Phytomenadion

2011-06-06 05:04 PM

Bình thường, vi khuẩn ruột tổng hợp đủ vitamin K. Ðiều trị phòng ngừa cho trẻ sơ sinh được khuyến cáo dùng với liều 1 mg vitamin K1 (phytomenadion) ngay sau khi sinh.

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Tên quốc tế: Phytomenadione.

Loại thuốc: Vitamin (thuộc nhóm K).

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén hoặc viên bao đường 2 mg, 5 mg và 10 mg.

Ống tiêm 1 mg/0,5 ml, 5 mg/1 ml , 10 mg/1 ml, 20 mg/1 ml.

Dung dịch tiêm phytomenadion từ trong suốt đến màu vàng xanh mờ. Thuốc còn chứa dầu thầu dầu đã polyethoxy hóa, glucose, alcol benzylic và nước pha tiêm.

Lọ 1 mg/10 ml cho trẻ sơ sinh.

Tác dụng

Bình thường, vi khuẩn ruột tổng hợp đủ vitamin K. Ðiều trị phòng ngừa cho trẻ sơ sinh được khuyến cáo dùng với liều 1 mg vitamin K1 (phytomenadion) ngay sau khi sinh.

Trường hợp thiếu vitamin K vừa phải do hấp thu kém, tắc mật, hoặc do dùng thuốc kháng sinh, cần uống 10 - 20 mg/ngày.

Trường hợp thiếu vitamin K nghiêm trọng do tắc mật hoặc do tạng xuất huyết, cần tiêm vitamin K1 với liều 10 - 20 mg/ngày.

Khi bị tắc mật, vitamin K không được hấp thu tốt, do đó, nồng độ các yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K sẽ giảm (các yếu tố II, VII, IX và X) nên gây ra xuất huyết.

Khi tiêm tĩnh mạch quá nhanh, vitamin K có thể gây nóng bừng, toát mồ hôi, co thắt phế quản, nhịp tim nhanh và hạ huyết áp.

Vitamin K là một thành phần quan trọng của hệ enzym gan tổng hợp ra các yếu tố đông máu như prothrombin (yếu tố II), các yếu tố VII, IX và X, và các protein C và protein S. Khi điều trị bằng các thuốc chống đông kiểu coumarin, vitamin K bị đẩy ra khỏi hệ enzym này, làm giảm sự sản xuất các yếu tố đông máu. Vì đây là kiểu thay thế cạnh tranh nên nồng độ cao vitamin K có thể hồi phục lại sự sản sinh ra các yếu tố đông máu. Do đó vitamin K1 là một thuốc giải độc khi dùng quá liều warfarin hoặc các thuốc chống đông kiểu coumarin.

Chỉ định

Xuất huyết và nguy cơ xuất huyết tăng do giảm prothrombin huyết.

Xuất huyết do điều trị thuốc loại coumarin.

Giảm vitamin K trong trường hợp ứ mật, bệnh gan, bệnh ở ruột hoặc sau khi điều trị dài ngày bằng các kháng sinh phổ rộng, sulfonamid hay các dẫn chất của acid salicylic.

Chống chỉ định

Người bệnh quá mẫn với phytomenadion hoặc một thành phần nào đó của thuốc.

Không được tiêm bắp trong các trường hợp có nguy cơ xuất huyết cao.

Thận trọng

Phytomenadion có thể gây tan huyết ở những người có khuyết tật di truyền là thiếu glucose - 6 - phosphat dehydrogenase.

Dùng liều cao cho người bị bệnh gan nặng có thể làm suy giảm thêm chức năng gan.

Liều dùng cho trẻ sơ sinh không nên vượt quá 5 mg trong các ngày đầu khi mới chào đời, vì hệ enzym gan chưa trưởng thành.

Dầu thầu dầu đã polyethoxy hóa có trong thuốc tiêm phytomenadion có thể gây phản ứng nặng kiểu phản vệ. Dầu này khi dùng nhiều ngày cho người bệnh cũng có thể sinh ra lipoprotein bất thường, làm thay đổi độ nhớt của máu và làm kết tập hồng cầu.

Trong trường hợp xuất huyết nặng, cần thiết phải truyền máu toàn phần hoặc truyền các thành phần của máu.

Thời kỳ mang thai

Phytomenadion qua nhau thai ít.

Phytomenadion không độc ở liều dưới 20 mg.

Do đó, phytomenadion là thuốc được chọn để điều trị giảm prothrombin - huyết ở mẹ và phòng ngừa được bệnh xuất huyết ở trẻ sơ sinh (BXHSS). Việc bổ sung vitamin K cho người mẹ là không cần, trừ khi có nguy cơ thiếu vitamin K. Một thực đơn hàng ngày trong thai kỳ nên có 45 microgam phytomenadion.

