%. Tác dụng phụ của thuốc thường là buồn nôn, ngáp, hạ huyết áp, lừ đừ, mệt mỏi.
Phentolamine: có tác dụng hỗ trợ adrenergic, liều thường dùng 50 mg ngậm dưới lưỡi, hiệu quả trong 68% trường hợp. Tác dụng phụ của thuốc thường là nghẹt mũi, chóng mặt hoặc ngất, nóng rát ở nướu răng.
Sildefanil: Có tác dụng ức chế chọn lọc và cạnh tranh với C.GMP type 5 specific PDE2. Thông thường sự cường dương có được là nhờ sự hoạt hóa của C.GMP (thông tin bậc 2 của nitric oxide) qua đó làm thư giãn cơ trơn của các khoảng xoang và C.GMP sẽ bị phân hủy bởi C.GMP type 5 specific PDE2. Bằng sự ức chế và bất hoạt này mà Sildefanil có tác dụng gây nên sự cường dương. Tuy nhiên vì nó chỉ đạt hiệu quả khi có sự kích thích về mặt tâm lý hoặc trong lúc giao hợp, do đó nên dùng trước khi giao hợp khoảng 1 giờ với liều 50 - 70 mg.
Arginine: Là một tiền chất của nitric oxide, liều thường dùng 1.400 mg, 2 lần mỗi ngày, hiệu quả 40% trường hợp. Ngoài ra một số thuốc đối kháng với Morphine như Naloxone với liều dùng mỗi lần 50 mg hoặc uống thuốc chống trầm cảm như Fluoxetine hoặc Moclobemide cũng có tác dụng tương tự.
Ngoài ra trong trường hợp xuất tinh sớm, người ta sử dụng các thuốc Antipsychotic nhưThioridazine (Melleril) vớil liều 25 mg mỗi lần.
Thuốc tiêm vào thể hang:
Được chỉ định ở những bệnh nhân có lưu lượng động mạch bình thường và cơ chế đóng tĩnh mạch hang bình thường, nghĩa là những bệnh nhân bất lực đơn thuần do tâm lý hoặc thần kinh là đối tượng tốt nhất của phương pháp này.
Ngoài ra, phương pháp này còn chống chỉ định tuyệt đối với những bệnh nhân có bất thường về hemoglobine, rối loạn đông máu, bệnh Peyronie, Priapism, loạn tâm thần nặng và chống chỉ định tương đối trên những người giảm thị lực, béo phì và hạ huyết áp tư thế.
Trong thập niên 1980 với sự phát hiện ra Alprostadil, một chất tổng hợp PGE1 có tác dụng gây co dãn cơ trơn qua C.AMP. Người ta ghi nhận tác dụng của nó trên 75% trường hợp và có thể đạt tới 85% hiệu quả nên kết hợp với Phentolamine hoặc có thể là tới 92% nên kết hợp thêm một chất thứ ba là Papaverine. Thông thường Alprostadil với liều 1,25 - 2,5 g sẽ có tác dụng trên liệt dương do tâm lý hoặc thần kinh, và liều 5 - 10 g có hiệu quả trên liệt dương do cơ chế mạch máu. Tác dụng phụ của thuốc thường là đau tại chỗ tiêm (34%), gây cường dương kéo dài từ 4 - 6 giờ và thậm chí gây Priapism (trong trường hợp này thuốc antidole là Pseudoephedrine 60 mg), gây xơ cứng thể hang đưa đến cong dương vật.
Thuốc qua đường niệu đạo:
Thuốc sử dụng ở đây là Alprostadil với liều 50 μg.
Thuốc qua đường da:
Thường ít đạt được sự cương cứng hoàn toàn gồm có:
Glyceryl trinitrate có tác dụng trên liệt dương do tâm lý và thần kinh.
Minoxidil dung dịch 2%, liều tối đa 1 ml (0,28 mg).
Papaverine dạng gel 7,5%, 15%, 20%.
Giải phẫu:
Mục đích là giải quyết những bất lực do bệnh Peyronie gồm các phương pháp: gắn dương vật giả, thắt tĩnh mạch trong trường hợp rò rỉ tĩnh mạch và sửa chữa hệ mạch máu dương vật.
Như chúng ta biết, bệnh Peyronie là sự xơ hóa, collagen hóa lớp tunica albuginea bao quanh thể hang (kết quả từ sự phục hồi quá mức sau một chấn thương dương vật). Kết quả trên dương vật xuất hiện những mảnh xơ gây đau khi cường dương và thâm chí làm biến dạng dương vật.
