Globulin miễn dịch tiêm bắp (IGIM): thuốc gây miễn dịch thụ động

2019-03-14 06:10 PM
Globulin miễn dịch tiêm bắp, được dùng để tạo miễn dịch thụ động cho những đối tượng nhạy cảm phải tiếp xúc với một số bệnh lây nhiễm, khi chưa được tiêm vắc xin phòng các bệnh đó

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Tên chung quốc tế: Immunoglobulin, normal human, for extravascular adm.

Loại thuốc: Thuốc gây miễn dịch thụ động.

Dạng thuốc và hàm lượng

Dung dịch để tiêm bắp chứa từ 15% đến 18% protein (2 ml, 10 ml) không có chất bảo quản, chứa 150 - 180 mg protein/ml.

Dược lý và cơ chế tác dụng

Globulin miễn dịch tiêm bắp (IGIM) là một dung dịch vô khuẩn, không chứa chí nhiệt tố, gồm các globulin chứa nhiều loại kháng thể có mặt bình thường trong máu người trưởng thành. Các kháng thể IgG này được dùng để tạo miễn dịch thụ động nhờ sự gia tăng hiệu giá kháng thể và khả năng phản ứng kháng nguyên - kháng thể. Các kháng thể IgG có trong globulin miễn dịch tiêm bắp có tác dụng phòng bệnh hoặc làm thay đổi diễn biến của một số bệnh nhiễm khuẩn ở những người dễ mắc.

Dược động học:

Sau khi tiêm bắp globulin miễn dịch tiêm bắp, nồng độ đỉnh IgG huyết thanh đạt được trong vòng 2 ngày. IgG có trong globulin miễn dịch tiêm bắp được phân bố nhanh và ngang nhau giữa các khu vực trong và ngoài mạch máu. Nửa đời thải trừ của IgG ở những người có hàm lượng IgG bình thường khoảng 23 ngày. Thời gian tác dụng miễn dịch thường kéo dài trong vòng 3 - 4 tuần.

Globulin miễn dịch tiêm bắp (IGIM) được dùng cho người suy giảm miễn dịch tiên phát như liệu pháp thay thế. Globulin miễn dịch tiêm bắp cũng được dùng để tạo miễn dịch thụ động cho những đối tượng nhạy cảm phải tiếp xúc với một số bệnh lây nhiễm khi chưa được tiêm vắc xin phòng các bệnh đó, hoặc khi có chống chỉ định tiêm vắc xin hoặc khi đã tiêm vắc xin nhưng chưa có đủ thời gian để kích thích hình thành kháng thể tạo miễn dịch chủ động cho đối tượng.

Chỉ định

Viêm gan A: Phơi nhiễm trong vòng 14 ngày và trước khi có biểu hiện của bệnh.

Sởi: Dự phòng cho người chưa tiêm phòng sởi, chưa mắc sởi bao giờ nhưng đã phơi nhiễm trước đó với sởi trong vòng 6 ngày. Trẻ em trên 12 tháng tuổi sau 3 tháng tiêm globulin miễn dịch tiêm bắp phải tiêm vắc xin phòng sởi vì kháng thể kháng sởi có thể đã giảm.

Thủy đậu: Khi không có globulin miễn dịch varicella zoster (VZIG); có thể thay thế bằng globulin miễn dịch tiêm bắp để dự phòng thủy đậu sau 72 giờ phơi nhiễm nhưng thường khuyến cáo dùng IGIV hơn là globulin miễn dịch tiêm bắp.

Rubella: Dự phòng sau phơi nhiễm (trong vòng 72 giờ) cho người mang thai để giảm nguy cơ lây nhiễm khi không muốn đi bệnh viện phá thai. Đây không phải là chỉ định thường lệ cho dự phòng rubella sau phơi nhiễm ở đầu thai kỳ.

Suy giảm globulin miễn dịch IgG: Liệu pháp thay thế để giúp ngăn chặn các nhiễm khuẩn nặng.

Chống chỉ định

Người đã có các phản ứng phản vệ hoặc phản ứng toàn thân nặng đối với globulin miễn dịch hay với bất kỳ thành phần nào có trong chế phẩm. Cần sẵn có adrenalin để xử trí ngay phản ứng phản vệ nếu xảy ra.

Người bị thiếu hụt IgA chọn lọc vì những người này có thể có kháng thể kháng IgA và phản ứng phản vệ có thể xảy ra sau khi tiêm globulin miễn dịch tiêm bắp hoặc các sản phẩm khác được điều chế từ máu có chứa IgA.

