- Trang chủ
- Sách y học
- Sinh lý y học
- Dịch não tủy và chức năng đệm của nó
Dịch não tủy và chức năng đệm của nó
Chức năng chính của dịch não tủy là lót đệm cho não trong hộp sọ cứng. Não và dịch não tủy có cùng trọng trượng riêng (chỉ khác biệt 4%), do đo não nổi trong dịch não tủy.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Toàn bộ khoang bao quanh não và tủy sống có dung tích khoảng 1600 đến 1700 ml. Khoảng 150ml dung tích bị chiếm chỗ bởi dịch não tủy và phần còn lại bởi não và tủy sống. Lượng dịch này có mặt trong các não thất, bể quanh não và trong khoang dưới nhện bao quanh não và tủy sống. Các khoang đó thông nối với nhau và áp suất dịch được duy trì ở mức hằng định đáng ngạc nhiên.
Hình. Các mũi tên cho thấy đường đi của dòng dịch não tủy từ các đám rối màng mạch trong não thất bên đến các nhung mao màng nhện nhô vào xoang màng cứng.
Chức năng chính của dịch não tủy là lót đệm cho não trong hộp sọ cứng. Não và dịch não tủy có cùng trọng trượng riêng (chỉ khác biệt 4%), do đo não nổi trong dịch não tủy. Nhờ đó, một cú đập vào đầu, nếu không quá mạnh, làm não chuyển động cùng với hộp sọ, và không gây biến dạng bất cứ phần nào của não.
Khi một cú đập vào đầu quá mạnh, nó có thể không gây tổn thương vùng não phía bị đập mà lại gây tổn thương bên đối diện. Hiện tượng này gọi là “contrecoup”, và lý do cho hiện tượng này là: Khi xảy ra va chạm, dịch não tủy phía va chạm không chịu nén ép khi hộp sọ di chuyển, do đó dịch não tủy đẩy não di chuyển cùng với hộp sọ. Ở phía đối diện, chuyển động đột ngột của hộp sọ khiến nó bị kéo xa khỏi não trong thoáng chốc do quán tính của bộ não, tạo ra một khoảng chân không trong hộp sọ ở vị trí đối diện cú đập. Sau đó khi hộp sọ ngừng di chuyển, khoảng chân không đột ngột xẹp xuống và não đập vào bề mặt phía trong của hộp sọ.
Cực và mặt dưới thùy trán và thùy thái dương, nơi não tiếp xúc với các ụ xương của nền sọ, thường xuyên bị tổn thương và đụng dập sau những cú đập mạnh vào đầu, ví dụ như trường hợp các võ sĩ đấm bốc. Nếu đụng dập ở cùng bên lực tác động thì gọi là tổn thương cùng bên; nếu đụng dập ở bên đối diện thì gọi là tổn thương đối bên.
Tổn thương cùng và đối bên cũng có thể gây ra bới sự tăng hoặc giảm tốc đột ngột mà không có mặt tác động vật lý do một cú đánh vào đầu. Trong trường hợp đó, não có thể va vào thành hộp sọ gây tổn thương cùng bên rồi văng vào thành đối diện gây tổn thương đối bên. Những tổn thương đó có thể xảy ra trong “hội chứng rung lắc ở trẻ em” hoặc đôi khi trong tai nạn xe cộ.