- Trang chủ
- Thuốc A - Z
- Thuốc gốc và biệt dược theo vần V
- Venlafaxin: thuốc chống trầm cảm, Efexor XR, Venlixor
Venlafaxin: thuốc chống trầm cảm, Efexor XR, Venlixor
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Tên chung quốc tế: Venlafaxine.
Loại thuốc: Chống trầm cảm.
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén: 25 mg, 37,5 mg; 50 mg; 75 mg và 100 mg.
Viên nang giải phóng kéo dài: 37,5 mg; 75 mg và 150 mg.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Venlafaxin là một thuốc chống trầm cảm dẫn xuất từ phenylethylamin thuộc loại ức chế tái hấp thu serotonin và noradrenalin. Cơ chế tác dụng chính xác của thuốc chưa được đánh giá một cách đầy đủ nhưng venlafaxin và chất chuyển hóa có hoạt tính là O-desmethylvenlafaxin có khả năng ức chế tái hấp thu serotonin mạnh và yếu hơn một chút đối với noradrenalin, thuốc ít ức chế tái hấp thu dopamin. Venlafaxin ức chế tái hấp thu setoronin không mạnh bằng các thuốc ức chế chọn lọc tái hấp thu setoronin.
Thuốc không có ái lực đặc hiệu trên thụ thể histamin, muscarin và adrenalin-alpha hoặc beta. Venlafaxin không ức chế MAO.
Venlafaxin không có tác dụng gây ngủ và kháng muscarin của các thuốc chống trầm cảm ba vòng.
Dược động học
Venlafaxin hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa, thức ăn làm chậm hấp thu nhưng không ảnh hưởng đến mức độ hấp thu. Sau khi uống, thuốc bị chuyển hóa bước một ở gan qua trung gian CYP 2D6 và CYP 3A4 chủ yếu tạo thành O-desmethylvenlafaxin (ODV) còn hoạt tính. Các chất chuyển hóa khác bao gồm:
N-desmethylvenlafaxin và N, O-didesmethylvenlafaxin. Nồng độ đỉnh của venlafaxin và chất chuyển hóa O-desmethylvenlafaxin trong huyết tương đạt được sau khi dùng thuốc theo thứ tự là 2 giờ và 4 giờ.
Venlafaxin giải phóng từ viên nang giải phóng kéo dài phụ thuộc vào màng bao, không phụ thuộc vào pH. Tuy tốc độ hấp thu chậm hơn và nồng độ tối đa venlafaxin thấp hơn, nhưng mức độ hấp thu tương tự như viên thông thường.
Venlafaxin và chất chuyển hóa O-desmethylvenlafaxin liên kết với protein huyết tương thấp (theo thứ tự là 27% và 30%). Nửa đời thải trừ tương ứng là 5 giờ và 11 giờ. Ở người xơ gan, venlafaxin thanh thải ở gan giảm khoảng 50% và của ODV giảm khoảng 30%.
Venlafaxin thải trừ chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng đã chuyển hóa, chỉ 2% thải trừ qua phân. Ở người xơ gan, nửa đời đào thải tăng khoảng 30% đối với venlafaxin và khoảng 60% đối với ODV.
Ở người suy thận, nửa đời đào thải tăng khoảng 50% đối với venlafaxin, khoảng 40% đối với ODV. Ở người làm thẩm phân, nửa đời đào thải venlafaxin tăng gấp 1,5 lần so với người bệnh có chức năng thận bình thường. Venlafaxin phân bố vào sữa mẹ.
Chỉ định
Bệnh trầm cảm.
Bệnh lo âu toàn thể, bệnh lo sợ tiếp xúc xã hội.
Các bệnh lo âu khác: Bệnh ám ảnh - xung lực, chứng hoảng sợ, stress sau chấn thương.
Chống chỉ định
Mẫn cảm với thuốc.
Các trường hợp có nguy cơ cao về loạn nhịp tim, tăng huyết áp không kiểm soát được.
Dùng đồng thời với IMAO. Phụ nữ mang thai.
Trẻ em dưới 18 tuổi.