Giảm tiểu cầu nặng hoặc rối loạn đông máu trầm trọng.

Không được tiêm tĩnh mạch vì dễ gây sốc phản vệ.

Thận trọng

Cần dùng globulin miễn dịch tiêm bắp thật thận trọng cho người bị chứng giảm tiểu cầu nặng hoặc bất cứ một rối loạn đông máu nào vì xuất huyết có thể xảy ra sau khi tiêm thuốc vào bắp thịt. Phải dùng kim tiêm nhỏ cỡ 23 hoặc nhỏ hơn, tiêm xong không day mà ấn chặt vị trí tiêm ít nhất trong vòng 2 phút. Các dữ liệu dịch tễ học và xét nghiệm chỉ ra rằng các chế phẩm globulin miễn dịch tiêm bắp hiện có không tạo ra một nguy cơ nào lan truyền virus gây bệnh suy giảm miễn dịch ở người (HIV). Cùng với việc sàng lọc tất cả các mẫu máu của người cho để phát hiện kháng thể kháng HIV và loại bỏ tất cả những mẫu có phản ứng dương tính, quy trình sản xuất globulin miễn dịch tiêm bắp bao gồm các bước thanh lọc nhằm có được một hành lang an toàn tối đa để loại trừ mọi lây nhiễm.

Không nên làm test da vì có thể xảy ra kích ứng tại chỗ làm đánh giá nhầm kết quả.

Thời kỳ mang thai

Nói chung mang thai không coi là một chống chỉ định dùng globulin miễn dịch. Tuy nhiên, các nghiên cứu liên quan đến sự sinh sản ở động vật chưa được thực hiện đối với globulin miễn dịch tiêm bắp. Hiện còn chưa rõ liệu globulin miễn dịch tiêm bắp có gây hại cho thai khi dùng cho người mang thai hay không.

Do đó chỉ dùng globulin miễn dịch tiêm bắp trong thời kỳ thai nghén khi thật cần thiết.

Thời kỳ cho con bú

Vẫn chưa có dữ liệu nghiên cứu nào ở người. Hiện còn chưa rõ liệu globulin miễn dịch tiêm bắp có được phân bố vào trong sữa mẹ hay không.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Đau, nhạy cảm đau và căng cứng cơ có thể xảy ra tại vị trí tiêm bắp và tồn tại một số giờ sau khi tiêm globulin miễn dịch tiêm bắp. Viêm tại chỗ, nổi mày đay và phù mạch đôi khi xảy ra; nhức đầu, khó chịu và hội chứng thận hư cũng đã được thông báo.

Các lần tiêm nhắc lại globulin miễn dịch tiêm bắp, đặc biệt là ở những người dị ứng có thể gây mẫn cảm thường biểu hiện sốt, ớn lạnh và đổ mồ hôi. Các phản ứng tại chỗ và toàn thân nặng, kể cả sốc phản vệ ở người bệnh tăng mẫn cảm đối với globulin miễn dịch tiêm bắp cũng đã được thông báo. Nếu vô ý tiêm globulin miễn dịch tiêm bắp vào tĩnh mạch có thể dẫn đến những phản ứng tăng mẫn cảm nghiêm trọng.

Chưa xác định được tỷ lệ ADR.

Tim mạch: Mặt bừng đỏ, phù mạch.

Hệ thần kinh trung ương: Rét run, li bì, sốt.

Da liễu: Ngứa, hồng ban.

Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn.

Tại chỗ: Đau, cứng cơ ở vị trí tiêm.

Cơ xương thần kinh: Đau cơ.

Khác: Phản ứng quá mẫn.

Xử trí ADR: Cần chuẩn bị sẵn phương tiện cấp cứu khi xảy ra phản ứng phản vệ.

Liều lượng và cách dùng

Cách dùng

Globulin miễn dịch tiêm bắp (IGIM) không được tiêm dưới da, trong da hoặc tiêm tĩnh mạch.

Ở người lớn và trẻ em, tiêm globulin miễn dịch tiêm bắp vào bắp thịt tốt nhất là vùng cơ delta hoặc vào mặt trước - bên của đùi. Vì nguy cơ tổn thương dây thần kinh tọa, do đó chỉ tiêm mông khi cần, tiêm một khối lượng lớn hơn 10 ml, phải chia thành nhiều liều nhỏ để tiêm ở nhiều vị trí. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tốt hơn hết là nên tiêm globulin miễn dịch tiêm bắp vào mặt trước bên của đùi. Tổng liều một lần tiêm bắp thịt không được vượt quá 20 ml (ngay cả đối với người lớn).

