Bệnh mắt liên quan với bệnh nhiễm trùng

2012-11-11 12:04 AM

Ở những người suy giảm miễn dịch, cần phân biệt viêm võng mạc do nấm candida với viêm võng mạc do vi rút cự bào hoặc viêm võng mạc do toxoplasma.

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Mắt có liên quan mật thiết với các cơ quan khác của cơ thể. Nhiều bệnh toàn thân có những biểu hiện ở mắt và nhiều bệnh lí của mắt có thể là dấu hiệu của bệnh toàn thân.

Đối với nhiều bệnh nhân, việc khám mắt không những cho phép phát hiện những tổn thương tại mắt do bệnh toàn thân mà còn giúp xác định chẩn đoán bệnh, tiên lượng bệnh hoặc đánh giá kết quả điều trị bệnh toàn thân.

Nhiều bệnh nhiễm trùng toàn thân do vi khuẩn, kí sinh trùng và nấm có thể gây ra những tổn thương tại mắt. Trong đó, thường gặp nhất là: bệnh lao, bệnh giang mai, bệnh toxoplasma, bệnh nấm Candida.

Bệnh lao

Tổn thương lao ở mắt thường do sự phát triển trực tiếp từ những ổ lao trong cơ thể. Có thể thấy những tổn thương lao ở nhiều bộ phận khác nhau của mắt.

Mi mắt: tổn thương dưới dạng nốt lao trông tương tự chắp.

Kết mạc: viêm kết mạc mạn tính, loét kết mạc, nốt lao kê, nốt hạt lao.

Giác mạc: viêm kết giác mạc bọng, viêm giác mạc kẽ, loét giác mạc, thâm nhiễm hoặc phù giác mạc.

Màng bồ đào: thường có viêm màng bồ đào trước mạn tính. Trong bệnh lao, viêm màng bồ đào thuộc dạng u hạt (viêm mống mắt thể mi có tủa sau giác mạc kích thước lớn, màu trắng đục như mỡ cừu, thường kèm theo những nốt trên mống mắt (nốt Koeppe quanh bờ đồng tử hoặc nốt Busacca trên mặt mống mắt), hoặc viêm màng bồ đào sau dưới dạng những nốt nhỏ rải rác, màu vàng, bờ không rõ.

Viêm thượng củng mạc mắt

Võng mạc: viêm quanh tĩnh mạch võng mạc (tĩnh mạch có một lớp bao trắng, có thể tắc từng đoạn), bệnh Eales (còn gọi là xuất huyết dịch kính tái phát ở người trẻ).

Hốc mắt: lồi mắt, viêm túi lệ.

Thần kinh mắt: liệt thần kinh vận nhãn (nhất là dây thần kinh số VI), giãn đồng tử, rối loạn phản xạ đồng tử, viêm thị thần kinh.

Bệnh giang mai

Tổn thương mắt do bệnh giang mai thường gặp ở thời kì 2 và thời kì 3 và có thể thấy ở hầu hết các bộ phận của mắt.

Kết mạc: săng (loét không đau) hoặc gôm giang mai, viêm kết mạc dạng u hạt.

Giác mạc: viêm giác mạc kẽ (thường gặp nhất trong giang mai bẩm sinh).

Củng mạc: viêm thượng củng mạc hoặc viêm củng mạc, thường kèm theo viêm kết mạc.

Màng bồ đào: viêm mống mắt thể mi (dạng u hạt, thường kèm theo viêm giác mạc kẽ).

Viêm hắc võng mạc, viêm võng mạc-thị thần kinh.

Võng mạc: viêm mạch máu võng mạc, thiếu máu võng mạc, tân mạch võng mạc, bong võng mạc do xuất tiết, tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc.

Thần kinh mắt: viêm gai thị, phù gai, teo thị thần kinh, liệt thần kinh vận nhãn (thường gặp nhất là liệt các dây thần kinh số III và số VI), đồng tử Argyll-Robertson (mất phản xạ đồng tử với ánh sáng nhưng còn phản xạ đồng tử với điều tiết và qui tụ). Tổn hại thị trường do tổn thương ở giao thoa và sau giao thoa thị giác.

Viêm mắt giang mai

Bệnh sarcoit (sarcoidosis)

Bệnh sarcoit là một bệnh đa hệ thống có đặc trưng là sự có mặt của các u hạt không bã đậu ở nhiều bộ phận của cơ thể: phổi (bệnh hạch rốn phổi, thâm nhiễm, dẫn đến xơ hoá phổi và giãn phế quản), da (ban đỏ nút, u hạt ngoài da, luput cước), thần kinh (liệt thần kinh sọ, thâm nhiễm hoặc u hạt nội sọ hoặc tuỷ sống). Chẩn đoán bệnh sarcoit dựa vào chụp xquang ngực, sinh thiết (phổi, kết mạc, tuyến lệ) và các xét nghiệm khác.

Biểu hiện ở mắt của bệnh sarcoit có thể có ở hầu hết các bộ phận:

Mi mắt: thâm nhiễm ở da hoặc các nốt dưới da.

