- Trang chủ
- Thông tin
- Danh sách cao đẳng y dược
- Trường cao đẳng Y tế Thái Bình
Trường cao đẳng Y tế Thái Bình
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Trường Y sỹ Thái Bình được thành lập tháng 10/1960 theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế, năm 1974 trường được đổi tên thành trường Trung học Y tế Thái Bình và tháng 1/2008 được nâng cấp thành trường Cao đẳng Y tế Thái Bình. Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, trường đã trở thành trung tâm đào tạo đa cấp, đa ngành có chất lượng trong lĩnh vực Y học và Kỹ thuật Y học. Đội ngũ các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh và sinh viên nhà trường đã đoàn kết, gắn bó cùng nhau vượt qua nhiều thử thách, khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị và xây dựng nhà trường phát triển. Phấn khởi và tự hào, đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh và sinh viên nhà trường cùng nhau ôn lại những chặng đường lịch sử đã qua.
Từ 1960-1965 là giai đoạn thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong thời gian này, hệ thống Y tế tỉnh Thái Bình cũng như cả nước còn thiếu và yếu. Nhiệm vụ cấp bách đặt ra là phải tập trung đào tạo, bổ sung và bổ túc bồi dưỡng lực lượng Y tế cơ sở. Tháng 10/1960, Bộ Y tế quyết định thành lập trường Y sỹ Thái Bình trực thuộc sự quản lý của Bộ Y tế, đặt địa điểm tại 373 phố Lý Bôn (nay là địa điểm của trường Đại học Y Thái Bình) với nhiệm vụ đào tạo Y sĩ theo chỉ tiêu của Bộ Y tế và đào tạo Y tá, Hộ sinh sơ cấp cho tỉnh Thái Bình. Đối tượng tuyển sinh theo chương trình trung cấp là học sinh phổ thông hoặc cán bộ trong ngành theo học các lớp Y sỹ nhà nước, Y sỹ xã cho ngành Y tế Thái Bình. Trường còn được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ Y tế cho nước bạn Lào, Campuchia, đào tạo y sỹ quân Y phục vụ chiến đấu và bổ sung cho các chiến trường B, C, K. Kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, mặc dù mới thành lập còn rất nhiều khó khăn, trường có đủ đội ngũ cán bộ, giáo viên và cơ sở vật chất đào tạo được đội ngũ cán bộ Y tế có chất lượng, đủ sức đảm nhiệm các nhiệm vụ của ngành trong tình hình mới của cách mạng.
Từ 1965-1975: Giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc XHCN. Ngày 25/2/1965, Bộ Y tế có chỉ thị số 12/BYT-CT về việc tăng cường củng cố y tế tuyến trước, chủ yếu là huyện, xã. Năm 1967 do nhu cầu đào tạo, Trường Y sỹ được Bộ Y tế giao nhiệm vụ chiêu sinh chuyên tu đại học và bổ túc cho y tế xã, đến 23/7/1968 Hội đồng Chính phủ quyết định Trường được tách ra thành Phân hiệu Đại học là tiền thân của Đại học y Thái Bình hiện nay và Trường Y sỹ Thái Bình trực thuộc UBND tỉnh Thái Bình, Sở Y tế trực tiếp quản lý và chỉ đạo.
Thực hiện chủ trương sơ tán, trường và các đơn vị thuộc Ty Y tế đóng trên địa bàn Thị xã Thái Bình đều tổ chức sơ tán về nông thôn cách xa thị xã, thị trấn, xa đường giao thông lớn. Trong giai đoạn này, nhà trường đã 5 lần chuyển địa điểm sơ tán:
1965-1966: Xã Đông Thọ, huyện Đông Quan (nay thuộc thành phố Thái Bình).
1967-1969: Xã An Vinh, huyện Quỳnh Phụ.
1969-1970: Xã An Đình, huyện Hưng Hà.
1971-1972: Xã Vũ Phúc, huyện Vũ Thư (nay là thành phố Thái Bình).
Từ năm 1973 trường được xây dựng tại địa điểm mới là địa điểm chính thức của trường hiện nay.
Đây là thời kỳ khó khăn, gian khổ nhất của cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường. Nhiều tấm gương dũng cảm không ngại gian khổ, hy sinh, bám trụ, bám trường, vận chuyển, bảo vệ đồ dùng, phương tiện, mô hình … cho giảng dạy. Rất nhiều các thầy cô tận tụy, hết lòng vì sự nghiệp đào tạo và nhiều thầy cô không quản bom đạn phục vụ tốt việc ăn ở, học tập và giảng dạy. Nhiều học sinh khắc phục khó khăn, vất vả, vẫn học và học tốt trong những lớp học bằng tre, nứa, lá.
