- Trang chủ
- Sách y học
- Tâm lý học và lâm sàng
- Bản chất của tâm thần phân liệt
Bản chất của tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt là một trong những chẩn đoán tâm thần gây nhiều tranh cãi nhất. Trải qua các thời kỳ, người ta vẫn còn tranh luận rằng liệu có thật sự tồn tại một trạng thái tâm thần phân liệt, nó là do di truyền hay do môi trường.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Tâm thần phân liệt là một trong những chẩn đoán tâm thần gây nhiều tranh cãi nhất. Trải qua các thời kỳ, người ta vẫn còn tranh luận rằng liệu có thật sự tồn tại một trạng thái tâm thần phân liệt, nó là do di truyền hay do môi trường và liệu có nhất thiết phải điều trị bằng thuốc, bằng sốc điện hay cần nhiều đến trị liệu tâm lí-xã hội. Bài này sẽ đề cập đến từng vấn đề đó. Cuối bài bạn sẽ nắm được:
Bản chất của tâm thần phân liệt.
Cách hiểu về “triệu chứng” của tâm thần phân liệt.
Vai trò, nguyên nhân có thể có của các yếu tố di truyền, gia đình và tâm lí - xã hội.
Mô hình nơ ron và dẫn truền thần kinh của rối loạn.
Mô hình tâm lí trải nghiệm của những người được chẩn đoán tâm thần phân liệt.
Các cách tiếp cận trị liệu tâm thần phân liệt khác nhau và hiệu quả của chúng.
Cái mà bây giờ vẫn gọi là tâm thần phân liệt đã được Kraepelin mô tả lần đầu vào năm 1883 bằng thuật ngữ dementia praecox. Thuật ngữ này dùng để chỉ một bệnh nhân cách tan rã tiến triển, không hồi phục được chức năng của giai đoạn trước khi bị bệnh. Vài năm sau đó, Bleuler (1908) xác định có 4 triệu chứng cơ bản mà ông cho rằng đó là 4 nhóm tâm thần phân liệt: tính hai chiều trái ngược, rối loạn liên tưởng, rối loạn cảm xúc và huyễn tưởng phi thực tế. Trong tiền sử, nhiều người trong số họ đã từng bị một tổn thưởng thần kinh nào đó, bao gồm cả viêm não ngủ lịm (Boyle 1990).
Cho đến nay người ta vẫn tiếp tục tranh luận về bản chất của tâm thần phân liệt. Tuy nhiên hầu hết đều nhất trí rằng nó bao gồm những rối loạn liên quan đến tư duy và tri giác. Rối loạn quá trình tư duy thường được xem như là một triệu chứng thường gặp nhất ở tâm thần phân liệt. Câu chuyện thiếu sự kết nối, đang từ chủ đề này nhảy sang chủ đề khác và đang từ ý nghĩ này chuyển sang ý nghĩ khác, hoàn toàn không liên quan. Người mắc chứng tâm thần phân liệt có thể có hiện tượng tạo từ mới hoặc liên tưởng hổ lốn các từ. Họ có thể có cảm giác rằng ai đó đang áp đặt ý nghĩ cho họ làm mất định hướng trong đối thoại hoặc trong suy nghĩ, thậm chí nói không trọn vẹn câu. Những hiện tượng như vậy bao gồm hoang tưởng chi phối (cả 2 loại: có khả năng chi phối người khác và bị người khác chi phối), hoang tưởng tự cao (tin rằng mình rất giàu, nổi tiếng, tài giỏi) và hoang tưởng liên hệ (tin rằng mọi hành vi của người khác đều có liên quan trực tiếp đến mình: sự động chạm, cái liếc nhìn, tiếng cười đều hướng trực tiếp đến họ). Người bị tâm thần phân liệt cũng có thể có ảo giác, chủ yếu là ảo thanh. Nội dung của ảo giác cũng rất khác nhau, từ ôn hoà cho đến quấy rầy, hành hạ…Cảm xúc của những người này cũng tường được mô tả là cùn mòn. Thường họ ít có những đáp ứng cảm xúc mặc dù họ có thể có những trạng thái hung hăng hoặc trầm cảm và thường là do những ý nghĩ bên trong hoặc do ảo giác.
