Thăm khám điều dưỡng hệ hô hấp (phổi, phế quản)

2013-08-22 11:05 AM

Bình thường nhịp thở từ 12 lần 20 lần phút, dưới 10 lần là khó thở chậm, trên 24 lần là khó thở nhanh, nhịp thở ở trẻ em nhanh hơn người lớn.

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Triệu chứng cơ năng là những triệu chứng mà bệnh nhân cảm thấy, nhận biết rồi khai lại với thầy thuốc và là nguyên nhân đưa bệnh nhân đi khám.

Ho

Định nghĩa

Là một phản xạ có điều kiện, mục đích là tống đờm hay chất lạ ra khỏi đường hô hấp.

Nguyên nhân

Tổn thương đường hô hấp:

Tổn thương đường hô hấp trên như: họng, thanh quản, amidan.

Viêm khí phế quản cấp hay mạn tính, giãn phế quản, u phổi, hen phế quản, các thương tổn chủ mô phổi, bệnh màng phổi, trung thất.

Các bệnh về tim mạch: các bệnh tim mạch làm tăng áp lực tuần hoàn ở phổi như hẹp van hai lá, suy tim trái, nhồi máu phổi.

Các dạng ho

Ho khan (không có đờm).

Ho có đờm: trong đờm có chất nhầy, mủ, máu...

Ho gà: là ho từng chuỗi kế tiếp nhau, càng lúc càng nhanh rồi yếu dần, sau đó có giai đoạn hít vào thật sâu nghe như tiếng gà gáy. Sau cơn ho mặt đỏ, môi tím, hai mí mắt sưng, tĩnh mạch cổ nổi.

Ho lưỡng thanh (hai âm): âm trầm và âm cao xen lẫn nhau do thương tổn dây thần kinh quặt ngược.

Ho tắc tiếng, khàn tiếng.

Khạc đờm

Định nghĩa

Đờm là chất tiết của đường hô hấp gồm có chất nhầy, hồng cầu, bạch cầu, mủ... được tống ra khỏi đường hô hấp sau khi ho.

Nguyên nhân

Áp xe phổi: đờm có mủ lẫn máu, số lượng có thể nhiều hay từng bãi nhỏ như hình đồng xu, có mùi tanh hay rất hôi thối.

Nhồi máu phổi: đờm có màu đỏ bầm, không có bọt.

Phù phổi cấp: đờm thường lỏng, có bọt, màu hồng.

Viêm phổi: đờm màu gỉ sắt, lượng ít và khó khạc.

Hen phế quản: đờm dính, có lợn cợn những hạt gọi là đờm ngọc, sau khi khạc đờm sẽ đỡ khó thở và bệnh nhân thấy dễ chịu.

Giãn phế quản: đờm số lượng nhiều, mùi tanh, khạc nhiều vào buổi sáng, khi để vào ống nghiệm thấy có 4 lớp từ dưới lên là: mủ đặc, nước nhầy, mủ nhầy và trên cùng là bọt.

Các loại đờm

Đờm thanh dịch: là đờm lỏng, trong có ít bọt, tiết ra từ các phế huyết quản, gặp trong phù phổi cấp.

Đờm nhầy.

Đờm mủ: chất nhầy, bạch cầu, tế bào hoại tử, vi trùng có khi lẫn máu.

Đờm máu: máu tươi hay đỏ sẩm, bẩm đen.

Đờm bã đậu: có màu trắng ngà, nhuyễn và dịch nhầy trong u lao vỡ.

Khó thở

Định nghĩa

Là cảm giác bị cản trở khi thở nên phải vận dụng đến sự hoạt động của các cơ hô hấp và cơ hoành. Đây là một triệu chứng chủ quan và cũng là triệu chứng khách quan mà thầy thuốc nhận biết qua sự thay đổi các yếu tố hô hấp bình thường.

Bình thường nhịp thở từ 12 - 20 lần /phút, dưới 10 lần là khó thở chậm, trên 24 lần là khó thở nhanh, nhịp thở ở trẻ em nhanh hơn người lớn, người chơi thể thao nhịp thở chậm hơn người bình thường.