Cũng trong thời gian chiến tranh ác liệt này, ngành Y tế Thái Bình đã đạt được những kết quả tốt trong công tác xây dựng, củng cố mạng lưới y tế cơ sở; làm tốt công tác y tế dự phòng, đặc biệt là các phong trào xây dựng 3 công trình vệ sinh phòng bệnh (giếng nước, hố xí 2 ngăn, nhà tắm) do cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch phát động. Trường đã đào tạo y sỹ hệ xã dân lập nhằm đáp ứng cho mạng lưới y tế xã, phường và phối hợp với các huyện đào tạo y tá sơ cấp, đào tạo y sỹ, y tá trung học, nữ hộ sinh trung học đáp ứng cho các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và cán bộ y tế cho Lào, Campuchia, các lớp y sỹ bổ sung cho Quân đội và tham gia phục vụ chiến trường của 3 nước Đông Dương.
Từ 1967, do nhu cầu đào tạo, trường Y sỹ Thái Bình được Bộ Y tế giao chỉ tiêu tuyển sinh chuyên tu Đại học và bổ túc cho Y tế xã. Ngày 23/7/1968, theo Quyết định của Hội đồng Chính phủ, bộ phận chuyên tu đại học của trường Y sỹ được tách ra thành phân hiệu Đại học, tiền thân của trường Đại học Y Thái Bình hiện nay. Trường Y sỹ trực thuộc sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh Thái Bình và ty Y tế Thái Bình.
Năm 1974, trường được đổi tên thành trường Trung học Y tế Thái Bình để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới về đào tạo đa ngành nguồn nhân lực y tế,
Từ 1975-1985: Thời kỳ cả nước thống nhất, tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội. Năm 1975, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương phát động phong trào 5 dứt điểm để thực hiện 5 mục tiêu của ngành:
Dứt điểm 3 công trình vệ sinh: giếng nước, hố xí, nhà tắm.
Dứt điểm về sinh đẻ kế hoạch.
Dứt điểm về thuốc nam châm cứu trên toàn tuyến huyện, xã.
Dứt điểm về quản lý sức khỏe toàn dân.
Dứt điểm về mạng lưới y tế huyện, xã.
Tháng 9/1978, hội nghị Quốc tế về công tác y tế cơ sở đã được tổ chức tại Alma Ata đã thông qua tuyên ngôn thực hiện mục tiêu “Sức khỏe cho mọi người đến năm 2000” và lấy chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) làm phương tiện. Để thực hiện chiến lược CSSKBĐ, nhiệm vụ đào tạo của trường cũng được chuyển hướng. Trong giai đoạn này, nhiệm vụ chủ yếu của trường là tiếp tục đào tạo Y sỹ hệ xã, tuyển sinh dựa trên nhu cầu của các xã, phường. Việc đào tạo thực hiện theo địa chỉ đầu ra và theo quy hoạch cụ thể, đáp ứng phủ kín cán bộ y tế xã, phường, phù hợp với cơ chế quản lý hệ thống y tế dân lập, đảm bảo tỷ lệ sử dụng đầu ra sau đào tạo là 100%. Nhà trường thực hiện Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục. Chương trình đào tạo được hoàn thiện và phù hợp với từng đối tượng, đặt biệt là bám sát chiến lược CSSKBĐ. Công tác đào tạo giai đoạn này cũng được đẩy mạnh, vừa bổ túc chuyên môn, vừa bồi dưỡng nghiệp vụ, ngoại ngữ cho cán bộ Y tế của ngành. Ngoài làm tốt các hoạt động chuyên môn, ngành Y tế Thái Bình còn tham gia chi viện y tế cho các tỉnh phía Nam và nước bạn. Cùng với toàn ngành, trường Trung học Y tế Thái Bình đã chi viện bộ khung cho trường Trung học Y tế Kiên Giang (1977).