Thận trọng
Thận trọng khi sử dụng venlafaxin cho người bệnh suy gan, suy thận vừa và nặng. Cần phải giảm liều dùng.
Thận trọng với người bệnh bị bệnh tim như: Mới bị nhồi máu cơ tim hoặc bệnh tim không ổn định hoặc những trường hợp bệnh có thể nặng lên do tăng nhịp tim. Do nguy cơ tăng huyết áp phụ thuộc liều dùng nên cần phải theo dõi huyết áp trong quá trình điều trị khi dùng liều quá 200 mg/ngày. Định lượng nồng độ cholesterol huyết nếu bệnh nhân dùng thuốc trong thời gian dài.
Thận trọng với người bệnh có tiền sử động kinh, người bệnh tăng áp lực nội nhãn hoặc glôcôm góc đóng, người bệnh có hưng cảm hoặc bệnh nhân rối loạn xuất huyết.
Bệnh nhân bị phát ban, mày đay hoặc dị ứng phải đến thầy thuốc khám để có hướng xử trí.
Vì người bệnh trầm cảm có nguy cơ tự sát cao nên cần giám sát chặt chẽ bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị, nhất là trong giai đoạn đầu điều trị cho tới khi trầm cảm đỡ.
Cũng như các thuốc chống trầm cảm khác, venlafaxin có thể gây chóng mặt, hạ huyết áp thế đứng nhất là ở người cao tuổi, vì vậy không nên lái tàu xe hoặc vận hành máy móc.
Khi đang điều trị bằng venlafaxin mà ngừng thuốc hoặc giảm liều đột ngột có thể gây các triệu chứng mệt mỏi, ngủ gà, nhức đầu, buồn nôn, chán ăn, khô miệng, tiêu chảy, kích động, lo âu, căng thẳng, lú lẫn, hưng cảm nhẹ, cảm giác bất thường, tăng tiết mồ hôi và chóng mặt. Do đó, venlafaxin được khuyến cáo trước khi ngừng thuốc phải giảm liều dần dần ít nhất trong một tuần sau đợt điều trị kéo dài trên một tuần. Đồng thời phải giám sát người bệnh để làm giảm phản ứng khi ngừng thuốc.
Thời kỳ mang thai
Các bà mẹ mang thai dùng venlafaxin gần ngày sinh có thể gặp các phản ứng ngừng thuốc ở trẻ sau khi sinh. Một nghiên cứu ở 150 người dùng venlafaxin vào 3 tháng đầu của thai kỳ thấy 25 người xảy thai và thai chết, 2 người có thai dị dạng. Mặc dù tỉ lệ này cao hơn không có ý nghĩa so với nhóm chứng nhưng các nhà sản xuất khuyến cáo không dùng venlafaxin cho phụ nữ mang thai trừ khi thật cần thiết.
Thời kỳ cho con bú
Venlafaxin và chất chuyển hóa O-desmethylvenlafaxin bài tiết vào sữa mẹ nên có thể gây tác dụng không mong muốn trên trẻ bú mẹ.
Không dùng thuốc cho phụ nữ nuôi con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Thường gặp, ADR > 1/100
Thần kinh: Nhức đầu, mất ngủ, buồn ngủ, chóng mặt, suy nhược, lo âu, căng thẳng, kích động, ác mộng, hoang mang.
Tim mạch: Run rẩy, giãn mạch, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp phụ thuộc liều.
Tiêu hóa: Khô miệng, táo bón. Ngoài ra còn gặp buồn nôn, nôn, chán ăn, ăn không tiêu, đau bụng, tiêu chảy.
Chuyển hóa và nội tiết: Tăng hoặc giảm cân, tăng cholesterol máu, rối loạn chức năng sinh dục.
Dị ứng: Ngứa, phát ban, khó thở.
Khác: Cảm giác lạnh và sốt, tăng tiết mồ hôi, đi tiểu nhiều, rối loạn thị lực, đau cơ, đau khớp, ù tai.
Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
Tim mạch: Hạ huyết áp thế đứng, ngất, loạn nhịp tim, tim đập nhanh.