Phân loại khó thở

Khó thở vào: thường gặp do thương tổn hay hẹp đường hô hấp trên như viêm yết hầu, thanh khí quản, bệnh bạch hầu, chèn ép thanh quản, khí quản và phế quản lớn.

Khó thở ra: do co thắt các tiểu phế quản trong hen phế quản, viêm phế quản cấp thường khó thở chậm.

Khó thở cấp tính: là khó thở cả hai thì, khó thở nhanh gặp trong các bệnh làm giảm thể tích hô hấp như viêm phổi, tràn khí, tràn dịch màng phổi, bệnh tim...

Khó thở dạng Kussmaul: là khó thở sâu, chậm. Thở vào: nghỉ, sau đó thở ra: nghỉ, gặp trong trường hợp máu bị nhiễm toan.

Khó thở dạng Cheynes-Stokes: nhịp thở nhanh dần rồi chậm lại dần sau đó nghỉ và tiếp tục như thế, gặp trong thương tổn trung tâm hô hấp như nhiễm độc nặng, chấn thương sọ não.

Khó thở từng cơn: gặp trong hen phế quản.

Khó thở khi gắng sức: trong suy hô hấp mạn, bệnh tim nhẹ.

Khó thở thường xuyên: trong suy tim nặng, suy hô hấp nặng.

Đau ngực

Là một triệu chứng hoàn toàn chủ quan, nên phải hỏi kỹ tính chất của triệu chứng này như hoàn cảnh xuất hiện, vị trí, cường độ, hướng lan, tính chất (liên tục hay từng cơn, thay đổi theo tư thế, tăng khi gắng sức...) và các triệu chứng kèm theo.

Đau xóc ngực

Thường là đau nông, ở đáy ngực, xảy ra đột ngột và nhiều khi kèm theo khó thở cấp, gặp trong viêm phổi, tràn dịch màng phổi...

Đau như dao đâm

Là đau sâu ở một bên ngực, đau dữ dội như có một vật nhọn đâm vào ngực, kèm theo khó thở, vã mồ hôi, mạch nhanh gặp trong tràn khí màng phổi.

Đau thắt ngực

Cơn đau đột ngột hay tăng dần lên ở phía sau xương ức hay vùng trước tim lan lên vai trái và chạy dọc theo mặt trong cánh tay trái, gặp trong nhồi máu cơ tim.

Đau ran trước ngực

Thường đau âm ỉ, liên tục, đau nông, thường gặp trong các bệnh phổi mạn tính.  Tuy nhiên, đau ngực cũng có thể là một triệu chứng của các bệnh ngoài đường  hô hấp như áp xe gan, cơn đau quặn gan, đau thần kinh sườn, đau dạ dày.

Khi khám phải để bệnh nhân ngồi (hoặc nằm) tư thế thoải mái, cân đối, các cơ ngực ở trạng thái nghỉ ngơi, mở hết áo đến thắt lưng, bảo bệnh nhân thở đều và thở bằng mũi. Phải khám kỹ đường hô hấp trên và toàn thân để giúp chẩn đoán nguyên nhân hay chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt các bệnh không phải ở hô hấp.

Nhìn

Phải nhìn toàn thể như: tư thế người bệnh, cách thở, vẻ mặt, màu sắc da, những bất thường trên da, móng tay, chân...

Da

Màu sắc: xem da có tím, tái hay vã mồ hôi không?

Các bất thường ở da như vết sẹo cũ, phù ở ngực, tuần hoàn bàng hệ, các khối u hay các bất thường ở da vùng ngực.

Móng tay chân có khum mặt kính đồng hồ (trong suy hô hấp mạn), ngón tay có hình dùi trống (nung mủ phổi kéo dài)...

Hình thể lồng ngực

Bình thường lồng ngực cân đối hai bên, di động đều theo nhịp thở, nhịp thở làm thay đổi chu vi lồng ngực từ 5-10 cm, tỷ lệ đường kính trước sau và đường kính ngang là 5 : 7.