Trước khi tiêm, phải kiểm tra bằng mắt để phát hiện các hạt nhỏ và sự đổi màu của dung dịch thuốc. Cần rút nhẹ piston của bơm tiêm ra một chút để đảm bảo rằng kim tiêm không xuyên vào mạch máu.

Nếu có máu hay bất cứ sự đổi màu bất thường nào xuất hiện trong bơm tiêm thì nên rút kim tiêm ra và hủy bỏ bơm tiêm đó. Một liều mới của globulin miễn dịch tiêm bắp được tiêm vào một vị trí khác, dùng một bơm tiêm và kim tiêm mới. Để đề phòng việc lây truyền virus viêm gan và các tác nhân nhiễm khuẩn khác từ người này sang người khác, mỗi người được tiêm globulin miễn dịch tiêm bắp cần được dùng cho riêng mình một bơm tiêm và kim tiêm vô khuẩn.

Liều lượng

Viêm gan A: Dự phòng trước khi phơi nhiễm cho những người định đi du lịch vào vùng có bệnh viêm gan lưu hành (nên tiêm vắc xin phòng viêm gan A hơn): 0,02 ml/kg cho 1 liều duy nhất đối với người dự kiến phơi nhiễm dưới 3 tháng (liều này có tác dụng bảo vệ tới 3 tháng); 0,06 ml/kg cho 1 liều duy nhất đối với người dự kiến phơi nhiễm bằng hoặc trên 3 tháng. Lặp lại liều thích hợp cách 5 tháng 1 lần nếu tiếp tục phơi nhiễm.

Dự phòng sau phơi nhiễm: 0,02 ml/kg cho một liều duy nhất càng sớm càng tốt, trong vòng 14 ngày phơi nhiễm (nếu phơi nhiễm trên 2 tuần, không khuyến cáo tiêm globulin miễn dịch tiêm bắp). Không cần IgG nếu trước khi phơi nhiễm 1 tháng hay trên 1 tháng đã tiêm 1 liều vắc xin phòng viêm gan A.

Sởi: Dự phòng cho người có khả năng đáp ứng miễn dịch: 0,2 - 0,25 ml/kg/liều (liều tối đa 15 ml) cho một liều duy nhất trong vòng 6 ngày phơi nhiễm. 5 - 6 tháng sau nếu cần, cho tiêm vắc xin sởi sống giảm độc lực cho trẻ em từ 12 tháng trở lên trừ khi có chống chỉ định. Dự phòng cho người suy giảm miễn dịch: 0,5 ml/kg (tối đa 15 ml) cho một liều duy nhất ngay sau khi phơi nhiễm.

Rubella: Dự phòng trong khi mang thai: 0,55 ml/kg/liều cho một liều duy nhất trong vòng 72 giờ phơi nhiễm. Tuy nhiên, không khuyến cáo dùng theo thông lệ.

Thủy đậu: Dự phòng: 0,6 - 1,2 ml/kg (nên dùng globulin miễn dịch thủy đậu Varicella zoster VZIG hơn) trong vòng 72 giờ phơi nhiễm.

Để dự phòng, nếu không có sẵn VZIG, thường được khuyến cáo dùng IGIV (không phải là globulin miễn dịch tiêm bắp).

Suy giảm IgG: 0,66 ml/kg/liều (ít nhất 100 mg/kg), cách 3 - 4 tuần 1 lần. Lúc bắt đầu điều trị, có thể cho liều gấp đôi. Một số người bệnh có thể cần phải tiêm nhiều lần hơn.

Suy giảm globulin miễn dịch cần phải duy trì nồng độ IgG trong huyết tương trên 200 mg/100 ml để ngăn chặn nhiễm khuẩn nặng. Một liều đơn tối đa globulin miễn dịch tiêm bắp đối với người lớn: 30 - 50 ml; trẻ nhỏ: 20 - 30 ml.

Tương tác thuốc

Vắc xin sống: Các chế phẩm globulin miễn dịch không ngăn cản đáp ứng miễn dịch của vắc xin virus cúm sống nhỏ mũi, vắc xin virus sốt vàng sống, vắc xin thương hàn sống uống hoặc vắc xin uống chống virus bại liệt sống. Các vắc xin sống này có thể cho đồng thời hoặc bất cứ lúc nào, trước hay sau globulin miễn dịch.

