Sâm việt nam (Sâm ngọc linh, Rhizoma et Radix Panacis vietnamensis)

2014-11-02 08:53 AM
Bổ khí, bổ phế. Chủ trị: Cơ thể suy nhược, phế hư viêm họng, đau họng.

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Thân rễ và rễ củ đã phơi hay sấy khô của cây Sâm Việt Nam (Panax vietnamensis Ha et Grushv.), họ Nhân sâm (Araliaceae).

Mô tả

Thân rễ thường nhiều đốt, cong ngoằn ngoèo, ít khi có hình trụ thẳng, dài 3-15 cm, đường kính 0.5-1.5 cm. Mặt ngoài màu nâu hay màu vàng xám, có những vết nhăn dọc, mảnh; những vết vân ngang nổi rõ chia thân rễ thành nhiều đốt, đặc biệt có nhiều sẹo do thân khí sinh hàng năm tàn lụi để lại. Thể chất cứng chắc, giòn, dễ bẻ, mặt bẻ lởm chởm, màu xám nhạt. Mùi thơm nhẹ đặc trưng, vị đắng, hơi ngọt.

Rễ củ có dạng hình con quay dài 2.4 - 4 cm, đường kính 1.5 - 2 cm (ở cây mọc hoang), thường hợp thành bó 2 - 4 rễ củ hình thoi, đôi khi có rễ trụ dài (ở cây trồng). Rễ củ có màu nâu nhạt, có những vân ngang và nốt các rễ con. Thể chất nạc, chắc, khó bẻ gãy. Vị đắng, hơi ngọt.

Vi phẫu

Thân rễ: lớp bần gồm 4 - 6 hàng tế bào hình chữ nhật, thành hơi cong, màu lục, lớp ngoài thường bị bong rách ra. Mô mềm vỏ gồm những tế bào hình nhiều cạnh thường dày lên ở góc, chứa nhiều ống tiết và tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Tầng sinh libe-gỗ liên tục, các bó libe-gỗ có dạng hình thoi, phân cách nhau bởi tia tủy rộng. Gỗ gồm những tế bào thành dày, đặt trong mô mềm gỗ ít hóa gỗ. Ruột cấu tạo bởi các tế bào có thành dày lên ở góc hay để hở những khoảng gian bào, ống tiết thường ở vị trí ứng với các bó libe-gỗ ở cả phía trong lẫn phía ngoài.

Rễ củ: lớp bần gồm 4 - 7 lớp tế bào hình chữ nhật, các lớp ngoài thường bị bong ra. Mô mềm vỏ rộng, chiếm một nửa bán kính của rễ; gồm nhiều tế bào màng mỏng, kích thước và hình dạng thay đổi, chứa nhiều ống tiết và tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Ống tiết chứa chất tiết màu nâu đen hay vàng nâu tập trung ở vùng libe và xếp thành nhiều vòng. Tầng sinh libe - gỗ liên tục gồm một lớp tế bào hình chữ nhật dẹt. Libe - gỗ xếp thành từng bó riêng lẻ, kéo dài theo hướng xuyên tâm. Tế bào gỗ thành dày, mô mềm gỗ không hóa gỗ. Tia tủy rộng gồm nhiều tế bào xếp theo hướng xuyên tâm.

Bột

Màu vàng nâu. Soi kính hiển vi thấy: những hạt tinh bột riêng lẻ hay hợp thành đám, hình bầu dục, hình cầu, kích thước không đều, rốn hạt là một vạch. Mảnh bần với những tế bào hình nhiều cạnh, thành dày màu vàng nâu. Mảnh mô mềm gồm những tế bào màng mỏng, màu trắng hay vàng nhạt. Mảnh mạch vạch, mạch mạng. Rải rác có chất tiết màu vàng nâu hay nâu đen. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai hay hình khối.