Lồng ngực hình thùng: là lồng ngực giãn to về mọi phía, đường kính trước sau gần bằng đường kính ngang, các gian sườn giãn rộng, xương sườn nằm ngang, gặp trong hội chứng khí phế thũng.

Lồng ngực hình ức gà: do xương ức bị đẩy ra phía trước nên lồng ngực nhô ra trước như ức gà, gặp trong hen phế quản ở người bị hen từ nhỏ.

Lồng ngực giãn lớn một bên: gặp trong tràn khí, tràn dịch màng phổi, u phổi quá lớn...

Lồng ngực bị xẹp ở một bên: gặp trong xẹp phổi hay dày dính màng phổi.

Lồng ngực bị vẹo một bên: do vẹo cột sống bẩm sinh hay mắc phải.

Lồng ngực còi xương: có hai chuỗi hạt sườn ở hai bên dọc theo các sụn sườn.

Lồng ngực bị phù và có tuần hoàn bàng hệ: do chèn ép trung thất, lồng ngực phù nề và sưng, đau, gặp trong tràn mủ màng phổi.

Sờ

Giúp phát hiện bất thường của các cơ hô hấp, các xương sườn, khoảng liên sườn, tìm các điểm đau, phù và sờ rung thanh.

Định nghĩa: rung thanh là âm nói của bệnh nhân truyền qua thành ngực và dội vào lòng bàn tay của thầy thuốc đặt trên ngực của bệnh nhân, bình thường rung thanh tương đối đều ở hai bên nhưng ở người gầy thường rõ hơn người mập.

Cách khám: bệnh nhân ngồi ngay ngắn, thầy thuốc đặt hai bàn tay lên hai bên lồng ngực đối xứng, các ngón tay nằm ngang theo các khoảng gian sườn, lòng bàn tay áp sát lồng ngực, bảo bệnh nhân đếm 1,2, 3 thì tiếng nói bệnh nhân sẽ rung vào lòng bàn tay thầy thuốc. Khám từ trên xuống dưới, phía trước và phía sau.

Bệnh lý: nếu rung thanh tăng hơn bình thường thì vùng đó bị đông đặc phổi, rung thanh giảm hoặc mất là do tràn khí, tràn dịch màng phổi, dày dính màng phổi.

Gõ trực tiếp

Thầy thuốc dùng các đầu ngón tay phải gõ lên thành ngực bệnh nhân để tìm vùng đục và vùng trong. Phương pháp này ít dùng vì gây đau cho bệnh nhân và ít chính xác.

Gõ gián tiếp

Thầy thuốc dùng ngón giữa bàn tay phải gõ lên lưng các ngón tay của bàn tay trái đặt sẵn trên lồng ngực bệnh nhân, các ngón tay nằm ngang theo các khoảng liên sườn, gõ từ trên xuống, bên phải rồi bên trái, phía trước và phía sau.

Bình thường hai phổi gõ trong, vùng tim và gan gõ đục.

Gõ vang cả hai phổi: gặp trong khí phế thủng toàn thể.

Gõ vang một phổi hay một vùng: trong tràn khí màng phổi.

Gõ đục: tràn dịch màng phổi, xẹp phổi, đặc phổi hay dày dính màng phổi...

Nghe

Để bệnh nhân nằm hay ngồi, tư thế thoải mái, cân đối và thở bằng mũi.

Âm thở

Do âm hầu môn và âm phế bào, nghe êm dịu cả hai thì nhưng thì thở vào rõ hơn, thay đổi tùy vị trí: vùng đỉnh phổi, rốn phổi, nách nghe rõ hơn, người gầy, trẻ con nghe rõ hơn người mập.

Thay đổi cường độ:

Âm phế bào giảm: trong xẹp phổi (tắc phế quản), hẹp phế quản, khí phế thủng, đặc phổi, tràn khí, tràn dịch màng phổi...

Âm phế bào tăng: ở vùng phổi thở bù (trên mức tràn dịch).