Thời kỳ 1986-2000 là thời kỳ hệ thống tổ chức bộ máy của ngành được củng cố và sắp xếp lại để có thể thực hiện tốt chiến lược CSSKBĐ trên cả 3 tuyến: tỉnh, huyện và xã. Mạng lưới y tế cơ sở xã, phường được bố trí theo hướng phát triển y tế xóm, thôn (bình quân 1 cán bộ y tế/1.000 dân) và kiện toàn y tế xã phường với 4 chức danh chuyên môn. Để đáp ứng với yêu cầu mới của ngành, thực hiện 3 chương trình hành động của Bộ Giáo dục: đào tạo, dạy nghề, đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Thực hiện yêu cầu của Bộ Y tế từ đào tạo y sỹ đa khoa chủ yếu chăm sóc sức khỏe cho người bệnh sang đào tạo y sỹ đa khoa chủ yếu chăm sóc sức khỏe cho người dân tại cộng đồng, Trường đã chủ động xây dựng lại chương trình đào tạo.
Chương trình đào tạo y sỹ được chia thành 2 giai đoạn chính:
Đào tạo Y sĩ thân chung (đa khoa) với thời gian 2,5 năm.
Đào tạo chuyên khoa định hướng (Y học dự phòng, Y học cổ truyền, Sản-Nhi) với thời gian 6 tháng đáp ứng 3 chức danh chuyên môn tại trạm Y tế.
Chương trình đào tạo này áp dụng cho Y sỹ K26 đến Y sỹ K38. Sở Y tế chỉ đạo nhà trường phải gắn chặt các hoạt động đào tạo cán bộ Y tế làm chăm sóc y tế tại bệnh viện và chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Nhiệm vụ của nhà trường là vừa phổ cập y tế cộng đồng vừa phải phủ kín mạng lưới và nâng cao chất lượng hoạt động.
Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở được Sở Y tế trình UBND tỉnh phê duyệt theo quyết định số 126/QĐ-UBND, theo đó chất lượng hoạt động y tế cơ sở phải được xây dựng trên cơ sở mạng lưới y tế xóm. Để thực hiện nhiệm vụ này, trường được giao nhiệm vụ tập trung đào tạo y tá, hộ sinh sơ cấp 10 tháng cho các xóm, thôn.
Ngoài việc đào tạo cán bộ y tế cho tuyến cơ sở, trường còn tiếp tục đào tạo y tá trung học, nữ hộ sinh trung học, dược tá sơ học bổ sung cho bệnh viện tỉnh, huyện và đào tạo cán bộ y tế cho Bộ Nội vụ. Việc liên kết đào tạo và đào tạo theo nhu cầu xã hội được tăng cường:
Phối hợp với Bộ Nội vụ (Công an) đào tạo Y sĩ, Y tá, Nữ hộ sinh với tổng số 208 học sinh.
Liên kết với trường Trung học Dược Hải Dương (nay là trường Cao đẳng Dược TW Hải Dương) đào tạo trung cấp Dược, với trường Đại học Y Thái Bình đào tạo phương pháp Nghiên cứu khoa học, với trường Cao đẳng Điều dưỡng Nam Định (nay là trường Đại học Điều dưỡng Nam Định) đào tạo chăm sóc toàn diện cho Y tá, Điều dưỡng.
Giai đoạn này Nhà trường được tiếp nhận tài trợ của tổ chức CISCE, trường đã tổ chức tập huấn cho Ban CSSKND các xã/phường trong tỉnh ( Chủ tịch xã, trưởng Trạm y tế, chủ tịch PN xã…) về kỹ năng lập kế hoạch, quản lý y tế cơ sở, được Bộ y tế đánh giá cao.
Đây là thời kỳ kinh tế đất nước phát triển, ngành Y tế cóbước phát triển mạnh, nhiều bệnh viện được thành lập và nâng cấp, nhu cầu cán bộ Y tế phục vụ cho địa phương và xuất khẩu lao động tăng mạnh. Lúc này cơ sở vật chất của trường còn nhiều khó khăn, 100% là ngói hóa.
Để đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội, trường mở rộng về quy mô, số lượng học sinh và ngành học hàng năm tăng lên. Cơ sở vật chất được đầu tư xây mới:
Ký túc xá 3 tầng khép kín với 280 chỗ ở được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2001.
Nhà học lý thuyết và thực hành 3 tầng được đưa vào sử dụng từ năm 2003.
Khu hiệu bộ 3 tầng đưa vào sử dụng vào năm 2006.
Quy mô đào tạo và ngành đào tạo tăng lên hàng năm, năm 2001 trường đào tạo 2 ngành Trung cấp với quy mô 200 học sinh, đến năm 2008 trường đào tạo 6 ngành Trung cấp với quy mô 1200 học sinh.