Việc điều trị nội khoa như uống Colchicine, vitamine E và Potaba hoặc tiêm lên sang thương những chất như Interferone, Verapamil hoặc Cortisone chỉ đạt được một ít kết quả. Do đó mục đích giải phẫu ở đây là lóc đi những mảng xơ hoặc trong trường hợp nặng là giải phẫu gắn dương vật giả.
Trong khi đó phương pháp mạch máu được chỉ định cho những trường hợp như rò rỉ tĩnh mạch (phát hiện qua cavernoso - metry và graphy). Riêng trong trường hợp suy động mạch (phát hiện qua Duplex Doppler ultrasound và chụp động mạch thẹn chọn lọc) phương pháp giải phẫu là nối động mạch thượng vị dưới vào động mạch lưng dương vật.
Cuối cùng là phương pháp gắn dương vật giả cho những bệnh nhân đã thất bại với tất cả các phương pháp khác. Có 2 cách để áp dụng phương pháp gắn dương vật giả:
Phương pháp nonhydraulic sử dụng một que cứng để gắn vào dương vật.
Phương pháp hydraulic sử dụng những cylinder. Bộ phận này gồm có 1 máy bơm gắn vào trong bìu dái, 1 túi chứa nước dự trữ gắn vào trước bọng đái và 2 cylinder đặt vào 2 thể hang.
Dụng cụ cơ học:
Gồm 1 ống hút chân không và 1 băng cao su thắt ở gốc dương vật dùng để hạn chế sự trở về tĩnh mạch lưng dương vật của máu. Phương pháp này thường được dùng cho những liệt dương do tổn thương mạch máu và đái đường.
Theo y học cổ truyền
Đối với chứng di tinh, tảo tiết:
Phép trị của YHCT gồm những nội dung sau đây:
Thể Tướng hỏa vọng động và Tâm thận bất giao:
Phép trị: An thần định tâm cố tinh.
Nhằm mục đích chống lo âu và ức chế giao cảm trung ương.
Bài thuốc sử dụng:
Bài thuốc An thần định chí thang gia giảm (Y học tâm ngộ) gồm Sài hồ 12g, Đảng sâm 12g, Viễn chí 8g, Phục linh 8g, Long cốt 16g, Thảo quyết minh 16g, Khiếm thực 12g, Liên nhục 12g.
Phân tích bài thuốc
Vị thuốc |
Dược tính Y học cổ truyền |
Vai trò |
Khiếm thực |
Ngọt, sáp, bình. Ích thận cố tinh |
Quân |
Liên nhục |
Ngọt, sáp, bình. Ích thận cố tinh. Dưỡng tâm an thần |
Quân |
Long cốt |
Ngọt, sáp, bình. An thần sáp tinh |
Thần |
Thảo quyết minh |
Ngọt, đắng, hơi hàn. Bình can tiềm dương |
Thần |
Sài hồ |
Đắng, hơi hàn. Thoái nhiệt sơ can giải uất |
Thần |
Phục linh |
Ngọt, bình, an thần |
Tá |
Đảng sâm |
Ngọt, bình. Bổ tỳ ích khí sinh tân |
Tá |
Viễn chí |
Cay, đắng, hơi ấm. Định tâm an thần |
Tá |
Nếu trường hợp bệnh nhân bị tảo tiết do xúc động hoặc hưng phấn quá mức có thể thay Liên nhục bằng Liên tâm 12g.
Thể Thận khí bất cố (Thận khí bất túc):
Phép trị: Ôn bổ thận dương, nạp khí cố tinh.
Nhằm mục đích: ức chế giao cảm ngoại vi gây dãn cơ trơn mạch máu đến dương vật, gây trạng thái ham muốn tình dục và sinh tinh như tác dụng của Testosterone hoặc cung cấp Arginine (tiền chất của nitric oxide).
Bài thuốc sử dụng:
Bài thuốc Hữu quy hoàn gia giảm gồm Thục địa 12g, Hoài sơn 8g, Sơn thù 6g, Kỷ tử 12g, Đương quy 12g, Đỗ trọng 12g, Thỏ ty tử 8g, Phụ tử 8g, Nhục quế 12g, Cao ban long 20g, Kim anh tử 30g, Liên tu 5g.
Thể thấp trọc:
Phép trị: Thanh nhiệt lợi thấp.
Nhằm mục đích: sử dụng kháng sinh thực vật để chữa nhiễm trùng niệu sinh dục.
Bài thuốc sử dụng:
Bài thuốc Thủy lục đơn gồm Khiếm thực 30g và Kim anh tử 30g. Gia thêm Tỳ giải 16g, Hoàng bá nam 12g, Bồ công anh 20g, Khổ sâm 10g. Tốt nhất nên điều trị bằng kháng sinh y học hiện đại.