Trải nghiệm của những người bị tâm thần phân liệt cũng rất khác nhau, tuỳ thuộc vào mức độ can thiệp của một trải nghiệm nào đó vào cuộc sống của họ. Nhiều người có hoang tưởng kéo dài nhưng không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của họ; đối với những người khác, trải nghiệm có thể có nhiều vấn đề. Xin dẫn ra 2 ví dụ của Michael và David. Michael là một người đàn ông trung niên được chẩn đoán tâm thần phân liệt cách đây vài năm. Anh có một cuộc sống bình thường trong một căn hộ nhỏ ở Cardiff. Một trong những hoang tưởng của Michel là anh ta sợ những người lạ, có thể từ ngoài trái đất tấn công bằng laze:
Laze tấn công tôi. Họ nhằm vào đầu tôi. Khi họ bắn là tôi biết bởi lúc đó là tôi rất đau đầu. Họ không bắn tôi liên tục. Họ đến rồi lại đi. Tôi không biết tôi đã phạm phải điều gì để họ hành hạ mình như vậy. Điều này đã kéo dài mấy năm. Họ thường bắn vào đầu tôi do vậy tôi phải đội mũ để bảo vệ đầu mỗi khi họ bắn. Tôi quấn cái mũ bằng tấm kim loại để nó hất ngược laze…và như vậy họ không thể bắn được tôi…tôi cho rằng họ liên kết với nhau để làm việc đó…lần cuối cùng họ bắn tôi là vào sáng chủ nhật. Chúng làm tôi thức dậy - ý tôi nói các tia laze làm đầu tôi hầu như bị thương. Tôi không ra được khỏi giường vì đau quá. Tôi phải đội mũ bảo hiểm và luôn trong tư thế sẵn sàng để tránh bị đau…Điều đó thật tệ. Tôi thường dùng mũ của mình cản được laze, tuy nhiên thỉnh thoảng chúng cũng xuyên qua được. (có lẽ điều đó không phải là tình cờ khi hầu như cả buổi tối thứ 7 Michel uống bia ở một quán trong khu vực).
Còn trường hợp khác, do có những hoang tưởng cấp tính và nặng nên David được đưa vào nội trú. Mình trần như nhộng, David chạy trên đường phố và tuyên bố rằng anh ta là con của Chúa trời đến để bảo vệ mọi người, tránh các tội lỗi. Khi bị đưa vào viện, David tuyên bố:
Ta là Chúa cứu thế, ta là David, là người bảo vệ…Ta sẽ bảo vệ các người khỏi những tội lỗi mà các người mắc phải. Những tội lỗi đó có thể đưa các người tới lò thiêu của địa ngục chứ không phải thiên đàng của Chúa trời. Các người không được giữ ta…Chúa trời sẽ nổi giận với các người, với cả thế giới, Quỷ sẽ bắt các người vì các người can tội giữ ta ở đây…Thật là tuyệt, rồi các người sẽ bị giết vì dám giam giữ đứa con của Chúa…Ta đến đề bảo vệ thế giới…Các người không được giam giữ ta… Ta ở đây là theo ý Chúa và Jesu. Chúa chỉ nói với ta chứ không nói với các người. Chúa đang tức giận về những thói xấu xa của thế giới, về những việc mà con người đã làm… đó là tội lỗi, mọi thứ… những đôi cánh của các thiên thần sẽ bay đến và đưa ta ra khỏi nơi này.
Có khoảng 1% số người trưởng thành bị chẩn đoán là tâm thần phân liệt (APA 2000). Tỉ lệ mắc bệnh tương đối giống nhau ở các nước, các nền văn hoá khác nhau và qua các thời kỳ khác nhau. Lứa tuổi khởi phát thường ở vào độ tuổi 20-35. ở nữ, tuổi khởi phát thường muộn hơn 3-4 năm so với nam và có đỉnh thứ 2 ở vào thời kỳ mãn kinh. Đây là rối loạn dạng từng đợt, có những giai đoạn cấp tính và có những giai đoạn thuyên giảm. Wiersma và cs. (1998) đã tiến hành nghiên cứu thuần tập những người bị tâm thần phân liệt trong 15 năm kể từ pha bệnh đầu tiên, 2/3 số người có ít nhất một lần tái phát và sau mỗi lần tái phát 1/6 số trường hợp không hồi phục. 1/10 đã tự sát trong thời gian nghiên cứu. Các yếu tố liên quan đến tiên lượng tốt bao gồm khởi phát cấp tính, có yếu tố stress thúc đẩy và có thể xác định được, các triệu chứng dương tính chiếm ưu thế, có sự hỗ trợ tốt về mặt xã hội và trong tiền sử gia đình không có người bị tâm thần phân liệt.