Thời kỳ cho con bú

Nồng độ phytomenadion trong sữa mẹ thường thấp. Hầu hết các mẫu sữa đều chứa dưới 20 nanogam/ml, nhiều mẫu dưới 5 nanogam/ml.

Mặc dù không phải tất cả, nhưng rất nhiều trẻ sơ sinh thiếu vitamin K là do ít vitamin K chuyển qua nhau thai. Chỉ bú mẹ thôi sẽ không ngừa được sự giảm sút thêm vitamin K dự trữ vốn đã thấp này và có thể phát triển thành thiếu vitamin K trong 48 - 72 giờ.

Người mẹ dùng một số thuốc như thuốc chống co giật, warfarin hoặc thuốc chống lao có thể gây BXHSS điển hình và sớm, trái lại, bú mẹ được coi là một căn nguyên của BXHSS điển hình và muộn. Dùng phytomenadion cho trẻ sơ sinh ngừa được BXHSS do ngăn cản được các yếu tố II, VII, IX và X tiếp tục giảm sút.

Tóm lại, hàm lượng vitamin K tự nhiên trong sữa mẹ quá thấp không bảo vệ được trẻ sơ sinh khỏi thiếu hụt vitamin K, dẫn đến bệnh xuất huyết. Có thể dùng vitamin K cho mẹ để làm tăng nồng độ trong sữa, nhưng cần nghiên cứu thêm. Nên tiêm cho tất cả trẻ sơ sinh 0,5 - 1,0 mg phytomenadion để phòng ngừa. Có thể cần liều lớn hơn hoặc phải tiêm lặp lại cho trẻ, nếu mẹ dùng thuốc chống co giật hoặc thuốc uống chống đông.

Tác dụng phụ và xử trí

Hiếm gặp các tác dụng không mong muốn.

Uống có thể gây khó chịu đường tiêu hóa, kể cả buồn nôn và nôn.

Tiêm, đặc biệt là đường tĩnh mạch có thể gây nóng bừng, toát mồ hôi, hạ huyết áp, chóng mặt, mạch yếu, hoa mắt, tím tái, phản ứng dạng phản vệ, dị ứng, vị giác thay đổi. Liều lớn hơn 25 mg có thể gây tăng bilirubin huyết ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ đẻ non. Tiêm tĩnh mạch cũng có thể gây các phản ứng nặng kiểu phản vệ (thậm chí ở cả người bệnh chưa từng dùng thuốc), dẫn đến sốc, ngừng tim, ngừng hô hấp và chết.

Phytomenadion gây kích ứng da và đường hô hấp. Dung dịch thuốc có tính gây rộp da.

Hiếm gặp: Phản ứng da tại chỗ.

Nên tiêm bắp hoặc dưới da. Nếu buộc phải tiêm tĩnh mạch, thì pha loãng thuốc bằng dung dịch natri clorid 0,9% hoặc dung dịch dextrose 5% rồi truyền tĩnh mạch rất chậm, không quá 1 mg/phút; thuốc có thể được tiêm vào đoạn dưới của bộ tiêm truyền dung dịch natri clorid 0,9% hoặc dung dịch dextrose 5%.

Khi thấy phản ứng dạng phản vệ, cần tiêm bắp 0,5 - 1 ml dung dịch epinephrin 0,1% ngay tức khắc, sau đó tiêm tĩnh mạch glucocorticoid. Có thể tiến hành thêm biện pháp thay thế máu.

Cần kiểm tra đều đặn thời gian prothrombin để điều chỉnh liều, khoảng cách liều và thời gian điều trị.

Khi điều trị người bệnh suy gan, cần chú ý là một số chế phẩm của phytomenadion có acid glycocholic.

Liều lượng và cách dùng

Xuất huyết nhẹ hoặc có khuynh hướng xuất huyết.

Tiêm bắp 10 - 20 mg hoặc uống 5 - 10 mg. Có thể dùng liều thứ hai lớn hơn nếu không thấy hiệu quả trong vòng 8 - 12 giờ. Nói chung, nên tạm thời không dùng thuốc chống đông đường uống.

Xuất huyết nặng do ứ mật hoặc nguyên nhân khác: Tiêm truyền tĩnh mạch chậm (1 mg/phút) 10 mg (đến 20 mg) phytomenadion.

Xuất huyết đường tiêu hóa hoặc trong sọ, đe dọa tính mạng: Truyền máu hoặc huyết tương tươi cùng với phytomenadion.