Thần kinh trung ương và tâm thần: Mất điều phối, rối loạn vận ngôn, rối loạn ngoại tháp, hưng cảm nhẹ, ảo giác, co giật, ngất.
Trên gan: Viêm gan, tăng enzym gan có hồi phục.
Nội tiết: Chảy sữa.
Dị ứng: Quá mẫn, ban đỏ đa dạng, hội chứng Stevens - Johnson, phù mạch.
Khác: Vết bầm tím trên da, xuất huyết tiêu hóa, bí tiểu tiện, mẫn cảm với ánh sáng.
Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
Máu: Rối loạn tạo máu như giảm bạch cầu hạt, thiếu máu bất sản, giảm bạch cầu trung tính, giảm toàn thể huyết cầu.
Tim: Khoảng QT dài.
Khác: Giảm natri huyết, viêm tụy và tăng tế bào ưa eosin ở phổi. Ý nghĩ tự tử đặc biệt ở trẻ em.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Đa số các tác dụng không mong muốn là do liên quan đến serotonin như buồn nôn, nôn, nhức đầu, mất ngủ hoặc buồn ngủ.
Do thức ăn không làm giảm hấp thu thuốc qua đường tiêu hóa vì vậy để giảm tác dụng không mong muốn do không dung nạp thuốc như buồn nôn nên uống thuốc cùng với thức ăn.
Venlafaxin thường gây tăng huyết áp ở một số người bệnh khi dùng liều vượt quá 200 mg/ngày, nên nếu người bệnh đã có tăng huyết áp thì cần phải điều trị tăng huyết áp trước khi bắt đầu dùng venlafaxin và phải kiểm tra huyết áp thường xuyên trong suốt quá trình điều trị bằng venlafaxin. Với một số người bệnh nếu trong quá trình điều trị mà huyết áp tăng lên thì cần thiết phải giảm liều hoặc ngừng thuốc.
Nếu trong khi điều trị thấy xuất hiện cơn co giật, phải ngừng thuốc ngay vì co giật thường xảy ra khi quá liều.
Giảm natri huyết thường xảy ra ở người cao tuổi và có thể do có hội chứng bài tiết hormon kháng niệu không thích hợp khi dùng các thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, hội chứng này hay gặp ở loại thuốc ức chế tái hấp thu setoronin, trong đó có venlafaxin. Nếu thấy người bệnh nhất là người cao tuổi bị buồn ngủ, lú lẫn hoặc co giật khi dùng thuốc chống trầm cảm, phải chú ý ngay đến giảm natri huyết để điều trị.
Liều lượng và cách dùng
Liều được tính theo venlafaxin. Venlafaxin hydroclorid 28,3 mg tương đương khoảng 25 mg venlafaxin.
Điều trị bệnh trầm cảm
Người lớn và trẻ trên 18 tuổi (dùng viên thông thường):
Liều khởi đầu: Uống 75 mg/ngày chia 2 - 3 lần trong bữa ăn (một số bệnh nhân có thể khởi đầu với liều thấp 37,5 mg/ngày trong 4 - 7 ngày đầu sau đó tăng đến 75 mg/ngày), nếu cần thiết liều có thể tăng tới 150 mg/ngày sau vài tuần để đạt yêu cầu điều trị. Liều tối đa 225 mg/ngày.
Trầm cảm nặng hoặc nằm viện: Liều khởi đầu có thể dùng tới 150 mg/ngày, cứ sau 2 - 3 ngày điều trị có thể tăng thêm 75 mg/ngày đến liều tối đa là 375 mg/ngày. Sau đó liều phải giảm dần.
Dạng thuốc viên giải phóng kéo dài dùng ngày 1 lần, khởi đầu dùng 75 mg/lần/ngày trong bữa ăn sáng hoặc chiều (một số bệnh nhân có thể khởi đầu với liều thấp 37,5 mg/lần/ngày trong 4 – 7 ngày đầu, sau đó tăng đến 75 mg/ngày tùy theo đáp ứng của bệnh nhân). Liều dùng có thể tăng dần lên mỗi lần 75 mg/ngày sau từng khoảng thời gian ít nhất 4 ngày đến khi đạt yêu cầu điều trị. Liều tối đa khuyến cáo là 225 mg/ngày (viên giải phóng kéo dài).