Vắc xin sởi, quai bị, rubella và thủy đậu: Các kháng thể có trong globulin miễn dịch có thể cản trở đáp ứng miễn dịch đối với các loại vắc xin này và các vắc xin này không được cho đồng thời mà phải cho cách nhau một khoảng thời gian nhất định trước hoặc sau khi dùng globulin miễn dịch.

Vắc xin bất hoạt và giải độc tố: Dùng vắc xin bất hoạt và giải độc tố đồng thời hoặc bất cứ lúc nào, trước hay sau khi tiêm globulin miễn dịch không tác động nhiều về lâm sàng đối với đáp ứng miễn dịch.

Vắc xin virus viêm gan A bất hoạt có thể tiêm đồng thời với globulin miễn dịch nhưng ở vị trí khác và dùng bơm tiêm riêng.

Độ ổn định và bảo quản

globulin miễn dịch tiêm bắp cần được bảo quản ở nhiệt độ lạnh từ 2 - 8 độ C và không được để đông băng. Thời hạn dùng của globulin miễn dịch tiêm bắp không được quá 3 năm kể từ ngày xuất khỏi kho lạnh (5 độ C) của nhà sản xuất.

Bài viết cùng chuyên mục

Geloplasma: thuốc thay thế huyết tương

Geloplasma dùng làm dung dịch keo thay thế thể tích huyết tương trong điều trị tình trạng giảm thể tích máu tuyệt đối và tương đối, đề phòng hạ huyết áp.

Grovit

Sirô Grovit được chỉ định điều trị tình trạng thiếu vitamin và dùng như một nguồn bổ sung dinh dưỡng trong chế độ ăn, đáp ứng nhu cầu vitamin gia tăng trong các trường hợp như trẻ đang lớn, chăm sóc sau phẫu thuật và các bệnh nhiễm trùng nặng.

Gran

Giảm bạch cầu trung tính dai dẳng ở bệnh nhân nhiễm HIV tiến triển để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn khi các giải pháp khác giúp điều trị giảm bạch cầu hạt trở nên không thích hợp.

Glotamuc: thuốc làm loãng đàm khi viêm đường hô hấp

Glotamuc làm loãng đàm được chỉ định trong các trường hợp sau: ho cấp tính do tăng tiết chất nhầy quá mức, viêm phế quản cấp và mạn, viêm thanh quản - hầu, viêm xoang mũi và viêm tai giữa thanh dịch.

Galcanezumab: thuốc điều trị đau nửa đầu

Galcanezumab là một loại thuốc theo toa được sử dụng để điều trị dự phòng chứng đau nửa đầu và điều trị chứng đau đầu từng cơn ở người lớn, tên thương hiệu khác như Emgality, Galcanezumab-gnlm.

Glimepiride: thuốc điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2

Glimepiride được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu cao ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Nó cũng có thể được sử dụng với các loại thuốc tiểu đường khác.

Glimvaz: thuốc điều trị đái tháo đường tuýp 2

Glimvaz được chỉ định như một thuốc hỗ trợ cho chế độ ăn kiêng và luyện tập để làm giảm nồng độ glucose huyết ở bệnh nhân bị đái tháo đường không phụ thuộc insulin mà sự tăng đường huyết không thể kiểm soát được.

Glucarpidase: thuốc giải độc methotrexate

Glucarpidase được sử dụng để điều trị nồng độ methotrexate độc trong huyết tương (lớn hơn 1 micromole / L) ở những bệnh nhân chậm thanh thải methotrexate do suy giảm chức năng thận.

Glucobay

Glucobay là một pseudotetrasaccharide, có nguồn gốc vi khuẩn, ở niêm mạc ruột non, acarbose tác động bằng cách ức chế cạnh tranh.

Gold Bond Anti Itch Lotion: kem dưỡng da chống ngứa

Gold Bond Anti Itch Lotion là sản phẩm không kê đơn được sử dụng để giảm ngứa tạm thời liên quan đến bỏng nhẹ, kích ứng da nhẹ, cháy nắng, chàm hoặc bệnh vẩy nến.

Glibenclamid

Ðiều trị đái tháo đường không phụ thuộc insulin (typ 2), khi không giải quyết được bằng chế độ ăn uống, giảm trọng lượng cơ thể và luyện tập.

