- Trang chủ
- Thuốc A - Z
- Thuốc gốc và biệt dược theo vần C
- Cidofovir: thuốc kháng virus
Cidofovir: thuốc kháng virus
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Tên chung quốc tế: Cidofovir.
Loại thuốc: Thuốc kháng virus.
Dạng thuốc và hàm lượng
Thuốc nước dùng để pha với dung dịch truyền tĩnh mạch 75 mg/ml, lọ 5 ml dùng một lần.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Cidofovir là chất tương tự cytidin, có tác dụng kháng Cytomegalovirus ở người in vitro và in vivo, có thể có tác dụng lên cả các chủng Cytomegalovirus kháng ganciclovir. Thuốc có tác dụng chống sự sao chép của virus do ức chế chọn lọc tổng hợp DNA của virus, làm giảm tốc độ tổng hợp DNA của virus. Trong tế bào, cidofovir được phosphoryl hóa thành cidofovir monophosphat rồi thành cidofovir diphosphat và cidofovir-cholinphosphat. Cidofovir diphosphat có tác dụng ức chế enzym DNA polymerase của virus Herpes typ 1, typ 2 và của cytomegalovirus ở nồng độ thấp hơn nồng độ cần thiết để ức chế DNA polymerase alpha, beta, gamma ở tế bào người từ 8 - 600 lần. Khác với ganciclovir, chuyển hóa của cidofovir không phụ thuộc vào enzym (được phosphoryl hóa nhờ kinase của tế bào người). Vì không phụ thuộc vào enzym của virus nên thuốc có thể còn có tác dụng đối với virus kháng aciclovir và foscarnet. In vitro đã thấy có kháng chéo với ganciclovir. Trên động vật, cidofovir gây ung thư và độc lên phôi.
Dược động học
Sau khi truyền 5 mg/kg cidofovir trong 1 giờ (có dùng với probenecid uống), nồng độ trung bình trong máu là 19,6 ± 7,18 microgam/ml. Thể tích phân bố là 0,54 lít/kg. Chỉ có khoảng 6% thuốc gắn vào protein trong máu. Thuốc vào dịch não tủy không đáng kể. Nửa đời đào thải khỏi huyết tương là khoảng 2,6 giờ. Nửa đời các chất chuyển hóa của thuốc dài nên thuốc có tác dụng lâu: nửa đời của cidofovir diphosphat trong tế bào là 17 - 65 giờ, của cholin phosphat là 87 giờ. Bởi vậy cidofovir được dùng tuần 1 lần hoặc 2 tuần 1 lần.
Cidofovir chủ yếu được lọc ở cầu thận và bài tiết qua ống thận dưới dạng không thay đổi. Ở người bệnh có chức năng thận bình thường, trong vòng 24 giờ có 80 - 100% lượng thuốc được truyền xuất hiện trong nước tiểu dưới dạng không thay đổi. Không tìm thấy chất chuyển hóa nào trong huyết thanh và trong nước tiểu người bệnh.
Chỉ định
Điều trị viêm võng mạc do Cytomegalovirus ở người bệnh mắc hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) và không bị suy thận. Do còn thiếu kinh nghiệm sử dụng nên chỉ dùng khi không có phương pháp điều trị phù hợp khác. Độ an toàn và hiệu quả của cidofovir chưa được xác định đối với các nhiễm Cytomegalovirus khác (như viêm phổi, viêm đường tiêu hóa), bệnh Cytomegalovirus bẩm sinh hay sơ sinh hoặc bệnh ở người không mắc HIV.
Cidofovir chỉ được chỉ định dùng khi các thuốc khác không thích hợp (có chống chỉ định). Các thuốc này chỉ có tác dụng làm giảm nhẹ triệu chứng và phòng ngừa mù lòa chứ không có tác dụng chữa khỏi bệnh. Hơn nữa, các thuốc lại rất độc, có tác dụng hạn chế và rất đắt tiền nên không được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào loại thuốc thiết yếu.