Xuất huyết hoặc dọa xuất huyết ở trẻ sơ sinh và đẻ non.

Phòng bệnh: 0,5 - 1 mg (1/2 đến 1 lọ 1 mg), tiêm bắp ngay sau khi đẻ.

Ðiều trị: 1 mg/kg (1 - 5 lọ 1 mg)/ngày, tiêm bắp trong 1 - 3 ngày (có thể cho trẻ uống trong sữa vào ngày thứ hai và thứ ba).

Nhiễm độc cấp thuốc chống đông đường uống.

Tiêm truyền tĩnh mạch chậm 10 - 20 mg phytomenadion, sau đó uống. Theo dõi đều đặn (3 giờ sau) trị số prothrombin cho đến khi đông máu trở lại bình thường. Nếu vẫn chưa có đáp ứng đủ, nên dùng tiếp. Không được tiêm truyền tĩnh mạch quá 40 mg phytomenadion trong 24 giờ. Nếu người bệnh dùng thuốc chống đông dicumarol trong phẫu thuật, phytomenadion có thể làm mất tác dụng chống đông. Nếu lại xảy ra huyết khối trong khi dùng phytomenadion, mà việc điều trị chống đông lại phải chuyển cho thày thuốc khác, thì phải thông báo rõ là người bệnh đã dùng phytomenadion.

Tương tác

Dicumarol và các dẫn chất có tác dụng đối kháng với vitamin K. Các chất chống đông có thể giảm hoặc mất tác dụng khi dùng với vitamin K. Do đó có thể dùng vitamin K làm chất giải độc khi bị quá liều.

Khi bị giảm prothrombin huyết do dùng gentamicin và clindamycin thì người bệnh không đáp ứng với vitamin K tiêm truyền tĩnh mạch.

Bảo quản

Phytomenadion cần tránh ánh sáng và bảo quản ở dưới 30 độ C. Không được bảo quản lạnh thuốc tiêm phytomenadion. Không được dùng thuốc tiêm đã bị tách pha hoặc có xuất hiện các giọt dầu.

Tương kỵ

Thuốc tiêm phytomenadion có thể hòa loãng trong dung dịch natri clorid 0,9% hoặc glucose 5%. Chất bảo quản alcol benzylic gây độc cho trẻ sơ sinh. Phải dùng ngay sau khi pha loãng và phải vứt bỏ phần đã pha cũng như phần thuốc trong ống tiêm không dùng đến.

Quá liều và xử lý

Phytomenadion có thể kháng nhất thời các chất chống đông ức chế prothrombin, đặc biệt khi dùng liều lớn phytomenadion. Nếu đã dùng liều tương đối lớn phytomenadion, thì có thể phải dùng liều thuốc chống đông ức chế prothrombin lớn hơn liều bình thường một ít, hoặc dùng một chất tác dụng theo cơ chế khác như heparin natri. 

Bài viết cùng chuyên mục

Pantoloc

Nói chung, không nên dùng Pantoloc cho các trường hợp có tiền sử nhạy cảm với một trong các thành phần của Pantoloc hoặc với thuốc dùng phối hợp cùng Pantoloc.

Phenoxymethyl penicillin

Phenoxymethyl penicilin, được dùng tương tự như benzylpenicilin, trong điều trị hoặc phòng các nhiễm khuẩn, gây ra bởi các vi khuẩn nhạy cảm.

Polyethylene Glycol/Electrolytes & Bisacodyl

Thuốc nhuận tràng thẩm thấu Polyethylene Glycol/Electrolytes & Bisacodyl được sử dụng để làm sạch ruột như một sự chuẩn bị cho nội soi ở người lớn.

Pyrethrins/piperonyl butoxide

Pyrethrins/piperonyl butoxide điều trị chấy rận ở đầu, cơ thể và mu. Tên khác: RID Shampoo, Klout Shampoo, Pronto Shampoo, RID Mousse, A-200 Shampoo, Tisit Gel, Tisit Lotion, và Tisit Shampoo.

Prasugrel

Prasugrel là thuốc kháng tiểu cầu có tác dụng ngăn chặn các tiểu cầu trong máu kết tụ và hình thành cục máu đông,  sử dụng để ngăn ngừa cục máu đông ở những người mắc hội chứng mạch vành cấp.

Pyrazinamid

Pyrazinamid là một thuốc trong đa hóa trị liệu chống lao, chủ yếu dùng trong 8 tuần đầu của hóa trị liệu ngắn ngày. Pyrazinamid có tác dụng diệt trực khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis),

Papulex Moussant Soap Free Cleansing

Thành phần gồ nước, decyl glucoside, glycerin, cocamidopropyl, hydroxysultane, niacinamide, PPG 14 Palmeth-60 Hexyl Dicarbamate, TEA lauryl sulfate, sorbitol.