Vị thuốc |
Dược tính Y học cổ truyền |
Vai trò |
Hoàng bá |
Đắng, lạnh, thanh thấp nhiệt |
Quân |
Tỳ giải |
Đắng, bình, phân thanh khử trọc |
Thần |
Bồ công anh |
Ngọt, hàn. Thanh nhiệt, giải độc, thông lâm lợi thấp |
Thần |
Khổ sâm |
Đắng, lạnh, lợi thủy thông lâm |
Thần |
Chứng liệt dương, dương nuy:
Pháp trị của y hoicj cổ truyền sẽ tập trung vào phương pháp:
Thể Mệnh môn hỏa suy (Thận khí bất túc):
Phép trị: Ôn thận nạp khí.
Bài thuốc sử dụng: Bài Hữu quy hoàn gia giảm (xem ở trên).
Thể Tâm tỳ lưỡng hư:
Phép trị: Ôn bổ tâm tỳ.
Nhằm mục đích: bồi dưỡng thể lực và cung cấp nhiều acid amin trong đó có Arginine (một tiền chất của nitric oxide).
Bài thuốc Quy tỳ thang gồm Hoàng kỳ 12g, Bạch truật 12g, Thục địa 12g, Đảng sâm 16g, Đương quy 12g, Mộc hương 6g, Viễn chí 8g, Long nhãn 12g, Táo nhân 8g, Phục thần 8g, Đại táo 12g, Gia thêm Cao ban long 20g, Cáp giới 8g, Thục địa 12g.
Bài viết cùng chuyên mục
Bệnh học tỳ vị
Tất cả vị khí tinh ba của ngũ tạng đều từ đó mà có, Thiên Linh Lan bí điển luận viết Tỳ Vị giã, thương lẫm chi quan, ngũ vị xuất yên..
Y học cổ truyền tăng huyết áp nguyên phát (đông y)
Tăng huyết áp ác tính chiếm 2 - 5% các trường hợp tăng huyết áp. Tất cả các loại tăng huyết áp do nguyên nhân khác nhau đều có thể chuyển thành tăng huyết áp ác tính.
Y học cổ truyền viêm đa dây thần kinh (đông y)
Phần lớn các trường hợp là tổn thương sợi trục dẫn đến bệnh cảnh rối loạn cảm giác, hoặc rối loạn cảm giác vận động, rất hiếm khi chỉ biểu hiện rối loạn vận động.
Chức năng sinh lý tạng tâm (tâm bào, phủ tiểu trường, phủ tam tiêu)
Tâm thuộc Thiếu Âm, thuộc hành Hỏa, Tâm đứng đầu 12 khí quan nên gọi là Thiếu Âm quân chủ, Tâm có Tâm âm là Tâm huyết, Tâm dương là Tâm khí, Tâm hỏa.
Bì phu nham (ung thư da)
Bì phu nham phát sinh và phát triển chủ yếu là do hỏa độc ngoại xâm tỳ trệ mất kiện vận, thấp trọc nội sinh dẫn đến khí trệ hỏa uất
Bệnh học ngoại cảm lục dâm: tỳ vị thấp nhiệt
Ngoài tính chất của thử (nhiệt) tà là làm hao khí, tổn hao tân dịch và thấp tà làm trở trệ hoạt động của khí đưa đến ngăn trở hoạt động công năng của Ty Vị và làm hao tổn tân dịch của Vị
Y học cổ truyền xơ gan (đông y)
Hình ảnh lâm sàng của xơ gan xuất phát từ những thay đổi hình thái học sẽ phản ảnh mức độ trầm trọng của tổn thương hơn là nguyên nhân của các bệnh đưa tới xơ gan.
Kinh nguyệt không định kỳ: điều trị theo y học cổ truyền
Các nguyên nhân trên làm cho khí huyết của mạch Xung, mạch Nhâm và Bào cung mất điều hòa, mà gây nên những rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.
Phế nham (ung thư phế quản)
Phế nham thời kỳ sau: dùng các thuốc tây y không hiệu qủa; điều trị thuốc Trung y lại thấy không ít bệnh nhân tiến triển đột biến tốt, thời gian sống thêm tương đối dài.
Tiết niệu kết thạch (sỏi hệ thống tiết niệu)
Xét nghiệm nước tiểu có vi khuẩn niệu, tế bào mủ; định lượng can - xi niệu, systin niệu, axit uric niệu và tồn cặn oxalat, phosphat... Nếu có protein niệu là có viêm thận - bể thận.