Không dùng thuốc cho trẻ em dưới 18 tuổi.
Điều trị trạng thái lo âu
Người lớn, liều khởi đầu 75 mg/lần/ngày, dạng viên giải phóng kéo dài (một số bệnh nhân có thể phải khởi đầu với liều thấp hơn 37,5 mg/ngày trong 4 - 7 ngày đầu sau đó mới tăng đến 75 mg/ ngày). Tăng dần liều cách 4 ngày một lần tới tối đa là 225 mg/ngày.
Ngừng thuốc dần dần nếu không có đáp ứng tốt sau 8 tuần điều trị.
Điều trị trạng thái hoảng sợ
Dùng dạng viên giải phóng kéo dài. Người lớn, liều khởi đầu 37,5 mg/lần/ngày, trong 7 ngày, sau đó tăng lên 75 mg/lần/ngày. Liều có thể tăng thêm 75 mg/ngày, cách 7 ngày một lần tới khi đạt yêu cầu điều trị, cho đến liều tối đa là 225 mg/ngày.
Người bệnh suy gan, suy thận
Với người bệnh suy gan, suy thận nhẹ không cần điều chỉnh liều.
Người bệnh suy gan, suy thận trung bình, liều giảm một nửa và dùng ngày 1 lần. Không dùng cho người bệnh suy gan, suy thận nặng.
Tương tác thuốc
Một số thuốc khi dùng đồng thời với venlafaxin có thể gây hội chứng serotonin: Thuốc cường serotonin, thuốc ức chế chọn lọc tái hấp thu serotonin, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và noradrenalin, serotonin, thuốc làm giảm chuyển hóa serotonin. Khi bắt buộc phải dùng đồng thời venlafaxin với một trong các thuốc trên, phải giám sát chặt chẽ người bệnh, nhất là giai đoạn đầu điều trị. Đặc biệt không được dùng venlafaxin đồng thời với IMAO vì có thể gây tương tác nguy hiểm đến tính mạng. Phải ngừng dùng IMAO ít nhất 14 ngày mới được bắt đầu dùng venlafaxin và phải ngừng dùng venlafaxin ít nhất 7 ngày mới bắt đầu dùng thuốc chống trầm cảm khác.
Thuốc chống đông máu: Tác dụng chống đông máu của warfarin có thể tăng lên khi dùng cùng với venlafaxin.
Thuốc chống sốt rét: Nhà sản xuất artemether cùng với lumefantrin khuyến cáo tránh dùng phối hợp với venlafaxin.
Thuốc điều trị bệnh tâm thần: Nồng độ clozapin tăng trong huyết tương khi dùng cùng với venlafaxin.
Thuốc dopaminergic (entacapon): Nhà sản xuất entacapon khuyên cần thận trọng khi dùng phối hợp với venlafaxin.
Sibutramin: Tăng nguy cơ độc cho hệ thần kinh. Nhà sản xuất khuyến cáo tránh dùng đồng thời.
Moclobemid (một thuốc ức chế MAO - A hồi phục được): Tránh dùng phối hợp. Phải có một thời gian từ 3 - 7 ngày nghỉ thuốc khi muốn dùng thuốc kia.
Thuốc serotonergic: Tăng nguy cơ gây hội chứng serotonin khi phối hợp các thuốc serotonergic với nhau, khi phối hợp một thuốc serotonergic với venlafaxin. Hội chứng serotonin xảy ra trong vài giờ hoặc vài ngày gồm có: vật vã, vã mồ hôi, ỉa chảy, sốt, tăng phản xạ gân xương, mất điều phối, thay đổi trạng thái tâm thần (lú lẫn, hưng cảm nhẹ), rung giật cơ, rét run hoặc run, loạn nhịp tim, hôn mê, đông máu rải rác nội mạch, tăng hoặc giảm huyết áp, suy thận, suy thở, co giật và sốt cao.