Định tính

A. Lấy 1g bột dược liệu, cho thêm 5 ml methanol (TT). Đun cách thủy trong 10 phút, để nguội, lọc, được dịch chiết A.

Cho vào ống nghiệm vài giọt dịch chiết A, thêm 3 - 5 ml nước cất, lắc đều, cột bọt cao và bền đến 15 phút sau.

Cho vào ống nghiệm 0.5 ml dịch chiết A, cô đến cắn. Thêm dung dịch stibi triclorid bão hòa trong cloroform (TT), khuấy đều. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại, dung dịch có huỳnh quang xanh.

B. Phương pháp sắc kí lớp mỏng.

Bản mỏng: Silica gel G

Dung môi khai triển: Cloroform : methanol : nước (65:35:10, lớp dưới).

Dung dịch thử: dùng dịch chiết A.

Dung dịch đối chiếu: hòa 1 mg majonosid R2 trong 1 ml methanol để làm chuẩn.

Cách tiến hành: chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 µl cho mỗi dung dịch thử và majonosid R2. Sau khi khai triển xong, lấy bản mỏng ra để khô ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch acid sulfuric 10% trong ethanol (TT). Sấy bản mỏng ở 110 0C trong 10 phút. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có một vết chính màu hồng tím đậm và có giá trị Rf tương đương với majonosid R2 ở dưới ánh sáng thường và cho phát quang vàng dưới ánh sáng tử ngoại (365 nm).

Định lượng

Cân chính xác 1 g bột dược liệu, cho vào bình tam giác và chiết với methanol (20 x 15 x 15ml) ở 70 0C trong bể rửa siêu âm. Gộp các dịch chiết lại, cô cách thủy đến cắn, hoà lại với 5 ml nước cất và cho vào cột chứa Diaion HP 20 theo tỷ lệ 1: 4 (thể tích/thể tích). Để yên trong 1 giờ, rửa với nước cho đến khi dịch rửa không còn phản ứng với thuốc thử Fehling (TT). Tiếp tục rửa với methanol (TT) đến khi lấy kiệt saponin ( kiểm tra bằng cách lấy 0,5 ml dịch rửa, cô đến cắn hoà với 0,1 ml methanol (TT) và chấm thành một vết trên bản mỏng; phun dung dịch acid sulfuric 10% (TT), sấy ở 110 0C trong 10 phút nếu không thấy hiện vết hồng tím là được). Dịch methanol  thu được qui vào bình định mức 10 ml, sau đó cho vào 3 ống nghiệm cùng kích cỡ mỗi ống 0,02 ml và cô cách thủy đến cắn. Thêm chính xác 0,5 ml methanol (TT), lắc đều các ống nghiệm để hòa tan cắn, cho tiếp vào mỗi ống nghiệm chính xác 0,5 ml dung dịch vanillin 8% trong ethanol và 5 ml dung dịch acid sulfuric 72%. Trong suốt qúa trình cho thuốc thử, các ống nghiệm được ngâm trong nước đá; lắc đều các ống nghiệm và đặt các ống nghiệm vào bếp cách thủy ở 60 oC trong 10 phút, rồi làm lạnh trong cốc nước đá. Các ống nghiệm được để trong tủ lạnh 1 giờ trước khi đo quang. Tiến hành đo quang ở bước sóng l = 544 nm. Các tính toán dựa trên phương trình đường chuẩn với chất chuẩn ginsenosid-Rg1: cân chính xác 1 mg ginsenosid-Rg1 chuẩn, cho vào bình định mức 10 ml và thêm methanol  (TT) đến vạch. Lập một giai mẫu có nồng độ từ 20 đến 160 µg và làm phản ứng màu như mô tả với mẫu thử; hoặc áp dụng công thức với hệ số a = 4,205 của phương trình hồi quy theo chuẩn ginsenosid-Rg1 đã được tính toán và xử lý thông kê. Kết quả là số trung bình của 3 lần lập lại.

Dược liệu phải chứa không ít hơn 9% saponin toàn phần quy theo chuẩn G-Rg1

Độ ẩm

Không quá 13%.