Y học cổ truyền rối loạn hấp thu (đông y)
Tiêu phân mỡ 10 - 40 g/ngày, sinh thiết ruột non cho thấy dãn nở hệ bạch dịch và lacteat trong lớp lamina propia, các nhung mao có hình như dùi trống.
Kinh nguyệt nhiều: điều trị theo y học cổ truyền
Thận cũng ảnh hưởng rất lớn về nguyệt kinh. Thật vậy, Tâm chủ huyết, Tỳ thống huyết, Can tàng huyết. Mạch Can liên lạc với âm khí, quản lý phần bụng dưới.
Bệnh học ngoại cảm lục dâm: nhiệt kết bàng quang (thấp nhiệt bàng quang)
Bài thứ nhất có xuất xứ từ Chứng trị chuẩn thằng, dùng tả Can hỏa và tư âm huyết. Bài thứ 2 xuất xứ từ Y tông kim giám, dùng trị mục nhọt vùng eo lưng.
Y học cổ truyền liệt mặt nguyên phát (đông y)
Sau khi rời thân não, dây thần kinh mặt, có kèm theo dây phụ Wrisberg, động mạch và tùng tĩnh mạch, chạy xuyên qua xương đá trong một ống xương: vòi Fallope.
Tâm giao thống (xơ vữa động mạch vành)
Ngực đầy tức, đau trước ngực tâm quí, đoản khí, sắc mặt nhợt nhạt, gầy gò, vô lực, sợ lạnh, chi lạnh, tự hãn, ngủ không yên, ăn kém, tiểu tiện trong dài, đại tiện lỏng nát, lưỡi bệu nhợt mềm.
Bệnh học và điều trị ngoại cảm ôn bệnh
Khí cũng là dạng vật chất cơ bản để tạo thành và duy trì sự sống của con người. Nó tồn tại trong các tổ chức tạng phủ và thông qua các hoạt động cơ năng của tạng phủ để phản ảnh ra ngoài.
Y học cổ truyền xơ vữa động mạch
Trong một thời gian dài, tiến triển của xơ vữa động mạch rất yên lặng, không triệu chứng và đơn thuần chỉ là những thay đổi về giải phẫu.
Y học cổ truyền mỡ máu tăng cao
Do mỡ dạng hoà tan trong huyết tương hoặc kết hợp mỡ hòa tan với albumin để vận chuyển đi toàn thân gọi là chứng mỡ.
Bệnh học ngoại cảm lục dâm: vị nhiệt úng thịnh
Nhiệt tà phạm Vị làm tiêu hao tân dịch, khô khát, lở miệng, tiểu sẻn. Đồng thời, nhiệt tà làm bức huyết, chảy máu răng miệng, Vị lạc với Tâm, Thần minh nên gây bức rức, cuồng sảng.
Bệnh học phế đại trường
Chức năng của Đại trường là tống chất cặn bã ra ngoài. Linh lan bí điển luận/Tố vấn viết: “Đại trường giả tiền đạo chi quan, biến hóa xuất yên”.
Y học cổ truyền viêm phế quản (đông y)
Có thể gặp viêm phế quản cấp ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu là ở trẻ em và người cao tuổi. Thường gặp viêm phế quản cấp khi trời lạnh hoặc khi thay đổi thời tiết đột ngột.
Bệnh chứng tâm tiểu trường
Tâm huyết uất trệ là bệnh cảnh đặc biệt do 1 biểu hiện thực chứng trên nền tảng hư chứng. Đó là cơ thể có sẵn khí hư hoặc dương hư sinh ra đờm trọc, đờm trọc ngưng tụ làm ảnh hưởng đến sự vận hành chu lưu toàn thân của Huyết.
Y học cổ truyền đau dây thần kinh tọa
Đau dây thần kinh tọa được định nghĩa là một hội chứng thần kinh có đặc điểm chủ yếu là đau dọc theo lộ trình của dây thần kinh tọa và các nhánh của nó, nguyên nhân thường do bệnh lý đĩa đệm ở phần thấp của cột sống.
Bệnh học ngoại cảm lục dâm: táo khí thương phế
Táo tà là dương tà có tính chất làm thương tổn âm dịch của Phế, do đó khi Phế âm bị thương tổn thì Phế khí cũng bị thương tổn theo.
Y học cổ truyền hen phế quản (đông y)
Có thể có triệu chứng báo hiệu hắt hơi, sổ mũi, ho khan, tức ngực, Chủ yếu khó thở thì thở ra, cơn nặng phải ngồi chống tay, há miệng thở, cơn có thể kịch phát hoặc liên tục.