Điều trị tai biến do vắc xin đậu mùa và điều trị bệnh đậu mùa (trong trường hợp bệnh này tái xuất hiện).
Chống chỉ định
Mẫn cảm với cidofovir hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Mẫn cảm với probenecid hoặc các thuốc chứa sulfamid.
Trẻ em dưới 16 tuổi.
Phụ nữ mang thai.
Phụ nữ đang cho con bú.
Suy thận: Creatinin huyết trên 133 micromol/lít (hay 1,5 mg/100 ml) hoặc hệ số thanh thải creatinin dưới 0,92 ml/giây (hay 55 ml/ phút) hoặc protein niệu ≥ 100 mg/100 ml (≥ 2).
Người đang dùng thuốc có tiềm năng gây độc cho thận (phải ngừng thuốc có tiềm năng độc với thận ít nhất 7 ngày trước khi dùng cidofovir).
Không tiêm trực tiếp vào trong nhãn cầu.
Thận trọng
Định lượng creatinin huyết và protein niệu trước lúc dùng mỗi liều thuốc. Người bệnh cần được kiểm tra creatinin huyết và protein niệu, đếm bạch cầu trung tính trong vòng 24 giờ trước mỗi liều.
Nếu chức năng thận giảm (creatinin huyết cao tới 300 – 400 microgam/100 ml trên trị số ban đầu) phải ngừng dùng hoặc phải giảm liều.
Người cao tuổi (trên 60 tuổi): Cần đánh giá chức năng thận trước khi dùng thuốc vì chức năng thận giảm.
Dùng phối hợp với probeneccid và truyền tĩnh mạch dung dịch natri clorid 0,9% để giảm thiểu độc tính của thuốc trên thận. Nếu không dùng được probenicid do mẫn cảm thì cũng chống chỉ định với cidofovir.
Không tiêm trực tiếp vào trong nhãn cầu (vì làm giảm mạnh nhãn áp và gây rối loạn thị giác).
Thận trọng khi dùng cho người bệnh bị đái tháo đường (do cidofovir có thể làm giảm nhãn áp).
Thuốc có thể gây giảm tinh trùng và vô sinh nam.
Cả nam và nữ cần dùng biện pháp tránh thai chắc chắn trong lúc điều trị bằng cidofovir, và thêm 1 tháng (với nữ), 3 tháng (với nam) sau khi đã ngừng dùng thuốc.
Thời kỳ mang thai
Thực nghiệm trên súc vật cho thấy thuốc có độc tính lên mẹ và thai.
Chưa có báo cáo ảnh hưởng của thuốc trong thời kỳ mang thai ở người; chưa rõ thuốc có qua nhau thai không nhưng rất có khả năng này vì trọng lượng phân tử của thuốc tương đối thấp (xấp xỉ 315).
Chỉ dùng cidofovir cho phụ nữ có HIV mang thai trên 3 tháng có nguy cơ bị mù vì viêm võng mạc do Cytomegalovirus.
Thời kỳ cho con bú
Trên chuột cống, liều rất thấp cidofovir cũng gây ung thư vú. Chưa rõ thuốc có được bài tiết qua sữa không. Không dùng cidofovir cho phụ nữ đang cho con bú vì thuốc có thể độc với trẻ. Chỉ được chỉ định cidofovir để điều trị viêm võng mạc do Cytomegalovirus cho người bệnh có HIV typ 1 (HIV-1) là typ được truyền qua đường sữa. Trong trường hợp này, người bệnh không được cho con bú mà phải nuôi con bằng sữa ngoài thay thế.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
ADR quan trọng nhất của cidofovir là độc với thận.
Rất thường gặp, ADR > 10/100
Thần kinh trung ương: Rét run, sốt, nhức đầu, đau.
Da: Nổi mẩn, rụng tóc.
Máu: Thiếu máu, giảm bạch cầu trung tính.
Tiêu hóa: Nôn, buồn nôn, ỉa chảy, chán ăn.
Thần kinh - cơ - xương: Mệt mỏi, yếu cơ.
Mắt: Giảm áp lực nội nhãn, viêm mống mắt, giảm trương lực cơ vận nhãn, viêm màng bồ đào.