Cimetidin: Gây ức chế enzym chuyển hóa venlafaxin ở gan nhưng nó không ảnh hưởng tới chất chuyển hóa có hoạt tính của venlafaxin là O-desmethyl venlafaxin, chất này có trong huyết tương với nồng độ cao. Do đó các nhà sản xuất khuyến cáo rằng khi sử dùng đồng thời venlafaxin với cimetidin chỉ cần theo dõi các triệu chứng lâm sàng đối với những bệnh nhân cao tuổi, suy chức năng gan hoặc trước đó đã từng bị tăng huyết áp.
Độ ổn định và bảo quản
Venlafaxin được bảo quản trong bao bì kín, ở nơi khô ráo, nhiệt độ 20 - 25 độ C.
Quá liều và xử trí
Quá liều: Hôn mê, ngủ lịm, ngủ gà, thay đổi điện tâm đồ, loạn nhịp tim và xuất huyết nặng.
Xử trí: Chưa có thuốc giải độc đặc hiệu. Dùng than hoạt, rửa dạ dày nếu phát hiện sớm. Biện pháp chủ yếu là điều trị triệu chứng và hỗ trợ hô hấp.
Do thể tích phân bố của venlafaxin lớn trong cơ thể, nên gây lợi niệu, thẩm phân, thận nhân tạo hoặc thay đổi máu có thể không có ích.
Tên thương mại
Efexor XR; Venlixor 75
Bài viết cùng chuyên mục
Vincristin
Vincristin, một alcaloid chống ung thư chiết xuất từ cây Dừa cạn Catharanthus roseus (L.) G. Don (Vinca rosea L.) có tác dụng kích ứng mạnh các mô.
Vitabact
Picloxydine là một chất sát khuẩn có tác động kìm khuẩn phổ rộng. Thuốc nhỏ mắt sát trùng, được dùng trong điều trị một số bệnh nhiễm ở mắt, kể cả mắt hột. Mỗi 1 lọ: Picloxydine dichlorhydrate 5mg.
Vaccin giải độc tố bạch hầu
Giải độc tố bạch hầu được điều chế từ độc tố vi khuẩn bạch hầu thu được từ môi trường nuôi cấy chủng vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae đã được xử lý bằng formaldehyd.
Vaccin sốt vàng
Vaccin sốt vàng có tác dụng thúc đẩy hình thành miễn dịch chủ động đối với bệnh sốt vàng, được dùng cho những người có nguy cơ phơi nhiễm cao.
Vắc xin bài liệt bất hoạt: Vaccinum poliomyelitidis inactivatum
Vắc xin bại liệt bất hoạt (IPV), trước đây còn gọi là vắc xin Salk, là loại vắc xin bất hoạt bằng formaldehyd chứa kháng nguyên của 3 typ vắc xin bại liệt
Ventolin
Salbutamol sulfate, có tác động chọn lọc lên thụ thể trên cơ phế quản, và có rất ít hay không có tác động lên các thụ thể ở tim với liều điều trị.
Veragel DMS
Veragel DMS đươc điều chế đặc biệt để có thể kiểm soát chứng dư acide, viêm, loét dạ dày, chứng đầy bụng và chứng đau do co thắt dạ dày một cách hữu hiệu.
Victoza
Không cần tự theo dõi glucose huyết để điều chỉnh liều Victoza®. Khởi đầu điều trị bằng Victoza® phối hợp sulphonylurea: tự theo dõi glucose huyết có thể cần thiết để chỉnh liều sulphonylurea.
Viartril S
Tất cả các bệnh thoái hóa xương khớp, thoái khớp nguyên phát và thứ phát như thoái khớp gối, háng tay, cột sống, vai, viêm quanh khớp, loãng xương, gãy xương teo khớp, viêm khớp mãn và cấp.
Vitamin D
Thuật ngữ vitamin D dùng để chỉ một nhóm các hợp chất sterol có cấu trúc tương tự, có hoạt tính phòng ngừa hoặc điều trị còi xương.
Vancomycin hydrochloride
Vancomycin hydrochloride vô khuẩn, USP là một kháng sinh glycopeptide ba vòng dẫn xuất từ Nocardia orientalis (trước đây gọi là Streptomyces orientalis) và có công thức hóa học C66H75Cl2N9O24.HCl.
