Gáo không cuống, cây thuốc lọc máu

2017-11-11 10:28 AM
Gỗ được dùng dưới dạng thuốc sắc hay thuốc hãm cho phụ nữ sinh đẻ uống 3 ngày liền sau khi sinh để lọc máu

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Gáo không cuống, Gáo vàng, Mít ma, Bàng nâu - Neonauclea sessilifolia (Hook.f.) Merr (Adina sessilifoliaHook.f) thuộc họ Cà phê- Rubiaceae.

Mô tả

Cây gỗ lớn, nhẵn. Lá thuôn có khi hình trái xoan hay gần hình mắt chim, tròn ở hai đầu, có khi gần hình tim ở gốc, dài 9 - 25cm, rộng 6-18cm, xanh ôliu bạc, bóng loáng ở mặt trên, sáng hơn và mờ ở mặt dưới, dai; các cuống rất ngắn. Hoa thành đầu hình trứng hay hình cầu, cao 2,5 - 4cm, xếp 1- 3 cái trên một cuống chung dài 1,5 - 3cm. Quả nang, dài 8-10mm, rộng 2 - 3mm ở đỉnh, hình nón ngược, có lông mềm ở chóp. Hạt thuôn, rất dẹp, có 1 cánh dài ở hai đầu.

Bộ phận dùng

Vỏ, gỗ, rễ cây - Cortex, Lignum et Radix Neonaucleae.

Nơi sống và thu hái

Cây của Đông Dương và Ân Độ, mọc hoang ở rừng thường xanh từ Lâm Đồng, Đồng Nai tới Tây Ninh, An Giang. Có thể thu hái các bộ phận của cây quanh năm.

Tính vị, tác dụng

Gỗ có tác dụng bổ, lọc máu và nhuận tràng. Vỏ thân bổ, làm săn da và cầm máu. Rễ cầm máu.

Công dụng, chỉ định và phối hợp

Gỗ được dùng dưới dạng thuốc sắc hay thuốc hãm cho phụ nữ sinh đẻ uống 3 ngày liền sau khi sinh để lọc máu. Vỏ dùng chữa viêm lợi và ỉa chảy, lại còn dùng trị ho có thổ huyết, trị đau dạ dày và viêm tử cung. Ở Ân Độ, vỏ cây dùng trị đau ruột và sốt. Ở Campuchia, vỏ được dùng làm uống trị cảm cúm và viêm phế quản. Rễ cũng được dùng để cầm máu.

Đơn thuốc

Chữa nôn ra máu, ỉa ra máu; dùng rễ Phục linh, vỏ Chanh giấy, rễ Nhàu rừng, rễ Gáo không cuống (Gáo vàng) và Tỏi. Các vị hiệp chung, tán ra bột, vò viên áo bằng Chu thần. Mỗi lần có bệnh trên, uống 5 viên, uống nhiều lần trong ngày.