Các âm thổi:

 Âm thổi ống là âm hầu môn truyền qua phế quản gặp vùng phổi bị đông đặc nên tăng lên, nghe được cả hai thì nhưng thì thở vào rõ hơn.

Âm thổi hang: là âm hầu môn truyền qua phế quản vào trong một hang rỗng lớn, có vỏ dày và nằm sát lồng ngực, nghe trầm hơn và rõ ở thì thở ra.

Âm thổi vò: là âm thổi hang trong trường hợp hang quá lớn hay tràn khí màng phổi, nghe rất trầm và có khi nghe như tiếng kim khí chạm nhau.

Âm thổi màng phổi: là âm thổi ống bị biến đổi qua lớp dịch mỏng của màng phổi, nghe được ở thì thở ra, gặp trong đặc phổi nằm trong lớp dịch màng phổi.

Các tiếng ran (rales):

Ran nổ: hay ran một thì, nghe được ở cuối thì thở vào, nghe như tiếng rang muối, gặp trong hội chứng đông đặc phổi gây tiết dịch đặc ở trong lòng phế nang.

Ran ẩm: có ran ẩm to, vừa và nhỏ hạt do tiết dịch lỏng trong lòng các phế quản, nghe được cả hai thì, nghe như tiếng nước sôi.

Các ran phế quản: có ran rít và ran ngáy, nghe được ở kỳ thở ra, do hẹp các tiểu phế quản hay co thắt phế quản, có khi nghe cả hai thì.

Âm wheezing: hay âm còi gặp trong chèn ép các phế quản lớn.

Tiếng cọ màng phổi

Do hai lá màng bị viêm dày nên khi thở thì cọ vào nhau nghe như tiếng lá khô chạm vào nhau, nghe được cả hai thì, gặp trong viêm màng phổi khô, giai đoạn đầu và cuối của tràn dịch màng phổi.

Âm nói

Có giá trị như sờ rung thanh.

Bình thường âm nói nghe rõ, đều cả hai bên.

Âm nói giảm: do tràn dịch, tràn khí màng phổi.

Âm nói tăng hay âm vang phế quản gặp trong đông đặc phổi điển hình.

Âm dê là âm nói truyền đến tai thầy thuốc nghe cao giọng như tiếng dê kêu, gặp trong tràn dịch màng phổi.

Tiếng ngực thầm: là âm nói của bệnh nhân đến tai thầy thuốc nghe thì thầm như xuất phát từ thành ngực bệnh nhân, gặp trong phổi có hang.

Âm ho: có giá trị tương đương âm nói, nhưng sau khi ho thì ran nổ nghe rõ hơn, ran ẩm biến mất hay thay đổi, tiếng cọ màng phổi không thay đổi.

Quang tuyến

Soi X quang

Là khảo sát bộ máy hô hấp bằng tia X trên màn huỳnh quang, để xem hoạt động của phổi, cơ hoành, tim, mạch máu trong lồng ngực và những bất thường ở phổi. Phương pháp này có ưu điểm là đơn giản, ít tốn kém, nhanh và có thể làm hàng loạt, xem được những hoạt động của bộ máy hô hấp nhưng nhược điểm là ít chính xác, chủ quan, không lưu trữ được và rọi lâu gây độc hại.

Chụp phim

Đây là phương pháp đơn giản, khách quan và khá tốt trong chẩn đoán bệnh phổi, có thể lưu trữ được.

Tuy nhiên các thương tổn nhỏ khó phát hiện và không thấy được di động của các cơ quan trong lồng ngực.

Khi đọc phim phổi phải lưu ý vùng đỉnh phổi, nách, các góc sườn hoành, nếu cần thiết thì cho chụp phim nghiêng hay chếch.

Chụp cắt lớp

Là chụp phổi theo từng lớp cắt song song từ trước ra sau, giúp xác định vị trí các thương tổn và các thương tổn chồng lên nhau.

Chụp phế quản có cản quang

Là đưa chất cản quang vào trong phế quản rồi chụp phim để khảo sát hình dạng và sự tắc nghẽn của phế quản.