Tro toàn phần

Không quá 10%.

Tỷ lệ vụn nát

Qua rây có kích thước mắt rây 2 mm: Không quá 5%.

Tạp chất

Không quá 1%.

Chế biến

Thu hoạch thân rễ và rễ củ vào tháng 9 - 12 trong năm, lấy về rửa sạch, phơi nắng hay sấy khô ở nhiệt độ dưới 600C.

Bảo quản

Để nơi khô ráo trong các thùng đậy kín có chứa chất hút ẩm, tránh mốc mọt.

Tính vị, quy kinh

Khổ, cam. Vào hai kinh phế, tỳ.

Công năng, chủ trị

Bổ khí, bổ phế. Chủ trị: Cơ thể suy nhược, phế hư viêm họng, đau họng.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 6 - 10 g, dạng thuốc sắc, tán bột.

Kiêng kỵ

Thể tạng hư hàn, phải chích gừng. Không dùng chung với Lê lô.

Bài viết cùng chuyên mục

Actiso (Lá, Folium Cynarae scolymi)

Lá được thu hái vào năm thứ nhất của thời kỳ sinh trưởng hoặc cuối mùa hoa, đem phơi hoặc sấy khô ở 50 đến 60 độ C.

Sài hồ nam (Radix Plucheae pteropodae)

Phát tán phong nhiệt, giải uất. Chủ trị: ngoại cảm phong nhiệt phát sốt, hơi rét, nhức đầu, khát nước, tức ngực, khó chịu.

Cốt toái bổ (Rhizoma Drynariae)

Bổ thận, làm liền xương, chỉ thống. Chủ trị: Thận hư, thắt lưng đau, tai ù, tai điếc, răng lung lay, đau do sang chấn, bong gân, gẫy xương. Còn dùng ngoài điều trị hói, lang ben.

Cỏ ngọt (Folium Steviae rebaudianae)

Khi cây sắp ra hoa, cắt cành ở khoảng cách trên mặt đất 10 - 20 cm, hái lấy lá, loại bỏ lá già úa, đem phơi nắng nhẹ hoặc sấy ở 30 - 40 oC đến khô.

Cẩu kỷ tử (Fructus Lycii)

Tư bổ can, thận, ích tinh, sáng mắt.Chủ trị: Hư lao tinh suy biểu hiện đau thắt lưng, đầu gối, chóng mặt, ù tai, nội nhiệt gây tiểu đường, huyết hư, mờ mắt.

Ké đầu ngựa (Fructus Xanthii strumarii)

Trừ phong thấp, tiêu độc, tán phong thông khiếu. Chủ trị: Đau khớp, chân tay tê dại co rút; viêm mũi, viêm xoang; mụn nhọt, mẩn ngứa.

Rong mơ (Sargassum)

Tiêu đàm nhuyễn kiên, lợi thuỷ tiêu phù. Chủ trị: Bướu cổ và tràng nhạc, sán khí, phù thũng.

Đinh lăng (Rễ, Radix Polysciacis)

Tẩm rượu gừng 5% vào Đinh lăng sống, trộn đều cho thấm rượu gừng, sao qua nhỏ lửa. Tẩm thêm 5% mật ong, trộn đều cho thấm mật rồi sao vàng cho thơm

Cỏ xước (Radix Achyranthis asperae)

Hoạt huyết khứ ứ, bổ can thận mạnh gân xương. Chủ trị: Phong thấp, đau lưng, đau nhức xương khớp, chân tay co quắp, kinh nguyệt không đều, bế kinh đau bụng, bí tiểu tiện, đái rắt buốt.

Đậu đen (Semen Vignae cylindricae)

Trừ phong, thanh thấp nhiệt, lương huyết, giải độc, lợi tiểu tiện, tư âm, dùng bổ thận, sáng mắt, trừ phù thũng do nhiệt độc, giải độc.

Ô dược (Radix Linderae)

Bụng trướng đau, đầy bụng, khí nghịch phát suyễn, bụng dưới đau do bàng quang lạnh, di niệu, sán khí, hành kinh đau bụng.