Thận: Tăng creatinin, protein niệu, độc lên thận.
Hô hấp: Ho, khó thở.
Khác: Nhiễm khuẩn, miệng nhiễm Candida, giảm bicarbonat huyết thanh.
Thường gặp, 1/100 < ADR < 10/100
Thận: Nhiễm độc ống thận, urê huyết tăng, creatinin huyết tăng, protein niệu, suy thận (có khi gây tử vong).
Hô hấp: Viêm phổi.
Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
Tim - mạch: Bệnh cơ tim, suy tim sung huyết, phù, giảm huyết áp thế đứng, sốc, ngất, loạn nhịp nhanh.
Thần kinh trung ương: Bồn chồn, quên, lo âu, lú lẫn, co giật, chóng mặt, hoang tưởng, mất ngủ, khó chịu.
Da: Phản ứng mẫn cảm với ánh sáng, da mất màu, nổi ban.
Nội tiết - chuyển hóa: Suy tuyến thượng thận, nhiễm toan acid lactic.
Tiêu hóa: Đau bụng, viêm trong miệng, viêm đại tràng, táo bón, khó nuốt, ỉa són, viêm dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa, viêm lợi, ỉa ra máu, viêm hạu môn, lách to, viêm miệng, lưới mất màu, viêm tụy.
Tiết niệu - sinh dục: Đái rắt.
Máu: Thiếu máu nhược sắc, tăng bạch cầu lympho, giảm bạch cầu lympho, sưng hạch bạch huyết, phản ứng giống lymphoma, giảm các dòng tế bào máu, giảm tiểu cầu, ban xuất huyết do giảm tiểu cầu, ức chế tủy xương, hội chứng Fanconi (giảm ba dòng ngoại vi gồm hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu, rối loạn chức năng ống thận).
Gan: Gan to, gan - lách to, vàng da, rối loạn xét nghiệm chức năng gan, tổn thương gan, suy gan, hoại tử gan.
Tại chỗ: Kích ứng tại chỗ tiêm.
Thần kinh - cơ - xương: Run đầu chi.
Mắt: Quáng gà, mù, đục nhân mắt, viêm kết mạc, tổn thương giác
mạc, song thị, rối loạn nhìn.
Tai: Điếc.
Khác: Phản ứng dị ứng, nhiễm khuẩn huyết.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Phòng ADR: Mỗi lọ thuốc chỉ dùng để pha và truyền một lần. Phải truyền vào tĩnh mạch lớn, lưu thông tốt để thuốc được pha loãng và phân bố nhanh trong máu. Trước khi truyền thuốc phải truyền dung dịch natri clorid 0,9%. Trị liệu cần kết hợp với probenecid dùng theo đường uống.
Để giảm độc tính lên thận cần phải kết hợp với probenecid: Phải kiểm tra trước chức năng thận (xem phần Chống chỉ định). Mỗi lần truyền cidofovir cần phải truyền trước dung dịch natri clorid 0,9% và cho uống probenecid. Nếu người bệnh đang phải dùng một thuốc khác có tác dụng độc lên thận thì nên ngừng dùng thuốc đó ít nhất là 7 ngày trước khi bắt đầu dùng cidofovir. Phải kiểm tra chức năng thận (creatinin huyết và protein niệu) 24 giờ trước mỗi lần truyền cidofovir. Nếu chức năng thận xấu đi (creatinin huyết tăng thêm trên 44 micromol/lít, protein niệu tồn tại trên 100 mg/100 ml) thì phải tạm ngừng hoặc ngừng hẳn cidofovir.
Giảm nguy cơ nôn và buồn nôn do dùng kết hợp probenecid: Cho người bệnh ăn trước khi uống probenecid. Có khi phải dùng thuốc chống nôn. Với người bệnh có triệu chứng dị ứng với probenecid (nổi mẩn da, sốt, rét run, phản vệ) cần phòng hoặc điều trị bằng thuốc phù hợp. Với người bệnh do quá mẫn cảm với probenecid hoặc với các sulfamid khác và không thể dùng được probenecid thì cần phải cân nhắc kỹ lợi hại trước khi cho dùng cidofovir.