Chụp huyết phế quản

Đưa chất cản quang vào trong tĩnh mạch phổi để khảo sát mạch máu ở phổi.

Khảo sát đờm

Phải lấy đàm từ trong phế quản mới chính xác.

Khảo sát vi trùng bằng soi, nhuộm hay cấy ở môi trường thích hợp. Nếu tìm amíp phải lấy đàm có máu tươi và đem ngay đến phòng thí nghiệm để khảo sát.

Khảo sát sinh học, tìm tế bào lạ, bạch cầu và các chất khác trong đờm.

Khảo sát dịch màng phổi

Qua lâm sàng, X quang và siêu âm người ta chọc lấy dịch màng phổi để xét nghiệm về màu sắc, mùi hôi, sinh hóa (protein, đường...), làm Rivalta, các men, tế bào, vi trùng...

Soi phế quản

Người ta dùng một hệ thống quang học đưa vào trong khí quản và phế quản lớn để khảo sát mặt trong của phế quản và qua đó sinh thiết để khảo sát về tế bào học.

Khảo sát về khí máu

Đo áp lực O2, CO2 trong máu động mạch, bình thường PaO2 = 100 mmHg, và PaCO2 = 40 mmHg.

Đo nồng độ O2 máu động mạch, bình thường SaO2 = 94 - 98 %, pH máu là 7,4.

Thăm dò chức năng hô hấp

Đo dung tích sống: thường khoảng 3,5 lít, thay đổi theo tuổi, vóc dáng, giới...

Tính lưu lượng đỉnh (Peakflow): cho bệnh nhân thở nhanh sâu với tần số thích hợp trong 10 - 20 giây rồi tính ra lưu lượng thở tối đa trong 1 phút. Người trung bình là 120 - 130 lít /phút.

Phản ứng bì lao (IDR)

Người ta tiêm một lượng nhỏ chất tuberculin vào mặt trong da cẳng tay rồi đọc kết quả sau 72 giờ.

Phản ứng IDR âm tính (-): do chưa nhiễm lao, chưa chủng ngừa lao, thuốc thử không đảm bảo chất lượng, cơ địa quá suy kiệt hoặc đang mắc một bệnh nào đó làm mất miễn dịch như AIDS.

Phản ứng IDR dương tính (+): đường kính vị trí tiêm nổi đỏ 8 - 12 mm.

Phản ứng IDR (++): đường kính > 12 mm.

Phản ứng IDR (+++): vị trí tiêm bị loét, nổi bọng nước (bào chẩn), đỏ quá rộng và ngứa...

Bài viết cùng chuyên mục

Thăm khám điều dưỡng bệnh thận tiết niệu

Cầu thận có chức năng lọc, các ống lượn, và quai Henle có chức năng tái hấp thu, và bài tiết, các ống này họp lại đổ vào ống góp, cuối cùng đổ vào tiểu đài thận.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân viêm cầu thận cấp

Viêm cầu thận cấp ác tính, trước kia còn được gọi là viêm cầu thận tiến triển nhanh, tên gọi này đặc trưng có quá trình tiến triển của bệnh là nhanh, tử vong sớm.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân hội chứng thận hư

Hội chứng thận hư đơn thuần nguyên phát, nhạy cảm với corticoid, thường không có tăng huyết áp, không có suy thận và không tiểu máu.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân viêm thận bể thận

Bệnh nhân thường có tiền sử về bệnh thận, và tiết niệu hay đang bị một bệnh lý toàn thân, đột nhiên sốt cao, rét run, đau vùng hông.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân suy thận cấp

Mức lọc cầu thận có thể bị suy giảm hoàn toàn, nhưng nó có thể được hồi phục hoàn toàn một cách tự nhiên, hoặc dưới ảnh hưởng của điều trị.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân suy thận mạn

Hầu hết các bệnh lý thận mạn tính, dù khởi phát là bệnh cầu thận, bệnh ống kẽ thận hay bệnh mạch thận, đều có thể dẫn đến suy thận mạn.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân chạy thận nhân tạo

Muốn lọc máu cho bệnh nhân suy thận, người ta phải thiết lập một hệ thống, một bên là máu cơ thể, một bên là dịch lọc gần giống dịch ngoài tế bào.