Ngũ gia bì chân chim (Cortex Scheflerae heptaphyllae)

Khu phong, trừ thấp, mạnh gân cốt. Chủ trị: Đau lưng, đau xương cốt do hàn thấp, gân xương co rút, sưng đau, hoặc sưng đau do sang chấn.

Lá lức (Hải sài, Folium Plucheae pteropodae)

Gân lá hai mặt lồi. Phần gân chính gồm có biểu bì trên và biểu bì dưới, kế tiếp là lớp mô dày gốc. Libe-gỗ xếp thành 4 bó hình vòng cung. Mỗi bó có 1 vòng mô cứng bao bên ngoài

Tinh dầu hồi (Oleum Anisi stellati)

Nếu dùng tinh dầu Hồi mới cất để làm dung dịch đối chiếu thì trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Trần bì (Pericarpium Citri reticulatae)

Cân chính xác khoảng 1 g bột dược liệu (qua rây 1,25 mm), cho vào bình Soxhlet, thêm 100 ml ether dầu hỏa (điểm sôi 30 – 60 oC) (TT), đun hồi lưu cách thủy trong 1 giờ và loại bỏ dịch ether.

Lạc tiên (Herba Passiflorae foetidae)

An thần, giải nhiệt mát gan. Chủ trị: Suy nhược thần kinh, tim hồi hộp, mất ngủ, ngủ mơ.

Tất bát (Fructus Piperis longi)

Ôn trung khứ hàn, hạ khí, chỉ thống. Chủ trị: Đau thượng vị, nôn mửa, tiêu chảy do hàn, thiên đầu thống. Dùng ngoài chữa đau răng.

Cà độc dược (Flos Daturae metelis)

Bình suyễn, chỉ khái, giải co cứng, chỉ thống. Chủ trị: Ho suyễn khò khè, thượng vị đau có cảm giác lạnh, phong thấp tê đau, trẻ em co giật mạn tính. Dùng ngoài gây tê.

Cát sâm (Radix Millettiae speciosae)

Sinh tân dịch, chỉ khát, nhuận phế, lợi tiểu. Chủ trị: Tân dịch hao tổn, háo khát, ho do phế nhiệt, đái buốt dắt. Sao vàng: Bổ tỳ, ích khí, tiêu đờm; tẩm gừng ích tỳ

Diệp hạ châu đắng: Cây chó đẻ răng cưa xanh, Herba Phyllanthi amari

Tiêu độc, sát trùng, tán ứ, thông huyết, lợi tiểu. Dùng khi tiểu tiện bí dắt, tắc sữa, kinh bế, hoặc mụn nhọt, lở ngứa ngoài da.

Địa long (Giun đất, Pheretima)

Chủ trị sốt cao bất tỉnh, kinh giản, thấp tỳ, tê chi, bán thân bất toại, ho và suyễn do phế thực nhiệt, phù, vô niệu, cao huyết áp.

Ma hoàng (Herba Ephedrae)

Ma hoàng chích mật: Nhuận phế giảm ho; thường dùng trong trường hợp biểu chứng đã giải song vẫn còn ho suyễn

Đương quy (Radix Angelicae sinensis)

Bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh, giảm đau, nhuận tràng. Chủ trị: Huyết hư, chóng mặt. Kinh nguyệt không đều, bế kinh, đau bụng kinh, táo bón do huyết hư.

Dạ cẩm (Herba Hedyotidis capitellatae)

Thanh nhiệt giải độc, chỉ thống tiêu viêm, lợi tiểu. Chủ trị: Các bệnh viêm loét dạ dày, lở miệng lưỡi, viêm họng, lở loét ngoài da.

Tắc kè (Gekko)

Bổ phế thận, định suyễn, trợ dương, ích tinh. Chủ trị: Khó thở hay xuyễn do thận không nạp khí, ho và ho máu, liệt dương, di tinh.