Ngoài probenecid, phải truyền 1 lít dung dịch natri clorid 0,9% vào tĩnh mạch ngay trước khi truyền cidofovir. Nếu người bệnh có thể dung nạp được một lượng dịch lớn hơn thì có thể truyền tới 2 lít cho mỗi lần truyền cidofovir: lít thứ nhất được truyền trong 1 giờ ngay trước khi truyền cidofovir, lít thứ hai (nếu có) được truyền trong thời gian từ 1 đến 3 giờ hoặc đồng thời với cidofovir hoặc ngay sau khi truyền cidofovir.
Nếu bị viêm mống mắt, viêm màng bồ đào: Điều trị tại chỗ bằng corticosteroid. Phải ngừng dùng cidofovir nếu dùng corticoid tại chỗ không có kết quả, nếu viêm nặng thêm, hoặc nếu viêm trở lại sau khi dùng corticoid đã có kết quả.
Để điều trị người bệnh có biểu hiện dị ứng hoặc quá mẫn (nổi mẩn, sốt rét run, phản vệ): Dùng adrenalin, kháng histamin hoặc paracetamol tùy theo từng trường hợp.
Liều lượng và cách dùng
Cách dùng
Trước mỗi lần dùng cidofovir, cần phải định lượng creatinin huyết thanh và protein trong nước tiểu. Phải truyền đúng liều, đúng tốc độ truyền và số lần truyền đã được khuyến cáo.
Phải pha thuốc trong 100 ml dung dịch natri clorid 0,9% để truyền tĩnh mạch. Trước khi truyền phải quan sát bằng mắt xem có tủa, có màu bất thường không. Phải thận trọng khi pha thuốc: nếu bị thuốc dính vào da, niêm mạc thì phải rửa ngay và cọ mạnh bằng xà phòng và nhiều nước. Lọ đựng thuốc và dung dịch thuốc phải được xử lý bằng cách đốt.
Phải truyền trước một lít dung dịch natri clorid 0,9% trong vòng 1 - 2 giờ ngay trước khi truyền cidofovir, và nếu dung nạp được, có thể truyền thêm 1 lít dung dịch natri clorid 0,9% trong vòng 1 - 3 giờ cùng lúc (hoặc ngay sau) khi truyền cidofovir.
Phải cho uống 2 g probenecid 3 giờ trước mỗi lần truyền cidofovir và 1 g probenecid 2 giờ và 8 giờ sau khi ngừng truyền cidofovir (tổng cộng là 4 g probenecid).
Cần truyền cidofovir vào 1 tĩnh mạch đủ lớn để thuốc dễ được pha loãng và phân bố nhanh; truyền tĩnh mạch trong 1 giờ với tốc độ không thay đổi.
Liều lượng
Người lớn: Liều cảm ứng là 5 mg/kg mỗi lần, truyền vào tĩnh mạch với tốc độ không thay đổi trong thời gian 1 giờ. Mỗi tuần truyền một lần, truyền trong 2 tuần liên tiếp. Liều duy trì: 2 tuần sau khi hoàn thành điều trị (cảm ứng); mỗi lần 5 mg/kg; truyền tĩnh mạch trong 1 giờ với tốc độ không thay đổi; 2 tuần một lần.
Chỉnh liều ở người bị suy giảm chức năng thận trong quá trình điều trị: Nếu creatinin tăng thêm 0,3 - 0,4 mg/100 ml thì giảm liều cidofovir còn 3 mg/kg; ngừng dùng cidofovir nếu creatinin tăng thêm ≥ 0,5 mg/100 ml hoặc protein niệu ≥ 3+.
Người cao tuổi: Chưa có số liệu trên người bệnh hơn 60 tuổi. Do chức năng lọc của thận bị giảm ở người cao tuổi nên cần theo dõi kỹ chức năng thận trước và sau mỗi lần dùng cidofovir.