Tuyến lệ: viêm tuyến lệ hoặc thâm nhiễm tuyến lệ gây ra khô mắt. Tổn thương tuyến lệ có thể là biểu hiện của hội chứng Mikulicz (phì đại tuyến lệ và tuyến nước bọt) hoặc hội chứng Heerfordt (phì đại tuyến lệ và tuyến mang tai, viêm màng bồ đào, liệt mặt, gan-lách to).

Kết mạc: những nốt trên kết mạc hoặc viêm kết mạc Parinaud.

Giác mạc: viêm giác mạc kẽ hoặc viêm giác mạc dải băng.

Củng mạc: viêm thượng củng mạc.

Màng bồ đào: viêm mống mắt thể mi cấp tính hoặc mạn tính dạng u hạt, viêm màng bồ đào trung gian.

Viêm màng bồ đào

Võng mạc: viêm quanh tĩnh mạch, tân mạch võng mạc và dưới võng mạc, phù hoàng điểm, thiếu máu võng mạc.

Thị thần kinh: u hạt của thị thần kinh.

Bệnh toxoplasma (toxoplasmosis)

Bệnh toxoplasma là một bệnh do động vật nguyên sinh kí sinh ở mèo. Người có thể là vật chủ trung gian bị nhiễm tác nhân Toxoplasma gondii do ăn thịt chưa chín hoặc thức ăn có bào tử kí sinh trùng, nhiễm qua phân mèo, hoặc qua đường rau thai. Bệnh toxoplasma có thể bẩm sinh hoặc mắc phải.

Mắt do bệnh toxoplasma

Viêm màng bồ đào sau là tổn thương thường gặp nhất, biểu hiện dưới dạng một ổ màu trắng vàng và đục dịch kính phía trên, đôi khi kèm theo một sẹo điển hình (teo hắc võng mạc với tăng sinh sắc tố xung quanh).

Những tổn thương khác có thể gặp: viêm thị thần kinh, viêm mạch máu khu trú, tắc động mạch hoặc tĩnh mạch võng mạc.

Bệnh nấm Candida (candidiasis)

Bệnh nấm Candida albican thường gặp ở những người nghiện ma tuý, người suy giảm miễn dịch (bệnh AIDS, ung thư), bệnh nhân được đặt ống catheter niệu đạo hoặc truyền tĩnh mạch lâu ngày. Tổn thương thường gặp ở da, miệng, đường tiêu hoá và sinh dục. Biểu hiện ở mắt bao gồm:

Viêm võng mạc dạng u hạt hoại tử: gồm nhiều ổ tổn thương bờ không rõ, màu trắng-vàng, có thể kèm xuất huyết võng mạc. Viêm võng mạc thường kèm theo viêm dịch kính, dẫn đến bong võng mạc do co kéo dịch kính tổ chức hoá.

Viêm màng bồ đào trước có mủ tiền phòng.

Viêm nội nhãn, viêm toàn nhãn.

Viêm thị thần kinh.

Viêm mắt do nấm Candida

Ở những người suy giảm miễn dịch, cần phân biệt viêm võng mạc do nấm candida với viêm võng mạc do vi rút cự bào hoặc viêm võng mạc do toxoplasma.

Các danh mục

Sổ tay cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý

Triệu chứng học nội khoa

Triệu chứng học ngoại khoa

Bệnh học nội khoa

Bài giảng bệnh học nội khoa

Bệnh học ngoại khoa

Bệnh học nhi khoa

Bài giảng sản phụ khoa

Bài giảng truyền nhiễm

Bệnh học và điều trị đông y

Bài giảng tai mũi họng

Bài giảng răng hàm mặt

Bài giảng nhãn khoa

Bài giảng da liễu

Thực hành chẩn đoán và điều trị

Bệnh học nội thần kinh

Bệnh học lao

Đại cương về bệnh ung thư

Nội khoa miễn dịch dị ứng

Sách châm cứu học

Bài giảng sinh lý bệnh

Bài giảng miễn dịch

Bài giảng giải phẫu bệnh

Gây mê hồi sức

Sinh lý y học

Phôi thai học

Bài giảng dược lý lâm sàng

Chẩn đoán hình ảnh

Y pháp trong y học

Sách điện tâm đồ

Các bài thuốc đông y hiệu nghiệm

Sách siêu âm tim

Xét nghiệm sinh hóa trong lâm sàng

Tâm lý học và lâm sàng

Thực hành tim mạch

Cẩm nang điều trị

Thực hành chẩn đoán điện tâm đồ bệnh lý

Điều dưỡng học nội khoa

Phương pháp viết báo trong nghiên cứu y học

Hồi sức cấp cứu toàn tập

Điều dưỡng truyền nhiễm

Kỹ thuật điều dưỡng cơ bản

Giải phẫu cơ thể người

Bài giảng huyết học và truyền máu

Những kỹ năng lâm sàng

Bài giảng vi sinh y học

Bệnh nội khoa: hướng dẫn điều trị