Thăm khám điều dưỡng bệnh cơ xương khớp

Khi khám cơ lực có thể quan sát các động tác của người bệnh khi đi lại, mang vác, làm các nghiệm pháp chống đối hay dùng dụng cụ đo cơ lực.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp

Lúc đầu tác nhân gây bệnh, tác động như một kháng nguyên, tuy nhiên đến nay vẫn chưa biết là kháng nguyên gì.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân thoái hóa khớp

Là nguyên nhân chính của thoái khớp nguyên phát, xuất hiện muộn thường ở người lớn tuổi, nhiều vị trí, tiến triển chậm, không nặng.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân viêm cột sống dính khớp

Viêm cột sống dính khớp là một bệnh viêm khớp mạn tính, chưa rõ nguyên nhân, gặp chủ yếu ở nam giới trẻ tuổi

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân bệnh gout

Khi acid uric trong máu tăng cao, các dịch đều bảo hoà natri urat, và sẽ xảy ra hiện tượng lắng đọng urat ở một số tổ chức, đặc biệt là màng hoạt dịch khớp.

Thăm khám điều dưỡng bộ máy tiêu hóa

Hỏi bệnh nhằm xác định thời gian bắt đầu của bệnh, diễn biến và tiến triển của nó, sự liên quan của quá trình bệnh lý hiện tại với tiền sử bệnh tật.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân loét dạ dày tá tràng

Gần đây, người ta ngày càng chứng minh vai trò của Helicobacter Pylori, một xoắn khuẩn gram âm trong bệnh sinh của loét dạ dày tá tràng.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối

Gan lớn nhìn thấy, hoặc sờ thấy dưới bờ sườn phải, cứng, bề mặt không đều, đau nhiều hoặc ít, có khi cố định không di động theo nhịp thở.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa

Aspirin gây chảy máu dạ dày theo các cơ chế sau: Aspirin có chứa các tinh thể acid Salysilic làm ăn mòn niêm mạc dạ dày gây loét chảy máu; Aspirin ức chế sản xuất gastromucoprotein của niêm mạc dạ dày.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân viêm tụy cấp

Trong trường hợp nhiễm trùng nặng cần phối hợp Cephlosporin thế hệ 3, và Quinolon thế thế hệ 2, nếu nhiễm trùng nặng dùng kháng sinh chống kỵ khí.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân xơ gan

Xơ gan mật nguyên phát, đây là bệnh viêm mạn tính đường mật nhỏ trong gan, không nung mủ, gặp ở phụ nữ 30 đến 50 tuổi, biểu hiện ứ mật mạn tính.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân viêm đường mật cấp

Các vi khuẩn tiết ra các men như beta glucuronidase, sẽ biến bilirubin liên hợp thành bilirubin tự do, dễ kết tủa, kết hợp với calci tạo thành sỏi mật.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân ngộ độc thuốc trừ sâu

Ở những người bị nhiễm độc mạn, thường có nồng độ nhiễm độc thấp hơn người chưa từng bị ngộ độc, ở người già, phụ nữ có thai.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân ngộ độc thức ăn

Để xác định tác nhân gây bệnh chính, cần sử dụng nhiều loại môi trường hiếu khí, kỵ khí, môi trường đặc biệt, tùy theo yêu cầu chẩn đoán.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân HIV, AIDS tại cộng đồng

Khoảng 50 phần trăm bệnh nhân AIDS, có sự sa sút tinh thần, và trí tuệ ở nhiều mức độ, nhưng nếu điều trị nhiễm trùng cơ hội có kết quả.