Trẻ em và sơ sinh: Số liệu trên người bệnh dưới 18 tuổi còn ít. Không nên dùng cidofovir cho trẻ em và trẻ sơ sinh. Phải hết sức thận trọng khi dùng cho trẻ em bị AIDS vì dùng lâu dài có nguy cơ gây ung thư và độc cho sinh sản. Có tác giả khuyên trong trường hợp phải dùng cidofovir cho trẻ:
Bù nước: 20 ml natri clorid/kg (tối đa là 1 000 ml), truyền tĩnh mạch 1 giờ trước khi truyền cidofovir và 20 ml natri clorid/kg (tối đa là 1 000 ml) truyền trong 1 giờ trong lúc truyền cidofovir. Hoặc: Truyền làm 3 lần 1 giờ trước khi truyền cidofovir, 1 giờ sau cidofovir, sau đó giảm tốc độ truyền 2 lần trong 2 giờ tiếp theo.
Probenecid: 25 - 40 mg/kg (tối đa 2 000 mg) 3 giờ trước khi truyền cidofovir và 10 - 20 mg/kg (tối đa 1 000 mg) 2 - 3 giờ và 8 - 9 giờ sau khi truyền cidofovir hoặc: 1 - 2 g/m2, 3 giờ trước cidofovir, sau đó 0,5 - 1,25 g/m2, 1 - 2 giờ và 8 giờ sau khi truyền xong cidofovir.
Cidofovir: Liều cảm ứng là 5 mg/kg/lần, tuần 1 lần trong 2 tuần liên tiếp. Liều duy trì điều trị bị nhiễm adenovirus sau truyền tế bào gốc tạo máu là 5 mg/kg/lần, 2 tuần 1 lần cho đến khi không tìm thấy adenovirus. Liều duy trì cho điều trị cytomegalovirus: 3 - 5 mg/kg/ lần, 2 tuần 1 lần, dùng 2 - 4 lần.
Chỉnh liều khi có suy thận ở trẻ (nhiễm adenovirus sau ghép): Nếu creatinin huyết thanh > 1,5 mg/100 ml, hệ số thanh thải creatinin < 90 ml/phút/1,73 m2; protein niệu > 2+: liều cảm ứng là 1 mg/kg/lần; tuần 3 lần, các liều cách nhau 1 ngày. Liều duy trì: 1 mg/kg/lần, tuần 1 lần.
Suy gan: Độ an toàn và hiệu quả chưa được xác định.
Tương tác thuốc
Dùng đồng thời cidofovir và tenofovir có thể gây tăng nồng độ thuốc trong máu của một trong hai thuốc hoặc cả hai thuốc.
Các thuốc khác độc với thận như aminoglycosid, amphotericin B, foscarnet, pentamidin tiêm tĩnh mạch làm tăng độc tính lên thận của cidofovir. Cần ngừng các thuốc độc với thận 7 ngày trước khi dùng cidofovir.
Probenecid (được dùng để giảm tác dụng độc của cidofovir) ảnh hưởng lên chuyển hóa và sự đào thải của nhiều thuốc (paracetamol, thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin, acid aminosalicylic, furosemid, thuốc chống viêm không steroid, theophylin, benzodiazepin, methotrexat, zidovudin…).
Người bệnh đang dùng zidovudin cần tạm ngừng uống thuốc này hoặc giảm liều còn một nửa vì probenecid làm giảm độ thanh thải zidovudin.
Độ ổn định và bảo quản
Bảo quản thuốc ở nhiệt độ 15 - 30 độ C.
Có thể bảo quản tạm thời dung dịch cidofovir đã được pha (trong điều kiện vô khuẩn nhưng chưa được truyền ngay) trong tủ lạnh (2 - 8 °C) trong tối đa là 24 giờ. Không được giữ quá 24 giờ hoặc làm đông lạnh.
Trước khi truyền phải để dung dịch trở về nhiệt độ bình thường.
Tương kỵ
Nên pha thuốc với dung dịch natri clorid 0,9% trong chai thủy tinh, trong túi dịch truyền bằng nhựa PVC hoặc nhựa ethylen/propylen; hệ thống dây truyền PVC.