Propylthiouracil (PTU)

Propylthiouracil (PTU) là dẫn chất của thiourê, một thuốc kháng giáp. Thuốc ức chế tổng hợp hormon giáp bằng cách ngăn cản iod gắn vào phần tyrosyl của thyroglobulin.

Quetiapin Stada: thuốc điều trị bệnh rối loạn tâm thần

Quetiapin fumarat là một thuốc trị chứng loạn tâm thần không điển hình thuộc nhóm dibenzothiazepin. Thuốc có ái lực với thụ thể serotonin (5-HT2), histamin (H1) và α1-, α2-adrenergic cũng như với các thụ thể D1-, D2-dopamin.

Promethazine/Codeine

Promethazine / Codeine là thuốc kê đơn dùng để điều trị ho và các triệu chứng ở đường hô hấp trên liên quan đến dị ứng hoặc cảm lạnh thông thường.

Propylhexedrine

Nhóm thuốc: Thuốc thông mũi. Propylhexedrine là thuốc không kê đơn (OTC) được sử dụng để điều trị nghẹt mũi.

Pariet

Có thể dùng lúc đói hoặc no. Có thể uống bất cứ lúc nào trong ngày, tốt nhất buổi sáng trước khi ăn nếu dùng 1 lần/ngày. Nuốt nguyên viên, không nhai hoặc nghiền nát.

Potassium bicarbonate/potassium citrate

Potassium bicarbonate/potassium citrate ngăn ngừa và điều trị hạ kali máu và ở những bệnh nhân mắc bệnh thận mãn hoặc tình trạng suy giảm bài tiết kali cần phải theo dõi cẩn thận.

Procoralan: thuốc điều trị bệnh động mạch vành

Điều trị bệnh động mạch vành. Điều trị triệu chứng đau thắt ngực ổn định mãn tính cho những bệnh nhân là người lớn có bệnh động mạch vành với nhịp xoang bình thường.

Prevacid

Lansoprazole được đào thải hoàn toàn sau khi được biến đổi sinh học chủ yếu ở gan. Các sản phẩm chuyển hóa của lansoprazole không có hoạt tính cũng như không có độc tính, được đào thải chủ yếu ở mật.

Posaconazol

Posaconazol là một loại thuốc kê đơn dùng để điều trị các triệu chứng của Aspergillus xâm lấn, nhiễm trùng Candida và bệnh nấm candida hầu họng.

Pediasure

Bột PediaSure khi pha với nước, cung cấp nguồn dinh dưỡng đầy đủ và cân đối cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi. Có thể dùng PediaSure như nguồn dinh dưỡng thay thế bữa ăn.

Pyrantel

Pyrantel là một thuốc diệt giun có hiệu quả cao với giun kim, giun đũa, giun móc, giun mỏ, giun Trichostrongylus colubriformis và T. orientalis.

Kali Phosphates IV

Thuốc bổ sung điện giải. Kali Phosphates IV là thuốc kê đơn dùng để điều trị chứng hạ phosphat máu.

Papulex Gel

Da bị mụn trứng cá. Chăm sóc tăng cường trong trường hợp mụn khu trú, giúp ngăn ngừa mụn trên mặt và những vùng da hẹp khác. Thoa nhẹ nhàng một lượng gel nhỏ lên vùng da bị mụn.

Petrimet MR

Ở những bệnh nhân thiếu máu tim cục bộ, trimetazidine hoạt động như một chất chuyển hóa, giúp bảo tồn mức năng lượng phosphate nội bào cao trong tế bào cơ tim.

Procarbazin

Thuốc có tác dụng bằng cách ức chế tổng hợp protein, RNA và DNA. Procarbazin có thể ức chế sự chuyển nhóm methyl của methionin vào t - RNA.

Protoloc

Omeprazole là một hợp chất chống tiết, không có tác dụng kháng phó giao cảm của chất đối kháng histamine H2, nhưng có tác dụng ngăn chặn tiết acid dạ dày.

Prochlorperazine

Nhóm thuốc: Thuốc chống loạn thần, thế hệ thứ nhất. Prochlorperazine là một loại thuốc kê đơn dùng để điều trị chứng lo âu hoặc tâm thần phân liệt.

Pharmatex

Benzalkonium chlorure đồng thời vừa là thuốc diệt tinh trùng vừa là thuốc sát trùng. Chất này phá vỡ màng của tinh trùng. Trên phương diện dược lý, tác dụng diệt tinh trùng chia làm hai giai đoạn.