Được sự giúp đỡ của dự án EU-Việt Nam, nhiều lượt cán bộ, giáo viên trường được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn trong và ngoài nước về chuyên môn, nghiệp vụ. Chất lượng đào tạo được nâng lên rõ rệt, các phương pháp đánh giá, lượng giá hiện đại, khách quan như thi trắc nghiệm trên máy tính, thi thực hành bằng hình thức nhiều trạm (OSPE) được áp dụng trong trường từ năm 2003.
Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Thái Bình lần thứ 17 đã xác định nâng cấp trường Trung cấp Y tế thành trường Cao đẳng Y tế. Nhà trường đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành quan tâm đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng cơ bản điều kiện của trường cao đẳng. Cùng với đó là sự quyết tâm của Đảng bộ, Ban lãnh đạo, cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường phấn đấu, nỗ lực nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo. Nhà trường đã tích cực chuẩn bị các hệ điều kiện và lập Đề án nâng cấp trường trở thành trường cao đẳng.
Được sự quan tâm, ủng hộ của các Bộ, Ngành, UBND tỉnh Thái Bình và các sở, ban, ngành, ngày 21/1/2008, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định số 333/QĐ-BGDĐT quyết định thành lập trường Cao đẳng Y tế Thái Bình trên cơ sở trường Trung học Y tế Thái Bình.
Sau khi được thành lập, trường đã xây dựng Đề án tổ chức trình UBND tỉnh phê duyệt, xây dựng đề án mở mã ngành Cao đẳng Điều dưỡng chính quy và liên thông, tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngay trong năm 2008.
Đây là giai đoạn bùng nổ về quy mô đào tạo của các trường đào tạo Cao đẳng và trung cấp Y trong cả nước. Trường tập trung xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện nghiêm túc cuộc vận động 2 không và cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chất lượng đầu vào của trường luôn ở mức cao, lượng thí sinh trong và ngoài tỉnh đăng ký dự thi vào trường hàng năm tăng lên.
Cơ sở vật chất được tăng cường: đầu tư xây dựng nhà thực hành 3 tầng, nâng cấp phòng máy tính, thư viện và mô hình, trang thiết bị dạy học … Các phòng học được lắp Projector … Đội ngũ cán bộ giảng viên được bổ sung số lượng và chất lượng, năm 2008 có 30 biên chế cán bộ, giáo viên; năm 2010 lên 50 biên chế và hợp đồng 15 giảng viên cơ hữu. Ngoài ra Nhà trường còn mời được trên 45 giảng viên thỉnh giảng có chất lượng tốt từ trường Đại học Y Thái Bình, Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Kinh tế, Đại học Điều dưỡng Nam Định … và các bệnh viện trong tỉnh. Nhà trường xây dựng chính sách thu hút: hỗ trợ Bác sĩ, Dược sĩ về trường công tác do đó đã tuyển dụng được thêm nhiều giảng viên đáp ứng yêu cầu phát triển của Nhà trường. Tỷ lệ giảng viên trên đại học đạt trên 30%. Năm học 2009-2010 có 03 bác sĩ tốt nghiệp Thạc sĩ. Hiện nay có 02 thạc sĩ đang học Nghiên cứu sinh, 01 cử nhân đang học Thạc sĩ và nhiều cán bộ, giảng viên được đào tạo về Chính trị, Quản lý nhà nước, chuyên môn và nghiệp vụ.
Thực hiện nghị quyết của Đảng bộ, Nhà trường thực hiện đa dạng hóa loại hình đạo tạo và mở rộng quy mô, đáp ứng nhu cầu đào tạo của xã hội cùng với việc đảm bảo chất lượng. Hiện nay trường có 02 ngành đào tạo Cao đẳng, 07 ngành Trung cấp (Điều dưỡng, Hộ sinh, KTV xét nghiệm, Y sỹ đa khoa định hướng y học dự phòng và định hướng y học cổ truyền, Y sỹ chuyên khoa y học cổ truyền và Dược sỹ. Nhà trường đang đề nghị thẩm định mã ngành Hộ sinh cao đẳng và trung cấp Dân số Y tế. Quy mô đào tạo hiện nay là 2300 học sinh, sinh viên. Phấn đấu đến 2015 đạt 3000 học sinh, sinh viên.