Thăm khám điều dưỡng bệnh nhân tim mạch

Khám tim, cần phải hỏi tỉ mỉ, có phương pháp và có thời gian thích hợp, vì như thế thường thu nhận được các kết quả tốt, giúp cho chẩn đoán và điều trị.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp

Tăng huyết áp động mạch, thường kèm theo những biến đổi về sinh lý bệnh, liên quan đến hệ thần kinh giao cảm, thận, hệ renin angiotensin.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim

Đây là bệnh đang được các quốc gia trên thế giới quan tâm, về nhiều lĩnh vực, như nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh, điều trị và chăm sóc.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân thấp tim

Thấp tim là hậu quả của những đợt thấp khớp cấp, thấp khớp là những đợt viêm khớp do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân hẹp van hai lá

Chủ yếu do thấp tim, số còn lại do bẩm sinh, hoặc do carcinoid ác tính, lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp có người còn cho là do virut Cocsackie gây ra.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân rối loạn nhịp tim

Mạch không đều về nhịp cũng như về biên độ, khó đếm, phải đếm nhịp tim trong 1 phút, nhịp tim, nhịp mạch không trùng nhau.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tai biến mạch não

Nếu nhồi máu lớn, ở thân não thường tử vong, có thể gây hội chứng tháp hai bên nặng hơn là hội chứng giam hãm, liệt tứ chi, liệt dây VI, VII.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Viêm nội tâm mạc ở bệnh nhân tiêm chích ma túy, thường gặp ở nam giới trẻ tuổi, không có bệnh tim, trong đó van ba lá thường hay bị tổn thương nhất.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân phù phổi cấp

Nhiều thuốc, hoặc nhiều chất có thể gây phù phổi cấp, nhưng hay gây ngộ độc là phospho, carbon monoxid, lân hữu cơ, mật cá trắm, rắn độc cắn.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân suy tim

Dày thất do tăng đường kính các tế bào, tăng số lượng ti lạp thể, tăng số đơn vị co cơ mới đánh dấu giai đoạn bắt đầu sự giảm sút chức năng co bóp tim.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân viêm phổi thùy

Khám phổi, có hội chứng đông đặc phổi điển hình, với rung thanh tăng, ấn các khoảng gian sườn đau, gõ đục, nghe âm phế bào giảm.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản

Điều trị nguyên nhân, đồng thời với điều trị triệu chứng, phải làm thông thoáng đường hô hấp, bằng cách làm giảm tiết dịch, chống phù nề.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tràn dịch màng phổi

Tràn dịch màng phổi chiếm tỷ lệ khá cao, so với các bệnh đường hô hấp, điều trị nội khoa nhiều lúc không hiệu quả, để lại nhiều biến chứng và di chứng lâu dài.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân hen phế quản

Viêm mạn tính, gây nên một sự gia tăng phối hợp đáp ứng phế quản, dẫn đến những đợt tái diễn với biểu hiện, khó thở, ran rít và ho.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân áp xe phổi

Áp xe phổi, là một tình trạng nung mủ do hoại tử nhu mô phổi, sau một quá trình viêm cấp, mà nguyên nhân chủ yếu là vi khuẩn mủ, ký sinh trùng.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường

Triệu chứng chủ yếu, đồng thời cũng là triệu chứng quan trọng, để chẩn đoán đái tháo đường lâm sàng, là tăng glucose máu, có glucose trong nước tiểu.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân basedow

Basedow, là một trong những bệnh lý cường giáp thường gặp trên lâm sàng, với các biểu hiện chính, nhiễm độc giáp kèm bướu giáp lớn lan tỏa.

Bài giảng điều dưỡng liệu pháp corticoid

Liệu pháp corticoid, dựa trên tác dụng sinh học của các thành phần glucocorticoid tổng hợp, để áp dụng trong lĩnh vực điều trị nhằm mục đích kháng viêm.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân suy thượng thận cấp

Ngừng corticoid một cách đột ngột, khi đang điều trị cho bệnh nhân suy thượng thận, hoặc ở những bệnh nhân có tuyến thượng thận bình thường.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân thiếu máu

Chức năng dinh dưỡng: máu vận chuyển các chất dinh dưỡng cơ bản là glucose, các acid béo, các vitamin từ các dung mao của ruột non đến các tổ chức tế bào.