Gabapentin: thuốc chống động kinh, điều trị đau thần kinh

Gabapentin hấp thu qua đường tiêu hóa theo cơ chế bão hòa, khi liều tăng, sinh khả dụng lại giảm, thuốc đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau khi uống 2 đến 3 giờ.

Glimepiride Stella: thuốc điều trị đái tháo đường tuýp 2

Glimepiride Stella được chỉ định hỗ trợ cho chế độ ăn kiêng, tập thể dục để làm hạ glucose huyết ở những bệnh nhân đái tháo đường không phụ thuộc insulin khi mức glucose huyết không được kiểm soát thỏa đáng bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục.

Guanabenz: thuốc điều trị tăng huyết áp

Guanabenz được sử dụng để điều trị huyết áp cao (tăng huyết áp). Guanabenz có sẵn dưới các tên thương hiệu khác như Wytensin.

Glecaprevir Pibrentasvir: thuốc điều trị viêm gan C mãn tính

Glecaprevir-Pibrentasvir là sự kết hợp của các loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị các triệu chứng của bệnh viêm gan C mãn tính. Glecaprevir-Pibrentasvir có sẵn dưới các tên thương hiệu khác như Mavyret.

Glupin CR: thuốc điều trị đái tháo đường týp 2

Glupin CR điều trị đái tháo đường týp 2 ở mức nhẹ, vừa mà điều trị chưa khỏi bằng kiểm soát chế độ ăn và tập thể dục 2-3 tháng. Tế bào beta tuyến tụy của những người bệnh đái tháo đường này cần phải có chức năng bài tiết insulin nhất định.

Ginkor Fort

Ginkor Fort! Trợ tĩnh mạch và bảo vệ mạch máu (tăng trương lực tĩnh mạch và sức chịu đựng của mạch máu và giảm tính thấm) kèm theo tính ức chế tại chỗ đối với vài hóa chất trung gian gây đau.

Genurin

Genurin, Flavoxate là một thuốc dãn cơ trơn giống papaverine, tuy nhiên, thuốc có tính chất chống co thắt mạnh hơn và ít độc tính hơn các alkaloid của thuốc phiện.

Glucolyte 2

Điều trị duy trì trong giai đoạn tiền phẫu & hậu phẫu, trong bệnh tiêu chảy. Cung cấp và điều trị dự phòng các trường hợp thiếu K, Mg, Phospho & Zn. Dùng đồng thời với các dung dịch protein trong nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.

Ganfort: thuốc giảm áp suất nội nhãn

Ganfort gồm 2 hoạt chất: bimatoprost và timolol maleat. Hai thành phần này làm hạ áp suất nội nhãn (IOP) qua cơ chế tác dụng bổ sung và tác dụng phối hợp, dẫn đến làm hạ thêm áp suất nội nhãn so với khi dùng từng thành phần riêng rẽ.

Galcholic 200mg: thuốc điều trị bệnh gan mật

Galcholic 200mg là thuốc được chỉ định điều trị xơ gan mật nguyên phát, viêm xơ đường dẫn mật, sỏi túi mật cholesterol, thuốc sẽ giúp người bệnh hồi phục sức khỏe nhanh chóng.

Giberyl 8/Giberyl 12: thuốc điều trị triệu chứng sa sút trí tuệ nhẹ đến trung bình

Giberyl 8/Giberyl 12 điều trị triệu chứng sa sút trí tuệ nhẹ-trung bình trong bệnh Alzheimer. Nên uống 2 lần/ngày, tốt nhất vào bữa ăn sáng và tối. Đảm bảo uống đủ nước.

Granulocytes (bạch cầu hạt): thuốc điều trị giảm bạch cầu trung tính

Granulocytes là một loại bạch cầu được sử dụng như một liệu pháp hỗ trợ cho những bệnh nhân bị giảm bạch cầu trung tính nặng.

Guarana: thuốc giảm cân

Guarana để giảm cân, tăng cường hiệu suất thể thao, giảm mệt mỏi về tinh thần và thể chất, hạ huyết áp, hội chứng mệt mỏi mãn tính, chất kích thích, lợi tiểu và chất làm se, và để ngăn ngừa bệnh sốt rét và bệnh kiết lỵ.

Gemcitabine: thuốc điều trị ung thư

Gemcitabine là một loại thuốc theo toa được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tụy, ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, ung thư vú và ung thư buồng trứng.