- Trang chủ
- Sách y học
- Bài giảng tai mũi họng
- Bệnh học viêm tấy quanh amiđan
Bệnh học viêm tấy quanh amiđan
Viêm tấy mủ quanh amiđan có thể tự vỡ, chảy mủ vào họng và để lại sẹo cứng, rúm. Mủ cũng có thể qua thành họng vào khoang trước trâm hay dưới hàm gây viêm tấy mủ quanh họng.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Khái niệm
Viêm tấy quanh amiđan là sự viêm nhiễm của tổ chức liên kết lỏng lẻo ở bên ngoài vỏ bọc amiđan. Bệnh thường thấy ở thiếu niên và người trẻ tuổi. Tuy vậy người lớn tuổi đôi khi cũng mắc.
Nguyên nhân
Bệnh thường sảy ra do có ổ viêm ở bên cạnh chủ yếu do viêm amiđan, đôi khi gặp do viêm lợi…
Xuất phát từ ổ viêm bên cạnh lan bằng con đường bạch huyết thâm nhập vào tổ chức quanh amiđan gây ra viêm tấy quanh amiđan. Có khe ở cực trên amiđan gọi là khe (Sinus Tourtual) rất dễ viêm nhiễm và lan rộng xuống dưới. Cũng có khi các viêm nhiễm ở đáy lưỡi cũng gây nên viêm quanh amiđan
Chẩn đoán xác định
Sốt 38-390C, người mệt mỏi, bộ mặt nhiễm khuẩn.
Đau họng rõ rệt, thường đau lan lên tai, đau tăng khi há miệng, khi nuốt nên bệnh nhân có ứ đọng nước bọt trong miệng, hơi thở hôi. Đặc biệt chỉ khu trú ở một bên họng.
Hạch góc hàm to và đau ở một hoặc hai bên.
Khám họng: niêm mạc họng đỏ, thành bên họng sưng tấy đỏ bầm. Tuỳ theo vị trí của ổ mủ có:
Thể trước trên: thường hay gặp nhất, ổ mủ ở vùng trước trên quanh bao amiđan làm màn hầu và 1/3 trên trụ trước sưng phồng, căng, mềm, lấn vào trong họng. Lưỡi gà cũng nề, tấy và bị đẩy lệch sang bên đối diện. Amiđan bên bệnh to, bị đẩy dồn vào trong và xuống dưới, mặt tự do bị che lấp một phần, phần còn lại có những đám mủ hay giả mạc trắng.
Thể sau: ổ mủ ở phía sau của bao amiđan làm trụ sau phồng, tấy và bị đẩy lấn vào trong họng. Amiđan bên đó bị đẩy ra trước gây nuốt khó, nuốt đau, lan lên tai rõ rệt.
Thể dưới: ổ mủ ở phía dưới bao amiđan, thường gây viêm tấy cả amiđan lưỡi, nên ngoài sưng tấy, phồng một bên amiđan, ta còn thấy đáy lưỡi, nếp lưỡi thanh thiệt cũng bị tấy đỏ, sụn thanh thiệt cụp xuống che lấp một phần thanh quản. Bệnh nhân thường đau tăng rõ rệt khi nuốt, khi cử động lưỡi, nói không rõ tiếng và khó thở nhẹ.
Chẩn đoán phân biệt
Giang mai giai đoạn II: màn hầu sưng đỏ nhưng không đau, BW (+).
Ung thư amiđan khẩu cái: thương tổn toàn bộ bề mặt amiđan và xâm lấn ra tổ chức xung quanh.
Diễn biến
Viêm tấy mủ quanh amiđan có thể tự vỡ, chảy mủ vào họng và để lại sẹo cứng, rúm. Mủ cũng có thể qua thành họng vào khoang trước trâm hay dưới hàm gây viêm tấy mủ quanh họng.
Gây biến chứng mạch máu như: gây nhiễm khuẩn huyết, viêm tắc tĩnh mạch hay rạn vỡ mạch máu phần amiđan (rất hiếm gặp).
Viêm tấy mủ quanh amiđan thường hay bị tái phát, có khi ngay sau vài tuần, nhất là ở những người có cơ địa suy yếu.
Xử trí
Khi viêm tấy chưa thành túi mủ: điều trị đơn thuần bằng kháng sinh liều cao, đồng thời có khí dung, bôi họng.
Khi túi mủ đã hình thành: cần chích tháo mủ: gây tê tại chỗ bằng Xylocain 6% hay Lidocain 1%.
Dùng dao nhọn, nhỏ chọc vào chỗ phồng nhất, kéo dọc xuống theo đường song song với trụ amiđan dài độ 1 cm, sau đó dùng kẹp Lubet-Barbon đưa vào sâu, banh rộng hai mép cho mủ trào ra hoặc hút sạch. Có thể để một mảnh bấc hay cao su dẫn lưu từ ổ mủ ra ngoài họng.
Sau khi chích tháo mủ, cần cho kháng sinh liều cao trong 10 ngày và theo dõi, nếu thấy bít lại và còn phồng thì cần banh lại để tháo mủ tiếp.
Để tránh tái phát, nên thực hiện cắt amiđan sau vài tuần khi viêm tấy mủ đẫ ổn định.