Chưa có thông tin về việc trộn thêm một thuốc khác vào thuốc đã pha để truyền cũng như tính tương thích với các dung dịch Ringer, Ringer lactat hoặc các dịch truyền kháng khuẩn.
Quá liều và xử trí
Ngừng ngay thuốc. Điều trị triệu chứng, đặc biệt là hồi sức cấp cứu trong trường hợp người bệnh bị suy thận. Chạy thận nhân tạo.
Bài viết cùng chuyên mục
Ca C 1000 Sandoz
Chống chỉ định nhạy cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc, tăng canxi huyết (do cường phó giáp, quá liều vitamin D, u phân hủy canxi như u tương bào, u di căn xương), tăng canxi niệu cao, suy thận nặng.
Capsaicin: thuốc giảm đau dùng ngoài
Tác dụng giảm đau của capsaicin là do thuốc làm cạn kiệt chất P của các sợi thần kinh cảm giác typ C tại chỗ và mất tính nhạy cảm của các thụ thể vaniloid.
Chloramphenicol
Cloramphenicol là kháng sinh, ban đầu được phân lập từ Streptomyces venezuelae, nay được sản xuất bằng phương pháp tổng hợp. Cloramphenicol thường có tác dụng kìm khuẩn, nhưng có thể diệt khuẩn ở nồng độ cao hoặc đối với những vi khuẩn nhạy cảm cao.
Combigan: thuốc giảm áp suất nội nhãn
Combigan gồm có 2 hoạt chất: brimonidin tartrat và timolol maleat. Hai thành phần này làm giảm sự tăng áp suất nội nhãn (IOP) bằng cơ chế tác dụng bổ sung và tác dụng kết hợp dẫn đến giảm áp suất nội nhãn hơn nữa so với khi dùng đơn thuần một trong hai thành phần này.
Calcibronat
Canxi được hấp thu qua dạ dày-ruột khoảng 30 phân ftrawm, Bromid được hấp thu nhanh qua ruột và đạt nồng độ đỉnh sau khi uống thuốc từ 30 đến 45 phút, Phần lớn được đào thải qua thận.
Cotrimoxazol
Cotrimoxazol là một hỗn hợp gồm sulfamethoxazol (5 phần) và trimethoprim (1 phần). Sulfamethoxazol là một sulfonamid, ức chế cạnh tranh sự tổng hợp acid folic của vi khuẩn.
Cesyrup: thuốc phòng và điều trị bệnh do thiếu vitamin C ở trẻ sơ sinh và trẻ em
Cesyrup có thể sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú với liều dùng theo nhu cầu hàng ngày. Phụ nữ có thai: khi dùng vitamin C liều cao trong thời kỳ mang thai có khả năng gây hội chứng Scorbut ở trẻ sơ sinh.
Clotrimazol
Clotrimazol là thuốc chống nấm phổ rộng được dùng điều trị các trường hợp bệnh ngoài da do nhiễm các loài nấm gây bệnh khác nhau và cũng có tác dụng trên Trichomonas, Staphylococcus và Bacteroides.
Cefadroxil
Cefadroxil là kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 1, có tác dụng diệt khuẩn, ngăn cản sự phát triển và phân chia của vi khuẩn bằng cách ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn.
Cholera Vaccine: thuốc chủng ngừa dịch tả
Cholera Vaccine được sử dụng để chủng ngừa chủ động chống lại bệnh do vi khuẩn Vibrio cholerae nhóm huyết thanh O1 gây ra ở người lớn từ 18 đến 64 tuổi đi du lịch đến các khu vực có dịch tả.
Cancidas: thuốc điều trị nấm
Cancidas điều trị theo kinh nghiệm các trường hợp được cho là nhiễm nấm ở những bệnh nhân giảm bạch cầu trung tính, sốt. Điều trị nhiễm nấm Candida. Điều trị nhiễm nấm Aspergillus.