Giai đoạn này trường tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh, sinh viên. 100% giảng viên, giáo viên có máy tính xách tay, thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, sinh viên. Tăng cường hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính và thi thực hành bằng hình thức thi nhiều trạm. Hàng năm đều tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi và Hội thi học sinh giỏi. Công tác phối hợp Bệnh viện Trường được phát huy. Phòng Chính trị công tác Học sinh, sinh viên được thành lập tăng cường công tác quản lý học sinh, sinh viên trên mọi địa bàn học tập và rèn luyện.
Thực hiện Chỉ thị 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính Phủ về đổi mới quản lý giáo dục Đại học, Nhà trường đã xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình hành động đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012 bước đầu được đánh giá là thực chất và hiệu quả
Với những kết quả và thành tích đạt được, năm 2010, Trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Năm 2010, Nhà trường đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển đào tạo giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Trường được UBND tỉnh phê duyệt diện tích 9,5 ha tại phường Quang Trung để đầu tư xây dựng cơ sở 2, tiến tới xây dựng bệnh viện trường với quy mô 150 giường bệnh.
Địa chỉ: Số 290 Phan Bá Vành - P.Quang Trung - TP.Thái Bình - Tỉnh Thái Bình.
Điện thoại: (036)- 844966, 830941, 830030. Fax: (036)-844966.
Bài viết cùng chuyên mục
Trường Cao đẳng Y tế Kiên Giang
Trường Cao đẳng Y tế Kiên Giang có sứ mạng đào tạo nhân lực y dược chất lượng cao cho tỉnh Kiên Giang và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai
Từ đào tạo Trung cấp chuyển sang đào tạo hệ Cao đẳng với đầy đủ các giảng viên theo các ngành đã khó, việc hoàn thiện đội ngũ, đảm bảo chất lượng.
Trường Cao Đẳng Y tế Hải phòng
Tháng 3/2008 trường Trung học Y tế Hải Phòng được nâng cấp thành trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng theo Quyết định số 1279 /QĐ- BGD&ĐT ngày 24 tháng 03 năm 2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trường Cao đẳng y tế Quảng Ninh
Nghiên cứu, triển khai khoa học-công nghệ các ngành học; thực hiện gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp y tế.
Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ
Đối tượng tuyển sinh: Học sinh đã tốt nghiệp các ngành: Cử nhân điều dưỡng, Điều dưỡng trung cấp, hộ sinh trung cấp, Dược sỹ trung cấp.
Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh
Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ có trình độ Cao đẳng và các trình độ thấp hơn gồm các chuyên ngành chủ yếu Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỷ thuật y học, Y học cổ truyền, Dược.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật Y tế II
Địa chỉ 99 Hùng Vương, TP Đà Nẵng, Điện thoại 0511 3892062
Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông
Quản lý giảng viên, cán bộ, nhân viên; xây dựng đội ngũ giảng viên của Trường đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu trình độ chuyên môn
Trường Cao đẳng Y tế Lạng Sơn
Quản lý giảng viên, cán bộ, nhân viên; xây dựng đội ngũ giảng viên của trường đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu trình độ, ngành nghề, tuổi và giới.
Trường cao đẳng y tế Hà nội
Xây dựng chương trình đào tạo, kế hoạch giáo dục, và học tập cho các đối tượng đào tạo của trường trên cơ sở chương trình khung do Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Y tế ban hành.
Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hoá
Thực hiện được đầy đủ và thành thạo các kỹ thuật chăm sóc điều dưỡng cơ bản và thực hiện được một số kỹ thuật điều dưỡng phức tạp của chuyên khoa theo sự phân công của điều dưỡng phụ trách.
Trường Cao đẳng Y tế Hà Nam
Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng các thành tựu khoa học để chăm sóc sức khỏe nhân dân
Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương
Phát triển quy mô đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực y tế, góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân.
Trường Cao Đẳng Y tế Huế
Đến tháng 7/1989, Trường Trung học Y tế Bình Trị Thiên được đổi tên thành Trường Trung học Y tế Thừa Thiên Huế làm nhiệm vụ đào tạo cán bộ y tế trung học cho 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa
Năm học 2006 –2007 đã tuyển sinh khóa Cao đẳng điều dưỡng đa khoa chính qui đầu tiên với chỉ tiêu trên 100 sinh viên cung với 300 chỉ tiêu trung cấp ở các ngành điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ trung học.