- Trang chủ
- Sách y học
- Sinh lý y học
- Chu chuyển của tim
Chu chuyển của tim
Tâm nhĩ hoạt động như một bơm khởi đầu cho tâm thất, và tâm thất lần lượt cung cấp nguồn năng lượng chính cho sự vận chuyển máu qua hệ thống mạch trong cơ thể.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Chu chuyển tim là sự kiện xảy ra tính từ lúc bắt đầu một nhịp tim đến lúc bắt đầu nhịp tiếp theo. Mỗi chu chuyển tim được bắt đầu bởi sự phát sinh tự động của điện thế hoạt động ở nút xoang. Nút xoang nằm phía trên, bên của vách tâm nhĩ phải gần lỗ đổ vào của tĩnh mạch chủ trên, và điện thế hoạt động xuất phát từ đây rồi nhanh chóng qua tâm nhĩ phải, sau đó qua bó A-V để đến tâm thất.
Nhờ sự sắp xếp đặc biệt này của hệ thống dẫn truyền từ tâm nhĩ đến tâm thất nên có sự trễ chừng hơn 0.1 s trong sự dẫn truyền xung điện tim từ tâm nhĩ đến tâm thất. Sự trễ này cho phép tâm nhĩ co lại trước tâm thất, qua đó bơm máu vào tâm thất trước khi sự co bóp mạnh mẽ của tâm thất bắt đầu. Như vậy, tâm nhĩ hoạt động như một bơm khởi đầu cho tâm thất, và tâm thất lần lượt cung cấp nguồn năng lượng chính cho sự vận chuyển máu qua hệ thống mạch trong cơ thể.
Tâm thu và tâm trương
Chu chuyển tim gồm một giai đoạn tim giãn gọi là tâm trương, khi đó tim được đổ đầy máu, sau đó là một giai đoạn tim co gọi là tâm thu.
Tổng thời gian của chu chuyển tim, bao gồm tâm thu và tâm trương, tỷ lệ nghịch với nhịp tim. Ví dụ, nếu nhịp tim là 72 nhịp/ phút, thời gian của chu kỳ tim là 1/72 phút/ nhịp - tương đương khoảng 0.0139 phút/ nhịp, hay 0.833 s/ nhịp.
Hình thể hiện các diễn biến khác nhau trong chu chuyển tim đối với tim bên trái. Ba đường cong trên cùng thể hiện sự thay đổi của áp lực tương ứng trong động mạch chủ, tâm thất trái, và tâm nhĩ trái. Đường cong thứ tư miêu tả sự thay đổi trong thể tích tâm thất trái, đường cong thứ năm ghi lại điện tâm đồ, và đường cong thứ sáu miêu tả tâm thanh đồ, ghi lại âm thanh từ hoạt động bơm máu của tim (chủ yếu là từ van tim). Điều này đặc biệt quan trọng cho người đọc nghiên cứu chi tiết về những hình ảnh này và hiểu về nguyên nhân của tất cả các quá trình được thể hiện.
Tăng nhịp tim làm giảm thời gian chu chuyển tim
Khi nhịp tim tăng, thời gian mỗi chu chuyển tim giảm, gồm cả pha co bóp và pha giãn của tim. Thời gian của điện thế hoạt động và giai đoạn co bóp (tâm thu) cũng giảm, nhưng lại không tăng tỷ lệ của giai đoạn tim giãn (tâm trương). Tần số tim bình thường là 72 nhịp/ phút, tâm thu chiếm khoảng 0.4 trong toàn chu chuyển tim. Với tần số tim gấp 3 lần bình thường, tâm thu khoảng 0.65 trong toàn bộ chu chuyển tim.
Điều này có nghĩa là tim đập với tần số rất nhanh không còn giãn đủ lâu để máu được bơm đầy vào buồng tim trước nhịp co bóp tiếp theo.
Liên quan giữa điện tâm đồ với chu chuyển tim
Hình. Các diễn biến của chu chuyển tim đối với chức năng tâm thất trái, cho thấy những thay đổi về áp lực nhĩ trái, áp lực thất trái, áp lực động mạch chủ, thể tích thất, điện tâm đồ và tâm thanh đồ. A - V, nhĩ thất.
Điện tâm đồ ở Hình 9-7 thể hiện các sóng P, Q, R, S và T. Chúng là các điện thế phát sinh từ tim và được ghi lại bởi máy điện tim trên bề mặt cơ thể.
Sóng P được tạo ra bởi sự khử cực lan truyền qua tâm nhĩ và theo sau là sự co bóp của tâm nhĩ, làm xuất hiện một sự tăng nhẹ ở đường cong áp suất tâm nhĩ ngay sau sóng P.
Khoảng 0.16 s sau khi bắt đầu sóng P, phức hợp sóng QRS xuất hiện do sự khử cực tâm thất, khởi động co tâm thất và làm cho áp suất tâm thất bắt đầu tăng lên. Do vậy, phức hợp QRS bắt đầu ngay gần trước khi tâm thất bắt đầu thu.
Cuối cùng, Sóng T của tâm thất miêu tả giai đoạn tái cực của tâm thất khi các sợi cơ tâm thất bắt đầu giãn. Do vậy, sóng T xảy ra trước khi tâm thất ngừng co.
Tâm nhĩ như một cái bơm mồi cho tâm thất
Bình thường dòng máu từ các tĩnh mạch lớn đi vào tâm nhĩ; khoảng 80% lượng máu trực tiếp qua tâm nhĩ đổ vào tâm thất trước cả khi tâm nhĩ co. Sau đó, tâm nhĩ co thông thường sẽ bơm thêm 20% máu để làm đầy tâm thất. Như vậy, tâm nhĩ có chức năng như một cái bơm mồi làm tăng hiệu quả bơm máu của tâm thất thêm 20%. Tuy nhiên, tim có thể tiếp tục hoạt động trong hầu hết các điều kiện mà không cần 20% hiệu quả này bởi bình thường nó có khả năng nơm máu lên đến 300 - 400% so với nhu cầu khi nghỉ ngơi của cơ thể. Do vậy, khi tâm nhĩ mất chức năng, sự khác biệt là không đáng kể trừ khi một người rèn luyện; sau đó dấu hiệu cấp tính của suy tim thỉnh thoảng xuất hiện, đặc biệt là hơi thở nhanh.
Thay đổi áp suất trong tâm nhĩ - sóng a, c và v
Trên đường cong thể hiện áp suất tâm nhĩ, có ba sóng được gọi là sóng áp suất tâm nhĩ a, c và v.
Sóng a được tạo ra do tâm nhĩ co. Thông thường, ap suất nhĩ phải tăng từ 4 - 6 mmHg khi nhĩ co, và áp suất nhĩ trái tăng khoảng 7 - 8 mmHg.
Sóng c xuất hiện khi tâm thất bắt đầu co, đó là kết quả không đáng kể từ dòng máu quay lại tâm nhĩ khi tâm thất bắt đầu co, mà chủ yếu là do sự phồng lên về phía tâm nhĩ của van A-V do tăng áp suất trong tâm thất.
Sóng v xuất hiện khi sự co tâm thất kết thúc; đó là kết quả của dòng máu chảy chậm vào tâm nhĩ từ tĩnh mạch khi van A-V đóng trong lúc tâm thất co. Sau đó, khi sự co tâm thất kết thúc, van A-V mở ra, cho phép máu tích lũy ở tâm nhĩ nhanh chóng đổ vào tâm thất và làm xuất hiện sóng v.