Veybirol Tyrothricine
Người lớn: Súc miệng 3 - 4 lần/ngày. Ngậm trong vài giây. Trẻ em 6 - 12 tuổi: Súc miệng 2 - 3 lần/ngày. Điều trị tại chỗ có tác động sát khuẩn. Điều trị hỗ trợ tại chỗ trong các bệnh ở khoang miệng.
Vitamin D và các thuốc tương tự
Thuật ngữ vitamin D dùng để chỉ một nhóm các hợp chất sterol có cấu trúc hóa học tương tự nhau và có hoạt tính phòng ngừa hoặc điều trị còi xương
Vancomycin
Vancomycin là kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn bằng cách ức chế quá trình sinh tổng hợp vỏ tế bào vi khuẩn, ở giai đoạn sớm hơn so với các kháng sinh nhóm beta - lactam.
Vắc xin bạch hầu hấp phụ: Vaccinum diphtheriae adsorbatum
Vắc xin bạch hầu được điều chế từ độc tố vi khuẩn bạch hầu thu được từ môi trường nuôi cấy chủng vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae đã được xử lý bằng formaldehyd.
Volmax
Chất giải độc thường dùng trong trường hơp quá liều Volmax là tác nhân ức chế bêta chọn lọc trên tim, nhưng nên dùng các thuốc ức chế bêta cẩn thận trên bệnh nhân có tiền sử co thắt phế quản.
Voluven
Trong vòng 10 - 20 mL dịch truyền đầu, truyền chậm và theo dõi phát hiện sớm các dấu hiệu của phản ứng dạng phản vệ. Theo dõi liên tục huyết động và ngừng truyền ngay khi đạt mục tiêu phù hợp.
Vitamin E
Vitamin E là thuật ngữ chỉ một số các hợp chất thiên nhiên và tổng hợp, chất quan trọng nhất là các tocopherol, trong đó alphatocopherol có hoạt tính nhất và được phân bố rộng rãi trong tự nhiên; các chất khác của nhóm tocopherol.
Voltamicin
Voltamicin là sự kết hợp giữa diclofenac, một chất có tính kháng viêm, giảm đau non-steroid với gentamicin, một kháng sinh nhóm aminoglycoside. Hai hoạt chất này được dùng điều trị tại chỗ cho mắt với tác dụng riêng biệt.
Mục lục thuốc và biệt dược theo vần V
V - cillin - xem Phenoxymethyl penicilin, Vaccin bạch hầu - uốn ván - ho gà hấp phụ, Vaccin bại liệt bất hoạt, Vaccin bại liệt uống, Vaccin BCG - xem Vaccin lao, Vaccin dại.
Vắc xin Ad26.COV2.S (Johnson & Johnson): hiệu quả liều lượng và cách sử dụng
Vào ngày 27 tháng 2, FDA đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin của Johnson & Johnson, biến nó thành loại vắc xin coronavirus thứ ba có sẵn ở Hoa Kỳ. Đây cũng là lần đầu tiên được chứng minh là an toàn và hiệu quả chỉ với một liều thay vì hai liều.
Vincarutine
Thuốc được hấp thu nhanh và đạt nồng độ tối đa trong máu sau 2 giờ. Thuốc được đào thải qua thận gồm 5 chất chuyển hóa và vicamine không bị biến đổi.
Vaccin liên sởi quai bị rubella
Trong vaccin sống sởi, quai bị, rubella, virus sởi sống giảm hoạt lực được nuôi cấy trên tế bào nguyên thủy phôi gà, virus quai bị được điều chế bằng cách nuôi cấy trong trứng gà có phôi và virus rubella.
Vaccin bại liệt uống
Vaccin Sabin phòng bệnh bại liệt là một hỗn dịch gồm có 3 typ 1, 2, 3 virus bại liệt sống, giảm độc lực. Các virus này được nhân lên trong môi trường nuôi cấy là các tế bào thận khỉ hoặc tế bào VERO.
Vitreolent
Vitreolent chứa iodide nên có thể gây cường giáp và nổi mụn kiểu trứng cá ở những bệnh nhân có yếu tố thuận lợi.