Calcium Sandoz 500
Thận trọng khi bệnh nhân đang dùng digitalis, muối sắt và thuốc lợi niệu thiazid. Có khả năng tương tác với thực phẩm giàu acid oxalic (rau spinach, đại hoàng, cây chút chit, cacao, chè, v.v...).
Canasone CB: thuốc điều trị nấm bôi ngoài da
Canasone CB điều trị nhiễm trùng da do nấm: nấm bẹn, nấm da chân, nấm da đùi, nấm da toàn thân, nấm Candida. Bôi một lớp mỏng và xoa nhẹ nhàng lên phần da bị tổn thương đã được làm sạch và vùng da bao quanh, 2 lần/ngày, mỗi đợt điều trị không quá 4 tuần.
Cyproheptadine: thuốc kháng histamine
Cyproheptadine là một loại thuốc kháng histamine được sử dụng để điều trị hắt hơi, ngứa, chảy nước mắt, chảy nước mũi và các triệu chứng khác của dị ứng.
Cododamed/Egzysta: thuốc giảm đau thần kinh
Cododamed/Egzysta ngăn ngừa đau liên quan tới hoạt động với đau thần kinh hoặc đau sau phẫu thuật, bao gồm tăng cảm giác đau và đau do kích thích.
Cromolyn
Cromolyn có tác dụng bảo vệ dưỡng bào (mastocyte) khỏi các phản ứng kết hợp kháng nguyên - kháng thể typ IgE gây ra và ngăn không cho giải phóng các chất trung gian phản vệ như histamin, leucotrien.
Calci gluconate
Calci gluconat tiêm (dung dịch 10%; 9,47 mg hoặc 0,472 mEqCa+2/ml) là nguồn cung cấp ion calci có sẵn và được dùng điều trị hạ calci huyết trong các bệnh cần tăng nhanh nồng độ ion calci huyết.
Combizar
Theo các dữ liệu dược động học cho thấy nồng độ huyết tương tương đối của losartan gia tăng đáng kể ở những bệnh nhân bị xơ gan.
Coirbevel: thuốc điều trị tăng huyết áp
Coirbevel điều trị tăng huyết áp nguyên phát đối với bệnh nhân tăng huyết áp không được kiểm soát thỏa đáng bởi từng đơn chất irbesartan hoặc hydroclorothiazid.
Custirsen: thuốc điều trị ung thư
Custirsen là một loại thuốc trong các thử nghiệm lâm sàng được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ tiến triển hoặc di căn.
Cefapirin
Cefapirin (natri) là cephalosporin thế hệ thứ nhất. Thuốc có tác dụng rất giống cefalotin. Giống như benzylpenicilin, thuốc ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Thuốc có tác dụng lên nhiều cầu khuẩn Gram dương.
Cisatracurium: thuốc phong tỏa thần kinh cơ
Cisatracurium là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để phong tỏa thần kinh cơ như một chất hỗ trợ cho việc gây mê toàn thân để tạo điều kiện đặt nội khí quản hoặc thư giãn cơ xương trong khi phẫu thuật.
Copper: thuốc khoáng chất vi lượng
Copper là một khoáng chất vi lượng thiết yếu có trong tất cả các mô của cơ thể. Thuốc được bán theo toa và không kê đơn. Copper hoạt động với sắt để giúp cơ thể hình thành các tế bào hồng cầu.
Cefubi-100 DT: thuốc kháng sinh cephalosporin thế hệ 3
Cefubi-100 DT ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn nhờ sự acyl hóa các enzym transpeptidase gắn kết màng; điều này ngăn ngừa sự liên kết chéo của các chuỗi peptidoglycan cần thiết cho độ mạnh và độ bền của tế bào vi khuẩn.
Cefimed: thuốc kháng sinh cephalosporin thế hệ thứ 3
Cefimed là kháng sinh cephalosporin thế hệ thứ 3 dùng đường uống. Cefixim là một cephem ester với nhóm ethyl ở vị trí 3' và nhóm carboxyl thêm vào nhóm iminomethoxy ở vị trí acyl-7.