- Trang chủ
- Sách y học
- Sinh lý y học
- Sự bài tiết huyết thanh và chất nhầy của nước bọt
Sự bài tiết huyết thanh và chất nhầy của nước bọt
Khi chất tiết chảy qua các ống dẫn, 2 quá trình vận chuyển tích cực chủ yếu diễn ra làm thay đổi rõ rệt thành phần ion trong dịch tiết nước bọt.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Nước bọt bao gồm một sự bài tiết huyết thanh và bài tiết chất nhày
Các tuyến cơ bản của sự tiết nước bọt là tuyến mang tại, tuyến dưới hàm và tuyến dưới lưỡi; thêm vào đó có rất nhiều tuyến nhỏ quanh miệng. Sự bài tiết nước bọt hàng ngày thường biến động trong khoảng tử 800 - 1000ml, được thể hiện bằng giá trị trung bình khoảng 1000ml.
Bảng Sự bài tiết hàng ngày của dịch ruột
Nước bọt bao gồm 2 typ bài tiết protein khác nhau:
(1) Bài tiết huyết thanh bao gồm ptyalin (một α- amylase) là một enzyme tiêu hóa tinh bột, và (2) Bài tiết chất nhày gồm mucin cho mục đích bôi trơn và bảo vệ bề mặt đường tiêu hóa.
Tuyến mang tai bài tiết gần như toàn bộ dạng nước bọt huyết thanh, trong khi đó thì tuyến dưới hàm và dưới lưỡi bài tiết cả nước bọt giàu huyết thanh và chất nhày. Các tuyến quanh miệng thì chỉ bài tiết chất nhày. Nước bọt có độ pH nằm trong khoảng 6.0 -7.0, là một khoảng thuận lợi cho hoạt động tiêu hóa của ptyalin.
Sự bài tiết các ion trong nước bọt
Nước bọt bao gồm một lượng lớn đặc biệt các ion K và HCO3. Ngược lại, nồng độ của cả 2 ion Na và Cl trong nước bọt lại thấp hơn vài lần so với trong huyết tương. Có thể hiểu tại sao lại có những nồng độ đặc biệt này của các ion trong nước bọt thông qua giải thích dưới đây về cơ chế bài tiết nước bọt.
Sự bài tiết của tuyến dưới hàm - một tuyến phức hợp điển hình bao gồm tiểu thùy và các ống dẫn nước bọt. Sự bài tiết nước bọt là một quá trình gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên có sự tham gia của các tiểu thùy, giai đoạn thứ hai có sự tham gia của các ống dẫn nước bọt. Tiểu thùy tiết ra chất tiết đầu tiên bao gồm ptyalin và/hoặc chất nhày nằm trong một dung dịch giàu điện giải với nồng độ không khác nhiều so với dịch ngoại bào điển hình. Khi chất tiết ban đầu này chảy qua các ống dẫn, 2 quá trình vận chuyển tích cực chủ yếu diễn ra làm thay đổi rõ rệt thành phần ion trong dịch tiết nước bọt.
Hình. Sự hình thành và tiết nước bọt bởi một tuyến nước bọt dưới hàm.
Đầu tiên, ion Na+ được tái hấp thu chủ động từ tất cả các ống dẫn nước bọt và các ion K+ được tiết ra chủ động để trao đổi lượng ion Na+. Do đó, nồng độ ion Na+ trong nước bọt bị giảm xuống một cách đáng kể trong khi nồng độ K+ ngược lại lại tăng lên. Tuy nhiên, có sự tái hấp thu quá mức ion Na+ so với sự bài tiết ion K+, điều này sẽ tạo lên sự tích điện âm khoảng -70 milli-volts trong ống tiết nước bọt; sự tích điện âm này lần lượt gây nên tình trạng ion Cl bị tái hấp thu một cách bị động. Chính vì vậy, nồng độ ion Cl- trong nước bot bị giảm xuống rất thấp, phù hợp với sự giảm nồng độ ion Na+ trong các ống tuyến.
Thứ hai, ion bicarbonate được bài tiết bởi các tế bào biểu mô ống tiết vào trong lòng của ống. Sự bài tiết này ít nhất một phần được gây ra bởi sự trao đổi bị động giữa ion bicarbonate và ion Cl-, nhưng cũng có thể gây ra một phần do quá trình bài tiết chủ động.
Kết quả thực của các quá trình vận chuyển này là dưới tình trạng nghỉ ngơi, nồng độ ion Na và ion Cl trong nước bọt chỉ vào khoảng 15 mEq/L, bằng khoảng 1/7 đến 1/10 nồng độ của chúng trong huyết tương.
Ngược lại, nồng độ của ion K lại vào khoảng 30mEq/ L, gấp 7 lần so với nồng độ của chúng trong huyết tương.
Trong suốt quá trình bài tiết nước bọt ở cường độ cao nhất, nồng độ các ion trong nước bọt cũng có thể thay đổi bởi tốc độ sản xuất chất tiết đầu tiên bởi các tiểu thùy có thể tăng gấp 20 lần trong điều kiện nghỉ ngơi. Dịch bài tiết của các tiểu thùy sau đó sẽ được dẫn vô cùng nhanh qua các ống tiết vì vậy sự điều chỉnh các thay đổi dịch bài tiết tại đây bị giảm một cách đáng kể. Do đó, một lượng dồi dào nước bọt được bài tiết ra, nồng độ muối NaCl vào khoảng 1/2 hoặc 2/3 nồng độ của nó trong huyết tương, và nồng độ ion K tăng gấp 4 lần so với nồng độ trong huyết tương.