Mộc nhĩ lông, tác dụng nhuận tràng

2018-03-25 10:01 PM
Nấm mọc đơn độc hay thành cụm trên thân gỗ mục trong rừng. Nấm mọc quanh năm, nhiều nhất là sau khi mưa và nơi ẩm. Có thể gây trồng làm thực phẩm trên các loại cây mồi như So đũa

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Mộc nhĩ lông, Nấm tai mèo lông, Nấm mộc nhĩ lông - Auricularia polytricha (Mont.) Sace., thuộc họ Mộc nhĩ - Auriculariaceae.

Mô tả

Mũ nấm dạng tai, mép hơi cuộn vào lúc còn non. Khi nấm già mép phẳng ra. Lúc non nấm có màu nâu hoặc nâu tím, sau nâu hồng, rồi nhạt dần khi nấm già. Mặt mũ phủ lông thô, màu trắng, có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Thịt nấm dày 1 -3mm. Cuống nấm rất ngắn, trông như không có.

Bộ phận dùng

Thế quả của Mộc nhĩ - Auricularia.

Nơi sống và thu hái

Nấm mọc đơn độc hay thành cụm trên thân gỗ mục trong rừng. Nấm mọc quanh năm, nhiều nhất là sau khi mưa và nơi ẩm. Có thể gây trồng làm thực phẩm trên các loại cây mồi như So đũa. Xoài, Mít, Vông, Sung, Sồi, Sắn, ôi, Cam, Quít, Gòn, Cao su với đường kính cây trung bình 15-20cm. Đục lỗ bằng búa hay đục để cấy giống nấm. Thanh trùng các dụng cụ, vật liệu. Cấy xong, xếp vào chỗ cao ráo, thoát nước, thoáng khí, mỗi ngày tưới vài lần. Khoảng 30 -40 ngày nấm mọc, xếp lại cho thoáng, 8-10 ngày sau hái nấm, một lít giống sợi Mộc nhĩ cấy ra 30 khúc gỗ dài 1m, mỗi tháng có thể thu được 10-15kg nấm tươi, nếu phơi khô sẽ được 2-3kg nấm khô.

Thành phần hóa học

Mộc nhĩ khô chứa 11,4% nước, 10,5% protid, 65% glucid, 357mg% calcium, 201mg% phosphor 0,55mg% vitamin B2, 2,7mg% vtamin PP.

Tính vị, tác dụng

Vị ngọt nhạt, tính mát; có tác dụng nhuận tràng, hoạt huyết, thông tiểu.

Công dụng

Chữa bệnh trĩ, đái buốt, kiết lỵ, băng huyết, rong kinh, bạch đới, táo bón. Dùng toàn cây nấm sao cháy, mỗi ngày 5-12g tán bột uống hoặc dùng 15-20g dạng thuốc sắc (uống nước và ăn cả bã).